Các công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc đối mặt với cạnh tranh khốc liệt khi thâm nhập vào Đông Nam Á
ĐCSTQ đứng đằng sau việc tích cực mở rộng các dịch vụ hậu cần của Trung Quốc ra thị trường ngoại quốc
Trong hai năm qua, các công ty vận chuyển và hậu cần của Trung Quốc đã tích cực mở rộng ra thị trường ngoại quốc, với sự cạnh tranh gay gắt nhất là ở Đông Nam Á.
YTO Express, công ty chuyển phát nhanh tư nhân hàng đầu tại Trung Quốc, gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng hơn nữa ra ngoại quốc tại Triển lãm Nhập cảng Quốc tế Trung Quốc (CIIE), một hội chợ thương mại thường niên được tổ chức tại Thượng Hải. Sự kiện này được tổ chức từ ngày 05 đến 10/11 năm nay.
Công ty có kế hoạch tăng mật độ tuyến đường để bao phủ các thành phố lớn ở Nhật Bản, Nam Hàn, ASEAN, và Nam Á, đồng thời mở rộng dịch vụ hậu cần quốc tế. Vào cuối tháng Tư, YTO Express đã khai trương các tuyến mới đến Philippines. Trước đó không lâu, công ty đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
Hôm 10/10, SF Express, một trong những công ty hậu cần hàng đầu tại Trung Quốc, đã thông báo rằng họ đã chính thức bổ sung Singapore, Malaysia, và Thái Lan vào các điểm đến giao hàng của mình.
Tháng Chín năm ngoái, SF Express cũng đã mua 51.8% cổ phần của Kerry Logistics, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ ba quốc tế có trụ sở tại Hồng Kông, với giá khoảng 2.2 tỷ USD.
Tháng Năm năm ngoái, công ty vận tải khổng lồ ZTO Express của Trung Quốc đã khai trương một tuyến hàng hóa trực tiếp từ Côn Minh, một thành phố ở phía nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đến Yangon, thành phố lớn nhất ở Myanmar. Hiện tại, ZTO có dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa tại 6 quốc gia lớn ở Đông Nam Á.
Cainiao, công ty chuyển phát nhanh và hậu cần thuộc sở hữu của đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, và JD Logistics, công ty con của tập đoàn bán lẻ lớn nhất Trung Quốc JD.com, cũng đã thành lập các nhà kho và tuyến hàng không đặc biệt ở Đông Nam Á.
Theo thống kê của Trung Quốc, kể từ năm 2017, ít nhất 11 công ty vận chuyển và hậu cần của Trung Quốc đã thành lập kho hàng bên ngoài Trung Quốc và chi nhánh kinh doanh ở Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD.
Cạnh tranh ở Đông Nam Á
Khi các công ty vận tải Trung Quốc đổ xô vào Đông Nam Á, các cuộc cạnh tranh khốc liệt xảy ra.
Các công ty Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh lẫn nhau mà còn từ các công ty địa phương và quốc tế. Các quốc gia này thường có dịch vụ chuyển phát nhanh được thiết lập tại địa phương và các đại công ty quốc tế như DHL, UPS, và FedEx cũng có chỗ đứng vững chắc ở Đông Nam Á.
Các công ty đầu tư cũng đang hoạt động trong thị trường chuyển phát nhanh ở Đông Nam Á. Ít nhất ba công ty đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông — Creo Capital, Choco Up, và Sun Hung Kai & Co — đã đầu tư vào các công ty liên quan đến hậu cần trong khu vực.
Đại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cũng là một nhà đầu tư vào công ty hậu cần Ninja Van của Singapore.
Mặt khác, một cuộc chiến giá cả đã nổ ra trong ngành chuyển phát nhanh của Thái Lan khi các công ty vận chuyển Trung Quốc thâm nhập thị trường nước này. Hôm 30/07, Bưu điện Thái Lan thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia này đã kêu gọi chính phủ ban hành các quy định để ngăn chặn tình trạng “định giá theo kiểu săn mồi” và bảo đảm các nhà khai thác cung cấp dịch vụ có chất lượng.
Tương tự như vậy, ngành hậu cần của Indonesia đã trải qua một cuộc chiến giá cả khốc liệt vào năm 2020.
Có nhiều thách thức khác đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh tại thị trường Đông Nam Á.
Theo TMT Post, một hãng truyền thông tin tức tài chính Trung Quốc, cơ sở hạ tầng hậu cần ở Đông Nam Á tương đối lạc hậu, phụ thuộc vào một số lượng lớn nhân viên và hiệu quả tổng thể thấp. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng (cash-on-delivery method) chiếm tỷ lệ giao dịch cao, và địa hình hiểm trở gây khó khăn cho việc vận chuyển nhanh, khiến việc giao hàng kém hiệu quả.
Bản tin của hãng truyền thông này cho biết núi và đồi chiếm phần lớn địa hình Đông Nam Á.
Báo tin này nêu rõ, Bán đảo Đông Dương, phần lục địa của Đông Nam Á, có núi non và sông ngòi phân bố thành cột xen kẽ, trong khi địa hình của Quần đảo Mã Lai nằm giữa lục địa Đông Dương và Úc là gồ ghề và dốc.
Địa hình ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển nhanh ở Đông Nam Á, cao hơn nhiều so với các khu vực khác và khiến các công ty khó đạt được lợi nhuận nhanh chóng.
