Giảm năng lượng tái tạo, tăng năng lượng hạt nhân: Pháp định hướng lại chiến lược năng lượng của mình
Pháp nổi tiếng với nhiều nhà máy điện hạt nhân. Qua một cuộc cải cách trong chiến lược năng lượng, nước láng giềng của Đức này hiện đang chú trọng hơn vào năng lượng hạt nhân, trong khi đẩy năng lượng tái tạo lên một vị trí ít quan trọng hơn.
“Phương thức của Pháp hoàn toàn khác với Đức.” Đây là những gì mà ông Victor Warhem, chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Chính trị Châu Âu (CEP) ở Paris, nói về chiến lược năng lượng của cả hai quốc gia. Mặc dù hai quốc gia đều đặt mục tiêu giảm carbon trong sản xuất điện, nhưng giờ đây cách tiếp cận của họ là khác biệt.
Nguyên nhân là vì nước láng giềng của Đức đã điều chỉnh lại chiến lược của mình một lần nữa. Với 58 lò phản ứng và 18 nhà máy điện hạt nhân, Pháp dự định tăng cường hơn nữa sử dụng nguồn năng lượng này trong tương lai.
Sự mở rộng mạnh mẽ của năng lượng hạt nhân
Theo tạp chí tin tức L’Express của Pháp, mới đây chính phủ Paris đã quyết định sửa đổi dự thảo luật về “chủ quyền năng lượng.” Việc cắt giảm các mục tiêu về khí hậu và lựa chọn các nguồn năng lượng ưu tiên là đặc biệt rõ rệt. Theo đó, bộ trưởng cao cấp Bruno Le Maire, hiện tại bên cạnh lĩnh vực kinh tế và tài chính thì ông còn chịu trách nhiệm về lĩnh vực năng lượng, muốn “dành thêm thời gian” cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Tài liệu có tên chính thức là “Projet de loi relatif à la souveraineté énergétique” (Dự thảo Luật về Chủ quyền năng lượng), xác định các ưu tiên năng lượng của Pháp cho đến năm 2030. Về lâu dài, theo tờ Welt, điều đó có nghĩa là năng lượng hạt nhân sẽ chiếm 60-70% trong hỗn hợp nguồn cung cấp điện năng của Pháp.
Trước đây, Pháp đã có dự định bổ sung sáu lò phản ứng mới vào các lò phản ứng hiện có trong những năm tới. Theo chiến lược dự thảo mới, 14 địa điểm sẽ được bổ sung trong tương lai — nhiều hơn 8 địa điểm so với kế hoạch trước đó. Với việc tái tổ chức này, chính phủ Pháp cũng đang suy nghĩ về các mục tiêu chính sách công nghiệp.
Theo hãng truyền thông Table.Media, ông Le Maire luôn là người ủng hộ năng lượng hạt nhân. Ông nói với nhật báo Le Figaro rằng:
“Có trách nhiệm về năng lượng có nghĩa là sở hữu năng lực đẩy nhanh quá trình tái công nghiệp hóa đất nước và thực hiện chương trình hạt nhân của Pháp.”
Cuộc cải tổ này cũng bao gồm các mục tiêu mới nhằm giảm khí thải nhà kính và tiết kiệm năng lượng ở Pháp. Tuy nhiên, các điều kiện mới ít ràng buộc hơn nhiều so với trước đây. Theo cách diễn đạt này, thì đất nước chỉ nên “cố gắng” hướng tới những mục tiêu này trong tương lai. Chính phủ Pháp đã nới lỏng đáng kể các yêu cầu về những điểm này.
Năng lượng tái tạo đang mất dần sự ưu tiên
Các nguồn năng lượng tái tạo từ phong năng, quang năng, thủy điện sẽ bị bỏ lại phía sau trong tương lai. Theo dự thảo mới, các nguồn năng lượng này sẽ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Pháp.
Nhiều bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng và môi trường đã phản ứng đầy thất vọng với chiến lược mới của Pháp. Bởi vì chiến lược này không có bất kỳ mục tiêu và hạn ngạch định lượng nào về quang năng và phong năng, những điều trước đây đã từng được quy định cụ thể trong luật. Thay vào đó, dự thảo luật đề cập trong điều đầu tiên rằng tất cả hạn ngạch về năng lượng tái tạo nên được loại bỏ khỏi các luật liên quan.
Luật sửa đổi cũng là một điều ‘chướng tai gai mắt’ đối với SER, một hiệp hội về năng lượng tái tạo. Theo tờ Welt, SER trả lời rằng, “Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo không được đối chọi nhau.” Hiệp hội này chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Pháp. Họ cần tỉnh táo và ưu tiên năng lượng tái tạo. Theo quan điểm của SER, những nguồn này sẽ đóng góp tới 45% sản lượng năng lượng ở Pháp về lâu về dài.
Phục hưng năng lượng hạt nhân
Trong số các quốc gia công nghiệp lớn, Đức là một trong số ít quốc gia tách mình ra khỏi năng lượng hạt nhân. Hồi tháng Tư năm ngoái (2023), chính phủ liên bang Đức đã đóng cửa ba lò phản ứng cuối cùng. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác, năng lượng hạt nhân hiện đang trải qua thời kỳ phục hưng. Nhiều lò phản ứng mới dự kiến sẽ được xây dựng trên toàn thế giới trong những năm tới.
Chỉ trong tháng 12/2023, tại hội nghị về khí hậu ở Dubai, tổng cộng hơn 20 quốc gia trên bốn châu lục đã ký “tuyên bố về tăng gấp ba lần năng lượng hạt nhân.” Ngoài Ghana, Mông Cổ, và Morocco, chủ yếu là các nước công nghiệp lớn ở phương Tây như Mỹ và Anh đều tham gia. Bên cạnh đó còn có một số quốc gia thành viên EU, Canada, Bắc Hàn, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Pháp muốn tham gia và hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu này. Tuy nhiên, để làm điều đó, đất nước bên bờ Đại Tây Dương này cần phải trả một lượng chi phí lớn, bởi vì lần cuối cùng mà Pháp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới là vào những năm 90.