Dạy ngôn ngữ tại gia: Một cách tiếp cận không vội vã
Cô Jan McGrath, người viết kịch bản cho chương trình “Tell Me a Story,” (Hãy kể cho mẹ nghe một câu chuyện) mô tả trải nghiệm của cô với việc giáo dục tại gia và dạy các con đọc, viết, và ngoại ngữ.
Cô Jan McGrath là một bà mẹ chọn phương pháp giáo dục cho con tại gia, cô cũng là tác giả của “Hãy kể cho mẹ nghe một câu chuyện,” một chương trình dạy viết dành cho những người giáo dục con tại gia. Tôi gần đây đã hỏi cô ấy về kinh nghiệm giáo dục tại gia và xin lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi nói đến việc dạy đọc, viết, và ngoại ngữ. Dưới đây là những gì cô ấy đã chia sẻ.
The Epoch Times: Điều gì đã khiến chị chọn giáo dục các con tại gia?
Cô Jan McGrath: Tôi biết các gia đình chọn giáo dục tại gia đã dạy dỗ con cái của họ tại nhà trong nhiều năm. Họ cho phép tôi đến thăm nhà và đã chia sẻ tại sao họ lựa chọn giáo dục tại gia.
Một số gia đình chọn con đường giáo dục tại gia vì họ có thể dạy con mình về đức tin hoặc những giá trị đạo đức cụ thể nào đó, trong khi những gia đình khác làm như vậy vì họ cần lịch trình hiệu quả để con cái họ theo đuổi các môn tự chọn, chẳng hạn như diễn xuất, khiêu vũ, hoặc thể thao. Những gia đình [có lý do] khác nhau này rõ ràng đều đang dạy con cách đọc, viết, và số học đồng thời lồng ghép thêm lời chỉ dẫn quan trọng về đức tin và những mối quan tâm đặc biệt của gia đình họ.
Điều tôi nhận thấy là một số gia đình giáo dục tại gia có lối sống kết hợp giữa làm việc (những việc vặt hoặc công việc bán thời gian), phục vụ (những dự án cộng đồng), với học tập (học thuật). Điều này gây ấn tượng với tôi, và tôi cũng muốn có sự linh hoạt và quyền lựa chọn [môn học] mà việc học tại gia đem lại.
Tôi đọc những cuốn sách khuyến khích tôi lựa chọn giáo dục tại gia. Những cuốn sách tôi đọc có nhan đề “A Charlotte Mason Companion,” (Người bạn đồng hành của Charlotte Mason) của tác giả Karen Andreola và “Better Late Than Early,” (Muộn còn hơn sớm) của tác giả Raymond Moore.
Tôi không có nhiều hiểu biết về nền giáo dục mà tác giả Charlotte Mason đề cập tới. Tôi biết bà ấy là một nhà giáo dục người Anh đã qua đời, khuyến khích việc đọc sách. Tuy nhiên, sau khi đọc cuốn sách “Người bạn đồng hành của Charlotte Mason,” tôi biết được rằng triết lý giáo dục của Charlotte Mason là tập trung vào trẻ em. Một đứa trẻ, theo tác giả Charlotte Mason, là sinh mệnh được sinh ra, không phải là một chiếc bình trống rỗng. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ có thể được dạy dỗ với những “ý tưởng sống” và có sự đồng điệu với các tác giả, nghệ thuật, âm nhạc và những ý tưởng khác từ sách một cách trực tiếp. Một đứa trẻ không cần cha mẹ nhai thức ăn cho mình, các em có thể tự làm việc đó. Chúng ta, nhà giáo dục tại gia, có thể đơn giản cung cấp cho các con một bữa tiệc về những ý tưởng bắt nguồn từ những cuốn “sách sống” tập trung vào thơ ca, lịch sử, những nghiên cứu tự nhiên, môn học cảm thụ âm nhạc, các vật dụng thủ công mỹ nghệ, nấu ăn, làm vườn, và hơn thế nữa. Đứa trẻ đó có thể phát triển các kết nối của riêng em và tạo ra những khoảnh khắc “aha” của riêng mình khi cùng ý tưởng với các tác giả, chẳng hạn như E.B. White, các nghệ sĩ như Mary Cassatt, và các nhạc sĩ như George Gershwin.
