Fed đã trả lãi hơn 90 tỷ USD cho các quỹ và ngân hàng trong năm 2022 do tiền gửi nhàn rỗi
Những nỗ lực chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang đang ngày càng trở nên tốn kém. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã trả hơn 90 tỷ USD cho các ngân hàng và quỹ thị trường tiền tệ trong năm qua vì đã để tiền mặt từ khách hàng của họ nhàn rỗi (không sử dụng tới). Các khoản thanh toán này đã tăng vọt trong những tháng mới đây khi Fed liên tục tăng lãi suất.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 vào giữa tháng 03/2022 lên hơn 4% — mức cao nhất trong hơn 25 năm qua — nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng trong năm qua lên mức cao nhất trong 40 năm với khoảng 9%.
Fed trả lãi cho tiền gửi của khách hàng ngân hàng được các ngân hàng gửi trực tuyến tại ngân hàng trung ương để ngăn các ngân hàng này cho vay với lãi suất thấp hơn. Khi lãi suất cao, các ngân hàng chuộng lưu trữ nhiều tiền hơn tại Fed, làm giảm nguồn cung tín dụng.
Lãi suất hiện ở mức 4.4% một năm. Để so sánh, chỉ một năm trước, lãi suất cho một khoản vay thế chấp tiêu chuẩn chỉ là 3.45%.
Quốc hội đã cho phép Fed trả tiền lãi cho tiền gửi và Fed đã làm như vậy kể từ năm 2008.
Ngoài ra, một số tổ chức được phép mua Công khố phiếu từ Fed và bán lại một ngày sau đó với giá cao hơn một chút — kiểu giao dịch được gọi là thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo). Sự chênh lệch về giá cộng lại cho ra lợi nhuận lên đến 4.3% hàng năm. Mặc dù thấp hơn lãi suất tiền gửi, nhưng các thỏa thuận mua lại đảo ngược mang lại dòng tiền ngay lập tức vì lợi nhuận tích lũy mỗi ngày. Hơn nữa, các hợp đồng mua lại đảo ngược này không chỉ dành riêng cho các ngân hàng, mà các quỹ thị trường tiền tệ cũng có thể tham gia.
Ở mức lãi suất hiện tại, lãi suất tiền gửi và thỏa thuận mua lại đảo ngược cộng lại lên tới gần 4 tỷ USD một tuần. Trong 12 tháng qua, các khoản thanh toán cộng lại tổng cộng là hơn 92 tỷ USD, ước tính từ số dư dự trữ trung bình hàng tuần tại Fed và số lượng thỏa thuận mua lại đảo ngược hàng ngày.
Về mặt kỹ thuật, Fed không thể hết tiền vì ngân hàng trung ương có thể tạo ra đồng dollar theo phương thức điện tử. Tuy nhiên, mỗi USD mà Fed tạo ra đều làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nền kinh tế thực hoặc thị trường tài chính, tùy thuộc vào nơi cuối cùng mà lượng tiền này được được chi tiêu.
Lạm phát đã tăng cao kể từ khi nền kinh tế ngập trong hàng ngàn tỷ USD chi tiêu bổ sung của chính phủ trong đại dịch COVID-19.
Fed đã cố gắng thắt chặt nguồn cung cấp tiền này và hạn chế nhu cầu thông qua lãi suất cao hơn để giảm bớt lạm phát, vốn đã giảm xuống khoảng 6.5% vào tháng 12/2022 từ mức 9% vào tháng 06/2022. Các nhà dự báo kỳ vọng Fed sẽ đẩy lãi suất cao hơn một chút, có lẽ trên 5%, trước khi giảm bớt.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái trong năm nay hoặc năm tới, phỏng đoán rằng Fed đã tăng lãi suất quá mạnh để đạt được một cuộc “hạ cánh mềm.”
Việc kiểm soát lạm phát đã trở nên khó khăn hơn do chính phủ liên bang tiếp tục chi tiêu hoang phí. Mới đây, chính phủ đã được Quốc hội thông qua một dự luật chi tiêu tổng hợp trị giá 1.7 ngàn tỷ USD.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times