[ĐỘC QUYỀN] Bên trong ngành hậu cần đưa người vượt biên bất hợp pháp của một băng đảng Mexico
GOLIAD, Texas — Ba người điều hành nhà trú ẩn, một người hướng dẫn đi bè, hai người hướng dẫn đường bộ, một người hướng dẫn đi bộ đường dài xuyên qua rừng cây bụi, một tài xế lái taxi, và ít nhất ba tài xế khác đã phối hợp để đưa lậu anh Martin Lazaro Bieya từ Reynosa, Mexico, đến Houston — thành phố lớn đầu tiên mà anh đến sau khi trải qua hàng loạt thử thách để qua mặt Đội Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ và cơ quan chấp pháp.
Đích đến cuối cùng của anh là Detroit, nơi anh nói rằng một người chú đã sắp xếp cho anh một công việc.
Chuyến đi của anh Bieya đã kết thúc ở Quận Goliad, cách biên giới khoảng 200 dặm (320 km) về phía bắc và cách Houston 150 dặm (240 km), sau khi chiếc xe đang lén đưa anh đi đâm phải một cái cống trong lúc tài xế tìm cách chạy trốn cơ quan chấp pháp địa phương.
Ban đầu, anh bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ vào tối hôm đó khi đang đi bộ đến một con đường để tìm nước uống và thức ăn.
Hôm 23/06, The Epoch Times đã nói chuyện với anh Bieya, 17 tuổi, thông qua một phiên dịch viên khi anh ngồi tù tại nhà tù Goliad.
Anh Bieya cho biết anh đến từ Veracruz ở miền đông Mexico. Tại đó, gia đình anh sở hữu một trang trại nhỏ, nhưng “ở đó anh không thể kiếm đủ tiền.”
Anh cho biết, hồi cuối tháng Năm, anh đã quyết định đến Hoa Kỳ và gọi cho chú của mình ở Detroit.
Anh Bieya nói: “Chú ấy nói với tôi rằng chú ấy sẽ đưa tôi đến Hoa Kỳ.”
Vài tuần sau, anh Bieya và cha anh bắt xe buýt đến Reynosa, một thành phố lớn [của Mexico] ngăn cách thành phố McAllen, Texas bởi con sông Rio Grande, nơi đánh dấu đường biên giới quốc tế.
Ở trung tâm Reynosa, hai cha con đã đợi ở một nhà hàng. Họ cho người chú biết vị trí GPS của họ và trang phục họ đang mặc, và chẳng mấy chốc một chiếc taxi đến đưa họ đến một nhà trú ẩn.
Tại ngôi nhà đó, cha của anh Bieya chào tạm biệt anh rồi lên taxi trở về Veracruz.
Bên trong ngôi nhà mà anh Bieya cho là khá đẹp, “không phải là một ngôi nhà tồi tàn,” bốn người Mexico khác đang chờ để được đưa lậu qua biên giới. Những người này không phải là những người vượt biên bất hợp pháp tự nộp mình cho Đội Tuần tra Biên giới để xin tị nạn, mà là những “kẻ đào thoát” — mỗi tháng có hàng chục ngàn người tránh bị bắt vì họ không thể đủ điều kiện cho bất kỳ hình thức nhập cảnh hợp pháp nào.
Anh Bieya cho biết một thanh niên Mexico khoảng hơn 20 tuổi đang điều hành ngôi nhà này. Anh nói rằng anh không phải trả tiền cho thức ăn, chỗ ở, hoặc phương tiện đi lại ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng anh nghi ngờ rằng người chú của anh đã trả khoảng 7,000 USD để anh được đưa lậu đến Detroit.
Anh nói: “Chú nói rằng chú đã trả rất nhiều tiền, nhưng chú chưa bao giờ nói với tôi rằng chú đã trả bao nhiêu.”
Anh Bieya cho biết anh đã qua đêm trong ngôi nhà đó, và khoảng trưa ngày hôm sau, năm người di cư được chở bằng xe hơi đến “cuối một con đường dài,” sau đó anh ước tính họ đi bộ khoảng ba dặm đến bờ sông Rio Grande.
Tại đó, họ vượt sông trên một chiếc bè bơm hơi và lên bờ vào Hoa Kỳ.
Hai người Mỹ gốc Mexico xuất hiện để hộ tống họ từ con sông.