Thị trường nội địa bão hòa
Có một số lý do khiến các công ty vận chuyển và hậu cần của Trung Quốc đổ xô ra thị trường bên ngoài, một trong số đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại sân nhà.
Theo dữ liệu từ Thiên Nhãn Tra (Tianyancha), một cơ sở dữ liệu thông tin của các công ty Trung Quốc, khoảng 65,000 công ty liên quan đến hậu cần ở Trung Quốc đã bị đóng cửa hoặc hủy đăng ký vào năm 2019, 73,000 vào năm 2020, và 128,000 vào năm 2021. Các công ty hậu cần ở Trung Quốc hủy đăng ký dường như đang tăng lên hàng năm.
Năm 2020, một cuộc chiến giá cả đã nổ ra trong ngành chuyển phát nhanh của Trung Quốc. Công ty khơi mào là J&T Express, một công ty chuyển phát nhanh có trụ sở tại Jakarta, Indonesia.
Mặc dù J&T Express có trụ sở tại Indonesia nhưng những người hậu thuẫn công ty này lại là người Trung Quốc. Đầu năm 2020, công ty gia nhập Trung Quốc trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang ở mức bão hòa cao. Để nổi bật so với vô số đối thủ cạnh tranh địa phương, J&T đã sử dụng chiến lược định giá thấp vì công ty có sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ vào thời điểm đó và không ngại đốt tiền trong ngắn hạn.
J&T đã giảm giá đáng kể so với đối thủ cạnh tranh của mình ở tất cả các thành phố, điều này đã làm gián đoạn thị trường chuyển phát nhanh ở Trung Quốc.
Tháng 03/2020, công ty đã phá kỷ lục bằng cách tính phí thấp tới “80 xu” bằng đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (khoảng 0.11 USD) cho mỗi gói hàng để giao hàng trên toàn quốc từ Nghĩa Ô, khu chợ lớn nhất của Trung Quốc bày bán nhiều hàng hóa nhỏ.
Hành động này đã gây sốc và phá vỡ thị trường chuyển phát nhanh vì đơn giản là không có lợi nhuận cho các công ty chuyển phát ở mức giá đó. Nhưng hành động này buộc các công ty chuyển phát nhanh khác phải chấp nhận thách thức về giá để không bị mất thị phần.
Ngay trước lễ hội mua sắm Double 11 năm đó, bốn công ty chuyển phát nhanh chính thống đã cùng nhau đưa ra “tẩy chay chuyển phát nhanh” đối với J&T.
Vì các công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc thường làm việc cho nhiều dịch vụ chuyển phát cùng một lúc, bốn công ty lớn trong nước đã chỉ đạo các công ty chuyển phát không nhận hoặc chuyển các gói hàng liên quan đến J&T Express.
Phản ứng dây chuyền do cạnh tranh khốc liệt gây ra bao gồm tồn đọng các lô hàng chuyển phát nhanh, đóng cửa các điểm phân phối, thường xuyên xảy ra tình trạng người chuyển phát bỏ việc, đồng thời trải nghiệm của người tiêu dùng liên tục giảm. Cuộc chiến giá cả chỉ dừng lại vào tháng Tư năm ngoái sau khi các cơ quan quản lý can thiệp.
Thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng
Hôm 27/10, đại công ty Internet Google, công ty đầu tư Temasek Holdings có trụ sở tại Singapore và công ty tư vấn Hoa Kỳ Bain & Company đã công bố một báo cáo chung về các nền kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Báo cáo dự báo tổng khối lượng giao dịch tại sáu nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á — Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam — sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2022, tăng 20% so với năm trước, trong đó thị trường thương mại điện tử là động lực chính.
Báo cáo cho biết thêm rằng nền kinh tế internet của sáu nền kinh tế lớn dự kiến sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025, với lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17%.
Thương mại điện tử và hậu cần chuyển phát nhanh là không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau. Sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với nhu cầu về dịch vụ hậu cần chuyển phát nhanh sẽ tăng lên.
ĐCSTQ hỗ trợ mở rộng ra ngoại quốc
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một dự án phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế cho Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi có giao dịch với Trung Quốc hoặc có biên giới với quốc gia này.
Thông qua các khoản vay và đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng của các chính phủ ngoại quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiếp cận được các cảng quan trọng trên toàn cầu.
Năm 2018, Cục Bưu chính Quốc gia Trung Quốc đưa ra dự án “chuyển phát nhanh ra biển” để hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển phát nhanh phát triển dịch vụ và mở rộng các tuyến vận chuyển đến các quốc gia và khu vực lân cận trọng điểm. ĐCSTQ đã tích cực thúc đẩy dự án, khuyến khích các công ty vận chuyển và hậu cần trong nước mở rộng ra ngoại quốc.
Tháng 12/2021, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra một thông báo liên quan đến “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” kêu gọi tăng tốc trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp. Trong số đó, sự phát triển của dịch vụ hậu cần chuyển phát nhanh quốc tế được liệt kê là một trong những ưu tiên.
Kế hoạch kêu gọi mở rộng bố trí dịch vụ ở ngoại quốc để phục vụ BRI tốt hơn, xây dựng một trung tâm bưu chính ở ngoại quốc và hình thành một mạng lưới các nút để đạt được lợi thế trong khu vực. Đồng thời, khuyến khích phát triển dịch vụ chuyển phát quốc tế.
BRI là một trong những nỗ lực quan trọng của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở ngoại quốc thông qua địa chính trị.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times