Ghi lại hành trình khám phá những bí ẩn về khí hậu ở Nam Cực
Các robot có thể lặn sâu sẽ mạo hiểm hàng kilomet dưới bề mặt Nam Đại Dương để xác định xem nó sẽ chống chọi như thế nào trước biến đổi khí hậu trong chuyến đi dài nhất từ trước đến nay của tàu nghiên cứu Investigator của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO).
Hôm 05/01, con tàu nghiên cứu 10 tuổi này đã bắt đầu hành trình khứ hồi dài 9260 km, dự kiến sẽ đi khoảng 2300 km từ Hobart đến Nam Đại Dương và rìa biển băng trước khi quay trở lại Fremantle ở Tây Úc vào đầu tháng Ba.
Chuyến phiêu lưu kéo dài 60 ngày — do các nhà khoa học thuộc Chương trình Hợp tác Nam cực giữa Úc và CSIRO dẫn đầu — nhằm mục đích điều tra lý do tại sao các dòng hải lưu sâu gần Nam Cực lại di chuyển chậm lại và liệu Nam Đại Dương có tiếp tục hấp thụ nhiệt và carbon dioxide hay không.
Đồng giám đốc khoa học Annie Foppert cho biết băng tan từ dải băng Nam Cực đang làm giảm lượng nước đậm đặc chìm xuống đại dương sâu thẳm xung quanh Nam Cực.
Điều đó làm chậm các dòng chảy kiểm soát khí hậu và xác định mức độ lan truyền nhiệt, carbon và chất dinh dưỡng trên toàn cầu.
Tiến sĩ Foppert cho biết Nam Đại Dương đang hoạt động như một “bộ điều tiết biến đổi khó lường của khí hậu” nhưng các nhà nghiên cứu phải khám phá độ sâu của khu vực để xem liệu khu vực này có tiếp tục hoạt động như vậy hay không.
Các nhà khoa học trong chuyến hành trình kéo dài 60 ngày này sẽ so sánh dữ liệu họ thu thập được với thông tin trước đó để xem khu vực Nam Đại Dương đang thay đổi như thế nào và điều đó có ý nghĩa gì đối với khí hậu và mực nước biển dâng.
Tiến sĩ Foppert cho biết: “Để theo dõi những thay đổi này ở vùng biển sâu, chúng tôi sẽ khai triển hàng chục robot có khả năng lặn sâu.”
“Những chiếc phao mới này, có thể thu thập số đo ở độ sâu sáu kilomet dưới mặt biển, sẽ cho phép chúng tôi theo dõi sự thay đổi của đại dương trong 5 năm tới bằng cách lập hồ sơ toàn bộ độ sâu của đại dương.”
“Một câu hỏi quan trọng là liệu Nam Đại Dương có tiếp tục loại bỏ một lượng lớn nhiệt và carbon của chúng ta khỏi khí quyển hay không, hay liệu Nam Đại Dương sẽ ‘chìm’ có trở nên kém hiệu quả hơn khi khí hậu ấm lên hay không.”
Các nhà khoa học cho biết những thay đổi ở Nam Đại Dương ảnh hưởng đến tốc độ biến đổi khí hậu, năng suất của hệ sinh thái Nam Cực và tương lai của Dải Băng Nam Cực, điều này sẽ ảnh hưởng đến mực nước biển dâng cao.
Các nhà nghiên cứu trên tàu Investigator cũng có ý định nghiên cứu các loại khí và hạt vật chất do “thực vật phù du” — sinh vật biển — thải ra khi chúng lớn lên trong các bể cá gắn trên boong tàu.
Các nhà khoa học trong dự án đó, đến từ Cục Khí tượng và Đại học Tasmania, muốn xem các loại khí và hạt do thực vật phù du thải ra đóng vai trò như “hạt giống” cho những đám mây mới hiệu quả như thế nào.
Nhà nghiên cứu Marc Mallet cho rằng cách các đám mây hình thành trên Nam Đại Dương vẫn là một điểm mù đối với khoa học khí hậu.
Tiến sĩ Mallet cho biết: “Sự hiểu biết được nâng cao về sự hình thành đám mây trong khu vực sẽ cung cấp nền tảng cho các dự báo thời tiết và khí hậu chính xác hơn cho Úc và phần còn lại của thế giới.”
Đồng giám đốc khoa học Steve Rintoul cho biết các nhà nghiên cứu phải xem xét toàn bộ khu vực — từ biển sâu đến những đám mây nằm ở tầm thấp — để hiểu Nam Đại Dương ảnh hưởng đến khí hậu như thế nào.
Bản tin có sự đóng góp của Australian Associated Press
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times