Hai cử nhân biết trước đề thi và đáp án, vì sao vẫn không đỗ?
Vào thời Tường Phù triều Tống, ở Tứ Xuyên có hai người bạn đồng học, cả hai đều thi đỗ cử nhân, cần vào kinh thành thi Trạng Nguyên. Nhưng vì nghèo không có tiền làm lộ phí, đành phải đến nơi khác tìm việc làm, kiếm chút tiền mới lo liệu hành trang lên đường.
Lúc này đã sắp đến cuối năm. Hai người họ sợ chậm trễ ngày thi, liền gấp gáp vội vàng lên đường, đi cả ngày lẫn đêm. Trên đường họ phải đi qua miếu Trương Ác Tử ở Kiếm Môn. Vị Thần Tiên được thờ trong miếu này là Anh Hiển Vương đặc biệt linh nghiệm, nổi tiếng khắp Tứ Xuyên, phàm là người đi ngang qua đều muốn vào miếu cầu khấn. Khi hai cử nhân này đi ngang qua miếu thì sắc trời đã tối, gió to tuyết dày, đi đường vào ban đêm, quả thực là lạnh cóng chịu không nổi. Hai người bèn đến trong miếu cầu khấn, xin Thần Tiên báo cho hai người giấc mộng để đoán biết kết quả cuộc thi sắp tới.
Hai người họ vội vàng qua loa nằm xuống ngủ ngay tại chỗ trên hành lang. Vào đêm khuya, gió tuyết càng lớn hơn. Hai người họ bỗng nhìn thấy trong miếu đèn đuốc sáng trưng, chiếu sáng như ban ngày, mọi người đi tới đi lui, sắp xếp yến tiệc. Chỉ chốc lát sau, tiếng hô mở đường từ xa dần lại gần, âm thanh chấn động bốn phương. Người tới đều toàn là Thần Tiên trên núi và dưới nước. Sau khi các vị Thần Tiên vào tiệc thì cũng mời rượu lẫn nhau như người thường. Hai vị cử nhân này quá sức sợ hãi, nhưng lại không thể làm gì, bèn len lén đứng dậy, núp trong bóng tối quan sát.
Các vị Thần Tiên đã uống xong một vòng rượu, có một vị nói: “Thượng Đế lệnh cho chúng ta sáng tác phú Trạng Nguyên của năm sau, hẳn là nên thảo luận cái đề thi.” Một vị Thần Tiên khác nói: “Cứ lấy đề là ‘Chú đỉnh tượng vật’ (Đúc đỉnh mô phỏng vật) vậy.”
Thế là các vị Thần Tiên mỗi người đều viết một phần, còn cùng nhau sửa chữa, thương lượng. Viết trong thời gian rất lâu mới xong, sau đó thì cao giọng ngâm đọc. Một vị Thần Tiên nói: “Hẳn là gọi linh hồn người sang năm đỗ Trạng Nguyên kia tới, để cho hắn nghe qua một chút.”
Hai người cử nhân này âm thầm cao hứng, nói nhỏ với nhau rằng: “Đây chính là dự định cho chúng ta đó.”
Đến khi trời sắp hừng đông, các vị Thần Tiên đều đứng lên chào từ biệt, rồi ra đi trong tiếng hô mở đường. Trong miếu yên tĩnh trở lại, không khác gì với thường ngày. Hai cử nhân này rất thông minh, đều học thuộc toàn bộ bài phú các vị Thần Tiên làm, vội vàng chép lại, một chữ cũng không sót.
Hai người quỳ xuống trước tượng Thần thờ trong miếu lạy một hồi, rồi vui vẻ phấn khởi lên đường. Họ theo đường lớn mà đi, vừa đi vừa cười nói vui vẻ.
Đến lúc tiếp nhận đề thi của Hoàng Đế, hai cử nhân này lần lượt được bố trí ngồi ở dưới hiên phía đông và hiên phía tây của cung điện. Đề thi do đích thân Hoàng Đế ra đề, chính là “Chú đỉnh tượng vật”, ngay cả vần chân (vần ở cuối câu thơ) đều không có gì sai khác. Vị cử nhân ngồi ở hiên phía đông kia nhớ lại phần bài thi kia đã chép lại khi ở trong miếu, cố nhớ nhưng một chữ cũng không nhớ nổi. Người này bèn đi tới hiên phía tây để hỏi người bạn của mình. Vị cử nhân ngồi ở mái hiên phía tây nhìn thấy bạn của mình đi tới liền nói: “Đề thi Hoàng Thượng ra ứng nghiệm với chuyện ở trong miếu. Nhưng phần bài thi tôi lại không nhớ chút gì cả. Tôi đang muốn đi qua hỏi cậu một chút, hy vọng cậu đừng giấu diếm tôi nha!”