“Họ biết họ đang làm gì. Họ chỉ ở đó để đón chúng tôi,” anh Bieya nói. Cả nhóm đi bộ cho đến khi màn đêm buông xuống, sau đó dừng lại một lúc rồi tiếp tục đi bộ vào khoảng 1 giờ sáng. Anh nói, vào sáng sớm, họ đến một ngôi nhà trú ẩn ở McAllen, Texas.
Ba người nhập cư bất hợp pháp khác đã ở sẵn trong ngôi nhà trú ẩn đó, nên nhóm của họ lên đến tám người.
Vài giờ sau, cả nhóm được chở đến một ngôi nhà trú ẩn thứ hai ở McAllen. Tại đó, họ đợi đến tối rồi chen chúc lên một chiếc xe bán tải Ford. Lúc này, đã có 14 người cần được vận chuyển, trong đó có hai công dân Honduras và một người nữ.
“Cả bảy người chúng tôi” đều bị nhét vào thùng xe tải dưới tấm ván ép để ẩn nấp, anh nói. “Thùng xe đã được khoá chặt.”
“Sau khoảng một giờ chạy trên đường, chiếc xe tải dừng lại và họ bảo chúng tôi ra ngoài.”
Anh Bieya cho biết anh đã không biết được họ đang ở đâu, nhưng thời gian được tính toán phù hợp với nơi mà những kẻ đưa người vượt biên bất hợp pháp thả những người nhập cư sao cho họ có thể đi bộ xuyên qua rừng cây bụi để tránh né Lực lượng Tuần Tra tại trạm kiểm soát đường cao tốc gần Falfurrias, Texas.
Đó là một trong những con đường tử thần nhất đối với những người nhập cư bất hợp pháp, nơi có nhiều người thiệt mạng vì các vấn đề liên quan đến nắng nóng. Những người dẫn đường, hay còn gọi là “sói đồng cỏ,” sẽ bỏ mặc những người nào bị bệnh hoặc bị thương phải tự lo cho bản thân.
Hai tên sói đồng cỏ ban đầu vẫn ở cùng nhóm của anh Bieya, và tại thời điểm này, một tên thứ ba đã có mặt để dẫn dắt họ trong chuyến đi bảy đêm sau đó.
“Chúng tôi đi bộ từ 4 giờ chiều đến 5 giờ sáng,” anh Bieya nói. Vào thời điểm đó, nhiệt độ ở Nam Texas đang đạt mức cao từ khoảng 90 độ F (32 độ C) cho đến 100 độ F (37 độ C) vào ban ngày, trong khi ban đêm thì mát mẻ còn 70 độ F (21 độ C).
Cả nhóm đã mang theo những bình 1 gallon (3.78 lít) để lấy nước, và khi hết nước, họ sẽ tìm một cái máng gia súc để đổ đầy nước. Mỗi ngày họ chỉ ăn được một bữa.
“Tất cả chúng tôi đều bàn tán xem chúng tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi vào Hoa Kỳ được an toàn,” anh nói. “Tôi muốn làm việc trong vài năm và hy vọng có được quốc tịch.”
Những chiếc trực thăng với ánh đèn pha đảo qua lại nhiều lần, và họ phải chạy vào rừng cây bụi để ẩn nấp. Anh kể rằng anh cũng đã nhìn thấy các thiết bị bay không người lái ba lần trong chuyến đi. [Và thấy] hai con rắn đuôi chuông đã chết trong chuyến đi này.
Sau bảy đêm, anh Bieya cho biết cả nhóm đến một con đường trải nhựa và đợi xe bán tải đến. Trong vòng một giờ, một chiếc Chevy Tahoe SUV dừng lại, và tất cả đều ngồi chen chúc nhau. Điểm dừng tiếp theo lẽ ra là Houston, nhưng ở Quận Goliad, Cảnh sát trưởng Roy Boyd đã phát hiện ra họ và định cho chiếc xe tấp vào.
Tài xế đã cố gắng trốn thoát, nhưng bị mất lái và đâm vào cống. Tất cả những người bên trong, bao gồm cả anh Bieya, đều chạy trốn vào rừng cây bụi. Nhưng anh là người cuối cùng thoát ra khỏi chiếc xe đó và không bao giờ gặp lại nhóm người này nữa. Anh cho biết các thành viên của nhóm đã nói với anh rằng họ dự định đến New York, Virginia, Carolinas, và Houston.
