Di sản nghệ thuật của Vương triều Tudor Anh quốc (Phần 2)
Một buổi triển lãm tốt là một cuốn lịch sử ba chiều, khiến khán giả kinh ngạc, thán phục và kích thích tư duy. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, ba đời vua của Vương triều Tudor đã chiêu mộ các nghệ thuật gia có tay nghề cao siêu, tài hoa vượt trội đến từ khắp nơi, nhằm tạo ra các tác phẩm mang sự uy nghiêm và huyền thoại cho vương triều. Sử gia gọi đây là thời kỳ phục hưng văn hóa nghệ thuật của Anh quốc. Họ nhận thức rõ vai trò của “nghệ thuật” đối với việc thống trị và ảnh hưởng của nó đối với người dân, vì vậy đã thành tựu di sản văn hóa đa dạng cho Anh quốc. Cho đến ngày nay, ấn tượng của nhiều người về “phong cách Anh Quốc” vẫn đến từ hình ảnh của Vương triều Tudor cho dù nước Anh đã trải qua nhiều lần thay đổi triều đại, cũng giống như thế hệ sau khi nói về “Thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc” đều liên tưởng đến văn hóa thời Đại Đường.
Tiếp theo Phần 1.
Vua Edward VI (1537~1553)
Vua Henry VIII luôn muốn có một người con trai thừa kế Vương vị của mình. Người vợ thứ ba của ông, Nữ hoàng Jane Seymour cuối cùng đã sinh hạ Edward VI cho ông, nhưng hai ngày sau, Nữ hoàng qua đời.
Khi Edward còn nhỏ, Hoàng gia đã sử dụng các loại hình nghệ thuật khác nhau để bồi dưỡng vị vua tương lai. Bức chân dung thời thơ ấu của Edward (Edward VI as a child, 1538) (Hình 1) do Hans Holbein the Younger vẽ chính là một phiên bản thu nhỏ của Vua Henry VIII, ngay cả thế tay cũng được sắp đặt. Phần dưới của bức chân dung là những dòng chữ Latinh, nội dung đại ý là muốn khuyến khích Hoàng tử “học tập cha của mình.” Đó là món quà năm mới của Hans Holbein the Younger tặng cho Vua Henry VIII, cũng là một bức tranh tuyên truyền cho Vương triều. Edward còn có một bức chân dung phác họa thời thơ ấu khác tương đối đơn giản cũng do Hans Holbein the Younger vẽ (Hình 2). Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, cho dù đó là những bức tranh để tuyên truyền cho Vương triều hay do họa sĩ tiện tay vẽ, chúng đều đã trở thành văn hiến lịch sử của triều đại Tudor và là kho báu của Vương quốc Anh.
Edward sinh ra đã thông minh tuấn tú, ham học đa tài, nhưng lại là một vị Vua đoản mệnh, lên ngôi năm 9 tuổi và mất năm 15 tuổi. Họa sĩ hoàng gia của Edward là William Scrots đến từ Hà Lan. Ở hình 3 là vị Vua trẻ đang cầm cuốn “Kinh Thánh” (bức tranh này không có trong triển lãm), cho thấy Ngài là một người tín ngưỡng đạo Tin lành, và là vị Vua theo đạo Tin lành đầu tiên của Tudor. Nữ Vương Elizabeth I sau này cũng như vậy. Điều này chắc hẳn có liên quan đến việc họ đều được nuôi dưỡng bởi người vợ cuối cùng của Vua Henry VIII – Nữ hoàng Catherine Parr (1512~1548). Nữ hoàng Catherine đã giấu việc mình theo đạo Tin lành khi Vua Henry còn tại thế (bà đã viết hai cuốn sách về đức tin).
Edward có một bức chân dung nhìn nghiêng khác, tay cầm bông hồng tượng trưng cho triều đại Tudor, mặt trời chiếu sáng các loài hoa và cây cỏ ẩn dụ cho việc vị Vua tương lai đang nắm giữ quyền lực (Hình 4). Sự khác biệt lớn nhất giữa Văn nghệ Phục hưng của Vương triều Tudor và Văn nghệ Phục hưng của Ý là Vương triều Tudor chủ yếu xoay quanh triều đại, quân quyền và tranh chân dung, còn Ý thì tập trung vào đề tài biểu hiện các vị Thần và con người. Các nghệ thuật gia phục vụ cho triều đại Tudor đến từ khắp lục địa châu Âu. Kỹ thuật tinh xảo và tố chất nhân văn của họ, cộng với những người chủ và môi trường đặc thù, tất cả đã tạo nên thời kỳ Văn nghệ Phục hưng của Anh quốc.
