Điểm qua những tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc bị Ottawa gọi là ‘mối đe dọa’
Canada công bố danh sách các trường đại học và viện nghiên cứu ngoại quốc có liên quan đến các tổ chức quân sự, quốc phòng, và an ninh nhà nước. Danh sách này đa số là các tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc, và được xác định là có nguy cơ nguy cơ cao nhất đối với an ninh quốc gia của Canada.
Danh sách các Tổ chức Nghiên cứu Bị nêu tên đã được nội các liên bang Canada công bố hôm 16/01 và bao gồm 85 tổ chức của Trung Quốc, có cả những tổ chức được gọi là Quốc Phòng Thất Tử (The Seven Sons of National Defence hay 国防七子) do có mối liên hệ chặt chẽ với bộ máy quân đội Trung Quốc, cũng như các tổ chức khác được cho là có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước chấp thuận ở Trung Quốc.
Cùng với danh sách Tổ chức Nghiên cứu Bị nêu tên nói trên, một danh sách khác về Lĩnh vực Nghiên cứu Công nghệ Nhạy cảm cũng được công bố hôm 16/01/2024. Những danh sách này là thành phần không thể thiếu trong Chính sách mới của chính phủ liên bang Canada về Nghiên cứu Công nghệ Nhạy cảm và các Mối liên hệ Đáng lo ngại. Chính sách này được đưa ra với mục tiêu củng cố an ninh trong các lĩnh vực nghiên cứu của Canada trong bối cảnh công chúng ngày càng lo ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và sự can thiệp của Trung Quốc ở ngoại quốc.
Theo chính sách này, các nhà nghiên cứu Canada đang tìm kiếm nguồn tài trợ liên bang phải xác định xem lĩnh vực của mình có thuộc danh mục công nghệ “nhạy cảm” được liệt kê hay không, bao gồm công nghệ năng lượng tân tiến, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, cảm biến và giám sát, cũng như sinh trắc học. Các dự án trong các lĩnh vực này sẽ không nhận được tài trợ của chính phủ nếu [trong dự án đó có] bất kỳ nhà nghiên cứu có liên quan nào liên kết, nhận tài trợ hoặc nhận sự trợ giúp từ các tổ chức liên kết với các tổ chức quân sự, quốc phòng, hoặc an ninh quốc gia gây rủi ro cho an ninh quốc gia Canada.
Quốc Phòng Thất Tử
Quốc Phòng Thất Tử (Seven Sons of National Defence, hay 国防七子) đề cập đến bảy trường đại học do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc trực tiếp giám sát. Những trường này bao gồm Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (gọi tắt là Đại học Bắc Hàng), Viện Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh, và Đại học Bách khoa Tây Bắc.
“Cơ quan Theo dõi các trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc” do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) thành lập, đã chỉ rõ tất cả các trường này là có nguy cơ an ninh “rất cao” bởi vì họ hợp tác chặt chẽ với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc. Cơ quan này giám sát chính sách của chính quyền Trung Quốc trong việc hợp nhất khu vực dân sự với bộ máy quân sự của họ, để tăng cường sức mạnh quân sự, được gọi là “quân-dân dung hợp.”
Ngoài việc vừa mới bị đưa vào danh sách Tổ chức Nghiên cứu Bị nêu tên của Canada, những tổ chức này còn bị liệt kê trong Danh sách Tổ chức hoặc Danh sách Người dùng Cuối cùng do các quốc gia như Hoa Kỳ và Nhật Bản công bố. Những danh sách này đặt ra các hạn chế thương mại hoặc cảnh báo an ninh đối với những tổ chức trong danh sách.
Đại học Bắc Hàng
Đại học Bắc Hàng (Beihang), trước đây gọi là Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, chuyên nghiên cứu hàng không và vũ trụ. Theo ASPI, đại học này đã đóng góp tích cực vào việc phát triển phi cơ và phi đạn quân sự của Trung Quốc. Bắc Hàng được liệt kê trong Danh sách Người dùng Cuối của Nhật Bản và Danh sách Tổ chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Ngoài ra, chi nhánh của trường đại học này, Bắc Kinh Điền Hoa, đã được thêm vào Danh sách Tổ chức của Hoa Kỳ, cùng với 17 tổ chức khác.
