Đài Loan: Hơn 5,000 học viên Pháp Luân Công tham gia buổi xếp chữ thường niên
Ký hiệu của Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là ‘Pháp Luân’
ĐÀI BẮC, Đài Loan—Hôm 09/12, khoảng 5,200 người đã cùng nhau tập hợp tại Quảng trường Tự do mang tính biểu tượng của hòn đảo này, tạo thành một bức tranh có hình ảnh và các Hán tự to lớn đầy màu sắc để giúp người dân nhận thức đúng đắn hơn về môn tu luyện tâm linh của họ, Pháp Luân Công.
Để tổ chức sự kiện này, một kiến trúc sư về hưu đã lập sẵn một bản thiết kế chi tiết. Trong vòng ba ngày trước ngày thứ Bảy, hơn 100 học viên Pháp Luân Công địa phương đã đánh dấu vị trí theo hình ảnh đã được thiết kế lên phần mặt bằng nơi diễn ra sự kiện bằng các sợi dây và thảm — nơi mà mỗi người tham gia sẽ ngồi trong sự kiện.
Ngày thứ Bảy đó, các học viên Pháp Luân Công lần lượt đi đến vị trí của họ theo chỉ dẫn trong trang phục nhiều màu sắc như vàng, trắng, xanh, đỏ, và đen. Hình ảnh ‘Bánh xe Pháp’ (tiếng Hoa gọi là Pháp Luân) ở chính giữa được tạo nên với sự góp sức của khoảng 2,000 người. Trong đồ hình này còn có biểu tượng chữ Vạn (srivatsa) truyền thống của Phật Gia, và biểu tượng “Thái cực” của Đạo Gia. Đây là đồ hình ký hiệu của Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Khoảng 3,000 người còn lại xếp thành 12 Hán tự phồn thể. Bốn ký tự bên trái dịch là “Phật Pháp vô biên”, bốn ký tự phía trên dịch là “Toàn Pháp chí cực”, và bốn ký tự bên phải nghĩa là “Pháp Luân thường chuyển.”
Bà Hoàng Xuân Mỹ (Huang Chun-mei), người tổ chức hoạt động và là phó chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng 12 ký tự này đã được lựa chọn cẩn thận.
Bà Hoàng nói: “Tôi hy vọng rằng mọi người có thể cảm nhận được năng lượng tích cực mạnh mẽ đến từ 12 Hán tự này,” dù là mọi người có thể nhìn thấy tận mắt quá trình xếp chữ hay chỉ là xem ảnh về sự kiện này ở trên mạng. Bà nói thêm rằng năng lượng tích cực như vậy là đặc biệt cần thiết trong thế giới hiện nay, nơi có mọi loại trào lưu khác nhau nhưng không hẳn là tốt cho con người.
Sự kiện thường niên này diễn ra trong bối cảnh xã hội rất khác nhau giữa Đài Loan và Trung Quốc — Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội và không chấp nhận tự do tôn giáo, trong khi người dân Đài Loan được hưởng một nền dân chủ năng động và các quyền tự do mạnh mẽ.
Do đó, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù, tra tấn, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, kể từ khi ĐCSTQ phát động chiến dịch tàn bạo nhằm xóa sổ môn tu luyện này vào năm 1999.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần kết hợp các bài tập tĩnh tại khoan thai, và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Môn tu luyện này trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu học viên, dựa trên ước tính chính thức vào thời điểm đó. Lượng người theo tập đông đảo này bị xem là một mối đe dọa đối với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, vì thế ông ta đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm xóa sổ môn tu luyện này vào tháng 07/1999.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, trong 24 năm, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi giam giữ. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó các bệnh viện Trung Quốc đã thu hoạch những cơ quan nội tạng quan trọng của họ để phục vụ cho ngành cấy ghép nội tạng đang bùng nổ ở Trung Quốc.
Bà Hoàng giải thích rằng Quảng trường Tự do, một điểm thu hút khách du lịch lớn ở Đài Loan, đóng vai trò là cánh cổng dẫn mọi người bước vào nền văn hóa, quyền tự do, và lịch sử của hòn đảo. Bà nói: “Nếu những sự kiện xếp chữ tương tự thế này có thể được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn, thì Trung Quốc mà chúng ta biết sẽ rất khác.”
