Diêm Vương xử án: Nghiêm trị tội lấy tiền công đức làm của riêng
Trung Quốc thời cổ đại xuất hiện rất nhiều vị cao tăng vì tinh tấn khổ hạnh, siêng năng tu hành nên được Thần Phật che chở. Nhưng cũng có một số nhà sư hoặc hành giả bị trời trừng phạt vì tham lam phụ nghĩa. Những ví dụ ấy đều được ghi chép trong hai cuốn “Canh tị biên” và “Di kiên chí”.
Theo cuốn “Canh tị biên”, vào thời nhà Minh, ở Duyện Châu (phía tây nam tỉnh Sơn Tây), có một ngôi miếu rất linh. Không những thế, nơi này còn thường xuyên xảy ra những chuyện hết sức bí ẩn.
Vào năm Hoằng Trị đời hoàng đế Minh Hiếu Tông, tiến sĩ Cung Nguyên người Tô Châu đã đến Duyện Châu làm tri phủ. Một đêm nọ, ông nghe thấy âm thanh ồn ào như tiếng roi quật, bèn hỏi nha dịch xem có chuyện gì xảy ra. Có nha dịch biết chuyện liền bẩm báo: “Âm thanh phát ra từ ngôi miếu kia. Ở đó rất hay xảy ra chuyện thần kỳ!”. Tuy nhiên, Cung Nguyên nghe vậy vẫn không tin.
Để tra rõ ngọn ngành, sáng sớm hôm sau, Cung Nguyên đích thân đến ngôi miếu nhưng không nhìn thấy gì cả. Thế là ông gọi nha dịch nọ đến khiển trách một trận. Nhưng người này vẫn một mực nói: “Phải thành tâm thành ý, lúc vào mới thấy được”.
Tối ngày thứ hai, Cung Nguyên tắm rửa, trai giới xong xuôi, mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lại lên đường đến ngôi miếu. Sau khi tế bái, cầu khẩn rất lâu, ông mới mở cửa cất bước tiến vào. Lúc đó, ông nhìn thấy bên trong có năm người mặc trang phục giống như hoàng đế vậy. Họ tiến đến chào Cung Nguyên và mời ông ngồi.
Cung Nguyên khiêm tốn từ chối, thấy vậy họ bèn nói: “Ngài là quan trên dương gian, chúng tôi là quan dưới âm giới. Về chuyện công vụ, chúng ta không có liên can gì đến nhau, vậy nên ngài cứ yên tâm ngồi xuống đi”.
Có người dâng trà tiếp đãi Cung Nguyên nhưng ông cũng không dám uống. Một trong năm vị khuyên ông: “Đây là trà để đãi tiệc, ngài cứ uống đi, không sao đâu”.
Cung Nguyên vẫn nhớ người đời đồn đại dưới địa phủ có Thập điện Diêm vương, nhưng ông chỉ thấy có năm vị, bèn hỏi: “Tôi từng nghe nói Minh giới có mười vị Vương, sao các ngài chỉ có năm vị?”. Họ đáp: “Những người còn lại đi dự yến tiệc rồi”.
Cung Nguyên tỏ ý muốn thấy cảnh tượng dưới địa ngục, các vị vương nói: “Địa ngục nội quy rất nghiêm ngặt, không thể tuỳ tiện dẫn ngài xuống được. Nhưng chúng tôi sẽ cho ngài xem một chuyện”.
Họ lập tức hạ lệnh cho âm sai dẫn một nhà sư đến, rồi lấy than hồng còn đang âm ỉ đốt cháy lưng ông ta. Diêm Vương nói với Cung Nguyên: “Đây là một nhà sư ở chùa chỗ ngài. Tiền hoá duyên và công đức được rất nhiều, nhưng hắn lấy hết đi mua rượu thịt, tiêu pha mua vui cho mình, không lấy tiền đó đi tu sửa chùa chiền. Vì vậy phải chịu hình phạt này”.
Cung Nguyên hỏi cách giải trừ tội lỗi cho nhà sư này, Diêm vương đáp: “Sau này phải hối cải hành thiện, mới có thể miễn trừ”.
Thế rồi Cung Nguyên rời đi, ông trở về phủ và phái người âm thầm đi tìm kiếm nhà sư nọ. Được biết người này đang lâm trọng bệnh, trên lưng còn mọc mụn lở loét khó chữa, gần như sắp trút hơi thở cuối cùng.
Thế là, Cung Nguyên đến gặp ông ta, kể lại những chuyện mình đã nhìn thấy ở Minh giới. Vị tăng nhân này nghe xong vô cùng kinh hãi, hối hận khôn cùng. Sau đó ông đã lấy hết tiền tài của mình để sửa sang chùa chiền.
Sau khi nhà sư này thành tâm hối cải, vết loét trên lưng cũng dần dần lành lại.
***
Triều đại Nhà Tống cũng xảy ra chuyện tương tự. Trong cuốn “Di kiên chú” ghi lại, có một người phụ nữ tên là A Từ, người trấn Phụng Hiền, quận Gia Hưng. Vào một ngày mùa hè năm Càn Đạo thứ nhất đời Hoàng đế Tống Hiếu Tông (năm 1165), bà đột nhiên “qua đời”, nhưng đến ngày thứ hai thì sống lại, và kể lại những chuyện mình mắt thấy tai nghe ở dưới địa phủ.
Bà kể rằng, chú của bà là Vương Đại, sinh thời đã vào chùa xuất gia làm hành giả, lúc đi hoá duyên đã kiếm được rất nhiều tiền. Số tiền này đáng lẽ dùng để xây tháp chuông, nhưng Vương Đại đã tự tiện chiếm làm của riêng. Ông ta còn từng đem đồ cúng dường mang về nhà, tự mình hưởng thụ hết. Sau khi chết, ông ta đã phải chịu cảnh đoạ đày dưới địa ngục vì những tội lỗi này.
Vương Cận biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