Dữ liệu mới của Bộ Ngân khố: Trung Quốc, Nhật Bản đã bán hàng tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ trong tháng Chín
Đầu tư ngoại quốc vào công khố phiếu Hoa Kỳ giảm do những lo ngại về tài khóa.
Dữ liệu mới cho thấy vào thời điểm chính phủ Hoa Kỳ đang chứng kiến sự quan tâm mờ nhạt đối với công khố phiếu ở trong nước, thì các nhà đầu tư ngoại quốc cũng đang hạn chế tiếp xúc với nợ Hoa Kỳ.
Theo báo cáo TIC hàng tháng của Bộ Ngân khố, đầu tư ngoại quốc — từ các ngân hàng trung ương, tổ chức tài chính, và nhà đầu tư tư nhân — vào nợ chính phủ Hoa Kỳ đã giảm khoảng 100 tỷ USD xuống còn 7.605 ngàn tỷ USD trong tháng Chín. Sự sụt giảm này xảy ra ở cả trái phiếu, kỳ phiếu, và tín phiếu.
Nhật Bản, quốc gia nắm giữ lượng công khố phiếu Hoa Kỳ lớn nhất thế giới, đã giảm 28.5 tỷ USD, tương đương với 2.55% lượng nắm giữ của họ, để xuống còn 1.087 ngàn tỷ USD. Con số này giảm gần 3% so với cùng thời kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục giảm lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ, bán đi hơn 27 tỷ USD, tương đương 3.4%, để sở hữu 778.1 tỷ USD. Tỷ lệ nắm giữ của Trung Quốc đã giảm khoảng 15% trong 12 tháng qua khi Bắc Kinh cố gắng chống đỡ đồng nhân dân tệ đang suy yếu. Trong ba tháng qua, Trung Quốc đã bán được hơn 47 tỷ USD, tốc độ bán nhanh nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2019.
“Có thể Trung Quốc đang tụt hậu với việc tăng lãi suất dài hạn của Hoa Kỳ. Tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại vì các lý do mang tính chu kỳ và cấu trúc, đồng thời xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ cũng thấp hơn,” ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo, viết hồi tháng Mười. “Kết quả là, Trung Quốc có ít tiền hơn để mua công khố phiếu. Trên thực tế, Trung Quốc đã bán 300 tỷ USD công khố phiếu kể từ năm 2021 và tốc độ bán của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn trong những tháng gần đây.”
Nhiều loại công khố phiếu đang giao dịch ở mức lợi suất 5% hoặc gần 5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Trong khi đó, Vương quốc Anh là một trong những nước bán ròng lớn nhất trong tháng Chín, từ bỏ lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ trị giá khoảng 30 tỷ USD, giảm tổng lượng nắm giữ xuống còn 668.9 tỷ USD.
Có thể kể đến các quốc gia khác cắt giảm mức độ liên quan đến nợ chính phủ Hoa Kỳ như Canada (15 tỷ USD), Đài Loan (5 tỷ USD), Ấn Độ (3 tỷ USD), Hồng Kông (6 tỷ USD), và Nam Hàn (5 tỷ USD).
Mặt khác, một số thị trường đã tăng lượng nắm giữ để tận dụng lợi suất cao hơn, chẳng hạn như Luxembourg (8 tỷ USD), Singapore (3 tỷ USD), Saudi Arabia (5 tỷ USD), và Đức (6 tỷ USD).
Tổng cộng, các nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu khoảng ⅓ tổng số nợ tồn đọng của chính phủ Hoa Kỳ, giảm từ khoảng 43% vào một thập niên trước.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng diễn biến này báo hiệu thế giới không còn hứng thú với công khố phiếu như trước nữa. Có nhiều nguyên do khác nhau, từ căng thẳng địa chính trị cho đến lo ngại về lộ trình tài khóa của Hoa Thịnh Đốn.
Nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng dù thế nào đi nữa, xu hướng đảo chiều đột ngột trong sự quan tâm của quốc tế đối với công khố phiếu Hoa Kỳ đến không đúng lúc vì Bộ Ngân khố đang phát hành hàng ngàn tỷ công khố phiếu để giúp quản lý thâm hụt ngân sách, nợ quốc gia, và chi phí lãi vay đang ngày càng tăng.
Sự quan tâm đến nợ của Hoa Kỳ giảm dần
Tháng trước (10/2023), Bộ Ngân khố thông báo rằng chính phủ sẽ vay 776 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2024, giảm so với doanh số bán nợ 1.01 ngàn tỷ USD của quý trước. Trong ba tháng đầu năm 2024, Bộ Ngân khố dự kiến sẽ vay 816 tỷ USD.
Trong một thông báo riêng, Bộ Ngân khố tiết lộ sẽ tăng quy mô phát hành công khố phiếu để giúp chính phủ liên bang quản lý gánh nặng nợ ngày càng tăng và chi phí lãi suất ngày càng tăng. Hành động đầu tiên đã xảy ra vào đầu tháng này khi Bộ Ngân khố bán đấu giá 112 tỷ USD. Nhu cầu đã cho thấy những tín hiệu trái chiều.
Đối với cuộc đấu giá trị giá 48 tỷ USD liên quan đến kỳ phiếu kỳ hạn 3 năm, các đại lý sơ cấp — các tổ chức tài chính thu thập nguồn cung mà các nhà đầu tư không mua — chiếm 16% tổng doanh số bán.
Đợt bán công khố phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 40 tỷ USD đã có kết quả tốt hơn một chút, trong đó các đại lý sơ cấp mua ít hơn 15% nguồn cung. Việc bán công khố phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 24 tỷ USD đã có mức độ quan tâm thấp đến tệ hại, buộc các nhà kinh doanh sơ cấp phải mua 25% số trái phiếu được phát hành. Trong khi trong vòng 12 tháng qua, mức mua trung bình là 12%.
Ngoài ra, lợi suất đã lên cao hơn mong đợi trước khi các cuộc đấu giá bắt đầu.
Ông Slok cho rằng “chi phí vốn có thể sẽ cao hơn vĩnh viễn,” viện dẫn việc phát hành công khố phiếu, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản, sự hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nợ chính phủ Hoa Kỳ, và việc thắt chặt định lượng của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Để thu hút thêm đầu tư, Hoa Kỳ có thể cần phải giữ lãi suất ở mức cao.
Các quốc gia khác vẫn đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, dẫn đến lợi suất cao hơn trên toàn cầu. Ví dụ, công khố phiếu Anh kỳ hạn 2 năm có lãi suất khoảng 4.5%. Ngân hàng Nhật Bản đang đặt nền móng cho việc chấm dứt chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm, do đó gần đây đã khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 0.77%, mức cao nhất trong một thập niên.
Niềm tin vào công khố phiếu Hoa Kỳ đang bị xói mòn khi hai trong số ba hãng xếp hạng hàng đầu hạ bậc xếp hạng đối với Hoa Kỳ trong vòng một năm, khiến thị trường tài chính bất ngờ. Hồi tháng Tám, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+, dự đoán về tình trạng suy thoái tài khóa trong ba năm tới. Trong tháng này, Moody’s đã hạ đánh giá của hãng về triển vọng tín dụng của Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực,” nhấn mạnh những thách thức tài chính và sự hỗn loạn chính trị của Hoa Thịnh Đốn.
Các nhà kinh tế đã từ bỏ hy vọng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ can thiệp. Bởi vì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang giảm bảng cân đối kế toán bằng cách cắt giảm lượng nắm giữ công khố phiếu, nên khó có khả năng các cơ quan quản lý tiền tệ sẽ đảo ngược lộ trình và chạy đến giải cứu Hoa Thịnh Đốn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times