Dòng thời gian: Sự sụp đổ của Sam Bankman-Fried và đế chế mã kim
Anh Sam Bankman-Fried, 25 tuổi, tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã rời công ty giao dịch định lượng Jane Street vào năm 2017 để thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình, Alameda Research. Lúc đầu, quỹ đặt trọng tâm vào mã kim này tập trung vào các giao dịch thuật toán có rủi ro thấp.
Sau hai năm điều hành công việc kinh doanh, anh Bankman-Fried bắt tay vào thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là bắt đầu một sàn giao dịch mã kim mà sau này trở thành FTX.
Trong thời kỳ giá mã kim tăng cao, mọi thứ diễn ra suôn sẻ đối với anh Bankman-Fried khi những tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính như SoftBank và Sequoia ủng hộ dự án kinh doanh của anh. Giá trị tài sản ròng của anh tăng vọt lên 26.5 tỷ USD vào cuối năm 2021, vào khoảng thời gian giá Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, giá trị tài sản đã giảm mạnh trong năm nay khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã mở ra một kỷ nguyên mới của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Mã kim, đặc biệt là đồng token FTT của FTX, cũng không phải là ngoại lệ.
Đạt mức cao nhất mọi thời đại là 84.18 USD vào mùa thu năm 2021, FTT đã giảm mạnh xuống còn 1.43 USD/token tại thời điểm viết bản tin này. Nhiều người cho rằng, bao gồm cả chính anh Bankman-Fried, sự giảm mạnh giá trị của đồng tiền này là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của FTX.
Hôm 02/11: Tài sản thế chấp FTT
Một bài báo do CoinDesk phát hành hôm 02/11 đã châm ngòi cho một chuỗi các sự kiện không may đối với FTX. Trang tin tức về mã kim này tuyên bố đã xác thực các tài liệu biểu thị các mục trong bảng cân đối kế toán của Alameda Research.
Hai tài sản lớn nhất trên bảng cân đối kế toán là “FTT không khóa” ở mức 3.66 tỷ USD và “tài sản thế chấp FTT” ở mức 2.16 tỷ USD. Cộng đồng mã kim đã sững sờ, đặc biệt là trước khả năng Alameda có thể đã vay các khoản vay lớn trong khi cầm cố các đồng mã kim kém thanh khoản của công ty chị em làm tài sản thế chấp.
Quy mô của những khoản vay này khiến nhiều chuyên gia về mã kim lo lắng.
Như ông Dylan LeClair, người sáng lập công ty nghiên cứu mã kim 21st Paradigm, đã chỉ ra rằng, khi câu chuyện vỡ lở, tổng giá trị thị trường của tất cả các đồng token chỉ là 3.35 tỷ USD so với 5.82 tỷ USD trên sổ sách của Alameda.
Ông ám chỉ đến sự vô ích khi cố gắng thanh lý số dư lớn như vậy theo giá thị trường, lúc đó là 25 USD. Ông LeClair đăng trên Twitter hôm 02/11, sau khi câu chuyện của CoinDesk lan ra: “Quý vị không thể bán thứ này trị giá 1 triệu USD mà không đẩy thị trường xuống thấp hơn đáng kể.”
Hôm 06/11: Binance và FTT
Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của một số ông lớn trong ngành, đáng chú ý nhất là ông Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao), người sáng lập sàn giao dịch mã kim cạnh tranh Binance. Hôm 06/11, ông Triệu thông báo rằng Binance sẽ “thanh lý mọi FTT còn lại” do công ty nắm giữ.
As part of Binance’s exit from FTX equity last year, Binance received roughly $2.1 billion USD equivalent in cash (BUSD and FTT). Due to recent revelations that have came to light, we have decided to liquidate any remaining FTT on our books. 1/4
— CZ 🔶 BNB (@cz_binance) November 6, 2022
Cùng ngày 06/11, Giám đốc điều hành của Alameda, cô Caroline Ellison, đã đáp lại ông Triệu bằng lời đề nghị mua toàn bộ số dư FTT của Binance—tổng cộng là 529 triệu USD—với giá 22 USD/token. Nhiều người suy đoán rằng đây là một hành động liều lĩnh để tránh làm giảm thêm giá trị của token, điều này có thể gây nguy hiểm cho khả năng thanh toán của công ty giao dịch này do hàng tỷ dollar tài sản thế chấp FTT.
