BP: Chiến tranh Nga-Ukraine khiến ngành năng lượng xanh bùng nổ
Những mối lo ngại về an ninh năng lượng tập trung vào việc tạo ra năng lượng nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập cảng
Nhà kinh tế Trưởng của BP, ông Spencer Dale, dự báo rằng cuộc chiến của Nga với Ukraine khiến nhiều quốc gia đang xem xét các cách để rút ngắn các tuyến đường cung cấp bằng cách sản xuất nhiều năng lượng nội địa hơn, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang “một hệ thống phi hóa thạch nhiều hơn.”
“Hiện tại, dầu và khí đốt là những nguồn năng lượng được nhập cảng nhiều nhất trên thế giới,” ông nói, nhưng cuộc chiến này đã thúc đẩy “mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh năng lượng,” vốn sẽ “đẩy nhanh trạng thái tự nhiên của quá trình chuyển đổi năng lượng” để có lợi cho sản xuất nội địa, đa phần trong số đó “có thể sẽ ở dạng nhiên liệu phi hóa thạch, chẳng hạn như phong điện, quang điện, điện hạt nhân.”
Trình bày tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn hôm 23/02, ông Dale cho biết Triển vọng Năng lượng hàng năm năm 2023 của BP dự báo rằng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 80% năng lượng của thế giới cho đến ít nhất là năm 2030.
Đó là tin tốt trong ngắn hạn đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ở Hoa Kỳ, nhà xuất cảng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, vốn có thể chứng kiến nhu cầu tăng trong thập niên tới, trước khi BP dự báo giảm vào năm 2035 khi năng lượng có nguồn gốc nội địa trở nên khả thi hơn.
Ông nói, “Việc thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) trọng yếu tại Hoa Kỳ” hồi tháng 11/2021 cũng đang thúc đẩy các khoản đầu tư trên toàn thế giới vào năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân mà trong vòng một thập niên nữa sẽ bắt đầu loại bỏ dầu và khí đốt tự nhiên với tư cách là các loại nguyên liệu sản xuất điện chính.
BP dự báo mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch toàn cầu sẽ giảm từ mức 80% tổng sản lượng điện hiện nay xuống còn từ 28% đến 55% vào năm 2050.
Ông Dale cho biết, lượng than được tiêu thụ thậm chí sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong những thập niên tới, nhưng ông dự đoán các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ — hiện nhập cảng tới 85% lượng dầu và một nửa lượng khí đốt tự nhiên mà họ cần — có thể sử dụng than vì họ có nguồn cung cấp nội địa giá cả phải chăng và phong phú.
Hồi tháng Một, Tổng thống Joe Biden cho biết “sẽ không còn nhu cầu” về nhiên liệu hóa thạch “trong một thập niên nữa.” Mặc dù phân tích của BP cho thấy nhu cầu [về nhiên liệu hóa thạch] có khả năng giảm, nhưng công ty này vẫn khẳng định dầu và khí đốt tự nhiên sẽ vẫn là các tài sản năng lượng then chốt trong tương lai gần.
‘Bộ ba bất khả thi về năng lượng’
BP có trụ sở tại London là công ty dầu mỏ thuộc sở hữu của nhà đầu tư lớn thứ tư thế giới sau ExxonMobil, Shell, và TotalEnergies. Chỉ riêng Chi nhánh BP Mỹ của công ty này đã báo cáo doanh thu 164.2 tỷ USD hồi năm 2022.
Các hoạt động của công ty này bao gồm từ thăm dò đến bán lẻ tại hơn 80 quốc gia. Công ty này sở hữu gần 19,000 trạm dịch vụ trên toàn thế giới dưới thương hiệu của mình, cũng như dưới các thương hiệu Amoco ở Hoa Kỳ và Aral ở Đức.
Những dự báo và dữ liệu này có trong Triển vọng Năng lượng hàng năm của BP, được phát hành thường niên vào tháng Một, bao gồm các chỉ số được đánh giá cao được sử dụng rộng rãi trong các phân tích của các nhà lãnh đạo ngành, nhà hoạch định của chính phủ, các nhà kinh tế, các tổ chức tài chính, và các nhà đầu tư.
Vì vậy, rất nhiều người trên toàn cầu đã chú ý lắng nghe những nhận xét của ông Dale trong suốt buổi truyền hình trực tuyến của ông với Giám đốc An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Joseph Majkut của CSIS — trong đó có việc, rất có thể, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang thúc đẩy một gói 17 dự luật đề nghị “giải phóng” các nguồn tài nguyên năng lượng của Mỹ, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, mà họ khẳng định là đang phải chịu gánh nặng quá mức do IRA và các thành phần khác trong “chính sách gấp rút chuyển sang năng lượng xanh” của Tổng thống Joe Biden.
Triển vọng Năng lượng nói trên đánh giá tính an toàn, khả năng chi trả, và tính bền vững của “hệ thống năng lượng” toàn cầu thông qua ba tình huống nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải CO2 năm 2050 trong Hiệp định Paris 2050.
