Gieo mầm thiện niệm trong trái tim
Có một chàng trai trẻ đi đến túp lều cỏ trong núi, muốn xin chỉ giáo của một vị lão tiên sinh về việc: làm thế nào để tâm mình có thể thanh thản và an bình.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên chàng trai này đến xin thỉnh giáo lão tiên sinh. Nhưng sau khi chàng trai xuống núi, đã thực hành một khoảng thời gian, vẫn không thể tìm ra được yếu lĩnh, thế là cuối tuần anh lại đi vào trong núi. Chàng trai cho rằng, để cho tâm mình an bình, nhất định là có lối tắt, có phương pháp tốt.
Lão tiên sinh vẫn như thường lệ trả lời chàng trai, bảo anh quan sát thêm, khi tâm động thì niệm dấy lên là gì, xem đó là thiện hay ác, và hãy kiềm chế những ý niệm không tốt. Lão tiên sinh đã nói nhiều lần, cũng nhiều lần nghiêm túc nhắc nhở chàng trai. Nhưng chàng trai vẫn không mấy lưu tâm.
Cho nên lần này, khi chàng trai nghe lão tiên sinh nói lại giống hệt như vậy, trong lòng đã sinh ra một tâm lý phản đối: Ôi, lão tiên sinh, một niệm đầu mà thôi, tôi thực sự sẽ không đi làm chuyện xấu. Huống chi, mỗi ngày bôn ba mệt mỏi, bề bộn công việc, ý niệm sinh ra nhiều lắm, chúng giống như những con ong vo ve trong đầu của tôi thôi. Hơn nữa, tôi tóm được bọn chúng sao? Ngài bảo tôi quan sát niệm dấy lên, nếu tôi biết đó là thiện thì sao ? Là ác thì thế nào? Tôi chẳng phải vẫn là tôi sao? Tôi cũng không thấy mình có gì thay đổi cả!
Chàng trai trẻ đứng dậy, từ biệt lão tiên sinh, xoay người đi xuống núi. Lão tiên sinh nhìn bóng lưng chàng trai, chỉ khẽ mỉm cười.
Trên đường đi, chàng trai gặp hai ông cháu đang đi dạo trên núi. Người ông một tay kéo cậu bé, tay kia chỉ vào cái cây to nói, “Cháu nhìn đi, đây là cây bồ đề, cây trăn, còn bên này là cây dâu tằm…”
Người cháu hỏi: “Ông ơi, những cây này thật cao lớn. Hạt giống của chúng hẳn là cũng rất lớn phải không ạ?”
Người ông hiền từ nhìn đứa cháu, cười nói: “Đừng thấy chúng đều cao lớn như vậy, kỳ thực hạt của chúng, không lớn hơn hạt mè bao nhiêu đâu.”
Người ông nhặt những hạt cây rơi vãi trên mặt đất lên, rồi kể cho cháu trai một câu chuyện ngụ ngôn. Ông lấy cây dâu tằm và cây cỏ dại làm ví dụ. Khi còn là những hạt cây, thì dù là ngoại hình, độ lớn nhỏ, hay là trọng lượng, chúng đều không chênh lệch nhau bao nhiêu, thậm chí còn rất khó phân biệt.
Nhưng cây dâu tằm nói, “tôi muốn hướng thiện làm việc tốt, trở thành một người tốt, mãi mãi làm một người thiện lương.” Vì vậy, hạt cây dâu chỉ yêu cầu tâm mình hướng thiện, nói lời nhân hậu, làm việc thiện, cho dù gặp cuồng phong bão tố hay sương tuyết băng giá, thì nó vẫn giữ vững tấm lòng thiện lương, không bao giờ oán hận. Cứ như vậy, cây dâu tằm ngày càng lớn, càng cao.
Hạt cây dâu tằm giữ vững gốc rễ thiện lương, cho nên sau khi nó lớn lên, toàn thân đều là quý giá: lá dâu có thể dùng nuôi tằm kéo tơ, dệt thành gấm vóc tuyệt đẹp; trái dâu tằm có thể giúp đen tóc sáng mắt; vỏ và rễ, ngay cả lá của nó đều là loại thuốc hay, có thể trị bệnh cho con người. Nhờ kiên trì với thiện niệm trong tâm của mình, hơn nữa hàng năm đều không ngừng nỗ lực, cây dâu tằm phát triển tốt tươi, dưới sự che chở của Trời cao, ngày một cao lớn, khỏe mạnh.
