Fed: Người dân nghèo Mỹ chịu thiệt thòi nhất do lạm phát trong năm 2021 và 2022
Theo các báo cáo mới của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, lạm phát tác động nhiều đến các gia đình có thu nhập thấp, những người Mỹ trẻ tuổi, và những người ít học hơn các nhóm khác.
Trong tháng này, các nhà kinh tế tại ngân hàng trung ương khu vực này công bố hai nghiên cứu đánh giá những chênh lệch lạm phát theo thu nhập, độ tuổi, chủng tộc, và giáo dục. Họ phát hiện ra rằng những người chi tiêu thu nhập của họ nhiều hơn cho thực phẩm, xe cộ, và nhà ở đều chịu tác động lạm phát nhiều nhất từ đầu năm 2021 đến tháng 06/2022.
Báo cáo đầu tiên này phát hiện ra rằng người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, và các gia đình có thu nhập trung bình phải đối mặt với áp lực tài chính khi họ dành nhiều chi tiêu hơn cho chi phí xe cộ.
Các tác giả của báo cáo này cho biết, “Xu hướng này đa phần là do các nhóm này chi tiêu nhiều hơn cho xe cộ, đặc biệt là xe hơi đã qua sử dụng và nhiên liệu động cơ, những nhóm hàng hóa đã dẫn đến đợt lạm phát năm 2021. Tuy nhiên, trong 5 tháng qua, khi lạm phát giao thông giảm, những khoảng cách này cũng đã giảm theo.”
Hồi tháng 06/2022, giá xăng đạt mức cao nhất là 5.01 USD/gallon, và đã giảm 32% kể từ đó.
Năm ngoái (2022), chỉ số xe hơi và xe tải đã qua sử dụng đã tăng lên một mức cao nhất với 27%. Nhưng dữ liệu mới đây của Cục Thống kê Lao động (BLS) cho thấy vào trong tháng 12/2022, chỉ số này đã giảm 8.8% so với cùng thời kỳ năm trước đó.
Trong một báo cáo khác của Fed New York được công bố trên trang blog Liberty Street Economics, những chênh lệch lạm phát nằm ở những người Mỹ trẻ tuổi và ít học vì họ đã chi một phần đáng kể thu nhập của mình cho xe hơi đã qua sử dụng và nhiên liệu động cơ.
Sự chênh lệch này trở nên trầm trọng hơn đối với các gia đình ở khu vực nông thôn, nơi giá cả thường cao hơn so với ở các cộng đồng thành thị, đặc biệt là đối với nhu cầu xe cộ.
Nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng nhiều khoảng cách lạm phát này đang được thu hẹp khi “lạm phát giao thông vận tải hội tụ về phía lạm phát trung bình.”
Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất cho thấy giá xe cộ mới giảm 0.1% so với tháng trước, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng giảm 2.5%, xăng giảm 9.4%, và dịch vụ vận tải tăng 0.2%.
Tuy nhiên, các gia đình có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ vẫn phải chịu đựng “lạm phát trên mức trung bình vì họ chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và nhà ở, những nhóm hàng hóa mà giá cả đang tăng nhanh hơn vào thời điểm đó.”
40% gia đình có thu nhập thấp nhất gặp khó khăn nhất khi lạm phát trở nên bao trùm khắp nền kinh tế quốc gia. Các nhà kinh tế của Fed New York chỉ ra rằng các nhóm thu nhập thấp bị ảnh hưởng vì họ không thể thay thế hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, đồng thời duy trì dự trữ tiền mặt ít hơn.
“Tính đến tháng 12/2022, 40% gia đình có thu nhập thấp nhất này chịu tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong ba nhóm, và tỷ lệ lạm phát của nhóm thu nhập trung bình thấp hơn mức trung bình quốc gia,” báo cáo này cho biết. “Dường như tỷ lệ lạm phát tương tự thể hiện mức tổn thất phúc lợi lớn hơn đối với các gia đình có thu nhập thấp hơn so với các gia đình có thu nhập cao hơn bởi vì các gia đình có thu nhập thấp ít có khả năng thay thế hàng hóa ít đắt tiền hơn, hạn chế thanh khoản lớn hơn, và lợi ích cận biên về thu nhập thực tế lớn hơn so với các các gia đình có thu nhập cao hơn.”
Lạm phát gây tổn hại cho người giàu hay người nghèo?