Ông Dale nói, “Tất cả những tình huống này sẽ sai. Chúng ta không thể dự đoán được tương lai. Chúng ta không có một tình huống ưa thích, một tình huống căn bản.”
Mặc dù những dự đoán đó trải rộng trên nhiều tình huống có thể xảy ra đối với hệ thống năng lượng toàn cầu trong 30 năm tới, nhưng có một điều mà Triển vọng Năng lượng năm 2002 đã không tính toán được là việc Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022.
Do đó, ông Dale cho biết, “Thế giới này đã thay đổi,” nâng cao an ninh và khả năng chi trả lên ngang hàng với tính bền vững để hình thành “bộ ba bất khả thi về năng lượng.”
Cuộc xâm lược đó đã cho thấy rằng “chúng ta đã đánh mất hai khía cạnh khác mà một hệ thống năng lượng hoạt động tốt cần phải mang lại, đó là an ninh và khả năng chi trả,” ông Dale cho biết. “Trong bối cảnh của bất kỳ quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững, và lâu dài nào, quá trình này sẽ cần phải có cả ba khía cạnh đó. Những thông điệp quan trọng trong năm vừa qua đã nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của hai thành phần còn lại khi chúng ta tìm cách không dùng nhiên liệu hóa thạch cho các hệ thống năng lượng của thế giới.”
Con lắc chuyển sang ‘mức phát thải ròng bằng 0’ (‘Net Zero’)
Ba khía cạnh được cân nhắc trong ba tình huống là: “kinh doanh như bình thường,” hay nói cách khác là các xu hướng hiện tại; “net zero,” hay những gì sẽ được yêu cầu để đáp ứng các mục tiêu của Paris vào năm 2050; và “Tăng tốc Chiến tranh” (War-Accelerated) vốn sẽ vượt qua các tiêu chuẩn năm 2050 đó.
Ông Dele cho biết, cuộc chiến ở Ukraine đang “dịch chuyển con lắc một cách mạnh mẽ từ ‘kinh doanh như bình thường’ sang ‘net zero’” với “các thị trường bị phân mảnh hơn” dựa trên các chính sách “tăng cường khả năng phục hồi nội địa và giảm bớt thương mại quốc tế.”
Ông cho biết, một trong những sắc thái trong cách thức các chính sách năng lượng đang thay đổi là trước năm 2022, các nhà hoạch định “tập trung nhiều vào việc giảm nguồn cung hydrocacbon,” đồng thời cho biết thêm hiện tại họ phải thực hiện những nỗ lực tương tự để bảo đảm “nhu cầu phù hợp với nguồn cung.”
Điều này sẽ “làm chậm tốc độ toàn cầu hóa” và nhu cầu đối với các sản phẩm hydrocarbon nhập cảng, vốn dĩ có thể trở nên ít sẵn có hơn vì ngành công nghiệp hóa dầu của Nga – nhà xuất cảng nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai thế giới, đặc biệt tới châu Âu – có lẽ sẽ “bị hạn chế khả năng tiếp cận đối với công nghệ và tài chính phương Tây,” có nghĩa là họ không có khả năng cải thiện hiệu suất hoặc hiệu quả.
Ông Majkut của CSIS cho biết kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, hoạt động xuất cảng khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ vẫn “tiếp tục duy trì ở châu Âu” và lưu ý rằng có những lời kêu gọi mở rộng những đường ống và cơ sở hạ tầng thiết bị đầu cuối cần thiết để các nhà sản xuất Hoa Kỳ vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên ra hải ngoại.
Nếu châu Âu và các quốc gia khác, với nhu cầu về các tuyến cung cấp an toàn, rốt cuộc sẽ thay thế dầu và khí đốt tự nhiên nhập cảng từ Hoa Kỳ, đồng thời việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân nói chung tăng lên, thì ông Majkut tự hỏi liệu các khoản đầu tư dài hạn vào những đường ống và thiết bị đầu cuối được cân nhắc trong Quốc hội hôm nay sẽ là “vấn đề các tài sản bị mất giá trị” của ngày mai hay không.
Ông Dale cho biết tốt hơn hết là nên tìm hiểu xem phải làm gì với một “tài sản bị mất giá trị” sau nhiều thập niên hơn là lo lắng về việc bị mất giá trị ngay bây giờ vì quý vị đã không có tài sản đó khi nó còn hữu ích.
Ông so sánh điều đó với bảo hiểm tài sản. “Chúng ta đã có một quyết định về việc có muốn trả tiền bảo hiểm cho ngôi nhà của mình hay không. Bằng cách thực hiện [thanh toán bảo hiểm], chúng ta phải từ bỏ một số tiêu dùng (chi tiêu). Cách mà quý vị suy nghĩ về an ninh năng lượng cũng giống như vậy,” ông nói và gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất cảng là “sự đánh đổi để có được một hệ thống năng lượng mạnh mẽ và linh hoạt” mà sự hiện diện đơn thuần của cơ sở hạ tầng này là một “sự bảo đảm” giúp thúc đẩy sự đổi mới ở những lĩnh vực khác.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times