Gặp gỡ người đầu tiên đi vòng quanh thế giới mà không sử dụng phi cơ
Một người lữ hành quốc tịch Đan Mạch đã trở thành người đầu tiên trên thế giới đến thăm mọi quốc gia trên một chuyến hành trình duy nhất, không ngắt quãng mà không dùng phi cơ.
Anh Thor Pedersen, 44 tuổi, sinh ra ở Đan Mạch, khởi hành từ nhà mình ở Copenhagen, Đan Mạch, vào ngày 10/10/2013, vào độ tuổi 34, anh dự tính chuyến đi sẽ kéo dài bốn năm. Tuy nhiên, cuộc hành trình mạo hiểm này phải mất tới một thập niên.
Anh Pedersen, người được đào tạo về sơ cứu và có kinh nghiệm làm việc trong quân đội với tư cách là một binh lính Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đã bắt đầu hành trình của mình vào dịp kỷ niệm 150 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ trong vai trò là đại sứ thiện chí bằng cách băng qua biên giới đất liền sang Đức. Anh đã hoàn thành cuộc hành trình của mình và từ Maldives trở về Đan Mạch vào ngày 26/07/2023, sau khi trải qua 237,363 dặm vòng quanh thế giới.
Anh Pedersen nói với The Epoch Times: “Khoảng cách này tương đương với đi 9 vòng rưỡi quanh trái đất, hoặc một lần đi lên mặt trăng.”
Chuẩn bị
“Có ba quy tắc cơ bản,” anh cho hay, “đó là tôi không được sử dụng phi cơ vào bất kỳ thời điểm nào, phải dành tối thiểu 24 giờ ở mỗi quốc gia, và tôi không được trở về nhà cho đến khi đặt chân tới đất nước cuối cùng, hoặc tôi sẽ bị coi là bỏ cuộc, đương nhiên rồi.”
Sinh vào cuối những năm 70, anh Pedersen lớn lên rong ruổi quanh những khu rừng, giả vờ làm Robin Hood hay Indiana Jones. Cuối cùng anh bắt đầu tìm hiểu về những nhà thám hiểm.
“Đến năm 20 tuổi, tôi nhận ra dường như không còn lại gì [mới mẻ để khám phá nữa],” anh cho hay. “Không có lục địa nào chưa được khám phá, chúng ta có các vệ tinh bay trên bầu trời để chụp ảnh và quay video mọi thứ.”
Tuy nhiên, vào đầu năm 2013, anh phát hiện ra có rất ít người từng đặt chân đến mọi quốc gia trên thế giới, và chưa ai đạt được thành tích phi thường này mà không dùng phi cơ.
Khi anh nghĩ xa hơn và đặt mục tiêu để chinh phục điều bất khả thi này, cha anh “vô cùng lo lắng” rằng con trai ông sẽ mất công việc trong ngành tiếp vận nếu rời đi quá lâu. Trong khi đó, mẹ anh, người mà anh miêu tả là “mộng mơ hơn một chút,” lại yêu thích kế hoạch của con trai mình ngay từ đầu.
Khoảng một tháng sau chuyến đi, cha của anh Pedersen đã thay đổi quan điểm và trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của anh.
Anh Pedersen bắt đầu hành trình bằng việc lập bản đồ hậu cần cho tuyến đường vòng quanh thế giới mà không sử dụng phi cơ. Trong suốt chặng đường, anh mang theo 10 cuốn sổ thông hành. Anh cũng phải cân nhắc đến sự an toàn cá nhân, sắp xếp trước một người liên lạc ở biên giới của bất kỳ quốc gia nào mà “cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.”
Đối với bất kỳ quốc gia nào mà anh chỉ ở lại trong vòng 24 giờ, anh sẽ để lại đồ đạc của mình [ở khách sạn] và đi tham quan chỉ với một chiếc túi nhỏ cùng ít giấy tờ [tùy thân]. Anh cũng trang bị GPS và bộ tiếp sóng, cho phép anh gửi tín hiệu cầu cứu và vị trí của mình khi cần thiết.
Vấn đề tiền bạc
Tiếp theo là phần quan trọng trong hành trình của anh Pedersen: ngân sách.
Với kinh nghiệm trong ngành tiếp vận, anh đã bắt đầu hợp tác với nhà cung cấp năng lượng địa nhiệt Ross Energy. Họ đồng ý tài trợ cho anh 20 USD mỗi ngày, giúp anh trang trải chi phí đi lại, chỗ ở, ăn uống, và thị thực ở một số quốc gia. Mặc dù chi phí thị thực là cố định và đôi khi vượt quá ngân sách, nhưng [bù lại] anh Pedersen vẫn có thể tiết kiệm ở một số khoản khác.
“Nếu nhiệt độ đủ ấm và môi trường xung quanh an toàn, tôi sẽ mắc võng để nghỉ,” anh nói. “Nếu đó là một đất nước đắt đỏ, thì tôi có thể đến chợ địa phương mua bánh mì, có thể mua một ít đậu Hà Lan, dưa leo, hoặc gì đó, rồi ngồi đâu đó dưới gốc cây và ăn cái bánh sandwich nhỏ của mình.”
Trong khi đó, về phương tiện di chuyển, anh có hai sự lựa chọn. Anh có thể chọn một chiếc xe buýt sang trọng, nơi anh có thể chọn một bữa ăn và có một chỗ ngồi đẹp bên cửa sổ, có WiFi, và máy lạnh.
Hoặc anh có thể chọn một chiếc xe buýt bình dân ngột ngạt, chen chúc, và thường xuyên phải dừng lại dọc đường.
Tuy nhiên, với kinh phí eo hẹp, anh thường chọn tiết kiệm tiền và đi xe buýt bình dân.
Trong suốt chuyến đi kéo dài 10 năm của mình, anh Pedersen đã đi trên nhiều phương tiện di chuyển khác nhau bao gồm: 351 xe buýt, 158 xe lửa, 219 taxi, 87 taxi đi chung, 128 tàu điện ngầm, 46 xe ôm, 40 tàu container, 33 thuyền các loại, 43 xe kéo/tuk-tuk, 32 phà, 28 xe địa hình, 19 xe điện, 9 xe tải, 4 xe ôm đi chung, 2 tàu du lịch, 1 xe ngựa, 1 xe cảnh sát, và 1 du thuyền hạng sang.
Chuyến xe buýt dài nhất kéo dài hơn 40 giờ, và hành trình tàu hỏa lâu nhất mất 5 ngày.
Trong khi đó, chỗ ở của anh cũng trải dài từ phân khúc sang trọng đến bình dân. Có lúc, anh ở trong phòng tập thể 20 giường, nhưng sau đó, trong một dịp khác, anh nghỉ tại khách sạn Ritz Carlton ở Hồng Kông trong khi cộng tác với Tổng cục Du lịch Hồng Kông. Thông thường, anh ngủ ngay trên phương tiện giao thông công cộng. Ở một số nơi, sau khi nghe câu chuyện ly kỳ của anh, người ta đã mời anh về nghỉ tại nhà của họ.
“Đôi khi những người này rất có điều kiện,” anh Pedersen cho hay “nhưng cũng có những gia đình không mấy dư dả. Có thể họ ngủ dưới đất, và nhường tôi ngủ trên giường.”
Hai năm sau cuộc hành trình, nhà tài trợ của anh Pedersen, hãng Ross Energy, bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động giá dầu, và họ phải cắt nguồn tài trợ này. Vào thời điểm đó, anh đang ở Trung Phi và buộc phải rút hết tài khoản ngân hàng, vay một khoản tiền, và bắt đầu chiến dịch gây quỹ cộng đồng để tiếp tục hành trình. May mắn thay, vào cuối cuộc phiêu lưu, hãng Ross Energy đã có thể khôi phục lại gói tài trợ cho anh.
Những người bạn mới ở khắp mọi nơi
Trong suốt hành trình, anh Pedersen luôn giữ liên lạc với gia đình, bạn bè, và người theo dõi bằng cách cập nhật blog cá nhân của mình. Anh cũng đã kết thêm nhiều bạn mới dọc đường đi.
“Có rất ít quốc gia mà ở đó tôi không thể giao tiếp với hầu hết mọi người,” anh cho hay. Anh Pedersen nói được tiếng Đan Mạch, tiếng Đức, một ít tiếng Pháp, và một ít tiếng Tây Ban Nha. Khi không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, anh nhận thấy rằng việc “diễn trò” (dịch giả: sử dụng hành động, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt để giao tiếp) rất có hiệu quả để truyền đạt nhu cầu của mình.
Anh Pedersen nói rằng, nhìn chung anh đã có một số cuộc gặp gỡ thực sự thú vị ở nhiều quốc gia khác nhau mà anh ghé thăm.
“Tôi luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp hoặc thú vị … theo nghĩa đó, mọi quốc gia đều để lại ấn tượng rất tốt với tôi,” anh nói. “Đại đa số những người mà bạn từng gặp trên hành tinh này đều là những người bình thường, họ đang đi học, đi làm, hoặc đang dùng bữa tối với gia đình, những người khác thích khiêu vũ, chơi trò chơi, chơi thể thao, và nghe nhạc.
“Tất nhiên, bên ngoài cũng có một số người không tốt, nhưng khả năng bạn gặp phải những người đó chắc chắn có thể giảm bớt chỉ bằng một chút sắp xếp: không ra đường lúc nửa đêm, không đến những nơi mà mọi người đã cảnh báo bạn đừng đến, không trực tiếp đi vào các nước đang trong cảnh chiến tranh tàn khốc, v.v..”
Tuy nhiên, một trong những cuộc gặp gỡ không dễ chịu nhất mà anh từng trải qua là bị chĩa súng vào người vào lúc nửa đêm ở Trung Phi, “tôi đã nghĩ mình sẽ chết.” Nhưng anh nói rằng cũng chính ở đất nước đó, anh đã gặp nhiều “những người rất, rất tử tế sẵn sàng chia sẻ thức ăn với tôi hoặc mời tôi đến nhà họ.”
Anh Pedersen có một người bạn đồng hành rất đặc biệt trong một số chặng hành trình: vợ anh, người đã đến thăm anh 27 lần trên khắp bảy quốc gia. Anh Pedersen gọi cô là “Người Vợ Phi Thường” (Ultra Wifey) vì cô thi đấu ở các cuộc thi siêu marathon (ultra-marathon) và không muốn tiết lộ danh tính. Hai người gặp nhau một năm trước khi anh Pedersen bắt đầu chuyến đi, và họ đã đính hôn trên đỉnh Núi Kenya trong lần đầu tiên cô đến thăm anh.
“Tôi nghĩ [buổi cầu hôn] sẽ rất lãng mạn, ngắm bình minh và cảnh đẹp trên đỉnh núi cùng nhau,” anh Pedersen nói. “Nhưng trên thực tế, hôm đó có một cơn bão tuyết điên cuồng … chẳng ngắm được gì cả, cảnh sắc hoàn toàn bị xóa nhòa. Trời lạnh run, gió gào thét dữ dội, điều kiện thật tồi tệ. Chúng tôi chỉ muốn xuống núi càng nhanh càng tốt. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, tôi vẫn quỳ xuống và mở hộp nhẫn ra, và cô ấy đồng ý! Kỷ niệm đó thật đáng nhớ.”
Anh Pedersen kết hôn trực tuyến với “Người Vợ Phi Thường” của mình trong thời kỳ đại dịch. Sau đó anh đoàn tụ với cô ở Hồng Kông, nơi anh phải trì hoãn cuộc hành trình trong hai năm.
Sẵn sàng về nhà
Trong suốt những chuyến rong ruổi này, vẫn có lúc anh nhớ nhà da diết.
Anh nói: “Sau hai năm đầu tiên, vào năm 2015, tôi vẫn ổn và sẵn sàng về nhà. Tôi hầu như không thể chịu đựng được nữa. Tôi đau đớn cả về thể xác và tinh thần, tôi khổ sở lắm … mà tôi vẫn còn khoảng 100 quốc gia nữa cần phải đến.”
