Hậu duệ của cựu vương triều Phật giáo: Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử để đòi lãnh thổ Ấn Độ
Trong khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo khu vực biên giới tranh chấp ở Ladakh vẫn leo thang và phía Trung Quốc gần đây đã lấn chiếm lãnh thổ Ấn Độ, hậu duệ của triều đại lâu đời nhất ở Ladakh cho biết gia tộc của ông là minh chứng cho thấy Trung Quốc không có quyền đòi hỏi [chủ quyền] đối với khu vực đó.
“Gia tộc của tôi là một minh chứng; cho đến cả cộng đồng và những người dân du mục đang sống ở phần này của thế giới, họ cũng là một phần của minh chứng này,” vua Raja Jigmed Wangchuk Namgyal, là hậu duệ thứ 34 của cựu vương triều trị vì tại Ladakh, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trong cung điện của ông tại làng Stok, cách Leh, thủ phủ của Ladakh 10.5 dặm.
“Bởi vì những người dân đang trồng trọt và canh tác trên mảnh đất của họ tại một số khu vực nhất định, nhưng tất cả những nơi này hiện nay đã bị người Trung Quốc bao vây… khiến họ không thể chăn thả gia súc được nữa. Những người dân này đều có giấy tờ sở hữu đất đai,” ngài Wangchuk Namgyal, hậu duệ của một vương tộc đã từng cai trị một vương quốc trải dài qua các khu vực từ biên giới Afghanistan ngày nay đến lãnh thổ bên trong Tây Tạng và Nepal cho biết.
Kể từ ngày 15/6, Ấn Độ và Trung Quốc đã lâm vào tình trạng bế tắc [tranh chấp biên giới] ở khu vực Ladakh, khi xảy ra một cuộc xung đột đẫm máu tại Thung lũng Galwan trên Đường kiểm soát Thực tế (LAC), khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Kể từ đó, quân Trung Quốc đã rút lui khỏi Thung lũng Galwan, nhưng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn tiếp tục đóng quân tại một khu vực khác gần Hồ Pangong Tso. Trung Quốc đã từ chối công nhận bản đồ Ladakh mới ra đời sau khi chính phủ Ấn Độ biến Ladakh thành một bang do liên bang quản lý, được gọi là Lãnh thổ Liên bang ở Ấn Độ.
Trung Quốc gọi tình trạng mới của Ladakh là bất hợp pháp, trong khi Ấn Độ qua những phát ngôn mạnh mẽ không kém đã bác bỏ các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về biên giới tranh chấp ở Ladakh.
Đối với ngài Wangchuk Namgyal, những tuyên bố như vậy sẽ chẳng bao giờ kết thúc, và ông tin rằng phía Trung Quốc không có tài liệu lịch sử nào để chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực này bởi vì Trung Quốc hiện đại do chế độ cộng sản cai trị mới có 70 năm tuổi, trong khi đó gia tộc của ông đã bắt đầu trị vì vùng đất này từ năm 980 sau Công nguyên.
“Khi quý vị nói về toàn bộ quan điểm của phía Trung Quốc, đó chỉ là tính từ thời Mao Trạch Đông cho đến hôm nay. Mới qua mấy thập kỷ?”, ngài Wangchuk Namgyal hỏi.
Ông nói, “Khi quý vị nhìn vào lịch sử của Tây Tạng [và so sánh với quan điểm đó] thì sẽ thấy lịch sử của Tây Tạng sâu rộng hơn nhiều. Vùng đất này không do người Trung Quốc xây đắp nên. Phải chăng người Trung Quốc đã xây dựng nên vùng đất này cho họ?” và cho biết thêm rằng tổ tiên của ông đã từng trị vì cả vùng lãnh thổ thuộc Tây Tạng ngày nay. “Vì vậy, vùng đất này có lịch sử vô cùng lâu dài và có câu chuyện riêng về nó.”