Cuốn sách khác đã ảnh hưởng đến việc giáo dục tại gia của tôi là một cuốn của Tác giả Raymond và Dorothy Moore có nhan đề “Better Late Than Early.” (Muộn còn hơn sớm) Cuốn sách tóm tắt cuộc nghiên cứu ủng hộ lập luận rằng trẻ em chưa sẵn sàng về mặt tâm lý cho việc học chính thức cho đến khi 8 đến 10 tuổi. Họ cho rằng việc chờ đợi cho phép trẻ em đạt được sự trưởng thành và các kỹ năng logic cần thiết cho việc học chính thức và ngăn trẻ em trở nên thất vọng và nản lòng trước những gắng sức giải quyết tài liệu mà đơn giản là chúng chưa sẵn sàng để hiểu. Cuốn sách “Muộn còn hơn sớm” ủng hộ sự trì hoãn đối với việc học hành chính thức cho đến khi bộ óc của trẻ đủ trưởng thành. Vì vậy cho đến thời điểm đó, hãy để con bạn học ở nhà thông qua công việc (việc vặt), phục vụ (giúp đỡ những người khác trong gia đình), và học tập không chính quy (nấu ăn, làm vườn, thưởng thức âm nhạc, v.v.).
Tiến sĩ Raymond Moore và vợ của ông, bà Dorothy Moore, thường được gọi là các bậc tiền bối của phong trào giáo dục tại gia hiện đại và sách của họ đã khiến tôi đi theo “Công thức Moore” trong công việc, phục vụ, và học tập.
Đối với tôi, Công thức Moore dường như trùng lặp với triết lý Charlotte Mason về giáo dục tại gia tốt đẹp bởi vì cả hai cách tiếp cận đều quan sát trẻ em và tôn trọng cá tính cũng như sự sẵn sàng của các em. Cả Công thức Moore và triết lý Charlotte Mason đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con thông qua đọc sách cùng chúng, làm việc và chia sẻ cuộc sống theo cách không vội vã với con. Điều này cũng ảnh hưởng đến tôi, và tôi biết mình có thể thử [phương pháp] giáo dục tại gia và thực hiện qua từng năm. Nếu phương pháp đó không thành công, thì tôi có thể thử một khóa học khác.
The Epoch Times: Chị thấy những điều gì là thách thức lớn nhất khi là cha mẹ dạy học tại gia?
Cô McGrath: Những thử thách tôi gặp phải là các nỗi lo lắng về việc học của con tôi bị thụt lùi hoặc chuyện học tại gia có thể khiến chúng có thiếu sót về học thuật. Tuy nhiên, với phương pháp giáo dục Charlotte Mason—độ phong phú của việc đọc những cuốn “sách sống” sâu và rộng, nghiên cứu nghệ thuật và thơ ca, những cuộc đi dạo giữa thiên nhiên, dành những buổi chiều để làm đồ thủ công, nấu ăn, v.v.—tôi cảm thấy thật thoải mái. Theo quan điểm của tôi, tôi tin rằng đây là một nền giáo dục phong phú vì có rất nhiều loại sách khác nhau, nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca, lịch sử, nghiên cứu tự nhiên, v.v. được giới thiệu cho các con tôi.
Tôi cũng nhận ra rằng sẽ có những lỗ hổng trong học thuật và điều đó không sao cả. Mục tiêu của gia đình chúng tôi là dạy các con yêu thích việc học và từ đó trở thành những người học tập độc lập suốt đời. Những gì các con chưa được học, chúng có thể tự khám phá và tiếp thu nhờ lối sống học tập tại gia mà chúng tôi đã nuôi dưỡng.