Tuyên bố của người sáng lập Binance đã khởi đầu một cú huých vào cánh cửa. Ước tính có khoảng 6 tỷ USD tiền đã rời khỏi sàn giao dịch FTX trong vòng 72 giờ.
Hôm 08/11: Binance đề nghị giúp đỡ
Hôm 08/11, ông Triệu đã thông báo về việc mua lại FTX khẩn cấp để “giúp trang trải cuộc khủng hoảng thanh khoản.” Ông cho biết công ty của ông sẽ tiến hành thẩm định kỹ lưỡng trong những ngày tới. Trước thông báo của mình, anh Bankman-Fried đã lên Twitter để bảo đảm với khách hàng rằng họ được bảo vệ và “tất cả tài sản sẽ được bảo hiểm 1:1.”
1) Hey all: I have a few announcements to make.
Things have come full circle, and https://t.co/DWPOotRHcX’s first, and last, investors are the same: we have come to an agreement on a strategic transaction with Binance for https://t.co/DWPOotRHcX (pending DD etc.).
— SBF (@SBF_FTX) November 8, 2022
Hôm 09/11: Binance ra đi
Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, thỏa thuận trên đã thất bại hôm 09/11 khi ông Triệu trích dẫn “quá nhiều vấn đề” trong một cuộc trò chuyện riêng với anh Bankman-Fried và các nhân viên của anh này. Trong bối cảnh hỗn loạn, giá của FTT đã giảm từ 25 USD xuống dưới 2 USD, giảm hơn 92% chỉ trong vài ngày và giảm 98% so với mức cao nhất.
Mặc dù FTX đã đóng băng việc rút tiền của khách hàng hôm 08/11, nhưng sàn giao dịch này đã bắt đầu tạo điều kiện cho người dân Bahamas rút tiền hôm 10/11. Anh Bankman-Fried sau đó đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng anh đưa ra quyết định này để tránh bị mắc kẹt ở một quốc gia nơi có nhiều “người đang giận dữ.”
Bất chấp việc đóng băng, trang web theo dõi giao dịch mã kim Etherscan vẫn chứng kiến tiền tiếp tục chảy vào Alameda. Reuters cũng đưa ra một bản tin nói về “cánh cửa hậu” của anh Bankman-Fried, được cho là được dùng để chuyển 10 tỷ USD từ FTX vào quỹ đầu tư của anh này.
Kể từ đó, anh Bankman-Fried đã tuyên bố rằng anh ta không biết gì về bất kỳ “cánh cửa hậu” nào cũng như không nhúng tay vào việc xây dựng nó.
Hôm 10/11: ‘Tôi xin lỗi’
Hôm 10/11, cựu tỷ phú này đã thừa nhận trong một dòng Twitter, nói rằng “Tôi xin lỗi. Đó là điều lớn nhất.”
Anh ấy cũng nói rằng tất cả tiền mặt có sẵn sẽ được dùng để hoàn trả cho người dùng và FTX.US, công ty con của công ty này tại Hoa Kỳ, vẫn “bảo đảm 100% thanh khoản.”
Hôm 11/11: Chương 11
Hôm 11/11, FTX đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11, bao gồm cả FTX.US.
Trong thời gian này, Ủy ban Chứng khoán Bahamas đã ban hành lệnh tạm giữ đối với một số tài sản FTX nhất định. Tổng chưởng lý của Bahamas Ryan Pinder sau đó đã khen ngợi ủy ban này vì đã hành động với tốc độ “đáng nể.”
Trong bài báo bom tấn ban đầu đã gây ra sự sụp đổ của FTX, trang CoinDesk lưu ý rằng FTX và Alameda Research “gần gũi một cách bất thường.”
FTX đã cho Alameda vay 10 tỷ USD tiền của khách hàng. Theo The Wall Street Journal, con số này chiếm hơn một nửa tổng số tiền mặt của khách hàng khi sàn giao dịch này nắm giữ 16 tỷ USD tài sản của bên thứ ba.
Khi chiến lược đầu tư của Alameda chuyển từ giao dịch định lượng rủi ro thấp sang đặt cược định hướng rủi ro cao, tiền của người dùng FTX được phân bổ cho nhiều khoản đầu tư liều lĩnh khác nhau. Như ông Sam Trabucco, đồng Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của Alameda, đã tuyên bố vào đầu năm 2021, “Chúng tôi đã giữ vị thế của DOGE trong nhiều tháng.”
