Khoan dung tha thứ cho người, phúc báo thuận theo mà đến
Con người sống trên cõi đời này, ai mà không có lỗi lầm? Trừ kẻ đại gian đại ác cố ý phóng hỏa giết người, còn lại đều có lúc vô ý phạm phải sai lầm, hoặc là nhầm lẫn, hoặc nhất thời hồ đồ.
Đối với lỗi lầm tương đối nhỏ của người khác, người trong cuộc nên khoan dung, không để lộ sai sót của họ, cho họ một cơ hội sửa đổi lỗi lầm; còn nếu nhất định truy cứu đến cùng, tuyên bố khắp nơi việc sai sót ấy, thì khiến thanh danh của người đó còn đâu nữa?
Thuyết nhân quả báo ứng của Phật gia cho rằng, việc truyền bá lỗi lầm của người khác sẽ làm giảm đi âm đức của bản thân, và thậm chí phải chịu đủ loại ác báo; ngược lại, những người không phô bày lỗi lầm của người khác, phúc báo sẽ tùy theo đó mà đến.
Làm việc thiện tích âm đức, con cái vang danh bốn phương
Thời nhà Minh, ở Cát Thủy, Giang Tây có một người tên là La Tuần, tổ tiên đời trước làm quan. Anh ta là người thiện lương khoan hậu, rất có uy tín trong vùng.
Có một năm, La Tuần đi kinh thành tham gia thi hội. Ngày nọ, anh ta bị mất một bộ quần áo thô sơ, người tham gia khảo thí ở cùng với anh ta trong lòng rất bất an, lo sợ người khác hoài nghi mình là tên trộm. Mấy ngày sau, người ở cùng La Tuần phát hiện một người đang mặc bộ áo quần mà La Tuần bị mất, liền kéo La Tuần đi tìm người kia.
Sau khi gặp mặt, hai bên cùng ngồi xuống, người ở cùng La Tuần cố ý chỉ bộ quần áo của người kia nói với La Tuần: “Đây có phải áo quần của anh không?” La Tuần liền phủ nhận, nói: “Đây không phải áo quần tôi bị mất, anh nhìn nhầm rồi”. Người ở cùng La Tuần sờ bộ áo quần xem xét, cảm thấy hoàn toàn không nhầm, nhưng La Tuần vẫn kiên quyết phủ nhận.
Đợi sau khi về đến chỗ ở, người cùng phòng tỏ ra rất tức giận. La Tuần nói với anh ta: “Mất một bộ quần áo, đối với tôi không chịu nhiều tổn thất, nhưng anh ta sẽ bị hủy đi danh tiếng, sau này làm sao lập thân trên đời này được?”. Người cùng phòng nghe xong, đột nhiên tỉnh ngộ, bội phục La Tuần không thôi. Sau khoa thi, La Tuần đỗ Tiến sĩ, về sau làm quan đến Võ tuyển Lang trung bộ Binh.
La Tuần đến độ tuổi trung niên vẫn chưa có con nối dõi. Một ngày, ông đi qua một ngôi miếu, phát hiện trong miếu có bảy quan tài chưa hạ táng, bèn bỏ tiền túi ra thỉnh cầu hòa thượng chôn cất toàn bộ những quan tài này. Không lâu sau, vợ ông mang thai, sinh hạ được con trai là La Hồng Tiên.
La Hồng Tiên từ nhỏ nhận được sự giáo dục rất tốt, lại khắc khổ hiếu học, chuyên chú học hỏi, thời thanh thiếu niên đã nghiên cứu chuyên sâu đối với thiên văn, địa dư, điển chương, toán số, âm dương, cho nên danh tiếng vang xa. Vào năm Gia Tĩnh thứ tám thời nhà Minh, anh ta trong cuộc điện thí thể hiện rất xuất sắc, được khâm điểm làm Trạng nguyên, làm quan chức Hàn lâm viện Tu soạn, biên chép sử thư.
Năm 1541, sau mười năm ra sức làm việc, La Hồng Tiên cuối cùng đã hoàn thành một tập địa đồ dựa trên bản gốc “Dư địa đồ” của họ Châu – gọi là “Quảng dư đồ”. Đây là tập bản đồ địa lý các tỉnh sớm nhất hiện còn ở Trung Quốc, nó ghi chép tổng quát về lãnh thổc hành chính toàn quốc thời nhà Minh, tổng cộng có 43 bức: 2 bức ở kinh thành, 13 bức ở bố chính sứ ti (tương đương với tỉnh) tổng cộng là 15 bức, biên cương phía bắc 10 bức, Hoàng Hà 3 bức, Hải Vân 2 bức, An Nam, Triều Tiên, Tây Vực 3 bức.
Mặt sau của bản vẽ các tỉnh có phụ chép tương ứng về diên cách, phong tục, phạm vi quản hạt và kê rõ thuế ruộng. Theo ghi chép, La Hồng Tiên trong quá trình ghi chép còn sử dụng kĩ thuật tiên tiến, phân chia khu vực các tỉnh chính xác về các yếu tố như độ cao, dãy núi, bờ biển, dân số v.v. vị trí tương đối đều gần đúng với bản đồ thời cận hiện đại.