“Hình ảnh chính xác nhất mà tôi có thể dùng để mô tả là khi rời nhà, 99% là vì [niềm vui] phiêu lưu, và [chỉ] 1% là vì công việc,” anh nói. “Sau khoảng hai năm đi xe buýt và tàu hỏa, xin cấp thị thực, vượt qua các trạm kiểm soát, viết blog, phỏng vấn, tìm chỗ ngủ, và tất cả những thứ tương tự, thì nó chuyển thành 99% là vì công việc và [chỉ còn] 1% [niềm vui] phiêu lưu.”
Nhưng anh Pedersen đã tìm thấy động lực để tiếp tục hành trình thông qua việc quảng bá và gây quỹ cho Hội Chữ thập đỏ, cũng như mong muốn “vẽ nên một bức tranh tích cực hơn về mỗi quốc gia trên thế giới.” Nhưng đôi khi anh vẫn tự hỏi mình: “Tại sao mình vẫn cất bước vậy?”
Càng gần đến đích, áp lực đối với anh Pedersen càng cao bởi vì anh không muốn dự án của mình thất bại. Và cuối cùng anh cũng đến được Maldives.
Ngày 26/07/2023, sau khi trở về quê hương, anh miêu tả cảm giác đó thật “tuyệt diệu.”
Sau buổi tiệc ăn mừng lớn với những người thân yêu, anh Pedersen đã bị quấy rầy bởi “một số lượng lớn các cuộc phỏng vấn,” có thể từ 10 đến 12 cuộc mỗi ngày, và trong tháng thứ hai khi về nhà, anh bị nhiễm trùng mắt, đau tai, đau gối, và cả những cơn đau đầu. Dần dà qua thời gian, nhịp sống của anh cũng ổn định trở lại.
“Dù thân xác đã trở về nhà, nhưng tâm trí tôi phải cần nhiều thời gian hơn mới trở về được,” anh nói. “Tôi không cần phải đến quốc gia nào nữa. Nếu tôi muốn bay, tôi có thể bay. Hiện tại, tôi có thể kiểm soát và làm chủ cuộc sống của mình tốt hơn, thật tuyệt làm sao. Dù vậy, gắn bó với một việc trong gần 10 năm, điều đó đã trở thành một phần máu thịt của tôi.”
Bài học lớn nhất
Vào thời điểm bài viết này ra đời, anh Pedersen và vợ lần đầu tiên đang học cách cùng chung sống. Anh cũng đang thích nghi với việc được cả thế giới biết đến. Anh hiện đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình, dự kiến phát hành vào năm 2024. Ngoài ra, anh còn có kế hoạch công chiếu một bộ phim tài liệu cùng trong năm tới, cũng như lên chuẩn bị cho một tour diễn thuyết ở Đan Mạch.
Anh vẫn đang chiêm nghiệm về hành trình của mình và vô vàn trải nghiệm từ đó, nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà anh rút ra là dù bạn đi đến phương trời nào thì “bản tính con người cũng không có gì khác biệt.”
“Truyền thông quá tập trung vào những điều tiêu cực, và khi bạn ôm giữ lối nghĩ đó suốt cả ngày, bảy ngày một tuần, quanh năm suốt tháng, cuối cùng nó gần giống như một hình thức tẩy não … nhưng đó không phải là sự thật,” anh Pedersen nói. “Phần lớn nhân loại trên thế giới là những người đang nỗ lực hết mình.”
Một chủ đề phổ biến khắp thế giới là người ta yêu nhau và kết hôn. Trong khi đó, một số người ly hôn.
“Mọi người xem Netflix, và họ thực hiện các điệu nhảy trên TikTok ở khắp thế giới. … Hầu hết mọi người không có lý do gì để muốn làm hại người khác,” anh chia sẻ. “Nếu bạn gặp một người lạ ở đâu đó trên thế giới, rất có thể người lạ đó sẽ trở thành bằng hữu của bạn.”
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times