Hai chiến hạm Hoa Kỳ lần đầu qua Eo biển Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi
Hôm 28/08, hai chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua Eo biển Đài Loan, lần đầu tiên kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc tăng cường gây áp lực quân sự lên hòn đảo tự trị này để trả đũa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi đầu tháng.
Hạm đội 7 cho biết hai tuần dương hạm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Ticonderoga là USS Antietam và USS Chancellorsville đang thực hiện một chuyến quá cảnh thường lệ. Hai chiến hạm này của Hoa Kỳ “quá cảnh qua một hành lang ở Eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ Quốc gia ven biển nào.”
Tuyên bố này viết: “Việc tàu thuyền đi qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Đại tá Thi Nghị (Shi Yi), phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố rằng Quân đội Trung Quốc đang “theo dõi và [giám sát] sát sao” hành trình của hai tuần dương hạm nói trên. Binh lính của họ đang “cảnh giác cao độ nhằm chống trả bất kỳ hành động khiêu khích nào vào bất cứ thời điểm nào.”
Các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan ít nhất ba lần trong năm nay. Lần quá cảnh gần đây nhất được công bố trước chuyến hành trình này là vào hôm 19/07, khi Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng khu trục hạm USS Benfold lớp Arleigh Burke đã đi qua eo biển này.
Các đồng minh của Hoa Kỳ như Canada và Anh cũng điều động các con tàu đi qua tuyến đường thủy hẹp ngăn cách Đài Bắc với Bắc Kinh này.
Nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc xem Đài Loan tự trị là lãnh thổ của mình, sẽ bị chiếm bằng vũ lực nếu cần thiết.
Đầu tháng này, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất xung quanh Đài Loan sau chuyến công du ngắn ngày của bà Pelosi tới hòn đảo này. Trong các cuộc tập trận, vốn chặn đứng các tuyến đường vận chuyển quan trọng của thế giới trong một thời gian ngắn này, quân đội Trung Quốc đã điều động chiến đấu cơ và chiến hạm đến bao vây hòn đảo này. Nhà cầm quyền nước này đã bắn ít nhất 11 hỏa tiễn siêu thanh, trong đó có năm hỏa tiễn rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Hành động gây hấn chống lại Đài Loan tiếp tục diễn ra hôm 28/08. Bộ Quốc phòng Đài Loan báo cáo rằng tám tàu và 23 phi cơ đã được nhìn thấy trong khu vực xung quanh đảo.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, để đáp trả, quân đội nước này đã nhanh chóng điều động các chiến đấu cơ đến xua đuổi, đưa ra cảnh báo vô tuyến, và khai triển các hệ thống hỏa tiễn phòng không để giám sát hoạt động này.
Trong một tuyên bố riêng biệt hôm 28/08, Bộ Quốc phòng lưu ý rằng quân lực của họ đang quan sát hải phận và không phận xung quanh hòn đảo.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times