Cố vấn an ninh cao cấp Hoa Kỳ lên án thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc được cho là đã lên án thỏa thuận đầu tư kinh doanh lớn được thực hiện “trên nguyên tắc” giữa EU và Trung Quốc vào hôm thứ Tư (30/12/2020).
Theo Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm các nhà lập pháp quốc tế chuyên ứng phó với các mối đe dọa do Trung Cộng gây ra, ông Matthew Pottinger đã nói hôm thứ Năm (31/12/2020) rằng thỏa thuận được ký kết bất chấp “sự vi phạm nhân quyền ghê gớm” của Trung Quốc vào thời điểm sắp có chính quyền tổng thống mới của Hoa Kỳ đã làm các chính trị gia Hoa Kỳ của cả hai đảng sửng sốt.
IPAC cho biết trong một bài tweet rằng ông Pottinger đã nói với các đồng Chủ tịch châu Âu của mình rằng “Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy bối rối và ngạc nhiên rằng EU đang tiến tới một hiệp ước đầu tư mới ngay trước thềm chính quyền mới của Hoa Kỳ.”
‘Thôi tự huyễn hoặc’ về Trung Quốc
“Không có nơi nào để các quan chức ở Brussels hay châu Âu có thể trốn tránh. Chúng ta không thể tự huyễn hoặc rằng Bắc Kinh đang trên đà tôn trọng quyền lao động, trong khi vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy rộng hàng triệu mét vuông cho việc cưỡng bức lao động ở Tân Cương,” ông Pottinger nói, theo IPAC.
Ông nói thêm: “Việc Ủy ban Châu Âu vội vàng hợp tác với Bắc Kinh bất chấp việc nước này vi phạm nhân quyền ghê gớm là một điều thật đáng xấu hổ.”
Theo cơ quan điều hành của EU, Ủy ban Châu Âu, Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI) được ký kết sau khi Trung Cộng đưa ra các cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của EU đồng thời thúc đẩy việc phê chuẩn các quy tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động cưỡng bức.
Hiệp ước CAI mất bảy năm để đàm phán và được ký kết “trên nguyên tắc” tại một hội nghị qua video có sự tham dự của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tòa Bạch Ốc đã không trả lời câu hỏi về các bình luận cáo buộc của ông Pottinger với IPAC.
Ông Pottinger, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, trước đây đã chỉ trích các hành vi ‘săn mồi’ của Bắc Kinh trên khắp thế giới.
Trong một bài diễn văn hiếm hoi vào tháng 10 bằng tiếng Trung, ông Pottinger đã kêu gọi thế giới lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền và ảnh hưởng xấu của Trung Cộng.
‘Tư duy nghịch lý’
Ông nói rằng “Mục tiêu của Trung Cộng là lôi kéo mọi người và các quốc gia theo một ‘tư duy nghịch lý’ — thông qua hợp tác hay uy hiếp — để ‘có lợi cho tham vọng lớn của Bắc Kinh.’”
“Bằng cách mô tả việc nói lên sự thật là một hành động hiếu chiến, những kẻ chuyên quyền cố gắng đẩy các nền dân chủ vào im lặng — và họ thường thành công,” ông nói.
“Có một lối tư duy mà vào thứ Hai quý vị nói rằng ‘Còn quá sớm để nói liệu Bắc Kinh có phải là một mối đe dọa hay không,’ và đến thứ Sáu quý vị lại nói ‘Họ là một mối đe dọa, đúng vậy, nhưng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì bây giờ.’”
Các nhà lập pháp EU cũng thường lên án Trung Cộng về các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức và đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Trung Quốc.
Đạo luật trừng phạt Magnitsky
Hôm 7/12, ba tháng sau bài diễn văn thông điệp liên minh năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 9, trong đó cho biết EU phải ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng và đưa ra quyết định hiệu quả hơn về các biện pháp trừng phạt, khối đã quyết định thiết lập cơ chế trừng phạt toàn cầu Magnitsky nhằm nhắm tới các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền.
Hôm 17/12, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi EU trừng phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và cấm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Bà Von der Leyen trước đây cũng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Cộng vì đã không giữ lời trong thỏa thuận năm 2019 về việc mở rộng tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu hoặc dỡ bỏ các quy tắc yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ bí quyết của họ trong các công ty liên doanh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà cho biết hiệp ước giữa EU và Trung Quốc là “một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc và đối với chương trình nghị sự thương mại dựa trên các giá trị của chúng tôi.”
“Nó sẽ cung cấp khả năng tiếp cận chưa từng có vào thị trường Trung Quốc cho các nhà đầu tư châu Âu, cho phép các doanh nghiệp của chúng tôi phát triển và tạo thêm việc làm,” bà nói thêm.
Cả Trung Quốc và EU hiện đang làm việc trên văn bản của thỏa thuận CAI để thẩm định pháp lý trước khi gửi đến Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để phê duyệt.
Mary Clark
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: