Grammy đề ra các quy tắc về AI và âm nhạc: ‘Chỉ chấp thuận sáng tác của con người’
Theo hướng dẫn mới được công bố hôm 16/06, Giải Grammy sẽ chỉ chấp thuận các tác phẩm do con người sáng tác và có đóng góp “ý nghĩa”.
Các quy tắc và hướng dẫn mới do Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ được đưa ra trước thềm sự kiện năm tới và giữa những nghi vấn đang được đặt ra xung quanh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong âm nhạc và nghệ thuật.
Viện này nêu rõ (pdf): “Chỉ những tác phẩm do con người sáng tác mới đủ điều kiện được gửi đến để cân nhắc, đề cử, hoặc nhận giải Grammy. Một tác phẩm không có quyền tác giả là con người sẽ không đủ điều kiện có mặt trong bất kỳ hạng mục nào.”
Các tác phẩm có liên quan tới AI sẽ chỉ hợp lệ khi “sự có mặt của con người trong thành phần quyền tác giả trong tác phẩm được gửi đến phải có ý nghĩa và đạt trên mức tối thiểu [không có ý nghĩa]”.
Hơn nữa, tác giả của một sản phẩm AI được kết hợp trong một tác phẩm là không hợp lệ.
Tổng giám đốc Viện hàn lâm: ‘Nhiều điều liên quan đến AI cần được giải quyết’
Tổng Giám đốc Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ, ông Harvey Mason Jr., cho biết “chắc chắn và rõ ràng” là AI sẽ định hình tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc.
Ông chia sẻ với Grammy.com rằng: “Việc không biết chính xác nó sẽ có ý nghĩa hay tác dụng gì trong những ngày tháng sắp tới tới khiến tôi dừng lại suy nghĩ và lưu tâm. Nhưng tôi hoàn toàn thừa nhận rằng AI sẽ trở thành một phần của ngành công nghiệp âm nhạc, cộng đồng nghệ thuật và xã hội nói chung.”
“Vì vậy, chúng ta phải bắt đầu sắp xếp các việc xung quanh vấn đề đó và suy nghĩ xem điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể thích nghi để phù hợp? Làm thế nào chúng ta có thể thiết lập các rào chắn và các tiêu chuẩn? Có rất nhiều điều cần được giải quyết về vấn đề AI vì AI liên quan đến ngành công nghiệp của chúng ta.”
Ông Mason Jr. cho biết các nghệ sĩ, doanh nhân công nghệ, và các nhà lãnh đạo trong ngành đã thảo luận về vấn đề này.
“Tại thời điểm này, chúng tôi sẽ cho phép gửi nội dung và âm nhạc AI, nhưng giải Grammy sẽ chỉ được phép trao cho những tác giả là con người đã có đóng góp sáng tạo trong các hạng mục phù hợp.
Ông nói thêm: “Nếu có giọng AI hát bài hát hoặc nhạc cụ AI, chúng tôi sẽ cân nhắc Nhưng ở mục sáng tác nhạc, điều đó chủ yếu phải do con người thực hiện. Hạng mục biểu diễn cũng như vậy—chỉ một nghệ sĩ biểu diễn là con người mới có thể được cân nhắc trao giải Grammy.”
Vai trò mới nổi của AI trong âm nhạc
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của Chat GPT, một công cụ được trợ giúp bởi AI có thể truy cập rộng rãi và thu hút công chúng tham gia vào tất cả các thể loại trò chuyện, đã đặt ra các câu hỏi về vai trò của nó trong xã hội.
Các câu hỏi chính được đặt ra bao gồm tác động của AI đối với việc làm, liệu thông tin do AI cung cấp có đáng tin cậy hay không, và những câu hỏi rộng lớn hơn như chủ đề về sự tồn tại của con người rằng liệu AI sẽ vượt qua hoặc thay thế con người được hay không (hoặc đạt được “tính cá biệt” hay không).
Một cuộc tranh luận tương tự xảy ra vào năm 1996 khi các nhà khoa học nhân bản thành công một con cừu cái, Dolly, đã đặt ra câu hỏi liệu nhân bản con người có phải là bước tiếp theo hay không.
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và chính phủ ở các nước phát triển đang nghiên cứu cách kiểm soát sự phát triển của AI trong những năm tới.
Trong không gian sáng tạo này, AI đã được sử dụng để tạo ra “âm nhạc” và “nghệ thuật”, điều này cũng buộc Nghiệp đoàn Nhà văn Hoa Kỳ và Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh phải tranh cãi về cách đối phó với công nghệ này.
Trong lĩnh vực âm nhạc, AI đã mô phỏng các ca sĩ nổi tiếng (hoặc đã qua đời) để biểu diễn các bản hit hiện có của các nghệ sĩ khác.
Ví dụ: Ông Freddie Mercury, ca sĩ chính đã qua đời của ban nhạc rock Queen của Anh Quốc, đang hát lại ca khúc Thriller của ca sĩ Michael Jackson và ca khúc Perfect của ca sĩ Ed Sheeran trên YouTube.
Trong khi cựu thành viên nhóm nhạc Beatle, ca sĩ Paul McCartney, vừa công bố rằng ca khúc cuối cùng của ban nhạc Anh Quốc này sẽ được phát hành trong năm nay với sự trợ giúp của AI.
Ca khúc mới được cho là dựa trên bản thu âm sơ bộ bài hát “Now and Then” của ca sĩ John Lennon từ năm 1978. Ông Lennon đã thực hiện bản thu âm này trên một cuộn băng cassette cũ trong căn hộ của mình ở thành phố New York trước khi qua đời.
Theo ông Peter Jackson, đạo diễn của bộ phim tài liệu Get Back sản xuất năm 2021, mặc dù bản thu âm đó có chất lượng âm thanh kém, nhưng AI đã được sử dụng để trích xuất và nâng cấp giọng hát của Lennon.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times