Fitch hạ bậc xếp hạng nợ của Hoa Kỳ với lý do xói mòn niềm tin vào việc quản lý tài khóa
Tòa Bạch Ốc bác bỏ quyết định của cơ quan xếp hạng này
Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Fitch đã hạ Xếp hạng Mặc định Nhà phát hành Ngoại tệ Dài hạn cho quốc gia này từ AAA xuống AA+.
Theo cơ quan xếp hạng tín dụng này, xếp hạng nợ của Hoa Kỳ đã bị hạ xuống do “suy thoái tài khóa dự kiến trong ba năm tới, một gánh nặng nợ chung của chính phủ cao và ngày càng tăng, và sự xói mòn quản trị” trong hai thập niên qua.
Fitch cho biết: “Các bế tắc chính trị liên tục về giới hạn nợ và các nghị quyết vào phút cuối đã làm xói mòn niềm tin vào việc quản lý tài khóa.”
“Ngoài ra, chính phủ thiếu một khung tài khóa trung hạn, không giống như hầu hết các các chính phủ khác, và có một thủ tục lập ngân sách phức tạp.”
Hành động này ngụ ý rằng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ là một khoản đầu tư rủi ro hơn so với trước đây và do đó làm tăng chi phí vay nợ của chính phủ.
Fitch dự báo rằng thâm hụt chung của chính phủ sẽ tăng lên 6.3% GDP vào năm 2023, tăng từ 3.7% vào năm 2022, do doanh thu liên bang giảm theo chu kỳ, các sáng kiến chi tiêu mới, và một gánh nặng lãi suất lớn hơn.
Hồi tháng Năm, Fitch đã đặt xếp hạng của Hoa Kỳ vào tình trạng theo dõi tiêu cực, trích dẫn cuộc tranh luận về mức trần nợ ở Hoa Thịnh Đốn. Theo báo cáo mới nhất, tình trạng theo dõi tiêu cực đã được dỡ bỏ và triển vọng ổn định đã được ấn định.
Vì đây là lần đầu tiên một cơ quan xếp hạng lớn hạ xếp hạng của Hoa Kỳ trong hơn một thập niên, hành động này đã gây ra một sự xôn xao.
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định này.”
“Mô hình xếp hạng mà Fitch sử dụng đã giảm xuống dưới thời Tổng thống Trump và sau đó được tăng dưới thời Tổng thống Biden, và việc hạ bậc xếp hạng nợ của Hoa Kỳ vào một thời điểm khi mà Tổng thống Biden đã mang lại phục hồi mạnh mẽ nhất cho bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới là sự bất chấp thực tế. Và rõ ràng là chủ nghĩa cực đoan của các quan chức Đảng Cộng Hòa — từ việc cổ vũ vỡ nợ, phá hoại quản trị và nền dân chủ, tới việc tìm cách mở rộng ưu đãi thuế chống thâm hụt cho những người giàu có và các tập đoàn — là mối đe dọa tiếp tục đối với nền kinh tế của chúng ta.”
‘Kỳ quái và vô lý’
Ông Larry Summers, Bộ trưởng Ngân khố dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã phản ứng trước quyết định xếp hạng của Fitch.
Ông viết trên Twitter, “Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức tài khóa dài hạn nghiêm trọng. Nhưng khi nền kinh tế có vẻ mạnh hơn dự kiến thì quyết định của một cơ quan xếp hạng tín dụng hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ ngày hôm nay là điều kỳ lạ và vô lý.”
Nhà kinh tế học Mohamed A. El-Erian cũng cho biết trên Twitter: “Tôi rất bối rối về nhiều phương diện của thông báo này, cũng như về thời điểm.”
“Tôi đoán là mình không phải là người duy nhất. Đại đa số các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường khi xem xét điều này có thể sẽ bối rối không kém bởi những lý do được nêu ra và thời điểm. Nhìn chung, thông báo này có nhiều khả năng bị bác bỏ hơn là có một tác động bất ổn lâu dài đối với nền kinh tế và thị trường Hoa Kỳ.”
Hợp đồng tương lai cổ phần của Hoa Kỳ đã giảm sau thông báo hạ cấp xếp hạng này.
“Việc hạ bậc hôm nay là một hồi chuông cảnh tỉnh – chúng ta cần sắp xếp lại nền tài khóa và chính trị của đất nước chúng ta theo trật tự,” bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Trách nhiệm về Ngân sách Liên bang, viết trong một tuyên bố. “Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh, nhưng chúng ta đang trên một quỹ đạo không bền vững.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cũng đưa ra một tuyên bố, gọi quyết định của Fitch là “lỗi thời.”
“Thay đổi do Fitch Ratings công bố hôm nay là tùy ý và dựa trên dữ liệu lỗi thời. Mô hình xếp hạng định lượng của Fitch đã giảm rõ rệt từ năm 2018 đến năm 2020 – nhưng Fitch hiện đang thông báo về sự thay đổi của mình, bất chấp những tiến bộ mà chúng tôi thấy trong nhiều chỉ số mà Fitch dựa vào để đưa ra quyết định của mình,” bà Yellen cho biết trong tuyên bố.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times