Pháp Luân Công
Không phải tất cả các học viên tham gia sự kiện hôm thứ Bảy này đều là người Đài Loan, khoảng 200 người trong số họ đến từ Nam Hàn.
Một trong những người Nam Hàn đó là bà Park Mi-ra, 48 tuổi, làm nghề nha sĩ. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2016. Bà Park chia sẻ với The Epoch Times rằng năm nay là năm thứ ba bà đến Đài Loan để tham dự sự kiện này.
Bà Park nói rằng thật “thật tuyệt vời” khi có thể dành thời gian hội ngộ với rất nhiều bạn tu tập cùng môn với mình. Ví bản thân mình như là một “lạp tử” trong chỉnh thể to lớn này, bà nói thêm rằng bà cảm thấy thật tuyệt vời khi được là một trong số những người được ngồi ở khu vực chính giữa để tạo thành đồ hình [Pháp Luân].
Bà nói thêm: “Tôi nói với mọi người về nạn thu hoạch nội tạng. Điều đó không nên xảy ra ở Trung Quốc.”
Ông Lo Yu-tang, 44 tuổi, đại diện mua hàng làm việc tại công ty điện lực Taipower của hòn đảo, cùng với vợ là bà Chien Lien-ying, 41 tuổi, đã đến Quảng trường Tự do vào thứ Bảy để trợ giúp cho sự kiện.
Tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2004, ông Lo giải thích rằng hiện nay với một tâm thái an hòa ông đã có một công việc tốt hơn. Thay vì lúc nào cũng chú ý đến lợi ích của bản thân, ông cho biết mình đã học được cách suy nghĩ cho người khác trước tiên.
Ông Lo bày tỏ: “Nếu không tu luyện, có lẽ tôi sẽ thường xuyên tranh cãi lớn tiếng tại nơi làm việc. Hễ khối lượng công việc không được phân bổ đồng đều là tôi sẽ cảm thấy buồn bực trong người.”
Ông Lo nhấn mạnh rằng ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công là những giá trị phổ quát, cũng như bày tỏ hy vọng rằng mọi người sẽ nhận ra ĐCSTQ tàn ác như thế nào.
Việc xếp chữ kéo dài vài giờ và kết thúc vào khoảng giữa trưa, trong đó có nhiều khách du lịch và người dân địa phương Đài Loan đứng gần đó để xem. Một giám đốc dự án đến từ Paris, Pháp, tự xưng là Hicham, nói với The Epoch Times rằng ông nhận thức được rõ ràng rằng Trung Quốc hoàn toàn khác với Đài Loan.
Ông Hicham cho biết: “Tôi theo đạo Hồi, mà ở Trung Quốc đang có một cuộc đàn áp nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Tôi buồn vì điều đó. Còn ở Đài Loan thì hoàn toàn khác, người dân có thể thực hành tín ngưỡng của mình một cách tự do. Điều đó tốt cho thế giới này.”
Đến từ Ấn Độ, ông Sumit nói với The Epoch Times rằng “Thật tuyệt vời và cần thiết để thế giới hiểu được những khác biệt cơ bản giữa Đài Loan và Trung Quốc, tại sao ở đây lại có nhiều tự do hơn.”
Ông Sumit nói thêm: “Việc đàn áp bất kỳ người nào dựa trên đức tin hay dựa trên tôn giáo của họ chắc chắn là không đúng, cho dù đó là ở Trung Quốc hay ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.”
Sau khi xếp chữ xong, các học viên Pháp Luân Công xếp hàng theo màu sắc trang phục của họ và cùng nhau luyện công.
Ông Ngô Thanh Tường (Wu Ching-hsiang), kiến trúc sư đã về hưu, người đã thiết kế bố cục cho buổi xếp chữ, đã khuyến khích mọi người truy cập trang web chính thức của Pháp Luân Đại Pháp, và cho biết các bài giảng của môn tu luyện này có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times