Ladakh do vương triều Namgyals trị vì
Vốn có nguồn gốc từ Tây Tạng, gia tộc Namgyal theo giáo phái Drukpa của Phật giáo Tây Tạng và trị vì một vương quốc với trung tâm là Ladakh từ năm 1460 đến năm 1842. Sau đó, vương quốc của họ bị những kẻ thống trị Dogra do người Anh hậu thuẫn chiếm lĩnh, và vương tộc Namgyal đã bị đuổi tới vùng đất theo chế độ phong kiến tại làng Stok, nơi mà phóng viên The Epoch Times đã đến thăm.
Vương tộc Namgyal tiếp tục duy hộ một số tu viện Phật giáo mà họ đã thành lập trong vùng đất này, bao gồm cả Tu viện Hemis nổi tiếng, và họ vẫn được người dân tôn kính và coi là những người lập quốc và trị vì vùng đất Ladakh.
Ngài Wangchuk Namgyal cho biết: “Về Vương triều Namgyal, tôi nghĩ rằng đây là một trong những triều đại lâu đời nhất của phía tây dãy Himalaya. Còn về Ladakh, chúng tôi có một lịch sử rất, rất lâu dài, xét trên phương diện lịch sử, di sản, và các khu vực địa lý mà người Ladakh từng sở hữu trong quá khứ.”
Ông cho biết những vị đứng đầu trong Vương triều Namgyal được gọi là “Pháp [vương] raja”, nghĩa là “các vị vua tôn giáo” với vai trò chính là truyền bá Phật giáo.
“Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi được trao danh hiệu Chosgyan, nghĩa là “Pháp [vương] Raja”, ngài Wangchuk Namgyal nói.
“Về cơ bản, các vị quốc vương Namgyal đã thực sự liên tục truyền bá tinh thần tổng thể của Phật giáo, hoặc đã lưu truyền những câu chuyện khái quát về Phật giáo hoặc về lòng từ bi trong Phật giáo ở một mức độ nào đó và phổ truyền Phật giáo tới bất cứ nơi đâu có thể. Và hơn thế nữa, họ còn xây dựng rất nhiều tu viện và những đền thờ linh thiêng ở bất cứ nơi nào có thể.”
Một trong những bậc tiền bối của ngài Wangchuk và là một trong những quốc vương vĩ đại nhất của Vương triều Namgyal, ngài Sengge Namgyal, đã tái lập Tu viện Hemis vào năm 1672, là tu viện đã tồn tại từ trước thế kỷ 11.
Người Namgyal đến nay vẫn luôn duy trì Tu viện Hemis, nơi gắn liền với di sản tâm linh mà Đạo sư Tây Tạng Naropa đã để lại. Đạo sư Naropa từng là thầy của ngài Marpa, chính là vị sư phụ của Đức Phật Milarepa. Những vị đạo sư này đã thành lập nên giáo phái Drupka thuộc Phật giáo Tây Tạng, mà gia tộc của ngài Wangchuk Namgyal cũng là tín đồ của giáo phái này.
Trong thời kỳ trị vì của mình, triều đại Namgyal cũng xây dựng nhiều tu viện khác như tu viện Hanley, Tak Thok và Chamdrey.
Ngài Wangchuk cho biết “nhà vua và vương quốc” đóng một vai trò rất quan trọng trên thế giới trước khi xuất hiện nền chính trị hiện đại.
Ngài Wangchuk nói: “Thời kỳ đó chỉ có các nhà vua. Vào đầu thế kỷ 12, 13, 14 trên thế giới ở đâu cũng vậy. Lúc đó không hề có chính trị, tất cả đều được các nhà vua cai quản,” và ông nói thêm rằng điều này quả là rất khó hiểu đối với Trung Quốc.
“Họ sẽ luôn nhìn vào mặt phản diện [của thời kỳ lịch sử phong kiến đó], vì vậy họ không tin vào tôn giáo. Họ thực sự không tin vào tất cả những điều này.”
Những lo ngại đối với Ladakh ngày nay
Khi được hỏi có vấn đề gì về mặt chính trị đối với lãnh thổ Ladakh hiện nay, ngài Wangchuk Namgyal cho biết Ladakh là một vị trí chiến lược trên thế giới ngày nay và có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị.