Cuộc sống học tập tại gia tập trung vào việc xây dựng một thư viện tại nhà, cung cấp một garage chứa đầy dụng cụ xây dựng, những chiếc giá đựng đồ nghệ thuật và vật liệu thủ công (sơn mô hình, đất sét, các loại dụng cụ khắc thủy tinh và chạm khắc gỗ, giấy thủ công, v.v.), tất cả đều được để ở trong tầm tay các cháu. Các con tôi đã được dạy cách sử dụng những dụng cụ đó một cách an toàn và chúng tôi đã đưa các con tham gia vào rất nhiều dự án sửa chữa nhà, luôn có sự giám sát của chúng tôi. Chúng tôi cho phép các con vào bếp và nhờ chúng giúp chuẩn bị bữa ăn, mua nguyên liệu nấu. Cuộc sống giáo dục tại gia không vội vã giúp con chúng tôi có thời gian để đọc sách một cách độc lập, khám phá và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật của riêng chúng—thậm chí là tự chế tạo các đồ chơi riêng.
Các con tôi thường ở trong garage để chế tạo ra thứ gì đó, vì thế cuối cùng chúng tôi đã lưu giữ những tác phẩm đó thông qua nhật ký ảnh. Sau khi tôi có một bộ sưu tập các sáng tạo của các con trên một trang trong bức ảnh ghép, tôi bắt đầu nhận ra rằng các con tôi đang học.
The Epoch Times: Theo chị, những lợi ích lớn nhất của giáo dục tại gia là gì?
Cô McGrath: Lợi ích lớn nhất là một lối sống không vội vã. Chúng tôi có thói quen dùng tất cả các bữa ăn cùng nhau, cũng như nấu ăn cùng nhau. Giờ ăn là khoảng thời gian tuyệt vời nhất vì chúng tôi có thể thảo luận về những gì chúng tôi đã học và khám phá được, đồng thời thể hiện sự thích thú với điều kỳ diệu của bất kỳ điều gì chúng tôi đã khám phá hoặc học được trong ngày cụ thể nào đó. Dạng thảo luận này là thân mật và bất chợt. Đây là cuộc sống của một học giả: một người có thời gian rảnh để học, và giáo dục tại gia cho phép chúng ta có thời gian để học cùng và bên cạnh con cái của mình.
The Epoch Times: Đọc và viết là những yếu tố nền tảng của một nền giáo dục tốt. Chị sẽ đưa ra lời khuyên nào liên quan tới khả năng dạy đọc và viết cho các cha mẹ mới bước vào giáo dục tại gia?
Cô McGrath: Chúng ta có những tác giả tuyệt vời để giới thiệu với các con đến mức việc dạy đọc và viết có thể trở nên dễ dàng hơn một chút nếu chúng ta đọc to cho các con nghe.
Lời khuyên mà tôi muốn đưa ra là hãy đọc cho những học sinh của bạn nghe trước khi bạn dạy các em đọc. Hãy ngồi trên ghế sofa và đọc những cuốn sách của các tác giả, chẳng hạn như, A.A. Milne, Robert McCloskey, E.B. White và Laura Ingalls Wilder. Bạn không thể đọc quá nhiều. Hãy dạy con bạn đọc bằng cách đọc cho con nghe. Trong lúc rảnh rỗi, cha mẹ cũng có thể đọc sách tìm niềm vui riêng cho mình. Văn hóa đọc tại gia sẽ tạo hình mẫu về giá trị của việc đọc sách cho chính các con bạn.
Rồi môn viết sẽ đến theo sau vì bạn đã rèn luyện đôi tai của con nghe những lời của những tác giả vĩ đại, những người sáng tác những cuốn sách bất hủ, sống mãi với thời gian. Một đứa trẻ không thể viết tốt nếu chúng không đọc nhiều.