Nữ Vương Mary I (1516~1558)
Vua Edward VI mất sớm, người kế vị là Nữ Vương Mary I, hay còn gọi là “Mary khát máu” (Bloody Mary). Bà là một tín đồ Thiên Chúa giáo cuồng tín, là con gái của Nữ hoàng Catherine of Argon, người vợ đầu tiên của Vua Henry VIII. Nữ Vương Mary I qua đời chỉ sau 5 năm lên ngôi. Đã có hơn 300 tín đồ của Tin lành bị bà bức hại đến chết, bị thiêu sống trên cọc, có thể do thủ đoạn quá khốc liệt và tàn ác nên người ta gọi bà là “Mary khát máu.” Tuy nhiên, lịch sử ghi lại rằng trong 36 năm trị vì của cha bà, có 72,000 người đã bị hành quyết, đó chẳng phải là đẫm máu hơn sao?
Trong buổi triển lãm, ngoài bức chân dung của bà còn có một cặp tranh phác thảo kính màu “Cửa sổ của nhà vua” (King’s Window, Hình 6) cao hơn 10 thước, cùng với một đồng tiền vàng có hình đầu người (Hình 7 và 8). Chúng được làm theo yêu cầu để chúc phúc cho cuộc hôn nhân của Nữ Vương Mary I và Vua Philip II của Tây Ban Nha, là sản phẩm của một nhà thiết kế đến từ Antwerpen. Bản phác thảo thiết kế treo ở hội trường rất to lớn và tráng quan. Có thể thấy, người phụ trách cuộc triển lãm đã rất dụng tâm trong việc sắp xếp tác phẩm và lựa chọn tỷ lệ. Thời gian trị vì của Nữ vương Mary ngắn ngủi nên đương nhiên có ít chân dung và văn vật hơn. Người phụ trách đã sử dụng các bản thảo nguyên gốc đen trắng cao lớn để cân bằng cho việc thiếu hụt về số lượng. (Hình 9)
Người kế vị Nữ Vương Mary I là em gái cùng cha khác mẹ của bà – Elizabeth I, một tín đồ của Tin lành. Mối quan hệ giữa hai người rất căng thẳng, Elizabeth luôn sống trong nỗi sợ hãi bị chị gái xử tử, mãi cho đến khi Nữ Vương Mary qua đời. Những cư dân của triều đại Tudor dường như vẫn nhớ việc Mary I đã bức hại những tín đồ Tin lành như thế nào, bởi vậy “Bloody Mary” còn trở thành một loại cocktail nổi tiếng.
Nữ Vương Elizabeth I (1533~1603)
Nữ Vương Elizabeth I kế vị ngai vàng của Nữ Vương Mary I vào năm 1558. Bà đã trị vì trong 44 năm 127 ngày. Đó là thời kỳ hoàng kim của văn học nghệ thuật Tudor, cũng là thời điểm Shakespeare hoạt động trên sân khấu kịch. Mặc dù đã là thời kỳ cuối trong thời gian trị vì, nhưng trào lưu văn hóa xưa nay không lập tức sinh ra, mà là đến từ sự tích lũy cũng như hoàn cảnh xã hội thuận lợi cho việc phát triển văn hóa nghệ thuật. Từ nhiều bức chân dung của Nữ Vương Elizabeth cùng các chủ đề và trang phục đa dạng, có thể thấy sự thịnh vượng, ổn định chính quyền và sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ vào thời điểm đó. (Hình 11, 12)
Tranh thu nhỏ và chân dung thu nhỏ (Miniature Painting &Miniature Portrait) cũng là những loại hình nghệ thuật độc đáo của triều đại Tudor, về sau đã lan sang các quốc gia Âu Châu khác. Trong triển lãm đặc biệt này có một bức tranh nhỏ màu nước “Cuộc gặp gỡ của Elizabeth và ba Nữ Thần” (Hình 13) vẫn được bảo quản tốt sau hàng trăm năm. Ba vị Nữ Thần trong thần thoại cổ điển phương Tây, đó là Nữ Thần Ivno cùng con chim Khổng tước của mình, Nữ Thần Minerva mặc áo giáp và tay cầm cờ trận, Nữ Thần Venus và con trai Cupid. Người họa sĩ đã dùng cuộc gặp với ba Nữ Thần Hy Lạp để ám chỉ rằng Elizabeth I là một Nữ Vương tài trí văn võ, mỹ đức vẹn toàn. [1]
Bức tranh dù nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, ẩn ý Nữ Vương đang kế thừa nền văn minh cổ điển phương Tây và thiết lập tham vọng của Đế quốc Anh. Dưới thời Nữ Vương Elizabeth, Anh quốc đã bước lên vũ đài bá quyền thế giới: biến Bắc Mỹ thành thuộc địa của Anh, khiến Tây Ban Nha từ bỏ quyền bá chủ trên biển, và thành lập Công ty Đông Ấn. (Hình 14)
Ngoài những bức tranh thu nhỏ theo phong cách Tudor, còn có nhiều bức chân dung cỡ lớn của Nữ Vương Elizabeth. Mỗi bức đều thể hiện những hình ảnh và giai đoạn khác nhau của bà, thông qua trang phục và khung cảnh để thể hiện các giai đoạn trị vì của Nữ Vương. Có một bức vẽ Nữ Vương Elizabeth đứng trong một căn phòng màu đen, tay cầm một cái sàng (Hình 15), những người ở hành lang bên ngoài phía sau căn phòng là các quần thần của bà. Không phải bà muốn làm bánh mì, mà là dùng sàng thay cho các vật dụng nữ tính điển hình như quạt hoặc sách.