“Đối với chúng tôi, thì người Ladakh chúng tôi có liên quan, phải không? Hoặc chúng tôi với tư cách là một cộng đồng có liên quan, tôi nghĩ vậy – Ladakh rất quan trọng về mặt chiến lược và địa chính trị. Ngoài ra, khi quý vị nhìn vào vùng lãnh thổ này, nó đóng một vai trò rất, rất quan trọng trong một viễn cảnh tổng thể đối với Trung Quốc,” ông nói.
Ông nói, Ấn Độ đã không chơi “quân bài Tây Tạng đúng hướng”, trong khi Ladakh có mối quan hệ rất chặt chẽ và lâu dài với Tây Tạng.
“Đối với Trung Quốc, vụ việc này chỉ xảy ra khi những người cộng sản thực sự đến đó. Trước đó, tất cả những điều này chưa bao giờ xảy ra trong tình huống này,” ông nói.
“Người ta [Trung Quốc] luôn tuyên bố chủ quyền đối với bất cứ cái gì, thì ngược lại chính phủ Ấn Độ cũng có thể nói rằng chúng tôi cũng có chủ quyền như vậy ở nơi đó,” và ông còn nói thêm rằng những tuyên bố như vậy có thể kéo dài bất tận nhưng lịch sử vương tộc của ông là minh chứng cho thấy Trung Quốc không hề có chủ quyền nào ở Ladakh ngày nay.
Ông nói vì Ấn Độ và Hoa Kỳ hiện nay là đồng minh thân cận nên ông ủng hộ việc Hoa Kỳ có “căn cứ chiến lược” ở Ladakh.
Ông cho biết vùng đất Ladakh cho đến đầu năm 2019 vẫn là một phần lãnh thổ của Jammu và Kashmir, trong quá trình tái cơ cấu chính trị, nó đã được chia thành hai lãnh thổ do liên bang quản lý — lãnh thổ ở phía biên giới với Pakistan trở thành Lãnh thổ liên minh của Jammu và Kashmir, và lãnh thổ khác ở phía biên giới với Trung Quốc trở thành Lãnh thổ Liên minh của Ladakh.
“Tất nhiên, chúng tôi đã đấu tranh vì điều đó trong một thời gian rất, rất, rất dài,” ngài Wangchuk Namgyal nói, mô tả phong trào của người dân Ladakh để có quy chế liên bang trực thuộc quốc gia Ấn Độ.
“Đó là một cảm giác tuyệt vời, một điều hết sức tuyệt vời khi chúng tôi có vị thế riêng của mình theo như những gì hiện nay người Ladakh quan tâm,” ông nói và thêm rằng điều này có nghĩa là Ladakh giờ đây có thể khẳng định lịch sử và bản sắc độc đáo của riêng mình.
Ông cho biết mối quan tâm chủ yếu hiện nay của ông là có thể bảo vệ toàn bộ “hệ sinh thái của Ladakh theo đúng tinh thần”.
Mô tả dự định của ông đối với hệ sinh thái, ông nói, “Điều quan trọng là phải bảo vệ di sản văn hóa của Ladakh… hệ thống và tín ngưỡng của người dân… các cơ cấu tu viện mà chúng tôi có, [và] di sản sống.”
Ngài Wangchuk Namgyal tin rằng thế giới ngày nay đã trở thành một ngôi làng toàn cầu và những gì xảy ra ở một nơi trên thế giới sẽ tác động đến tất cả mọi người.
“Phần quan trọng nhất của toàn bộ điều này trong thời đại ngày nay là sự nhẫn nại, từ bi, như tất cả những gì thuộc về Ladakh, và khi quý vị nói đến dãy Himalaya, hoặc khi nói về những ngọn núi, nó thực sự khiến quý vị trở nên khiêm nhường,” ông nói trong thông điệp của mình gửi đến thế giới từ cung điện được bảo tồn theo lối kiến trúc riêng của mình ở Ladakh.
Venus Updhayaya thực hiện
Nguyệt Minh biên dịch