Thí sinh đạt Giải Vàng Hoàng Duyệt dùng tài năng nghệ thuật để truyền tải sứ mệnh
Nghệ sĩ múa Hoàng Duyệt (Carol Huang) từng hai lần đạt Giải Vàng ở hạng mục thiếu niên trong Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD, một lần nữa thắng giải vàng khi lần đầu tiên tham dự hạng mục thanh niên vào năm nay.
“Tôi không nghĩ về các vị trí xếp hạng,” cô nói, “đó không phải là mục tiêu đúng đắn.”
Cô Hoàng là một nghệ sĩ tài năng, và là nghệ sĩ múa chính trong Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới. Lý do cô tham dự cuộc thi này cũng giống như nhiều nghệ sĩ múa khác đang hiện diện ở đây: là để cải thiện bản thân và nâng tầm hiểu biết của họ về vũ đạo.
Năm nay, cô biểu diễn vở vũ kịch “Faith” (Đức Tin), kể về một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.
Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần giảng dạy ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Pháp môn này được phổ truyền ra công chúng vào những năm 1990, và chỉ trong một thập niên đã lan truyền rộng rãi thông qua truyền miệng. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch bức hại nhằm “nhổ tận gốc” môn tu luyện này bằng toàn bộ lực lượng của bộ máy nhà nước.
Hầu hết các học viên đều không từ bỏ đức tin của mình. Thay vì bị đe dọa bởi sự vu khống và cuộc đàn áp bạo lực, những nỗ lực của những người dân bình thường và câu chuyện về lòng dũng cảm xuất hiện khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp làm sáng tỏ sự thật về những gì họ tin tưởng với người dân Trung Quốc.
Chung kết cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của Đài truyền hình NTD
“Tôi không đặt nhân vật của mình vào bất cứ một người cụ thể nào,” cô Hoàng nói. “Điều tôi muốn khắc họa là bất cứ học viên Pháp Luân Đại Pháp nào đang phải sống dưới áp lực trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ. Khi họ bước ra ngoài để nói rõ sự thật cho người khác, họ ắt phải cảm thấy một nỗi sợ hãi nào đó.”
“Tôi muốn biểu đạt cách họ vượt qua sợ hãi và can đảm bước lên phía trước để nói cho người dân thế giới biết sự thật về Pháp Luân Công, cách họ đã vượt trên nỗi sợ hãi và đủ loại lo lắng của chính mình để làm được điều đó,” cô chia sẻ.
Một trong những tiêu chí mà ban giám khảo xem xét là cách nghệ sĩ múa vận dụng “thân đới thủ” (身帶手, thân dẫn động tay) và “khố đới thối” (胯帶腿, hông dẫn động chân), một kỹ pháp chuyển động được các nghệ sĩ múa Shen Yun tiên phong dưới sự dẫn dắt của Giám đốc nghệ thuật Ngài D.F.
Hiệu quả của việc vận dụng kỹ pháp này là các động tác sẽ kéo dài hơn, khoáng đạt hơn, và tăng tính biểu cảm.
“Nếu bạn muốn khắc họa một nhân vật, thì bạn cần dùng cảm xúc của họ để thể hiện nhân vật đó. Và sau đó nếu bạn dùng cơ thể của mình để biểu đạt những cảm xúc mà bạn muốn truyền tải, thì điều đó sẽ thể hiện ra rất rõ ràng,” cô cho hay.
“Tựa như trong tiết mục của tôi; khi người ta sợ hãi, họ sẽ thu mình trong nỗi sợ,” cô Hoàng nói, và mô phỏng tư thế của cô trong vở vũ kịch. “Cơ thể của bạn thu lại và co rúm như thế này.”
“Nhưng khi bạn đứng lên cùng đức tin và chính nghĩa, tư thế và ngôn ngữ hình thể của bạn sẽ rộng mở và bừng sáng,” cô chia sẻ, và cho thấy sự khác biệt to lớn được truyền tải thông qua sự thay đổi tư thế đơn giản. “Cơ thể của bạn có thể giúp bạn thể hiện điều này rất rõ ràng.”
“Tâm trí và ý chí của bạn phải liên tục hiện diện trên cơ thể bạn. Vũ đạo không chỉ là chuyển động đôi tay và đôi chân của mình,” cô nói. “Cơ thể là toàn bộ trung tâm của con người bạn. Nếu bạn sử dụng cơ thể để biểu đạt điều gì đó, thì bạn sẽ thể hiện điều đó rõ ràng hơn nhiều.”
Shen Yun đã đang vận dụng kỹ pháp này trong nhiều năm qua, và điều này đã thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế mới cho vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
“Không phải vì bạn lớn tuổi hơn hoặc có kinh nghiệm nhiều hơn thì bạn mới có thể hiểu kỹ pháp này tốt hơn; rất nhiều nghệ sĩ múa tuổi thiếu niên đã làm được rất tốt. Điều chính yếu vẫn là nỗ lực, liệu bạn có đặt trái tim mình vào đó hay không,” cô Hoàng cho hay.
Vũ đạo có thể là một hành trình gian truân, cô Hoàng chia sẻ, nhưng bài học mà cô rút ra được là bạn phải giữ một tâm thái tích cực.
“Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống,” cô nói, “khi bạn khắc phục được những vấn của mình thì bạn sẽ hoàn thiện hơn — cả về đạo đức lẫn thể chất.”
Đó là điều mà bản thân cô luôn cố gắng đạt được với tư cách là một nghệ sĩ, và với tư cách là một học viên Pháp Luân Đại Pháp tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
“Tôi nghĩ nghệ thuật chân chính có thể khơi dậy thiện niệm trong tâm mỗi người,” cô Hoàng bộc bạch. “Nghệ thuật không chỉ là màn tiêu khiển phục vụ cho việc giải trí kéo dài suốt thời gian của buổi biểu diễn. Nghệ thuật có thể mang lại cho ai đó ấn tượng lâu dài, và ảnh hưởng tích cực.”
Nhóm biên dịch Văn hóa-Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times