“Theo truyền thuyết La Mã, có một cô gái đã chứng minh sự trinh trắng của mình bằng cách múc nước qua một cái sàng. Elizabeth đã sử dụng phép ẩn dụ này trong nhiều bức chân dung để khẳng định vị thế Nữ Vương của mình” – Người phụ trách cuộc triển lãm giải thích.
Cũng vì vậy, Nữ Vương Elizabeth còn được gọi là Nữ Vương Đồng trinh. Truyền thuyết kể rằng, bà đã từng nói với những binh sĩ của mình rằng: “Mặc dù cơ thể ta là một cô gái yếu ớt, nhưng ta có trái tim và dạ dày của một vị Quốc vương.” Không biết liệu đó có phải là những lời thoại do Shakespeare viết cho bà hay không, hay là bà thực sự đã nói như vậy? Trong thời gian trị vì của mình, bà đã đánh bại Vua Philip II của Tây Ban Nha, người từng cầu hôn bà, và viết lại bản đồ thế giới. Họa sĩ hoàng gia của bà đã chế tác một số lượng lớn các bản khắc đồng liên quan đến hình ảnh của Vương triều Tudor. Trong thời gian này, bà và vương triều đều có sự tự tin mạnh mẽ (Hình 16). Căn phòng cuối cùng của không gian triển lãm treo đầy những bức chân dung của bà trong các thời kỳ khác nhau, chứng minh cho ý chí và sứ mệnh thống trị triều đại Tudor của bà. (Hình 17)
Phần kết
Bức tranh sơn dầu khổ lớn cuối cùng trong triển lãm là tác phẩm của họa sĩ người Anh bản địa Isaac Oliver (c. 1565~1617). Bức tranh này hoàn toàn khác với những bức chân dung tĩnh của ba đời Vua Tudor. Hoàng tử trong bức tranh là một Hoàng tử trẻ trung năng động, không biết chàng đang tra gươm vào vỏ hay rút ra, nhưng có một con nai đang nằm trước chân chàng. Khí khái oai hùng, chàng là Henry Frederick, Hoàng tử xứ Wales (Henry Frederick, Prince of Wales, Hình 19). Cha của chàng, James I, là người kế vị Nữ Vương Elizabeth. Bức tranh này đã được chọn để đặt ở cuối triển lãm.
Với việc Nữ Vương Elizabeth qua đời vào năm 1603, triều đại Tudor đã kết thúc. Tương ứng với thời kỳ này, hoàng đế Trung Quốc đã nghĩ gì?
Lúc này, tôi không khỏi nghĩ đến việc sau khi Nữ Vương Elizabeth II trị vì 70 năm, hưởng thọ 96 tuổi, Anh quốc phải chăng sẽ bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới? Mặc dù vinh quang của Đế quốc Anh đã sớm bay theo chiều gió, nhưng phong thái và sự cống hiến của Nữ Vương vẫn còn khiến người ta hoài niệm. Có bao nhiêu di sản nghệ thuật và nhân văn vào thời triều đại Tudor thịnh thế có thể được lưu lại?
Năm đời Quân Vương của Tudor trị vì tổng cộng 120 năm. Đây là một con số nhỏ so với lịch sử lâu đời của Trung Quốc. Mỗi vị Vua (Nữ Vương) dù tại vị dài hay ngắn, họ đều có những nghệ thuật gia, văn nhân và thiết kế sư của riêng mình. Họ nhận thức rõ ràng, tính chính thống và sự củng cố của quyền lực đòi hỏi những công cụ khác ngoài vũ lực – đó là giáo hóa thần dân, để họ trở thành những người cai trị hợp pháp. Các nghệ thuật gia ưu tú đã sử dụng các kỹ nghệ tinh xảo để thể hiện các phương diện và nhu cầu khác nhau của họ.
Triều đại Tudor không chỉ ảnh hưởng đối với các thế hệ sau này ở Anh quốc mà còn mang tính quốc tế. Điều này có thể bắt nguồn từ tầm nhìn quốc tế của Vua Henry VII cũng như những lần cướp bóc và giết chóc khét tiếng, nhưng đồng thời họ cũng tôn kính và ca ngợi Thần, do đó mới có một đế chế mà mặt trời không bao giờ lặn sau này. Những di sản văn học, hí kịch và điện ảnh thời hậu Shakespeare mà nước Anh mang đến cho thế giới là không thể xóa nhòa. Có người hỏi Thủ tướng Anh Churchill, Ấn Độ và Shakespeare, ông muốn cái nào? Ông ấy nói rằng ông thà đổi Ấn Độ để lấy Shakespeare. Còn có Thủ tướng của quốc gia nào sẽ nói ra lời như vậy? Nó khiến người ta suy nghĩ – tranh đoạt và văn minh của thực dân Anh dường như đan xen lẫn nhau.
Chú thích
Tác giả: Wei J C
Liên Thư Hoa biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