Đức: Hãng truyền thông lớn cải tổ, chuẩn bị thay thế biên tập viên bằng trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tham gia vào một loạt các vai trò biên tập như một phần của cuộc đại tu tờ báo lớn nhất của Đức, tờ Bild.
Tờ báo khổ nhỏ này đang trải qua một cuộc cải tổ lớn về hoạt động sau khi nhà xuất bản Mathias Döpfner cam kết biến thương hiệu này thành “chỉ có sẵn theo định dạng kỹ thuật số.”
Hôm 19/06, Axel Springer, công ty xuất bản của Đức sở hữu tờ Bild, nói với nhân viên rằng việc cắt giảm nhân sự — ước tính lên đến hàng trăm người — sẽ được tiến hành.
Công ty này cho biết trong một thư điện tử mà tờ báo Frankfurter Allgemeine của Đức thu được rằng họ sẽ “chia tay với những đồng nghiệp có công việc sẽ bị thay thế bởi AI và/hoặc các quy trình tự động trong thế giới kỹ thuật số, hoặc những người không thấy mình phù hợp với đội ngũ mới này với các kỹ năng hiện tại của họ.”
“Các vị trí như biên tập viên, ký giả báo in, người hiệu đính, biên tập ảnh, và trợ lý sẽ không còn tồn tại như hiện nay.”
Hành động này cũng diễn ra trong bối cảnh cắt giảm các ấn phẩm khu vực và đóng cửa các tòa soạn nhỏ hơn.
Axel Springer là nhà xuất bản lớn nhất châu Âu và đã mua lại các tựa báo của Hoa Kỳ, Politico và Business Insider vào năm 2021.
Hồi tháng Ba, Giám đốc điều hành kiêm nhà xuất bản Döpfner đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ cho nhân viên về tác động của AI.
Trong một bức thư nội bộ gửi nhân viên, ông nói: “Trí tuệ nhân tạo có khả năng làm cho nền báo chí độc lập trở nên tốt hơn bao giờ hết — hoặc đơn giản là thay thế ngành nghề này.”
“Việc hiểu được sự thay đổi này là điều cần thiết cho khả năng tồn tại trong tương lai của một nhà xuất bản,” ông Döpfner nói thêm. “Chỉ những người tạo ra nội dung gốc tốt nhất thì mới có thể tồn tại.”
Trước những thay đổi mới nhất này, Hiệp hội Ký giả Đức đã chỉ trích gay gắt.
Ông Frank Überall, chủ tịch liên bang của hiệp hội này, cho biết: “Nếu ông Mathias Döpfner muốn hủy hoại ấn phẩm mang lại lợi nhuận lớn cho tập đoàn này, thì điều đó không chỉ không công bằng đối với các nhân viên mà còn là hành động vô cùng ngu ngốc về mặt kinh tế.”
“Việc có ít các ấn phẩm khu vực hơn có nghĩa là ít dịch vụ hơn cho độc giả và do đó sẽ có ít độc giả hơn.”
Tác động của AI đối với truyền thông nói riêng và xã hội rộng nói chung
Sự xuất hiện của ChatGPT trong thời gian gần đây, một công cụ được trợ giúp bởi AI có thể được truy cập rộng rãi, có thể thu hút công chúng tham gia vào đủ mọi loại cuộc trò chuyện, đã đặt ra các câu hỏi về vai trò của AI trong nhiều ngành nghề.
Các câu hỏi chính bao gồm tác động của AI đối với việc làm, liệu thông tin do AI tạo ra có chính xác và toàn diện hơn hay không, và các câu hỏi mang tính triết lý về sự tồn tại như liệu AI sẽ vượt qua hoặc thay thế con người (hoặc đạt được “singularity”) (điểm kỳ dị công nghệ, xảy ra khi trí thông minh nhân tạo sẽ vượt qua trí tuệ và khả năng khống chế của con người).
Trong không gian truyền thông, đại công ty xuất bản báo chí Gannett của Hoa Kỳ và hãng thông tấn Reuters cho biết họ sẽ đưa AI vào quá trình sản xuất quảng cáo bằng câu chuyện thương hiệu nhưng chỉ khi có sự giám sát của con người.
Trong các bình luận mà Reuters thu được, ông Renn Turiano, phó chủ tịch cao cấp kiêm giám đốc sản phẩm của Gannett, cho hay: “Mong muốn phát triển nhanh là một sai lầm đối với một số hãng thông tấn còn lại.”
“Chúng tôi sẽ không phạm phải sai lầm đó.”
Trong khi đó, ông trùm truyền thông Barry Diller, nhà đồng sáng lập Fox Broadcasting Company, đã có những bình luận thẳng thắn trong đánh giá của ông về công nghệ này.
“Trừ phi các nhà xuất bản nói, ‘Quý vị không thể làm điều đó cho đến khi có một cấu trúc phù hợp để các nhà xuất bản được trả thù lao.’ Quý vị sẽ thấy một làn sóng khác thậm chí còn có sức tàn phá hơn,” ông nói với Hội nghị Báo chí Điều tra Toàn cầu của Ngài Harry Evans.
Ông Diller đã so sánh tác động của AI với tác động của tin tức trực tuyến đối với ngành truyền thông truyền thống, nói rằng các tòa soạn báo đã gặp phải “sự tàn phá to lớn.”
Các chính phủ trên toàn thế giới hiện đang gặp phải khó khăn trong việc xây dựng các quy định để kiểm soát sự phát triển của AI.
Ông Elon Musk, doanh nhân công nghệ kiêm nhà sáng lập Tesla, là người phản đối mạnh mẽ nhất về sự phát triển không kiểm soát của AI.
Ông nói với ông Tucker Carlson rằng: “AI nguy hiểm hơn, chẳng hạn như nếu việc thiết kế phi cơ, bảo trì sản xuất, hoặc sản xuất xe hơi bị quản lý kém theo nghĩa là AI có khả năng — dù xác suất đó có thể nhỏ, nhưng là không tầm thường — thì nó có thể hủy diệt nền văn minh.”
Ông Musk đã cùng với hơn 1,000 chuyên gia công nghệ khác kêu gọi tạm dừng ngay lập tức việc phát triển AI.
Trong một bức thư chung, họ cảnh báo rằng các công ty đã “bị cuốn vào một cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát nhằm phát triển và khai triển những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai — kể cả những người tạo ra chúng — có thể hiểu, dự đoán, hoặc kiểm soát một cách chắc chắn.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times