“Tôi không biết phải làm gì vì tôi quá đói, quá khát,” anh nói. Sau tối hôm đó, anh nói rằng anh đã quyết định tự thú.
Anh Bieya đã tìm thấy một số công nhân ở gần một con đường và xin họ một ít nước.
“Họ đưa cho tôi hai chai nước và một chiếc bánh taco bò,” anh nói. Không lâu sau, vị cảnh sát trưởng đi ngang qua, nhìn thấy anh ở bên đường, và bắt giữ anh.
Tám thành viên khác của nhóm sau đó đã bị bắt ở một quận gần đó. Họ đã được chuyển giao cho Lực lượng Tuần tra Biên giới và đưa trở lại Mexico, nhưng ông Boyd đã ban hành lệnh bắt giữ họ nếu họ xuất hiện trở lại. Ông Boyd cho biết thêm, các lệnh truy nã bao gồm các tội danh liên quan đến tội phạm có tổ chức, cũng như một số tội tiểu hình, bao gồm cả việc trốn tránh bị bắt.
Băng đảng Gulf
Ông Boyd cho biết, băng đảng Gulf điều phối tất cả các hoạt động hậu cần của vụ đưa người nhập cư vượt biên bất hợp pháp từ miền đông Mexico qua hành lang Texas và vào sâu trong nước Mỹ.
“Hãy nghĩ đến các hoạt động hậu cần cho việc đi vào nước này,” ông Boyd nói. Anh Bieya chỉ là một người trong một hệ thống giải quyết hàng ngàn người ngoại quốc bất hợp pháp mỗi ngày.
Gần đây, các quan chức ở El Paso, Texas, đã ước tính có đến 60,000 người vượt biên ở Ciudad Juárez đang chờ để nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Ông Boyd cho biết ông nghe nói ước tính có khoảng nửa triệu người đang chờ đợi để vượt qua biên giới Mexico–Texas dài 1,254 dặm (2,018 km) này.
“Khi chúng ta vận chuyển những người đó, thì nơi mà chúng ta đưa họ đến phải không còn những người vốn đã ở đó [trước đó],” ông nói.
“Điều này gần giống như chiến tranh, hậu cần cung cấp thức ăn và vận chuyển, chỗ ở, nước, và đồ vệ sinh cá nhân và tất cả những thứ cần thiết. Đó là một nhiệm vụ đặc biệt chỉ riêng về phương diện hậu cần.”
Ông cho biết các nhà máy và nhà kho đang hoạt động ở Mexico đều là những địa điểm phổ biến mà các băng đảng sử dụng để giam giữ người cho đến khi sẵn sàng đưa họ qua biên giới này.
Ông Boyd cho biết các băng đảng này trả tiền cho chính phủ Mexico mỗi tháng để sử dụng các “quảng trường,” vốn là các khu vực dàn dựng và băng qua biên giới. Chính phủ sẽ cho phép một lượng ma túy hoặc một lượng người nhất định lưu thông mỗi tháng và nếu vượt quá mức đó, băng đảng này sẽ bị đánh thuế hoặc chính phủ sẽ đột kích vào một nhà kho và thu giữ món hàng đó cho đến khi được băng đảng này thanh toán.
“Đó là cách họ hoạt động đối với ma túy, vì vậy tôi cũng nghi ngờ họ hoạt động theo cùng một cách đối với con người,” ông Boyd nói.
Ông cho biết, nếu quá nhiều người chen chúc nhau để chờ vượt qua, điều này sẽ gây ra vấn đề về dòng tiền cho các băng đảng, bởi vì giờ đây, các băng đảng phải chi trả thêm cho nhân lực, họ phải trả tiền nước, họ đã trả tiền cho thức ăn, họ phải trả tiền giấy vệ sinh, họ phải trả tiền thuốc men — họ phải trả tiền cho tất cả những thứ đó bởi vì việc giữ cho những người này sống sót chính là lợi ích của băng đảng.
“Lúc này, những người này không hề biết rằng khoản thanh toán để đến được Texas không phải là khoản thanh toán cuối cùng. Khoản thanh toán cuối cùng sẽ được thông báo cho họ khi họ đến Houston,” ông nói.
Bên trong Texas và xa hơn nữa, băng đảng Gulf có một mạng lưới rộng khắp, với Atlanta là trung tâm chính tiếp theo ngoài Houston.
