Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay từ chức sau cáo buộc đạo văn và lời khai về chủ nghĩa bài Do Thái
Cựu hiệu trưởng trường đại học này nói: ‘Đó không phải là một quyết định dễ dàng đối với tôi.’
Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay đã từ chức sau các cáo buộc đạo văn, một tháng sau khi bà từ chối tuyên bố trước Quốc hội rằng việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái tạo thành hành vi quấy rối.
Trong một bức thư, bà Gay nói rằng việc từ chức “không phải là một quyết định dễ dàng đối với tôi.”
Bà viết: “Rõ ràng là việc tôi từ chức là vì lợi ích tốt nhất của Harvard để cộng đồng của chúng ta có thể vượt qua thời điểm thử thách đặc biệt này bằng cách tập trung vào tổ chức hơn là bất kỳ cá nhân nào.”
Bà không nhận trách nhiệm về các cáo buộc đạo văn cũng như tình trạng căm ghét người Do Thái và Israel trong khuôn viên trường.
Tờ báo sinh viên của trường, The Harvard Crimson, là tờ báo đầu tiên đưa tin bà từ chức. Thời gian giữ chức vụ của bà Gay chỉ kéo dài hơn sáu tháng và ngắn nhất trong lịch sử 387 năm của ngôi trường này.
Bà Gay từng bị cáo buộc đạo văn trong sự nghiệp học thuật của mình.
Theo báo cáo từ The Washington Free Beacon, có sáu cáo buộc đạo văn mới chống lại bà Gay trong một báo cáo ẩn danh được gửi tới Trưởng khoa về Khoa học và Nghệ thuật của trường Hopi Hoekstra, Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu, và Ủy ban Đạo đức Nghề nghiệp.
Vụ bê bối đạo văn này bắt đầu khi hai nhà hoạt động theo phái bảo tồn truyền thống kiêm nhà nghiên cứu tại Viện Manhattan Christopher Rufo và Christopher Brunet đánh dấu các trường hợp đạo văn từ luận án tiến sĩ của bà có tựa đề “Nắm lấy Quyền kiểm soát: Thành công trong Bầu cử của người Mỹ gốc Phi Châu và việc Định nghĩa lại các Chính sách của Mỹ.”
Trong đơn khiếu nại mới, người tố cáo ẩn danh đã cáo buộc bà Gay đạo văn trong cả các ấn phẩm nghiên cứu và luận án của bà, đồng thời kêu gọi trường đại học này mở một “cuộc điều tra mới về hành vi sai trái trong nghiên cứu.”
“Bây giờ tôi buộc phải gửi đơn khiếu nại bổ sung với gần 50 cáo buộc, trong đó có hơn nửa chục trường hợp chưa từng thấy trước đây,” đơn khiếu nại viết.
“Một số trong đó xuất hiện trong một ấn phẩm của bà Gay mà cho đến nay vẫn được cho là không có cáo buộc đạo văn. Những cáo buộc khác nhắm vào luận án của bà.”
Khiếu nại đầu tiên, được đưa ra vào thời điểm đặc biệt rắc rối khi những nhận xét bị nhiều người chỉ trích của bà Gay tại một phiên điều trần của Quốc hội về chủ nghĩa bài Do Thái đã khiến nhiều người nghi ngờ về sự phù hợp của bà cho vị trí hiệu trưởng, liên quan đến 7 trong số 17 ấn phẩm đã xuất bản của bà.
Khiếu nại thứ hai hiện nhắm đến một ấn phẩm thứ tám — một bài báo năm 2001 được cho là đã mượn nguyên văn tài liệu từ ông David Canon, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin.
Cụ thể, đơn khiếu nại mới cáo buộc rằng bà Gay đã lấy bốn câu mà không trích dẫn từ cuốn sách năm 1999 của ông Canon “Chủng tộc, Tái phân chia khu vực bầu cử, và các Đại diện: Những Hậu quả Không lường trước được của các Địa hạt Đa số người Mỹ gốc Phi Châu” và sử dụng bốn câu này trong bài báo “Tác động của các Địa hạt Thiểu số và các Đại diện Thiểu số về việc Tham gia Chính trị ở California.”
Theo Beacon, mặc dù bà Gay đã đưa ông Canon vào danh sách thư mục nhưng bà đã không trích dẫn lời của ông ở bất kỳ đâu trong hoặc gần đoạn văn.
