Doanh nhân Đài Loan chứng kiến cuộc bức hại Pháp Luân Công khi ông bị giam giữ ở Trung Quốc
Doanh nhân Đài Loan Lý Mạnh Cư (Lee Meng-chu) đã tận mắt chứng kiến cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các công dân và các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc — đặc biệt là cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đang phải đối mặt — trong một nhà tù ở Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông Lý trong một chuyến công tác tới Trung Quốc vào năm 2019. Tháng Chín vừa rồi, ông trở về Đài Loan sau khi bị giam 22 tháng với cáo buộc tiến hành các hoạt động gián điệp. Ông cũng bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hai năm và phải chịu “một hình phạt kèm theo” là “tước quyền chính trị”, nghĩa là ông không được bỏ phiếu hoặc tham gia bầu cử.
Trong thời gian thụ án hai năm với “hình phạt kèm theo,” ông Lý đã tới hơn 100 thành phố của Trung Quốc và tìm hiểu về những tội ác xảy ra bên trong các nhà tù, đặc biệt là những hành vi ngược đãi đối với các học viên Pháp Luân Công.
Ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 26/10: “Tôi lên án những hành vi vi phạm của chế độ cộng sản đối với quyền tự do tôn giáo.”
Vụ bắt giữ
Ông Lý bị giam giữ trong cuộc biểu tình “chống dẫn độ” quy mô lớn ở Hồng Kông nổ ra vào tháng 6/2019, với hàng chục ngàn người bị bắt.
Vào tháng 02/2019, chính quyền Hồng Kông đã đề xướng “Dự luật Sửa đổi Pháp lệnh về Tội phạm Bỏ trốn,” cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự ở Hồng Kông về đại lục để xét xử. Các nhà phê bình lập luận rằng, do chế độ Trung Quốc xem thường pháp quyền, nên các đề nghị này sẽ trao cho Bắc Kinh quyền theo đuổi việc dẫn độ những người chỉ trích họ ở Hồng Kông mà không bị trừng phạt.
Vào tháng 10/2020, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV tuyên bố rằng lực lược an ninh quốc gia Trung Quốc đã vạch trần ông Lý với cáo buộc gián điệp, cho rằng ông có dính líu tới “hàng trăm vụ gián điệp liên quan đến các gián điệp từ Đài Loan.” Ông bị cáo buộc là thành viên của lực lượng “Đài Loan độc lập” liên quan đến hoạt động gián điệp và can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông.
Chính quyền Trung Quốc buộc ông Lý phải “thú nhận tội lỗi” của mình và xin lỗi “tổ quốc” trên truyền thông nhà nước.
Nghĩ về sự bức hại mà ông phải chịu đựng dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc, ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] hóa ra khác với những gì tôi nghĩ ban đầu.”
Giống như nhiều doanh nhân Đài Loan, ông tin rằng việc tránh thảo luận về chính trị ở Trung Quốc sẽ bảo đảm an toàn cho ông. Ông nói: “Tuy nhiên, ĐCSTQ phi lý hơn những gì mọi người tưởng tượng.”
Cuộc bức hại
Ông Lý bị giam giữ tại Nhà tù Triệu Khánh ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Nhà tù này được phân thành 20 khu riêng biệt, mỗi khu giam giữ vài trăm tù nhân. Trong khu vực mà ông bị giam, có ít nhất năm học viên Pháp Luân Công cũng ở đó.
Ông quan sát thấy các học viên Pháp Luân Công bị nhắm mục tiêu đặc biệt và bị đối xử vô nhân đạo, ban quản lý nhà tù sẽ trừng phạt họ bất cứ khi nào có cơ hội.
Ông nói, “Họ bị giam cầm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ lại đối xử với họ quá đặc biệt như thế.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên tắc căn bản là: chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên này, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó.
Thấy rằng số lượng học viên ngày càng tăng là mối đe dọa đối với quyền cai trị độc tài của chế độ, nên vào vào ngày 20/07/1999, chế độ cộng sản vô thần đã khởi xướng một chiến dịch sâu rộng nhằm mục đích ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong thời gian cầm tù.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Ông Lý mô tả về một hiện tượng bất thường ở các nhà tù Trung Quốc. Ông kể lại: “Những tù nhân không xác định được tên, gia đình, hoặc lai lịch thì thường có khả năng cao là sẽ biến mất.”
Một bạn tù nói với ông rằng trong một nhà tù ở Đông Bắc Trung Quốc, khoảng một phần ba số tù nhân mới đã biến mất trong vòng bốn tháng.
Ông Lý cho biết: “Điều này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận giữa các tù nhân, với nhiều suy đoán rằng những cá nhân này rất có thể bị thu hoạch nội tạng sống.”
Trong hai năm bị cấm đi ra khỏi Trung Quốc, ông đã đến thăm 105 thành phố trên khắp đất nước. Chính tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, ông đã được nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Trong chuyến thăm của ông Lý Mạnh Cư tới thành phố Trường Xuân — nơi Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, lần đầu tiên hồng truyền môn tu luyện ra công chúng vào năm 1992 — một người bạn địa phương đã chia sẻ một câu chuyện đáng lo ngại. Ông Triệu (bí danh) nói với ông Lý rằng sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, nhiều học viên địa phương, bao gồm một số bạn học cấp một và cấp hai của ông, cũng như toàn bộ gia đình họ, đã biến mất một cách khó hiểu.
Ông Triệu nói rằng một người bạn cùng lớp của ông đã phát hiện ra người thân trong gia đình bà đã mất tích và nghi ngờ ĐCSTQ có liên quan đến vụ việc này. Trong nỗ lực tìm kiếm câu trả lời, các thành viên khác trong gia đình đã đến gặp chính quyền nhưng đều bị ĐCSTQ giam giữ.
Ông Lý nói: “Người dân địa phương cho biết đã 20 năm rồi mà vẫn không có tin tức gì về những người mất tích đó.”
Mặc dù thực tế là có rất ít người tự nguyện hiến tạng ở Trung Quốc, nhưng ngành cấy ghép nội tạng ở nước này vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ đầu những năm 2000.
Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas cho biết việc sát hại người trên quy mô lớn để thu hoạch nội tạng bắt đầu từ đầu những năm 2000, một vài năm sau khi chính quyền bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Matas nói với các thành viên Quốc hội Latvia hôm 23/08 rằng: “Các bằng chứng [về hoạt động này] trong nhiều thập niên hiện nay đã tăng lên đáng kể.”
‘Những người cộng sản không thể dung thứ cho những tiếng nói bất đồng’
Ông Lý cho biết, bất chấp chiến dịch sâu rộng của Bắc Kinh nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công, một số lượng đáng kể công dân Trung Quốc, bao gồm cả giới trẻ, đã nhận thức được sự lừa dối và tàn bạo của ĐCSTQ. Ông nhấn mạnh rằng “Người dân Trung Quốc cũng xứng đáng có được những niềm tin tôn giáo có ý nghĩa.”
Ông Lý tin rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng các biện pháp cực đoan để đàn áp niềm tin tôn giáo bởi vì về bản chất, ĐCSTQ là một đảng phái vô thần.
Ông cũng cho biết người Đài Loan không được nghĩ rằng họ có thể tham gia đối thoại với ĐCSTQ về các quyền căn bản mà hiến pháp trao cho người dân, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và quyền tự do hội họp.
Bản tin có sự đóng góp của Trương Nguyên Chương
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times