Đối với các con tôi, tôi đã sử dụng chương trình dạy đọc có tên “Hát, Đánh vần, Đọc và Viết” của tác giả Sue Dickson. Cô ấy có những đĩa CD tuyệt vời dành cho độc giả và các cậu con trai của tôi đã học ngữ âm phần lớn nhờ nghe những bài hát hấp dẫn trong đó. Tôi chờ đợi cho đến khi tôi biết các con mình đã sẵn sàng và không bắt đầu dạy đọc cho đến lúc đó. Chờ đợi cho đến khi bộ óc của con bạn đã sẵn sàng là yếu tố then chốt. Việc dạy con đọc và viết sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn chờ đợi sự phát triển não bộ của con. Nếu bạn dạy các con đọc và viết quá sớm, bạn và con bạn sẽ cảm thấy nản lòng, và giáo dục tại gia sẽ không còn là một trải nghiệm vui vẻ.
Đối với viết, tôi đã từng lo lắng khá nhiều về điều này. Tuy nhiên, phải đến khi tôi biết đến việc viết nhật ký thì mới bớt lo lắng. Đây là lý do tôi ủng hộ viết nhật ký trước và kết hợp với đọc những cuốn “sách sống.”
The Epoch Times: Chị xem việc viết lách quan trọng đến mức đã tạo ra chương trình viết nhật ký có tên “Tell Me A Story” (Hãy Kể Cho Mẹ Nghe Một Câu Chuyện) Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị để phát triển sản phẩm này dành cho cha mẹ giáo dục con tại gia?
Cô McGrath: Cậu con lớn nhất của tôi có tật nói ngọng khi cháu khoảng hai tuổi. Hoặc là tôi ghi âm những gì bé nói hoặc chỉ đơn giản là nói chuyện với cháu, hỏi cháu “hãy kể cho mẹ nghe một câu chuyện.” Khi cháu được ba tuổi và nói được nhiều cụm từ và câu hơn, tôi bắt đầu viết ra những từ của cháu và, ngay lúc đó, con trai tôi đã rất kinh ngạc (trên trang web của tôi, bạn sẽ thấy một trong những bản viết đó). Cháu biết được những suy nghĩ của mình, những lời nói của chính mình, giờ đây đã được ghi lại trong nhật ký của chính cháu, trong một cuốn sách nhỏ. Đây là một khoảnh khắc rất đặc biệt đối với con tôi, và tôi tiếp tục để cháu đọc những suy nghĩ của mình, kết quả là cuốn sách nhỏ thứ hai của tôi có tên “Hãy kể cho mẹ nghe một câu chuyện lần nữa” ra đời. Tôi chép lại các câu chuyện cho đến khi con trai tôi có thể cầm cây bút chì một cách thoải mái.
Niềm vui trên khuôn mặt của con trai đã truyền cảm hứng cho tôi tạo ra các tập nhật ký. Các cuốn nhật ký đó rất có ý nghĩa đối với các con tôi vì chúng “kể cho tôi biết” những gì các con hiểu về một sự việc ở hiện tại, một sự kiện lịch sử, hoặc cảm nhận của con về một tác phẩm nghệ thuật. Cho đến hôm nay, các con tôi đã có thể tự viết nhật ký. Chúng tôi cũng tiếp tục đọc cùng nhau, và các con tôi cũng sẽ đọc một cách độc lập.
The Epoch Times: Còn ngoại ngữ thì sao thưa chị? Chị khuyến nghị các bậc cha mẹ bắt đầu dạy ngoại ngữ cho con khi nào và bằng cách nào họ làm điều đó?
Cô McGrath: Giống như học tiếng mẹ đẻ, bạn nói ngôn ngữ bạn muốn học càng sớm càng tốt. Ngay cả khi bạn chưa biết ngôn ngữ đó một cách hoàn hảo hoặc trôi chảy, giáo dục tại gia cho phép bạn đưa con vào trong [môi trường] ngôn ngữ mà bạn muốn con mình học.
Vì vậy, chẳng hạn, tôi không nói tiếng Hoa phổ thông trôi chảy. Tôi đã thực sự học nói ngôn ngữ này với con mình bằng cách trước hết đọc những cuốn sách tranh cho con nghe—các sách được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung (bằng bính âm). Những cuốn sách của tác giả Eric Carle rất tuyệt vời cho việc này vì tôi thấy câu chuyện (“Gấu nâu, gấu nâu” hoặc “Con sâu bướm háu ăn”) lặp đi lặp lại các động từ và có những câu đơn giản con tôi có thể làm theo mà không cần dịch. Trên thực tế, phương pháp học ngoại ngữ này trùng hợp với phương pháp học ngoại ngữ của ông François Gouin, một phương pháp mà nhà giáo dục Charlotte Mason đã áp dụng.
Chính từ những năm đầu tiên của việc dạy tiếng Hoa phổ thông cho các con, tôi đã tiếp tục lựa chọn phương pháp học ngoại ngữ của hai tác giả François Gouin-Charlotte Mason. Phương pháp này đặc biệt chú trọng vào các câu đơn giản được nói bằng tiếng Anh và sau đó là ngôn ngữ muốn học. Không có bản dịch đi kèm. Bài học ngôn ngữ ngắn gọn và lặp đi lặp lại truyền cảm hứng cho học sinh tự tạo ra các câu đơn giản của riêng mình bằng ngôn ngữ muốn học. Đây là cách chúng ta học tiếng mẹ đẻ của mình—không cần dịch thuật và chỉ thông qua việc nói bằng những câu ngắn, đơn giản. Đây là lý do tôi tạo ra trang web có tên MeiMeiMandarin.weebly.com. Tôi không thể tìm thấy bất cứ thứ gì hiện có dạy tiếng Hoa phổ thông bằng cách sử dụng phương pháp François Gouin-Charlotte Mason. Trang web của tôi giải thích một chút về tác giả François Gouin.
The Epoch Times: Chị ước mình đã biết trước điều gì trước khi bắt đầu việc giáo dục tại gia?
Cô McGrath: Việc tìm kiếm một triết lý giáo dục tại gia là rất quan trọng và cho đến khi bạn có một triết lý khiến bạn cảm thấy hài lòng và sẵn sàng tuân theo, thì tôi cảm thấy bạn sẽ nhanh chóng chọn được chương trình giáo dục tại gia mới nhất để áp dụng từ năm này sang năm khác. Đó là những gì đã xảy ra với tôi cho đến khi tôi tìm được cho bản thân mình một triết lý giáo dục tại gia.
Tôi nghĩ rằng đây là bước quan trọng nhất và là quyết định sớm nhất mà một gia đình chọn giáo dục tại gia cần thực hiện trước khi bắt tay vào việc này. Có nhiều triết lý giáo dục tại gia như giáo dục tại gia truyền thống, giáo dục tại gia cổ điển, không đi học, và phương pháp Charlotte Mason. Không có triết lý nào đúng hay sai cả, chỉ có triết lý phù hợp với gia đình bạn mà thôi.
Giáo dục tại gia được cá nhân hóa và thiết kế riêng cho các con của bạn; không có hai gia đình nào là giống nhau cả. Hãy thử một phương pháp giáo dục tại gia trong một tháng và sau đó thử một phương pháp khác, cho phép gia đình bạn có thời gian để tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho các bạn. Tôi nghĩ rằng rất đáng để đầu tư thời gian để quyết định chọn phương pháp giáo dục tại gia nào là tốt nhất.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng những kinh nghiệm mà chúng tôi có được với việc giáo dục tại gia là có tác dụng đối với riêng gia đình chúng tôi. Có nhiều phương pháp giáo dục tại gia và yếu tố quan trọng nhất là tìm ra một phương pháp mà bạn và các con bạn yêu thích.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times