Tuy nhiên, trong phúc đáp khiếu nại mới, ông Canon nói với Beacon rằng ông “hoàn toàn không quan tâm đến các đoạn văn đó,” đồng thời nói thêm rằng vụ việc bị cáo buộc này không đến mức có thể bị mô tả là đạo văn trong học thuật.
“Tôi hoàn toàn không quan tâm đến các đoạn văn đó,” vị giáo sư nói với tờ báo. “Điều này thậm chí còn không giống một trường hợp về đạo văn trong học thuật.”
Luận án này được cho là đã lấy lại toàn bộ một câu từ cuốn sách năm 1997 của giáo sư khoa học chính trị Harvard Gary King, “Một Giải pháp cho Vấn đề Suy luận Sinh thái: Tái tạo Hành vi Cá nhân từ Dữ liệu tổng hợp.”
Ông King là người hướng dẫn luận án cho bà Gay.
“Bà Gay đã không trích dẫn ông King ở đây hoặc sử dụng bất kỳ dấu ngoặc kép nào xung quanh ngôn ngữ nguyên văn,” đơn khiếu nại nêu rõ.
Điều này sẽ bổ sung vào ba điểm sửa chữa trong luận án của bà Gay đã được công bố hồi tháng trước sau khi Công ty Harvard, cơ quan quản lý cao nhất của trường đại học xem xét tài trợ cho những ấn phẩm nghiên cứu đã công bố của bà.
Trong một bản tóm tắt đánh giá ban đầu của họ, một “hội đồng độc lập gồm ba chuyên gia” và một tiểu ban của Công ty Harvard, cơ quan quản lý của trường đại học này, cho biết họ đã tìm thấy “một vài chỗ trích dẫn không đầy đủ” nhưng “không vi phạm các tiêu chuẩn của Harvard về hành vi sai trái trong nghiên cứu.”
Một bức thư có chữ ký của Fellows of Harvard College (hội đồng quản trị của trường đại học Harvard) đã bày tỏ sự cảm kích đối với quá trình phục vụ của bà Gay.
Ông Alan M. Garber, trưởng khoa và giám đốc học thuật, sẽ giữ chức hiệu trưởng lâm thời, trong khi đó việc tìm kiếm người kế nhiệm bà Gay “sẽ bắt đầu vào thời điểm thích hợp.”
Bức thư này đã không đề cập đến những tranh cãi về đạo văn hoặc chủ nghĩa bài Do Thái.
Phiên điều trần về chủ nghĩa bài Do Thái
Việc bà Gay từ chức diễn ra một tháng sau khi bà cho lời khai gây tranh cãi trước Quốc hội về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường đại học, trong bối cảnh cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và nhóm khủng bố Hamas.
Khi Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), Chủ tịch Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, đặt câu hỏi liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có tạo thành hành vi đe dọa hay quấy rối hay không, bà Gay đã lưỡng lự.
“Điều đó có thể, tùy thuộc vào ngữ cảnh,” bà nói.
Bà Gay nói thêm: “Khi những lời hùng biện bài Do Thái chuyển thành hành vi, thì đó là hành vi bắt nạt, quấy rối, đe dọa, đó là hành vi có thể bị kiện và chúng tôi thực hiện hành động.”
Bà Gay sau đó đã đưa ra một tuyên bố xin lỗi về câu trả lời của mình.
“Tôi xin lỗi,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn với The Crimson hôm 07/12. “Lời nói rất quan trọng.”
Bà Gay nói thêm: “Khi lời nói khuếch đại sự đau khổ và đau đớn, tôi không biết quý vị sẽ cảm thấy thế nào ngoài sự hối tiếc.”
Công ty Harvard đứng về phía bà Gay sau lời khai của bà.
Trong phiên điều trần đó, bà Stefanik đã kêu gọi bà Gay từ chức. Trong một tuyên bố, bà đã hoan nghênh việc bà Gay từ chức và gọi hành động này là “quá chậm trễ.”
“Những câu trả lời mất đạo đức của bà Claudine Gay cho các câu hỏi của tôi đã làm nên lịch sử trong những lời khai trước Quốc hội được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử Quốc hội Hoa Kỳ,” bà cho biết.
“Những câu trả lời của bà ấy hoàn toàn thảm hại và thiếu khả năng lãnh đạo về mặt đạo đức cũng như sự liêm chính trong học thuật cần có của Hiệu trưởng Harvard.”
Bà Stefanik gọi việc từ chức này “chỉ là khởi đầu của điều sẽ là vụ bê bối lớn của bất kỳ trường cao đẳng hoặc đại học nào trong lịch sử.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times