Dự án ‘năng lượng sạch’ của EPA gây ra mối lo ngại về gian lận, tạo ra ‘quỹ đen bằng tiền thuế của người dân’
Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã đưa ra hướng dẫn ban đầu về chương trình Quỹ Giảm Khí thải Nhà kính (GGRF) vốn cam kết chi 27 tỷ USD cho các dự án “năng lượng sạch và không khí sạch,” nhưng những lo ngại đang được đặt ra là liệu các quỹ này có rủi ro gian lận cao hay không.
GGRF đã được đề nghị như một phần của Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) trị giá 739 tỷ USD được thông qua hồi năm ngoái. Trong số 27 tỷ USD mà EPA đã dành ra, thì 20 tỷ USD sẽ dùng cho chương trình Cạnh tranh Trợ giúp Chung và Thu nhập Thấp (General and Low-Income Assistance Competition), trong đó sẽ giải ngân các khoản tài trợ cho các dự án giúp hạ thấp giá thành năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm. Chương trình này được cho nằm dưới sự quản lý của một nhóm lên tới 15 tổ chức bất vụ lợi cùng với các tổ chức tài chính.
Khoản tiền 7 tỷ USD còn lại sẽ được phân bổ cho chương trình Cạnh tranh Quỹ Công nghệ Không Phát thải (Zero-Emissions Technology Fund Competition), trong đó những khoản tài trợ này sẽ được chuyển đến các chính phủ của tiểu bang và địa phương cũng như các bộ lạc cho các dự án quang điện khác nhau.
Cơ quan này cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 14/02, “EPA sẽ thực hiện các chương trình này để phù hợp với Justice40 Initiative (Sáng kiến Công lý 40) của Tổng thống Biden, một sáng kiến hướng dẫn rằng 40% lợi ích tổng thể của các khoản đầu tư liên bang nhất định được chi cho các cộng đồng khó khăn, bao gồm cả những cộng đồng đang phải đối mặt với các tác động cao một cách không tương xứng và bất lợi về môi trường và sức khỏe.”
Ông Sean Kelly, phát ngôn viên của Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington), đã chỉ ra rằng những quỹ này thiếu các biện pháp minh bạch và trách nhiệm giải trình cần thiết về cách thức khai triển các nguồn lực, mặc dù đã phân bổ “một lượng lớn quyền hạn và các nguồn lực” đến EPA.
Theo Fox, ông cho biết, “Nói cách khác, điều khoản này tạo ra một quỹ đen được tài trợ bằng tiền thuế của người dân cho Wall Street và làm tăng nguy cơ bội chi, gian lận, và lạm dụng.”
Liên minh vì Vốn Xanh nỗ lực trên Quỹ GGRF trị giá 20 tỷ USD
Khoản trợ cấp trị giá 27 tỷ USD nói trên đã thu hút sự chú ý của các tổ chức tài trợ “xanh”. Liên minh vì Vốn Xanh, một tổ chức bất vụ lợi trợ giúp các ngân hàng xanh trong khu vực, đang khẳng định rằng tổ chức này đang ở vị trí tốt nhất để trở thành nơi lưu trữ chính của chương trình Cạnh tranh Trợ giúp Chung và Thu nhập Thấp trị giá 20 tỷ USD. Làm như vậy sẽ khiến liên minh này trở thành một cơ quan thanh toán bù trừ cho những quỹ này trên toàn quốc.
Theo Bloomberg, chủ tịch liên minh này là ông Reed Hundt nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hồi tháng 12/2022, “Kế hoạch ở đây là tối đa hóa đòn bẩy với một tổ chức quốc gia có thể nhận được số tiền đầu tư lớn nhất” để khoản tiền đó có thể được khai triển ở các cộng đồng chưa được phục vụ.”
“Nếu 20 tỷ USD được đưa vào một tổ chức quốc gia duy nhất trong khoảng thời gian một thập niên, thì số tiền này có thể tạo ra khoản đầu tư hơn 250 tỷ USD.”
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt nghi vấn về các loại giấy tờ chứng nhận của liên minh này. Trong một tweet hôm 11/02, tác giả Michael Shellenberger đã chỉ ra rằng hồ sơ thuế IRS của Liên minh vì Vốn Xanh “thậm chí còn chưa được cập nhật.”
Ông lưu ý rằng lần nộp thuế cuối cùng của tổ chức này là vào năm 2020, tiết lộ rằng tổ chức này mang lại doanh thu chưa đến 3 triệu USD, đồng thời đặt câu hỏi tại sao EPA lại xem xét trao 20 tỷ USD tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho một tổ chức bất vụ lợi duy nhất.
Ông Shellenberger nói, “Liên minh vì Vốn Xanh lấy tiền từ đâu? Tại sao tổ chức này không tiết lộ các nhà tài trợ của họ? Người sáng lập, nhân viên, và ban giám đốc của tổ chức này có những khoản đầu tư cụ thể nào vào năng lượng? Xét về các mối xung đột lợi ích của họ, thì làm sao mà họ có thể hành động như những ‘chủ ngân hàng’ khách quan được chứ?”
Các vấn đề đối với nghị trình năng lượng xanh
GGRF nằm trong nghị trình của chính phủ Tổng thống Biden nhằm chuyển đổi Hoa Kỳ sang một nền kinh tế năng lượng xanh và trong quá trình này sẽ giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc thúc đẩy năng lượng xanh này đi kèm với chi phí lớn và thậm chí có thể tiêu tốn tài nguyên nhiều hơn so với các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch tương đương.
Chẳng hạn, báo cáo “Năng lượng tái tạo, Sử dụng Đất, và Sự phản đối tại Địa phương ở Hoa Kỳ” mới đây của Viện Brookings lưu ý rằng việc sản xuất quang điện và phong điện chiếm gấp 10 lần diện tích đất so với các dự án khí đốt hoặc đốt than. Một số ước tính khác cho thấy con số này ở mức gấp 75 lần.
“Hầu hết các turbine gió đang được lắp đặt ở Hoa Kỳ ngày nay đều có chiều cao bằng một tòa nhà 35 tầng,” báo cáo này cho biết. “Những nhu cầu về đất đai ngày càng mở rộng của một hệ thống năng lượng tái tạo làm dấy lên các mối lo ngại về ‘sự bành trướng năng lượng,’” đề cập đến lượng năng lượng được sản xuất trong một không gian nhất định.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times