Trong một báo cáo năm 2022 về tình trạng việc làm sau đại học, trường đại học này tuyên bố khoảng 40% sinh viên tốt nghiệp năm đó được nhận vào các vị trí trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng. Báo cáo lưu ý rằng, trong năm 2022, ba nhà tuyển dụng hàng đầu dành cho sinh viên tốt nghiệp Bắc Hàng là các công ty quốc phòng lớn của nhà nước Trung Quốc: Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.
Học viện Công nghệ Bắc Kinh
Học viện Công nghệ Bắc Kinh được công nhận là một tổ chức hàng đầu ở Trung Quốc về khoa học vũ khí.
ASPI lưu ý rằng trường đại học này đóng “vai trò trung tâm” trong việc nâng cao năng lực tác chiến của PLA, thể hiện qua việc trường tham gia phát triển thiết bị được 22 trong số 30 tiểu đội sử dụng trong cuộc duyệt binh năm 2009 nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vào cuối năm 2020, Ủy ban Đánh giá Người dùng Cuối (ERC) đã thêm Học Viện Công nghệ Bắc Kinh, cùng với hai trong số bảy trường đại học Quốc Phòng Thất Tử — Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh và Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh — vào Danh sách Tổ chức. ERC, gồm nhiều đại diện từ các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ, đã đưa ra quyết định này nhằm đáp lại việc các trường đại học mua và cố gắng mua các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ để trợ giúp các chương trình của PLA, đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã xếp hạng Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh và Học viện Công nghệ Bắc Kinh là hai trường đại học hàng đầu của Trung Quốc về khoa học vũ khí. Theo nhiều thông tin có được từ các nguồn công khai, hai trường đã duy trì những xếp hạng này trong nhiều năm.
Hoạt động gián điệp
ASPI đã trích dẫn các báo cáo về các cá nhân bị buộc tội hoặc bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động gián điệp có liên quan đến bốn trường đại học khác trong số bảy trường đại học Quốc Phòng Thất Tử, đó là Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh (NUAA), Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân (HEU), Viện Khoa học Hàng không Cáp Nhĩ Tân, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, và Đại học Bách khoa Tây Bắc.
Năm 2018, Hoa Kỳ đã bắt giữ một nhân viên tình báo Trung Quốc, ông Từ Diên Quân (Xu Yanjun), người bị cáo buộc tìm cách đánh cắp công nghệ động cơ của công ty GE Aviation, một đơn vị có trụ sở tại tiểu bang Ohio của công ty General Electric. Một bản cáo trạng được ASPI trích dẫn đã nhấn mạnh rằng phó giám đốc trường NUAA có dính líu đến vụ án này. ASPI cho biết: “Tận dụng chuyên môn của mình và sự tham gia chặt chẽ với các công ty hàng không dân dụng và quân sự thuộc sở hữu nhà nước, NUAA dường như đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định và đeo đuổi các mục tiêu ở ngoại quốc cho Bộ An ninh Nhà nước.”
Ông Từ là nhân viên tình báo đầu tiên của cộng sản Trung Quốc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để hầu tòa. Vào ngày 16/11/2022, ông bị kết án 20 năm tù liên bang.
Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân
Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân [HEU], được công nhận là nơi phát triển tàu ngầm thử nghiệm, máy điện toán trên tàu thủy, và tàu đệm khí đầu tiên của Trung Quốc, có mối quan hệ chặt chẽ với Hải quân PLA. Năm 2001, HEU ký thỏa thuận với Hải quân PLA để cung cấp chương trình đào tạo cho binh sĩ trong quân đội. Theo trang web của HEU, năm 2008, trường này thành lập Viện Giáo dục Quốc phòng, từ đó đã đào tạo tới 1,700 binh sĩ dự bị.