DOGE là từ viết tắt của Dogecoin, tên một loại mã kim lấy cảm hứng từ chú chó được tạo ra để gây hài hước. Ông Trabucco thừa nhận động lực thúc đẩy khoản đầu tư của Alameda “tất cả đều dựa trên việc để ý xem nó tăng giá như thế nào khi ông Elon đăng tweet.”
Được định giá 0.27 USD/token tại thời điểm ông Trabucco thông báo, DOGE đã giảm 63% tại thời điểm viết bản tin này.
Các khoản tiền lớn cũng được phân bổ cho các khoản chi tiêu phung phí trong nội bộ.
Hồ sơ phá sản tiết lộ khoản vay hơn 4 tỷ USD từ Alameda cho một số ít giám đốc điều hành, trong đó bản thân anh Bankman-Fried nhận một khoản vay cá nhân 1 tỷ USD và một khoản vay 2.3 tỷ USD cho một công ty mà anh ta kiểm soát. Ngoài ra, ít nhất 300 triệu USD trong quỹ công ty đã được dùng để mua bất động sản ở Bahamas cho các thành viên gia đình của anh Bankman-Fried cũng như các nhân viên cao cấp của FTX.
Các khoản quyên góp
Tiền đã được chảy đi nhiều hướng, bao gồm cả vào giới chính trị, truyền thông, và giải trí.
Doanh nhân mã kim này đã quyên góp gần 40 triệu USD cho các ứng cử viên Đảng Dân Chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, chỉ đứng sau tỷ phú George Soros. Anh Bankman-Fried sau đó tuyên bố đã trao “số tiền tương đương” cho các thành viên Đảng Cộng Hòa, và làm như vậy một cách bí mật để tránh sự giám sát của báo chí.
Hàng triệu dollar đã được đổ vào các hãng thông tấn thiên tả khác nhau, bao gồm cả The Intercept, vốn thú nhận rằng sự phá sản của FTX đã để lại một “lỗ hổng đáng kể” trong ngân sách của họ. Nhiều người nổi tiếng đã tham gia vào chiến dịch quảng cáo rộng rãi của sàn giao dịch mã kim này, bao gồm Tom Brady, Matt Damon, Gisele Bündchen, Stephen Curry, và Larry David, nhiều người trong số họ hiện là mục tiêu của một vụ kiện tập thể.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được cho là đang điều tra FTX về tội gian lận và các hành vi sai phạm khác, trong khi Tổng chưởng lý Bahamas Pinder nói rằng các cuộc điều tra của đất nước ông vẫn đang ở “giai đoạn đầu.” Trong khi đó, anh Bankman-Fried dường như đang cư ngụ tại căn hộ chung cư của gia đình anh ta ở quốc đảo này.
Tương lai của mã kim
Thị trường mã kim đã trải qua một vài tuần hỗn loạn, với Bitcoin giảm hơn 18% trong tháng. Tương lai của mã kim vẫn chưa chắc chắn, nhưng một số người cho rằng đợt giảm giá gần đây là tương đối nhẹ so với mức độ sụp đổ của FTX.
“Tôi là một nhà giao dịch, và khi tin tức thực sự xấu xuất hiện và nhóm tài sản đó không bùng nổ, điều đó khiến tôi tò mò,” ông Harris Kupperman, Giám đốc điều hành của quỹ đầu cơ Mongolia Development Group, cho biết trong một tập mới đây của chương trình phát thanh Market Huddle. “Một quả bom neutron vừa phát nổ trong mã kim.”
“The Economist đã nói về sự kết thúc của mã kim và chúng vẫn chưa tan chảy!”
Ông Michael Green, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Simplify Asset Management, bày tỏ quan điểm bi quan hơn. Ông nói với The Epoch Times: “Chưa từng bao giờ có tương lai cho mã kim.”
Ông nói thêm rằng sự sụp đổ của mã kim có thể sẽ bị trì hoãn bởi sự thất bại của FTX và ngành chứng khoán kỹ thuật số “có thể sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và chịu sự kiểm soát của chính phủ nhiều hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times