Tại sao vị cao tăng không thể học thuộc hai quyển kinh Phật sau cùng?
Xưa kia, trên núi Kinpu có một vị Tăng nhân tên gọi là Chuyển Thừa, sinh ra tại nước Yamato, bản tính thô bạo, tính khí thất thường và dễ nổi nóng. Nhưng từ nhỏ ông đã rất thích đọc kinh Phật, ngày đêm tụng đọc không rời tay. Ông quyết chí học thuộc tất cả kinh Phật.
Năm này qua năm khác ông kiên trì học thuộc kinh Phật, ông đã học thuộc lòng sáu quyển đầu tiên. Nhưng kì lạ thay, ông trước nay không hề muốn học thuộc hai quyển sau cùng, cũng tức là quyển kinh văn thứ bảy và thứ tám.
Một hôm, ông chợt nghĩ: “Mình nên học thuộc lòng cả quyển kinh thứ bảy và thứ tám, như vậy thì cả bộ kinh văn đều sẽ ở trong lòng mình”
Ông phát nguyện và bắt đầu học. Mấy năm trôi qua nhưng vẫn không tài nào học thuộc. Chuyển Thừa tin rằng không có việc gì mà bản thân không thể làm, do đó ông đã cố hết sức học thuộc từng câu từng chữ, kết quả vẫn không cách nào ghi nhớ được.
Chuyển Thừa lòng đầy nghi hoặc, liền đi tham bái Bồ Tát. Ông ẩn cư suốt chín mươi ngày, mỗi ngày đều cúng dường Bồ tát, mỗi đêm lễ bái ba ngàn lần, khẩn cần có thể học thuộc hai quyển kinh kia.
Khi những ngày tháng ẩn cư sắp kết thúc, Chuyển Thừa đã có một giấc mộng Trong mộng, ông gặp một người đầu đội mão rồng, hình dáng tựa quỷ dạ xoa, thân mặc Thiên Y, mình đeo anh lạc, tay cầm chày Kim Cương, chân đứng trên đài sen, xung quanh là những thị giả, vị này đi về phía Chuyển Thừa và nói “Duyên phận của ngươi không đủ, do đó không thể học thuộc được quyển kinh văn thứ bảy và thứ tám”. Trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng, chày Kim Cương là pháp khí thường thấy và được sử dụng bởi các vị Thần hộ pháp.
Vị Thánh giả nói tiếp: “Kiếp trước ngươi từng là một con rắn, có cơ thể to lớn và chiều dài đến hai trượng. Thường sống tại một trạm dịch ở vùng núi thuộc quận Ako, nước Harima. Lúc đó, vị thánh nhân tình cờ đi ngang qua trạm dịch và dừng chân nghỉ qua đêm ở đó. Ngươi ở trên mái nhà nghĩ rằng: “Lâu lắm rồi ta không được ăn gì, thật đói quá, không dễ gì mới có người qua đêm tại nơi này, ta có thể ăn người này để qua cơn đói”.
“Thánh nhân phát hiện ra có con rắn lớn chuẩn bị ăn thịt mình thì liền rửa tay súc miệng rồi niệm kinh Phật. Không ngờ rằng con rắn sau khi nghe được kinh Phật thì không còn ý định ăn thịt người nữa, nó nhắm mắt chuyên tâm nghe kinh, quyển kinh thứ sáu vừa niệm xong thì trời cũng vừa sáng, Thánh nhân liền rời đi”.
“Con rắn lớn đó chính là ngươi. Vì tối hôm đó nghe được Phật pháp mà kiềm chế ý muốn hại người, nhờ đó mà thoát khỏi kiếp nạn, chuyển sinh làm người, kiếp này có thể xuất gia. Vì người chưa được nghe qua quyển kinh Phật thứ bảy và thứ tám, do đó mà không cách nào nhớ được. Ngoài ra, ngươi tính tình thô bạo, dễ nổi nóng, tập tính của loài rắn vẫn chưa hoàn toàn được trừ bỏ, sau này ngươi nhất định phải tinh tấn, trừ bỏ thói xấu, tương lai mới có thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.”
Chuyển Thừa nghe đến đây thì tỉnh giấc, từ đó về sau càng thêm dũng mãnh tinh tấn tu hành.
Nguyên nhân kiếp này có thể tu hành
Thuở xưa, ở nước Omi, có một vị tăng nhân tên là Lại Chân, năm lên 9 tuổi thì được đưa vào Kim Thắng tự. Ông có trí nhớ hơn người, các tăng nhân niệm kinh, ông nghe xong thì liền có thể đọc thuộc lòng.
Mỗi ngày, Lại Chân đều tụng đọc ba lượt kinh Phật, năm này qua năm khác không biết mệt mỏi, dần dần ông trở thành một vị trưởng lão có trí huệ. Tuy nhiên, cách nói năng của ông khác người, dáng vẻ tựa một con bò, miệng hơi nhếch và khuôn mặt có phần hơi lệch.
Lại Chân cảm thấy rất hổ thẹn vì điều này, ông không ngừng than thở rằng: “Ta đời trước ắt hắn đã làm việc ác nên mới nhận ác báo này, kiếp này nếu chẳng ăn năn sám hối thì tương lai biết đi đâu về đâu?”
Lòng chân thành của ông đã cảm động đến Thượng thiên. Vào ngày thứ 6 khi ông ẩn cư sám hối về lỗi lầm của mình thì đã có một giấc mộng. Một vị tăng nhân đã nói với ông rằng: “Đời trước ông từng là một con bò không có mũi, được nuôi dưỡng tại nhà của quận trưởng quận Yichi, nước Omi. Một lần, quận trưởng bảo con bò thồ tám quyển kinh Phật về chùa Yamadera, con bò đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc” .