Khi lạm phát giá cả có vẻ tràn lan không chỉ là “tạm thời”, thì các quan chức Tòa Bạch Ốc và các nhà kinh tế thiên tả cho rằng lạm phát chỉ là một khó khăn đối với những người Mỹ giàu có.
Ông Jason Furman, một giáo sư Harvard kiêm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế trong chính quyền Obama, cho biết trong một tweet rằng hầu hết các vấn đề kinh tế đang gây khó khăn cho Hoa Kỳ, bao gồm lạm phát và những thách thức chuỗi cung ứng, là “những vấn đề của tầng lớp cao.”
Ông Ron Klain, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc đã tán thành dòng tweet này.
Cựu tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki không xem cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng này là “thảm kịch của guồng quay vốn dĩ bị trì hoãn.”
Nhà kinh tế học Paul Krugman, người viết một chuyên mục cho New York Times, bác bỏ ý kiến cho rằng lạm phát ảnh hưởng đến những người Mỹ có thu nhập thấp.
Ông ấy viết trong một tweet hồi tháng 12/2021: “‘Lạm phát đặc biệt làm tổn hại người nghèo’ là sự thật — có vẻ như điều đó nên là đúng. Nhưng tôi chẳng thấy bằng chứng hay một cơ chế [ảnh hưởng] nào.”
Những ý kiến này cũng nổi bật trên các hãng truyền thông thiên tả và các blog cánh tả.
Hồi tháng 12/2021 hãng thông tấn CNN đã nói với độc giả của mình rằng “lạm phát thực sự có thể tốt cho những người dân thường Mỹ.” Tương tự như vậy, Intercept cho rằng “lạm phát là tốt cho quý vị.”
Những người khác lại cho rằng lạm phát chủ yếu tàn phá người nghèo.
Các nhà kinh tế học Indermit Gill và Peter Nagle tại Viện Brookings viết: “Nói tóm lại, lạm phát cao có xu hướng làm cho tình trạng bất bình đẳng hoặc nghèo đói trầm trọng hơn bởi vì lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập và khoản tiết kiệm nhiều hơn đối với các gia đình có thu nhập trung bình hoặc nghèo hơn so với các gia đình giàu có. Các gia đình vừa thoát nghèo có thể bị đẩy trở lại tình trạng nghèo do sự gia tăng của lạm phát.”
Ông William Anderson, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Tiểu bang Frostburg kiêm biên tập viên tại Viện Mises, cho rằng lạm phát đã mang lại lợi ích cho các tỷ phú vì việc mở rộng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trên thị trường chứng khoán vào năm 2020 và 2021.
Cuối cùng, những người chỉ trích quan điểm rằng lạm phát chỉ làm tổn hại đến những người giàu cho rằng giá cả cao hơn có nghĩa là chi tiêu, tiết kiệm, và đầu tư ít hơn.
Ngoài ra, các cuộc khảo sát người tiêu dùng đã tiết lộ rằng các gia đình điển hình đã phải nỗ lực rất nhiều để tồn tại trong môi trường lạm phát trong vài năm qua.
Một một cuộc thăm dò hồi tháng 09/2022 của NPR/PBS Newshour/Marist cho thấy 40% số người được hỏi đã ít lái xe hơn để tiết kiệm xăng, 39% cắt giảm thực phẩm hoặc hàng bách hóa, và 20% bỏ qua việc đi khám bác sĩ hoặc mua thuốc theo toa.
Đồng thời, một cuộc khảo sát của LendingTree cho thấy hai phần ba người tiêu dùng lo lắng về việc mua hàng bách hóa do lạm phát. Theo New York Times, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ “mua ngay trả sau” để mua hàng bách hóa.
“Thực tế là có một số lượng lớn người Mỹ không đủ khả năng mua thực phẩm đã làm nổi bật sự tuyệt vọng mà môi trường kinh tế này tạo ra,” ông Marshall Lux, một thành viên thuộc Trung tâm Kinh doanh và Chính phủ Mossavar-Rahmani tại Trường Harvard Kennedy, nói với CNBC. “Một khi mọi người bắt đầu kéo dài thời gian thanh toán hàng bách hóa, điều đó cho thấy mức độ tuyệt vọng của cá nhân.”
Theo Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Fed New York, gần một phần ba số gia đình ở Mỹ tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ xấu đi trong năm tới. Với áp lực lạm phát căn bản vẫn còn phân tán trong nền kinh tế nước này, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu, năm 2023 vẫn có thể là một thời điểm đầy thách thức đối với những người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times