“Ông nội, lớn lên cháu cũng muốn giống như cây dâu vậy.” Người cháu nghe ông kể chuyện, mở to mắt đôi mắt long lanh cảm thán, rồi lại hỏi: “Ông ơi, vậy còn hạt cây cỏ dại thì thế nào?”
Người ông ngắt một thân cỏ dại khô héo, tách hạt bên trong ra, rồi nói: “Cháu nhìn xem, hạt cỏ dại nhìn qua thì to hơn hạt dâu tằm một chút. Nhưng hạt cỏ dại khi còn bé quá tham lam, luôn suy nghĩ muốn chiếm hết toàn bộ ngọn núi lớn. Vì để chiếm hết ngọn núi, nó nghĩ ra đủ cách, quấy nhiễu người khác. Khi cây dâu đang còn là một cây non nhỏ mới cao vài phân, thì cỏ dại đã cao đến nửa mét rồi. Cỏ dại vươn thân hình mảnh khảnh, chống nạnh, cười nhạo cây dâu, muốn ganh đua cao thấp với cây dâu. Nhưng cây dâu không để ý đến nó, chỉ dặn lòng nhất định phải giữ gốc thiện lương, không nên nói ra những lời tổn thương người khác. Cây dâu còn nhỏ, vẫn chưa thể ra hoa kết trái, nhưng đã hiểu được cần đem lá dâu nuôi dưỡng tằm con. Bởi vì cỏ dại thường xuyên muốn gây sự, tìm lỗi của người khác, khiến cho nguyên khí bản thân bị thương tổn nặng, vết thương chồng chất, cho nên cuối cùng không thể lớn lên tốt tươi được, rễ, lá và thân thể của nó vẫn luôn nhỏ yếu. Cây dâu và cỏ dại đều được tắm mình trong ánh nắng như nhau, tiếp nhận hạt mưa giống nhau, nhưng cây dâu thiện lương ngày càng cao lớn và khỏe mạnh; còn cây cỏ dại lại ngày một nhỏ yếu, tuổi thọ ngắn ngủi, ngắn đến mức sống không đến mùa đông.”
Vốn dĩ chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn đơn giản, nhưng chàng trai trẻ vô tình đứng nghe lại thấm đến tận đáy lòng. Lại nói, bản tính của chàng trai trẻ cũng không xấu, chỉ là có không ít thói xấu vặt. Chàng trai nghe người ông giảng giải, trong lòng đã minh bạch rồi. Hóa ra lão tiên sinh bảo chàng trai quan sát xem tâm động thì niệm dấy lên ấy là thiện hay ác, là bởi vì những ý niệm kia cũng giống như những hạt giống này, cuối cùng sẽ mọc và lớn lên thành những giống loài khác nhau.
Hạt giống mang thiện niệm sẽ ngày càng trưởng thành, mọc thành cây to lớn cao vút trong lòng người, giống như cây dâu mà người ông đã kể, toàn thân đều quý giá. Cho dù nó không ngừng nỗ lực, Trời cao cũng sẽ giúp nó phát triển ngày càng cao lớn hơn. Mục đích của ông Trời không phải là hy vọng cây dâu lớn lên cao khỏe, mà hy vọng sự trưởng thành của nó sẽ có lợi và giúp ích cho rất nhiều người.
Chàng trai trẻ cũng hiểu được rằng, ác niệm sẽ giống như hạt giống của cỏ dại, nếu không kìm hãm, chúng sẽ sinh trưởng điên cuồng, thậm chí chiếm núi làm vua, cuối cùng sẽ khiến tâm hồn của mình trở nên vô cùng nhỏ bé và yếu ớt. Nhưng cỏ dại dẫu có điên cuồng thế nào, thì cuối cùng cũng không thoát khỏi sự trừng trị của thời tiết. Vừa đến mùa thu thì cỏ dại liền khô héo, còn chưa tới mùa đông nó đã ngã rạp xuống đất, không còn chút sức sống nào.
Do Giản Thu thực hiện
Lý Mai biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