Vị cử nhân ngồi ở dưới hiên phía đông nói: “Tôi đang muốn hỏi cậu đây!”
Hai vị cử nhân này nghi ngờ, chất vấn lẫn nhau: “Khi ở tình huống thiệt hơn trước mắt, mới lộ ra cái gọi là tình bằng hữu thường ngày. Đây là Thần Tiên ban cho, ngươi lại chiếm giữ cho riêng mình, như thế Trời cao có thể phù hộ cho ngươi ư?”
Hai người đều vô cùng tức giận, rất mất hứng, tùy ý qua loa cầm bút viết một bài thi rồi đi ra ngoài.
Chờ đến lúc công bố kết quả thi, cả hai vị cử nhân này đều không đỗ. Người đỗ Trạng Nguyên tên là Từ Thích. Không lâu sau, bài thi của Trạng Nguyên được in ra bán. Hai vị cử nhân cầm ra đối chiếu với bài phú đã chép được ở trong miếu ngày đó, một chữ cũng không sai. Hai người thở dài, lúc này mới hiểu được hết thảy được – mất đều là do trong mệnh đã chú định sẵn rồi. Thế là hai người vứt bút mực, ẩn vào núi sâu, không còn tiếp tục theo đuổi nghiệp bút văn thi cử nữa.
Chúng ta lại kể tiếp một câu chuyện về “Chủ tâm hại bạn, Thiên ý không dung” trong đợt khảo thí:
Thời nhà Minh có hai vị tú tài, đều chủ yếu nghiên cứu học tập “Kinh Xuân Thu”, cũng đều có tài danh. Hai người thường luận bàn với nhau, mối quan hệ cũng rất tốt. Vào đêm trước ngày thi hương, hai người ngủ chung một giường. Tú tài Giáp chờ sau khi tú tài Ất ngủ say, nhẹ nhàng bò dậy, lén lấy cây bút tốt mà Ất chuẩn bị để viết bài thi, cho vào miệng nhai cắn làm hỏng hết lông bút, sau đó lại cất vào giống như cũ.
Ngày hôm sau, tú tài Ất vội vàng đi vào trường thi, không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra. Đến khi cậu viết nháp xong bài thi, rút cây bút tốt đã chuẩn bị ra dùng, mới phát hiện cây bút ấy hoàn toàn không thể viết được nữa, cậu giật mình kinh ngạc, đành phải dùng cây bút viết nháp để viết bài thi. Cây bút viết nháp viết kiểu chữ Khải rất xấu, làm thế nào cũng không thể viết đẹp lên được. Tú tài Ất mượn bút của những người thi ngồi bên cạnh, nhưng không ai chịu cho cậu mượn. Cậu không thể làm gì hơn, nằm gục ở trên bàn khóc nức nở một hồi, định quẳng bài thi đi cho rồi.
Bỗng nhiên cảm thấy có chút mỏi mệt, thấy dù sao cũng không làm nổi bài thi, tú tài Ất bèn gục đầu xuống ngủ gật. Chỉ chốc lát sau cậu hình như cảm thấy có Thần vỗ vào lưng mình và nói: “Nhanh dậy! Viết đi! Nhanh dậy! Viết đi!” Cậu tỉnh dậy, nhìn lại cây bút bị nhai nát kia nay đã trở nên hoàn hảo như mới, liền cầm lấy nó, vừa đầy một bụng hồ nghi vừa viết bài. Chốc lát đã viết xong, cây bút kia lại trở thành bị cắn nát như cũ.
Sau khi nộp bài thi, tú tài Giáp cũng còn ở trong trường thi. Tú tài Ất đi tới hỏi: “Bài thi viết được như ý không?” Giáp nói: “Đâu có! Chỉ là gắng gượng làm xong bài thôi.” Giáp nói xong, khuôn mặt không bất giác ửng đỏ, vội vàng chạy ra ngoài tìm một chỗ khác ở trọ.
Ngày kế tiếp, vì bài thi của tú tài Giáp vi phạm quy định, bị buộc phải dừng thi. Tú tài Ất thuận lợi thi xong, đỗ thủ khoa của “Kinh Xuân Thu”, ngay sau đó lại thi đậu tiến sĩ.
Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy được rằng được – mất trong mệnh đã được định sẵn, phú quý thuộc về người nào, quả thực là do Trời quyết định, sức người là không thể thay đổi.
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