Cách giáo dục con trẻ trong thời kỳ kinh tế khó khăn
Trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều gia đình đang gặp phải tình trạng khó khăn về tài chính. Vậy trong điều kiện kinh thế như vậy, các bậc cha mẹ chúng ta nên giáo dục trẻ như thế nào?
Cô Trần Xu Linh (Chen Shuling) là người tốt nghiệp Khoa Xã hội học của Đại học Quốc gia Đài Loan, sau đó sang Hoa Kỳ học bằng Tiến sĩ về Giáo dục trẻ nhỏ. Tại một hội nghị chuyên đề giáo dục được tổ chức tại Đài Loan, cô Trần đã chia sẻ cách giáo dục trẻ đối phó với khó khăn như thế nào trong tình huống khủng hoảng kinh tế. Qua đó giúp các bậc phụ huynh biết cách dạy con có cái nhìn đúng đắn đối với tiền bạc, đồng thời giao tiếp tốt hơn với con khi kinh tế khó khăn.
Huấn luyện con trẻ chịu đựng những thất bại
Trong tình huống khủng hoảng kinh tế, một số người không chịu được hoàn cảnh tài chính khó khăn đã chọn cách tự tử hoặc làm chuyện gây tổn thương cho người khác. Tiến sĩ Trần Xu Linh nói rằng, chứng kiến những sự việc đau lòng như vậy, các bậc cha mẹ nên nhân cơ hội này để suy ngẫm về bản thân mình. Làm thế nào để rèn luyện cho con khả năng chịu đựng khi thất bại? Nếu sau này gặp phải thất bại, các con có đứng dậy được không? Liệu chúng có làm ra những sự việc cực đoan hay không?
Cô Trần cho biết, thường ngày cha mẹ nên chỉ bảo con cái một cách hợp lý. Ví dụ, khi điểm số của trẻ không tốt, hoặc sau khi trẻ tranh cãi với người khác ở bên ngoài, cha mẹ sẽ nhìn nhận những điều này như thế nào? Điều quan trọng nhất là chúng ta đừng vội phạt trẻ, hãy nắm bắt thời khắc đó và giúp trẻ phân tích lý do. Hướng dẫn trẻ cách tự mình giải quyết tình huống khó khăn đó, đây chính là những ví dụ thiết thực nhất đối với trẻ.
Cô Trần nói rằng, đối với những bạn chuẩn bị vào đại học nhưng gia đình gặp khó khăn về tài chính, thì có thể tạm thời thay đổi hướng đi, có thể học trường cao đẳng cộng đồng trước. Hoa Kỳ là một xã hội cung cấp rất nhiều cơ hội, bởi vậy trong khi hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ không nên quá sức cung ứng những điều tốt nhất cho con cái, đây không phải là biện pháp tốt nhất.
Cô Trần chia sẻ về trường hợp cá nhân mình. Khi học đại học năm thứ nhất, cha cô bị mất việc, vì vậy cô đã chuyển từ đại học sang cao đẳng cộng đồng để tiết kiệm tiền. Cô quyết định sau khi học xong hai năm sẽ quay lại học bốn năm đại học. Có một số phụ huynh người Hoa lo lắng rằng điều này sẽ khiến con họ buồn chán và ảnh hưởng đến việc học tập. Tuy nhiên, nếu trẻ chịu khó học, các em sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Bồi dưỡng cho trẻ giá trị quan đúng đắn
Cô Trần giải thích rằng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, các bậc cha mẹ học sinh tiểu học và trung học cơ sở nên thảo luận với con mình về những gì cần thiết và không cần thiết. Đối với học sinh trung học, chúng ta nên nói về các ý tưởng liên quan đến kinh tế và khái niệm quản lý tài chính, chẳng hạn như với tiền trong nhà thì chi tiêu, tiết kiệm và làm từ thiện như thế nào. Điều này sẽ đặt nền tảng giúp con trẻ quản lý tài sản của bản thân khi lên đại học hoặc khi hòa nhập vào xã hội, tránh việc một bên cha mẹ sống khắc khổ, một bên thì con cái không biết cha mẹ đã vất vả ra sao.
Nếu trong nhà có vấn đề về tài chính, cha mẹ và con cái hãy trò chuyện nhẹ nhàng để tránh việc trẻ lo lắng bất an. Chẳng hạn như nói với con rằng ngân sách gia đình gần đây cần được điều chỉnh v.v. Về việc học thêm, có một số học sinh tiểu học và trung học tham gia rất nhiều lớp học năng khiếu, có thể cho trẻ học tiếp môn mà trẻ yêu thích nhất và giảm bớt những môn học còn lại. Một số trẻ đã học mãi các nhạc cụ như piano, bạn có thể thảo luận với giáo viên để kéo dài khoảng thời gian giữa các buổi học.
Dạy trẻ biết ơn
Dù không xảy ra tình trạng khủng hoảng kinh tế, cha mẹ cũng không nên mua quá nhiều đồ cho con. Nhiều bậc cha mẹ âm thầm cung dưỡng cho con mình, nhưng con cái không hề hay biết, cứ cảm giác đó là chuyện đương nhiên. Cô Trần đã đưa ra ví dụ về chính bản thân mình: Có lần vì để mua đồ cho con mà cô đã phải đi đến bốn cửa hàng. Sau khi về nhà cô đã kể cho con trai, để cậu bé hiểu được sự vất vả của mẹ. Nếu như không kể, cậu bé vẫn sẽ nói cảm ơn, nhưng đó là cảm ơn vì món đồ mà mẹ đã mua cho mình. Khi cậu bé biết mẹ đã rất vất vả mới mua được nó, thì ý nghĩa của câu cảm ơn đã khác, đó là cảm ơn vì mẹ đã vất vả.
Công việc phù hợp sẽ giúp trẻ học hỏi
Cô Trần gợi ý rằng nếu gặp vấn đề về tài chính, có thể khuyến khích trẻ làm công việc bán thời gian thích hợp, bởi đó không hẳn là điều xấu đối với trẻ. Có một số học sinh trung học lười làm bài tập về nhà, có em phải để cha mẹ thúc giục. Thế nhưng khi các em đi làm thêm, sẽ có ít thời gian hơn, bạn sẽ phát hiện rằng các em đã biết tận dụng thời gian làm bài tập khi ở nhà.
Nếu gia đình bạn đang gặp khó khăn về tài chính, con cái đã lớn thì cũng có khả năng giúp đỡ. Cô Trần đề nghị nên thử để trẻ tìm một số công việc bán thời gian. Có người cho rằng trẻ còn nhỏ không cần có trách nhiệm với gia đình, nhưng cô Trần khuyến khích mọi người nhìn nhận điều này từ một góc độ khác. Trên thực tế, những trải nghiệm khác nhau có thể dẫn đến những sự phát triển khác nhau, và việc để trẻ làm việc kiếm tiền không nhất định là tiêu cực.
Cô Trần đưa ra ví dụ về một học sinh làm việc bán thời gian với mức lương 7-8 USD một giờ, kế hoạch ban đầu của cậu là mua một chiếc Ipod, nhưng cần mất một thời gian dài mới có thể góp đủ tiền. Cậu ấy biết rằng cha mình vốn là một kỹ sư có lương hơn 100 USD một giờ, nếu là một luật sư thì mức lương có thể là 200 USD một giờ. Cậu ấy đã hiểu ra tại sao mẹ lại khuyến khích mình học tập, điều đó thực sự là vì muốn tốt cho cậu. Cậu ấy trước đây luôn cảm thấy mình đang học vì cha mẹ, hôm đó sau khi đi làm về, cuối cùng cậu đã quyết định chăm chỉ học tập.
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