“Nhờ công đức chở kinh Phật mà kiếp này ông được chuyển sinh làm người, còn có thể tu hành Phật pháp, thâm sâu huyền diệu. Nhưng nghiệp cũ chưa tận, do đó miệng của ông mới trông giống bò như vậy. Tiếp tục tinh tấn tu hành thì ông nhất định sẽ được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.
Lại Chân tỉnh giấc, cảm khái muôn phần, ông càng thêm nỗ lực tu hành Phật Pháp. Trước lúc lâm chung, ông vẫn âm thầm mặc niệm kinh Phật, cuối cùng viên tịch không chút đau đớn, hưởng thọ 70 tuổi.
Tìm được kinh Phật đã mất
Vào thời đại của Thánh Vũ Thiên Vương, ở một quận nọ tại nước Kawachi, có một cô gái tên gọi là Lợi Kinh Nữ, thuở nhỏ thân tâm của cô đã thanh tịnh thuần khiết, ngộ tính rất cao, lại sùng tín Phật Pháp. Cô thường tụng đọc kinh Phật tại nhà, người qua kẻ lại, bất kể tăng tục đều rất thích nghe cô tụng kinh.
Lợi Kinh Nữ rất thích sao chép kinh, trong nhà có rất nhiều quyển kinh Phật do cô sao chép. Nhưng có ba bộ kinh Phật đột nhiên bị mất. Cô nghĩ rằng có thể kinh Phật đã bị ai đó trộm mất.
Một đêm nọ, Lợi Kinh Nữ đột ngột không bệnh mà qua đời. Cô đi đến chỗ của Diêm Vương. Diêm Vương vừa trông thấy cô thì ngay lập tức đứng dậy, mời Lợi Kinh Nữ ngồi xuống rồi nói: “Ta nghe nói cô niệm kinh rất hay, nên đặc biệt mời cô đến đây, muốn tận tai nghe cô niệm kinh”.
Lợi Kinh Nữ niệm kinh cho Diêm Vương, Diêm Vương nghe xong liền quỳ lạy mà rằng: “Thật khiến người ta cảm động”, ba ngày sau, Diêm Vương chuẩn bị đưa cô trở về.
Trong đại điện ở Vương cung, Lợi Kinh Nữ nhìn thấy ba người mặc cà-sa màu vàng, ánh sáng lấp lánh. Ba người này nói với Lợi Kinh Nữ rằng: “Đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau, chúng tôi thật sự rất nhớ cô. Hôm nay có thể gặp nhau tại nơi này, thật quá đỗi vui mừng. Bây giờ cô hãy quay trở về đi, ba ngày sau, chúng ta sẽ gặp nhau ở khu chợ phía đông thành Nara” , dứt lời thì ba người liền biến mất. Lợi Kinh Nữ không biết họ là ai, cảm thấy rất nghi hoặc.
Dưới ánh mặt trời, Lợi Kinh Nữ sống lại.
Ba ngày sau, Lợi Kinh Nữ đi đến khu chợ phía Đông thành Nara để đợi ba người mặc áo cà-sa vàng kia, nhưng mãi vẫn không nhìn thấy họ đâu. Đang lúc chuẩn bị rời đi, thì cô trông thấy một người y phục không chỉnh tề từ cổng phía đông chạy về hướng trung tâm của khu chợ, miệng rao lớn: “Kinh Phật đây, ai muốn mua kinh Phật không?”.
Lợi Kinh Nữ muốn mua kinh Phật, do đó cô đã gọi người bán kinh lại, vừa cầm kinh Phật lên xem, than ôi, hóa ra đó chính là ba bộ kinh Phật do cô tự tay sao chép nhưng về sau đã bị thất lạc!
Người bán kinh đòi giá 500 đồng thì mới chịu đưa kinh Phật cho cô. Lợi Kinh Nữ biết người trước mặt mình là kẻ trộm, nhưng cô cũng không tính toán, mà trả đúng số tiền cho người đó, cô nghĩ, có lẽ đây chính là nợ nghiệp mà cô đã nợ người này ở kiếp trước.
Sau khi mua xong kinh Phật, Lợi Kinh Nữ đột nhiên hiểu ra, hóa ra ba người mặc áo cà-sa vàng sáng lấp lánh kia chính là ba bộ kinh Phật này vậy! Cô không khỏi cảm ơn sự an bài khéo léo của Diêm Vương.
Người thế gian sau khi nghe kể về sự việc này thì đều rất kính trọng Lợi Kinh Nữ, từ đó càng có nhiều người hơn tin vào Phật Pháp.
Có câu rằng “Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, Phật Pháp khó nghe”, những người có may mắn nghe được Phật Pháp và có thể tu hành trong kiếp này, có lẽ đây cũng chính là quả báo mà họ nhận được từ những việc làm thiện, suy nghĩ thiện và những đau khổ mà họ đã chịu đựng trong kiếp trước vậy. Các vị hành giả nên tinh tấn nỗ lực như thuở ban đầu thì mới có thể công thành viên mãn.
Tài liệu tham khảo:
Genkō Shakusho (Lịch sử Phật giáo Kỷ nguyên Genkō.) của nhà sư Kokan Shiren, Nhật Bản
Nihon Ryōiki (Nhật Bản quốc hiện báo thiện ác linh dị kí) của Keikai, Nhật Bản
Phụ trách biên tập: Lí Tinh Thành
Do Văn/Tông Gia Tu thực hiện
Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: