ĐCSTQ áp dụng lại quy định đeo khẩu trang, chích ngừa COVID-19 trong bối cảnh bùng phát bệnh viêm phổi
Chính quyền đã áp đặt lại các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhưng né tránh việc đề cập đến căn bệnh này. Sự qua đời đột ngột của đại sứ vaccine đã thu hút sự chú ý.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp dụng lại một số biện pháp phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định mới về đeo khẩu trang và chích ngừa, khi đợt bùng phát của căn bệnh mà họ gọi là “viêm phổi không điển hình” tiếp tục hoành hành khắp đất nước.
Việc tái áp dụng các quy định nói trên báo hiệu mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch ở Trung Quốc. Đồng thời, chế độ này tiếp tục tránh thừa nhận rằng làn sóng “viêm phổi” đã lây lan được ba tháng này có thể là một đợt bùng phát khác của bệnh COVID-19.
Trong dữ liệu chính thức về số ca nhiễm COVID-19 trong tháng Mười Một — vốn là điều mà công chúng vẫn đang hoài nghi — các nhà chức trách đã báo cáo số ca nhiễm bệnh giảm so với tháng Mười. Trong khi đó, các chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng đỉnh điểm lây nhiễm dự kiến sẽ xảy ra vào tháng Một.
Tuyên bố của ĐCSTQ
Theo báo cáo hôm 13/12 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, từ ngày 01/11 đến ngày 30/11, đã có 135 trường hợp nhiễm COVID-19 nặng mới và 8 trường hợp tử vong trên toàn bộ Hoa lục. Ngược lại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ báo cáo có khoảng 19,444 ca nhập viện do COVID-19 hàng tuần tính đến ngày 25/11 và ít nhất 957 ca tử vong. Mặc dù hai quốc gia có định nghĩa khác nhau về dữ liệu, nhưng sự khác biệt này đã khiến ĐCSTQ vướng phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì họ không minh bạch về các trường hợp nhiễm COVID-19.
Cộng đồng quốc tế cáo buộc ĐCSTQ báo cáo thiếu sót nghiêm trọng các dữ liệu liên quan đến COVID-19 và che đậy quy mô bùng phát dịch bệnh ở Hoa lục kể từ đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. COVID-19 ban đầu được gọi là “viêm phổi Vũ Hán” dựa vào nguồn gốc và triệu chứng của căn bệnh này.
Một lần nữa, những con số được báo cáo chính thức hiện trái ngược với các bản tin tràn ngập trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy các bệnh viện ở Trung Quốc đang quá tải, ngày càng có nhiều người được chẩn đoán bị bệnh viêm phổi với hội chứng “phổi trắng,” và số ca tử vong do viêm phổi ngày càng tăng trên khắp đất nước.
Trong báo cáo tháng Mười Một, chính quyền Trung Quốc cho biết tổng cộng có 5,255 ca nhiễm COVID-19 tại địa phương là do các biến thể của Omicron gây ra, bao gồm 73 nhánh tiến hóa. Các biến thể phụ chiếm chủ đạo của biến thể Omicron là các biến chủng thuộc dòng XBB. Theo báo cáo, số ca nhiễm bệnh nặng thấp hơn so với 24 ca tử vong và 209 ca bệnh nặng được ghi nhận chính thức trong tháng Mười.
Người Trung Quốc mất niềm tin vào chính quyền
Cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi trước những con số chính thức mới được công bố.
Một bài đăng có nội dung, “Đợt bùng phát COVID-19 lần này đã vượt quá tầm kiểm soát.” Một người khác viết: “Tôi đã bị nhiễm COVID-19 ba lần rồi. Tôi không còn tin họ nữa.” Và một người khác viết, “Làm ơn bớt kể mấy câu chuyện cười nhạt nhẽo như thế này được không.”
Các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải, tỉnh An Huy, và những nơi khác nói với trang y tế hàng đầu Trung Quốc Giới Y học (Yixue Jie) hôm 12/12 rằng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đang gia tăng. Họ dự đoán số ca nhiễm COVID-19 trên khắp Trung Quốc sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng thời gian đón Tết Dương lịch và cho biết mức cao này có thể duy trì từ giữa đến cuối tháng 01/2024.
Báo cáo của trang Giới Y học cũng dẫn lời các chuyên gia về trường hợp nhiễm bệnh ở trẻ em nói rằng “nếu nhiều mầm bệnh cùng nhau trở nên phổ biến, mức độ nghiêm trọng tăng lên nhiều bậc và tỷ lệ tử vong sẽ tăng mạnh.”
Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm từ đầu tháng Chín, tăng vọt vào giữa tháng Mười, và nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng Mười Một, khiến các bệnh viện trên cả nước rơi vào tình trạng bị quá tải. Tình trạng nhiễm bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em, trong số đó nhiều trẻ em xuất hiện các triệu chứng “phổi trắng,” vốn là hội chứng điển hình của các trường hợp nhiễm COVID-19 nặng.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tránh đề cập đến COVID-19, hay virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19, thay vào đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát này là do bệnh cúm, bệnh viêm phổi do mycoplasma, virus hợp bào hô hấp, và các mầm bệnh khác.
Trong khi đó, nhà cầm quyền nước này đã áp đặt lại các biện pháp phòng dịch COVID-19. Có thông tin cho rằng Bắc Kinh, Thượng Hải, và Quảng Châu đã nối lại hoạt động xét nghiệm PCR COVID-19 tại các phi trường, sự kiện công cộng, và bệnh viện. Các trường học trên khắp đất nước cũng đã bắt đầu điều động đội “đại bạch” (nhân viên mặc đồ bảo hộ toàn thân trong đại dịch COVID-19) đến khử trùng COVID-19.
Ông Tư Mã Nam, một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của chế độ và là cư dân Bắc Kinh, đã đăng một video lên mạng xã hội hôm 13/12 nói rằng COVID-19 đang quay trở lại và Bắc Kinh gần đây đã bắt đầu chích ngừa cho người già.
Quy định chích ngừa và đeo khẩu trang
Hôm 11/12, mạng lưới truyền hình nhà nước CCTV đưa tin rằng Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành chích vaccine COVID-19 phòng ngừa các biến thể phụ của dòng XBB cho các nhóm dân số quan trọng như người già. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), chủng virus lưu hành chính hiện nay gây COVID-19 là XBB và các biến thể phụ của nó.
Từ ngày 01/12 đến ngày 03/12, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với năm loại vaccine COVID-19 mới do Trung Quốc sản xuất. Tất cả các loại vaccine này đều nhắm tới các biến thể phụ của XBB.
Theo các bản tin trên truyền thông, kể từ ngày 13/12, nhiều thành phố trên khắp đất nước, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Vũ Hán, Đại Đồng, Yên Đài, Quảng Châu, Hàm Dương, Tô Châu, Nam Xương, và Cáp Nhĩ Tân, đã bắt đầu chích vaccine COVID-19 ngừa các biến thể của chủng XBB.
Hôm 09/12, CCDC đã công bố “hướng dẫn” mới về việc đeo khẩu trang, đề nghị người dân đeo khẩu trang ở nhiều nơi và trong một số trường hợp nhất định để ngăn ngừa “các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp.”
Bản hướng dẫn này quy định rằng những người mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như COVID-19, cúm, viêm phổi do mycoplasma, và nhiễm virus hợp bào hô hấp cần phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng với không gian khép kín hoặc nơi họ tiếp xúc gần với người khác và duy trì khoảng cách với người khác dưới một mét (3.3 feet). Những người có triệu chứng của bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ, mệt mỏi cũng được yêu cầu đeo khẩu trang.
CCDC cũng nêu rõ trong giai đoạn có nhiều người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này, người dân nên đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế để điều trị, đi cùng hoặc đến thăm bệnh nhân. Tuyên bố nêu rõ những người đến thăm hoặc làm việc tại viện dưỡng lão, cơ sở phúc lợi xã hội, hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em cũng nên đeo khẩu trang.
Theo “hướng dẫn” mới, bắt buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như ở những nơi công cộng khác, bao gồm siêu thị, rạp hát, nhà ga hành khách, thang máy và những nơi đóng cửa, đông người khác.
Ngoài ra, quy định này còn khuyến cáo người già, bệnh nhân mắc bệnh lý nền kinh niên, và phụ nữ mang thai nên đeo khẩu trang khi đến những môi trường công cộng ở trong nhà và mọi người nên đeo khẩu trang khi làm việc, học tập, hoặc sống chung với người có triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Quy định mới về khẩu trang nhanh chóng gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc.
Một cư dân mạng cho biết trong một bài đăng: “Dường như tình hình thực sự nghiêm trọng.” Một cư dân mạng khác hỏi: “Bước tiếp theo là phong tỏa và thực hiện xét nghiệm PCR hàng loạt phải không?” Một người khác hỏi: “Liệu họ có đang xây các bệnh viện dã chiến không nhỉ?”
Sự qua đời đột ngột của đại sứ vaccine
Nữ diễn viên nổi tiếng Hồng Kông Châu Hải My (Kathy Chow Hoi-mei) đột ngột qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 11/12, ở tuổi 57. Sự qua đời của cô đã được tất cả các hãng truyền thông Hoa ngữ đưa tin rộng rãi và ngay lập tức trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội.
Cô Châu là đại sứ vaccine COVID-19 của ĐCSTQ. Cô đã xuất hiện trong một số thông báo dịch vụ công trên các mạng truyền hình Trung Quốc cho thấy rằng cô đã được chích vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Sự xuất hiện này là để khuyến khích những người khác đi chích ngừa.
Video PSA cuối cùng của cô được phát hành một tuần trước khi cô qua đời, cho thấy cô đang nhận mũi vaccine COVID-19 thứ tư — một phiên bản dạng hít do Trung Quốc sản xuất.
Hồ sơ y tế kỹ thuật số của cô Châu từ Bệnh viện Thuận Nghĩa trực thuộc Bệnh viện Trung Y Bắc Kinh được cho là đã bị rò rỉ trên mạng xã hội, làm dấy lên suy đoán rằng sự qua đời của cô có thể liên quan đến COVID-19. Theo tài liệu mà The Epoch Times chưa thể kiểm chứng độc lập, cô Châu đã được đưa đến phòng cấp cứu vào ngày 11/12.
Tài liệu viết: “Cô ấy được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và nhịp tim của cô ấy đã ngừng đập khoảng một giờ đồng hồ.” Hồ sơ này cũng nêu chi tiết những gì được đồng nghiệp đưa cô đến bệnh viện kể lại: “Tuần trước bệnh nhân có triệu chứng ho và thở khò khè, và phải thở oxy tại nhà. Đêm qua (10/12), triệu chứng thở khò khè của cô ấy trở nặng.”
Ngày 13/12, bệnh viện xác nhận với truyền thông Trung Quốc rằng hồ sơ bệnh án bị rò rỉ của cô Châu là có thật. Cả bệnh viện lẫn Ủy ban Y tế Quận Thuận Nghĩa đều cho biết họ sẽ hợp tác với công an để điều tra xem làm thế nào mà hồ sơ này lại bị rò rỉ.
Có thông tin cho rằng cô Châu đã chiến đấu với bệnh lupus ban đỏ, một căn bệnh tự miễn, kể từ năm 1998. Bệnh nhân mắc bệnh này ở Trung Quốc được cảnh báo là không nên chích vaccine COVID-19 do những loại vaccine này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong), chuyên gia về virus học và bệnh truyền nhiễm Âu Châu, đồng thời là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết vào ngày 13/12 rằng những bệnh nhân mắc bệnh miễn dịch, bao gồm cả rối loạn chức năng miễn dịch, cần phải rất thận trọng khi chích vaccine COVID-19.
Bà cho hay, “Nếu khả năng miễn dịch của một người không tốt, việc chích ngừa có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi. Đặc biệt, các loại vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất đều là vaccine bất hoạt, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và an toàn.”
Cô Châu chuyển từ Hồng Kông đến Bắc Kinh vào năm 2002 và chủ yếu thủ vai trong các dự án phim và xuất hiện trên kênh truyền hình ở Hoa lục.
Trong phong trào luật dẫn độ chống ĐCSTQ ở Hồng Kông năm 2019, cô đã quay một đoạn phim ngắn ủng hộ ĐCSTQ cho truyền thông đại lục để ủng hộ việc chế độ này đàn áp tàn bạo tất cả những người biểu tình — kể cả những người biểu tình ôn hòa.
Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, nói với The Epoch Times vào ngày 26/08 rằng virus gây ra dịch bệnh COVID-19 nhắm mục tiêu vào ĐCSTQ, và những người mù quáng đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, và cống hiến mạng sống của mình cho nó.
Khi đại dịch bắt đầu vào tháng 03/2020, Đại Sư Lý mô tả ôn dịch là điều tất nhiên khi nhân tâm và đạo đức trở nên bại hoại.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lạc Á, và Phương Hiểu
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times