“Băng đảng này sở hữu các đại lý xe hơi, nhà hàng, cơ sở kinh doanh khác nhau và việc này giúp cho họ rửa tiền, di chuyển nô lệ và duy trì chỗ đứng trong cộng đồng,” ông Boyd cho biết. “Đó là cách họ hoạt động và rất phức tạp, nhưng điều này bảo đảm sự kiểm soát toàn bộ của băng đảng đối với khu vực hoạt động của họ ở Hoa Kỳ.”
Ông Boyd cho biết, hiện nay, các tài xế chở người vượt biên bất hợp pháp thường được tuyển dụng thông qua các mạng xã hội như TikTok, WhatsApp và Facebook.
Ông nói: “Họ nhắm mục tiêu vào thanh thiếu niên gốc Tây Ban Nha từ các khu vực đô thị như Houston, San Antonio và Dallas.”
“Họ khoe khoang những nắm tiền. Và thế là quý vị gặp một thiếu niên nhìn thấy ai đó có 10,000 USD, và được bảo, ‘Cậu có thể lái xe xuống Falfurrias, đón tám người, lái xe lên đây và cậu sẽ nhận được số tiền này.’ Tiền kiếm được dễ dàng, nhanh chóng.”
Ông Boyd còn cho biết có một cộng đồng rất đông người gốc Tây Ban Nha ở Houston, trong đó một phần “ủng hộ Mexico và làm việc cho băng đảng này — và vì vậy họ là những công nhân được thuê để đi qua lại.”
Mục tiêu của ông Boyd là ngăn chặn băng đảng này xâm nhập vào Quận Goliad. Trong phạm vi 852 dặm vuông của hạt, ông giám sát 16 địa điểm băng đảng hiện không hoạt động, nhưng chiến thuật thay đổi nhanh chóng.
“Chúng tôi không thể ngăn chặn điều này. Chính phủ liên bang muốn điều này. Chính phủ liên bang khuyến khích điều này thông qua các chính sách và thủ tục của họ,” ông nói.
“Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng càng ít thu hút họ đến Goliad càng tốt. Và đó là những gì chúng tôi đang cố gắng làm.”
Hồi năm ngoái (2021), ông Boyd bắt đầu đặt các biển quảng cáo lớn trên đường ranh giới của quận.
“Cảnh báo! Những kẻ buôn người và ma túy: Hãy quay lại, cấm vào Quận Goliad,” các biển báo viết. “Hãy quay lại. Nếu không, chúng tôi sẽ truy lùng các người và tống các người vào nhà tù Quận Goliad.”
Ông nói rằng các biển báo đã khởi tác dụng khi được dựng lên. Hoạt động của các băng đảng đã giảm. Và khi Bộ Vận tải Texas (DOT) dỡ bỏ các biển báo, hoạt động của các băng đảng lại tăng lên.
Ông Boyd đã phải dừng việc treo các biển báo sau khi một bản ý kiến của tổng chưởng lý quay trở lại nói rằng một quận không được phép đặt các biển báo nếu không có sự chấp thuận của DOT.
“Chúng ta có một danh sách toàn bộ các quy tắc, chúng ta có Hiến Pháp, chúng ta có luật pháp,” ông Boyd nói.
“Băng đảng chỉ có một thứ: kiếm tiền. Vì vậy, điều đó giúp họ thích nghi rất nhanh với bất kỳ tình huống nào họ gặp phải. Họ không ngừng thay đổi các mánh lới.”
Ông Boyd đã sắp xếp một thỏa thuận với anh Bieya rằng nếu anh ta cung cấp cho ông càng nhiều chi tiết về hành trình của mình càng tốt, thì ông sẽ đề nghị rằng Cơ quan Thực thi Hải quan và Nhập cư Hoa Kỳ (ICE) cho phép anh ta ở lại Hoa Kỳ. Ông Boyd cho biết anh Bieya có thể sẽ được phóng thích cùng với 3,000 peso (khoảng 150 USD) mà anh mang trong vòng hai tuần tới đến nhà người chú của anh ở Detroit.
Ông Boyd nói: “Hy vọng rằng việc này sẽ giúp anh ta khỏi bị cuốn vào vòng nô lệ được cam kết [với các băng đảng].”
Cô Charlotte Cuthbertson là phóng viên cao cấp của The Epoch Times, chuyên đưa tin về an ninh biên giới và cuộc khủng hoảng opioid.