Ngoài ra, La Hồng Tiên còn đi đầu sáng tạo ra 24 cách thức làm bản đồ, khai sáng hệ thống phương pháp tạo bản đồ sử dụng các cách thức khác nhau. Tập bản đồ này là lần đầu tiên thể hiện các di tích cổ như trường thành, lăng mộ, cầu cống, thực sự là tập bản đồ địa lý dành cho du khách sớm nhất.
Chẩm Đồng cự sắc và giữ miệng, đỗ đạt cao trúng tiến sĩ
Chẩm Đồng là người huyện Đức Thanh, phủ Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, năm Quang Tự thứ 21 thời nhà Thanh (năm 1895) trúng tiến sĩ nhị giáp đứng hàng 62. Tháng 5 cùng năm, nhận chức Nội các Trung thư.
Lúc vẫn còn là tú tài, gia cảnh Chẩm Đồng vốn rất nghèo nàn. Để duy trì kế sinh nhai, một người anh trong tộc là Chẩm Tốn Châu tiến cử anh đến nhà thân thích có gia cảnh tốt hơn làm thầy dạy vỡ lòng cho con trai họ. Người đàn ông chủ nhà này sớm qua đời, chỉ có người phụ nữ và con trai.
Buổi tối nọ, người phụ nữ chạy đến phòng Chẩm Đồng cầu xin được chung chăn gối, nhưng đã bị Chẩm Đồng nghiêm nghị cự tuyệt. Ngày thứ hai, anh càng cự tuyệt và bỏ đi. Người phụ nữ nhà ấy sợ Chẩm Đồng mang chuyện giữa hai người nói cho người khác biết, liền chuẩn bị hậu lễ đến thỉnh cầu anh quay về tiếp tục làm thầy dạy học. Chẩm Đồng thảy đều cự tuyệt. Chủ nhà bèn thỉnh cầu Chẩm Tốn Châu thay mặt thôi thúc, Chẩm Đồng vẫn không đáp ứng. Chẩm Tốn Châu cảm giác được ắt có nội tình, liền căn vặn Chẩm Đồng, nhưng trước sau Chẩm Đồng không nói gì cả, chỉ lấy cớ không thuận tiện mà thôi.
Chẩm Tốn Châu cuối cùng để Chẩm Đồng đến ở trong nhà mình, cùng học với con trai. Năm thứ hai, Chẩm Đồng và con trai Chẩm Tốn Châu đều được xướng danh trên bảng vàng, sau cùng làm quan đến chức Tuần phủ Phúc Kiến.
Lưu Công cho tên trộm cơ hội sửa sai, đắc phúc báo con cháu hiển hách
Lưu Trọng Phụ người Ma Thành thời nhà Minh, từ nhỏ đã nhân từ, khoan hậu. Trong đêm tân hôn của anh ta và vợ là Đổng thị, có một tên trộm lặng lẽ tiến vào phòng của họ. Lưu công sau khi bị giật mình tỉnh dậy nhìn thấy đó là người mình quen biết, liền nói với anh ta rằng: “Tôi nghĩ anh là vì gia cảnh khốn cùng nên bất đắc dĩ mới làm trộm”.
Tuy nhiên gia cảnh nhà Lưu công vốn cũng không sung túc, nhưng ông vẫn vừa nói vừa mang mấy món trang sức của vợ đưa cho kẻ trộm, và dặn dò: “Anh nhất định phải ngay lập tức cải tà quy chính, nếu được như vậy, tôi tất sẽ không mang chuyện này nói cho người khác biết”. Tên trộm cúi đầu đáp ứng ngay.
Sau này, vợ Lưu công thường hỏi tên trộm rốt cục là ai, Lưu công đáp: “Tôi đã nhận lời anh ta không nói cho người nào biết rồi, nàng còn hỏi làm gì”. Cho đến hết đời, ông đều giữ lời đã hứa, chưa từng tiết lộ nửa chữ.
Lưu Trọng Phụ hưởng thọ 89 tuổi. Sau khi ông mất, trong tộc của ông có một người mang áo tang, đi đầu quan tài khóc lóc không thôi. Mọi người nghi ngờ anh ta chính là tên trộm kia, bởi vì người này trước đó phẩm hạnh không tốt, nhưng đột nhiên bỗng một ngày trở thành một người nỗ lực hành thiện, bất ngờ tỉnh ngộ không rõ nguyên nhân. Giả như lúc ấy Lưu công bắt anh ta lại, đem việc làm xấu hổ ấy nói cho mọi người, thì kết quả sẽ không được như vậy rồi.
Hành động tốt đẹp của Lưu Trọng Phụ đã giúp con cháu được hưởng phúc. Con cháu của ông đều đỗ tiến sĩ và làm quan, đặc biệt có Lưu Toại (Lưu Trang Tương công) hiển quý được phong tước, con cháu đời sau đa số đều thuận lợi trên con đường học hành thi cử.
Tư liệu tham khảo:
Lý Tĩnh Thành biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