Để có được thân người phải chịu bao nhiêu khổ nạn? Câu chuyện luân hồi trong ‘Liêu Trai chí dị’
Vào thời nhà Thanh, có một Cử nhân họ Lưu, nhìn vẻ bề ngoài, anh ta không có điểm gì khác biệt với những người khác. Thế nhưng, anh ta có một điểm không giống với mọi người, chính là có thể nhớ được tiền kiếp của mình, hơn nữa không chỉ là một kiếp.
Theo chính lời anh ta kể, anh ta đã từng chuyển sinh thành ‘tấn thân’, nói một cách thông tục chính là đã từng làm quan. Trong thời gian đương chức, bản thân đã làm nhiều việc phi pháp, thân mang nhiều vết nhơ. Cho nên, đời đó anh ta chỉ sống đến 62 tuổi thì qua đời.
Diêm Vương ở Địa phủ xem xét sổ công tội của anh ta, phát hiện anh ta thật sự chưa làm được bao nhiêu việc tốt, nên rất tức giận phạt anh ta đầu thai làm ngựa. Trước khi đầu thai, anh ta đã trộm đổ canh mê hồn đi. Một đám quỷ sai dẫn anh ta đi chuyển sinh. Khi họ đến một nhà dân, có một ngưỡng cửa rất cao, anh ta do dự có bước vào hay không. Lúc này, đám quỷ sai hung hăng xông vào đánh, anh ta đau đến mức ngã nhào xuống đất. Nhìn lại, anh ta phát hiện mình đã ở trong chuồng ngựa.
Lúc này, anh ta nghe có người nói: “Ngựa mẹ đã sinh rồi, một con ngựa đực.” Trong lòng anh ta rất rõ ràng, hiểu rõ mọi chuyện, nhưng lại không thể nói được. Một lúc sau, anh ta cảm thấy rất đói. Không còn cách nào khác anh ta đành phải uống sữa ngựa. Sau bốn, năm năm, ngựa con đã trở thành một con tuấn mã cao lớn. Bình thường nó rất sợ bị đánh, nhìn thấy roi ngựa sẽ vội vàng bỏ chạy. Chủ nhân cưỡi lên nó, nó tất sẽ hất chủ nhân ngã nhào vào bùn đất. Ngày nào nó cũng phải đeo hàm thiếc và bị siết chặt dây cương, thật sự khổ không kể xiết. Có lúc nô bộc trong nhà cưỡi ngựa, dưới yên ngựa không chịu đệm lót, lại kẹp hai gót chân, mỗi lần như vậy nó đều cảm thấy đau thấu tâm can.
Tuy anh ta chuyển sinh làm ngựa, nhưng vì không uống canh mê hồn, cho nên vẫn mang tư duy của con người. Anh ta tức giận bất bình trước hoàn cảnh của mình, tức giận đến mức tuyệt thực ba ngày và nhịn đói đến chết. Linh hồn anh ta xuống Địa phủ, Diêm Vương tra xét thấy thời hạn trừng phạt vẫn chưa hết. Vì để thoát khỏi sự trừng phạt, anh ta lại nhịn đói đến mức tử vong. Thế là một lần nữa anh ta bị phạt phải chuyển sinh vào đường súc sinh. Lần này, anh ta chuyển sinh làm một con chó. Bởi vì mang theo ký ức chuyển sinh, nên trong tâm anh ta thường xuyên sinh lòng oán hận. Nhưng anh ta lại không dám dễ dàng tìm đến tử lộ vì để tránh khỏi bị trách tội lần nữa. Lần này, người chủ nuôi anh ta như thú cưng, đối xử rất tốt và không muốn sát hại nó. Nhiều năm trôi qua như vậy, một ngày nọ, con chó hung hãn cắn vào chân chủ nhân một cái, đến mức suýt cắn đứt miếng thịt trên đùi ông ta. Người chủ tức giận quá liền dùng gậy đánh chết nó.
Anh ta một lần nữa trở lại Âm phủ. Diêm Vương nhìn thấy anh ta càng tức giận hơn, nói sao anh ta lại có thể tàn nhẫn hung ác như thế. Ông bèn trừng phạt anh ta làm một con rắn. Do có những trải nghiệm đầu thai mấy lần trước đây. Lần này, anh ta hạ quyết tâm không làm hại sinh linh, còn quyết làm một con rắn ăn chay, thực sự chỉ ăn thảo mộc trái cây. Anh ta thường nghĩ, mình không thể tự tử, cũng không thể làm hại người khác, vậy nên làm thế nào để chết sớm một chút, sớm thoát khỏi đạo súc sinh này. Một hôm, anh ta đang nằm trên bãi cỏ, chợt nghe thấy tiếng xe chạy ngang qua. Thế là, anh ta quyết tâm bò thẳng ra giữa đường, rất nhanh liền bị chiếc xe đang chạy đè nát.
Diêm Vương không ngờ anh ta lại đến sớm như vậy, nhưng thời hạn trừng phạt anh ta cũng đã hết, nên ông đã tha cho anh ta và cho phép anh ta đầu thai làm người. Sau khi tái sinh ở kiếp này, anh ta chính là Lưu Công.
Lưu Công vừa sinh ra đã biết nói. Vô luận văn chương hay sử sách anh ta đã xem qua thì luôn ghi nhớ kỹ. Về sau, anh ta dễ dàng thi đậu Cử nhân, trở thành một người có công danh. Trải qua mấy lần chuyển sinh khiến anh ta thể hội rõ ràng rằng, cho dù là thân động vật trong cõi súc sinh cũng sẽ có cảm giác đau đớn. Cho nên đời này anh ta luôn thiện đãi động vật và không làm hại chúng.
Người ta thường nghe câu “Nhân thân nan đắc.” Hãy xem Lưu Công vì để chuyển sinh thành người phải chịu bao nhiêu đau khổ, lưu lại cho người đời bài học quý.