ASPI đã trích dẫn nhiều trường hợp gián điệp liên quan đến HEU, bao gồm cả vụ án năm 2018 trong đó hai doanh nhân Trung Quốc bị Hoa Kỳ buộc tội vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến bọt tổng hợp (syntactic foam), một vật liệu có nhiều ứng dụng trong thương mại và quân sự. Trích dẫn bản cáo trạng năm 2016, ASPI nhấn mạnh rằng hai người này đã làm việc cho một công ty “gắn bó chặt chẽ với HEU về nhân sự, dự án, và tiền bạc” và có liên quan đến việc chế tạo phương tiện di chuyển tự hành dưới nước cho trường đại học này. Hồi tháng 02/2020, một trong hai doanh nhân đã bị kết án 16 tháng tù.
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân
Tương tự, theo ASPI, một số trường hợp hoạt động gián điệp của Trung Quốc có liên quan đến Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Trường đại học này có mối liên hệ với Dongfan “Greg” Chung, cựu kỹ sư [gốc Hoa] của Boeing bị kết án năm 2010 về tội gián điệp kinh tế cho Trung Quốc. Theo báo Los Angeles Times, ông Chung đã bày tỏ mong muốn đóng góp vào quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, và gửi tài liệu kỹ thuật cho HIT.
Đại học Bách khoa Tây Bắc
Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU), chuyên trợ giúp ngành khoa học và công nghệ quốc phòng Trung Quốc, nổi tiếng với việc phát triển thiết bị bay không người lái (UAV). Đây là trường đại học duy nhất của Trung Quốc có phòng thí nghiệm quốc phòng UAV. Theo ASPI, quân đội Trung Quốc được cho là khách hàng chính của công ty con Tập đoàn Công nghệ Ái Sinh (Aisheng Technology Group), một công ty từng tuyên bố sản xuất 90% thị trường thiết bị không người lái của Trung Quốc.
Thu hoạch nội tạng
Một số trường đại học được liệt kê trong Tổ chức Nghiên cứu Bị nêu tên, bị đưa tin là có mối liên hệ với âm mưu thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các trường đại học dính líu đến âm mưu nhắm mục tiêu thâm độc vào những người theo môn tu luyện tinh thần được gọi là Pháp Luân Công hoặc Pháp Luân Đại Pháp bao gồm: Đại học Quân y, Đại học Y Không quân, và Đại học Quân y Hải quân.
Nhiều tiết lộ cho thấy các trường đại học này tham gia vào âm mưu nói trên, theo công bố của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức điều tra chuyên vạch trần cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nhằm lập lại công lý.
Trong một cuộc điều tra qua điện thoại hồi tháng 09/2014, WOIPFG đã phỏng vấn ông Bạch Thư Trung (Bai Shuzhong), cựu lãnh đạo bộ phận y tế của Tổng cục Hậu cần thuộc PLA của ĐCSTQ từ năm 1998 đến năm 2004. Theo ông Bạch, lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Giang Trạch Dân trong nhiệm kỳ của mình là người thủ mưu phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công và đã đích thân ra lệnh thu hoạch nội tạng từ các học viên của môn này.
Trong một báo cáo ngày 15/12/2022, WOIPFG đã đưa ra bằng chứng cho thấy Đại học Quân y có liên can đến hoạt động thu hoạch nội tạng, đặc biệt là trong cấy ghép gan và thận. Một bằng chứng cho thấy một cuộc điện thoại giữa các nhà điều tra của WOIPFG và một bác sĩ tại Khoa Tiết niệu của Bệnh viện Tân Kiều (Xinqiao), liên kết với Đại học Quân y.
Mặc dù bác sĩ Bạch phủ nhận việc tham gia cấy ghép nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ông thừa nhận “ngân hàng nội tạng” là có tồn tại. Ông xác nhận việc ghép tạng dựa trên “hiến tặng sau khi tử vong do ngừng tuần hoàn” vẫn tiếp tục diễn ra, đề cập đến lựa chọn hiến nội tạng đối với những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nghiêm trọng sau khi có quyết định dừng tất cả các biện pháp y tế để duy trì sự sống [của bệnh nhân này].
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times