EU đạt được thỏa thuận đầu tư với Trung Cộng giữa những lo ngại về nhân quyền
Hôm 30/12, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận đầu tư kinh doanh sau khi chế độ cộng sản này đưa ra cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư, vốn mất bảy năm để chuẩn bị và thương thảo, đã đạt được “về nguyên tắc” tại một hội nghị truyền hình có sự tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Chính quyền Trung Cộng cam kết một “mức độ tiếp cận thị trường lớn hơn bao giờ hết cho các nhà đầu tư EU,” và hứa sẽ “bảo đảm đối xử công bằng cho các công ty EU để họ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn ở Trung Quốc, bao gồm cả về kỷ luật đối với các công ty nhà nước, tính minh bạch của việc bao cấp và các quy tắc chống lại việc ép buộc chuyển giao công nghệ,” Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, cho biết trong một tuyên bố.
Ủy ban Châu Âu cho biết Bắc Kinh cũng đã đồng ý theo đuổi việc phê chuẩn các quy tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động cưỡng bức.
“Thỏa thuận ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc và đối với chương trình thương mại dựa trên giá trị của chúng tôi,” bà von der Leyen nói. “Nó sẽ cung cấp quyền tiếp cận chưa từng có vào thị trường Trung Quốc cho các nhà đầu tư châu Âu, cho phép các doanh nghiệp của chúng tôi phát triển và tạo việc làm.”
Bà Von der Leyen trước đó đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Cộng vì đã không giữ đúng lời hứa trong một thỏa thuận năm 2019 là cho phép các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn hoặc bỏ các quy tắc yêu cầu các nhà đầu tư chia sẻ bí quyết của họ trong các liên doanh với Trung Quốc.
Các nhà lập pháp EU thường lên án chế độ Trung Cộng về những vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức và sự đàn áp của Trung Cộng đối với các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo.
Hôm 17/12, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các biện pháp trừng phạt của EU đối với các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về việc lạm dụng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và cấm hàng nhập khẩu của Trung Quốc được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để bảo đảm rằng tất cả các cam kết được thực hiện đầy đủ,” Ủy viên Thương mại EU, ông Valdis Dombrovskis nói.
Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc của tổ chức tư vấn thương mại ECIPE, nói rằng mặc dù có rất ít lợi ích rõ ràng cho Bắc Kinh bằng văn bản, nhưng Trung Quốc có lẽ sẽ không ký kết nếu không có một số hứa hẹn về lợi thế.
“Không một cường quốc nào, nhất là Trung Quốc, cho bất cứ thứ gì miễn phí, vì vậy sẽ có sự đánh đổi. Nó chỉ không nằm trong thỏa thuận mà thôi,” ông nói.
So với một thỏa thuận thương mại, có thể bao gồm trả đũa thuế quan, một thỏa thuận đầu tư như vậy cũng khó thực thi hơn, ông Lee-Makiyama nói, đồng thời lưu ý rằng EU sẽ khó có thể, ví dụ, thu giữ tài sản của Trung Quốc.
EU đã rất muốn miêu tả thỏa thuận này như một bước đi nhằm tạo ra các quy tắc đa phương. Họ vẫn không đề cập đến các vấn đề bao gồm dòng chảy thương mại hoặc mua sắm công cho những nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei.
Tại hội nghị truyền hình nói trên, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về đại dịch COVID-19, bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bùng phát của virus Trung Cộng.
Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh sự cần thiết phải “tăng cường hợp tác quốc tế để dự đoán và quản lý tốt hơn các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.”
Sự che đậy của chính quyền Trung Cộng đối với đợt bùng phát đầu tiên của virus Trung Cộng được nhiều người coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra đại dịch.
Các nhà lãnh đạo EU cũng “nhắc lại những quan ngại nghiêm trọng của họ về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả những diễn biến ở Hồng Kông,” Ủy ban Châu Âu cho biết.
Trong bài phát biểu hàng năm tại Nghị viện Châu Âu vào tháng 09/2020, bà von der Leyen cho biết EU phải kêu gọi chú ý tới các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Trung Cộng và phải đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn.
Hôm 07/12, EU đã quyết định thiết lập một chế độ trừng phạt Magnitsky toàn cầu, cho phép khối này nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền.