Đạo lý chân chính trong câu: Cho cá không bằng dạy cách câu cá
Bên bờ biển, một chàng trai trẻ thấy một chiếc thuyền bị bỏ hoang, bèn đem đi tu sửa, sau đó ngày ngày vừa đánh chiếc thuyền ấy ra khơi và ngân nga ca hát. Cho dù chẳng có con cá nào mắc lưới, nhưng mỗi lần trở về, chàng đều nằm dài trên bãi biển tắm nắng, hát ngân nga, và vui vẻ tự tại sống qua ngày.
Cách bãi biển xa xa, có một người bán cá sống trong một biệt phủ bên bờ biển. Ngày nào ông ấy cũng đi sớm về khuya, về đến nhà lại bận rộn tính toán xem hôm nay được mất bao nhiêu, cả ngày nhăn mày khổ não. Ông hết quan sát biển động, xem thời tiết, rồi lại lo lắng giá cá tăng cao, cả ngày ôm đầy những lo toan nặng nề.
Khi thấy anh ngư phủ vui vẻ như thế, ông thầm nghĩ: Mình có nhiều cá như vậy mà chẳng vui lên được. Anh kia chẳng đánh bắt được con cá nào, nhưng tâm tình sao lại tốt thế nhỉ? Để tìm ra nguyên nhân, người bán cá liền đặt một miếng vàng trên chiếc thuyền nhỏ của ngư phủ.
Khi mặt trời lặn, chàng ngư phủ trở lại thuyền, trông thấy miếng vàng thì mừng rỡ khôn xiết, cầm miếng vàng trên tay nghĩ ngợi: xem ra không cần dùng đến chiếc thuyền chắp vá khắp nơi này rồi, mình có thể đổi chiếc thuyền lớn hơn, thế thì sẽ bắt được một thuyền cá, rồi lại mua chiếc thuyền lớn hơn nữa, thuê thêm vài anh ngư phủ làm việc cho mình. Cứ đà ấy, chẳng mấy chốc anh sẽ trở thành người bán cá lớn nhất, sau đó lũng đoạn giá cá, và trở thành người giàu có nhất trên bờ.
Chàng ngư phủ nghĩ miên man suốt cả đêm, quên cả việc ngân nga ca hát. Còn người bán cá đứng ở xa xa quan sát, và hiểu ra được nguyên nhân khiến anh ngư phủ ngừng hát.
Kể từ đêm đó, anh ngư phủ bỗng hay phiền não, và mọi người cũng không còn nghe thấy tiếng hát của anh nữa. Anh đã bán chiếc thuyền vá của mình, dùng miếng vàng kia và vay thêm nặng lãi để mua một chiếc thuyền lớn. Do gồng gánh khoản nợ lớn, anh ngày ngày sống trong áp lực. Cứ thế, sau rất nhiều năm, anh ngư phủ cũng trở thành người bán cá, sống trong một biệt phủ bên bờ biển, bận bịu tính tiền, ngày ngày nhăn nhíu mặt mày. Anh cũng phải thời thời khắc khắc trông ra biển và thăm dò thời tiết, cũng mất ăn mất ngủ sợ giá cá tăng cao. Anh có quá nhiều lo toan, không lúc nào bình yên rảnh rỗi, cũng không còn một phút một giây hạnh phúc nào.
Một hôm, lốc xoáy ập đến, khiến mấy chiếc thuyền đánh cá của anh bị mắc cạn, thiệt hại nặng nề. Anh ngư phủ rơi vào khủng hoảng, mặt mày lo lắng. Anh rảo bước trên bãi biển, và thấy một người lang thang đang ca hát ở đó. Cảnh ấy khiến anh nhớ lại những ngày tháng vô tư lự của mình trước kia, bất giác anh hỏi người lang thang: “Anh chẳng có gì cả, sao lại vui vẻ đến thế?”.
Người đó trả lời: “Sao lại không có gì? Tôi có bãi biển, có ánh nắng, có sức khoẻ, cơm ăn áo mặc không phải lo.”
Lúc này, anh trầm ngâm nhìn người lang thang đang vui vẻ lạc quan, và nhận ra mình đã không thể lấy lại bản thân của quá khứ, bởi vì bản tính thuần chân của quá khứ ấy đã vĩnh viễn vụt mất khỏi tay anh. Đồng tiền vàng ấy, đã cướp đi niềm vui vô tư lự của anh. Đồng tiền vàng ấy là thứ gì mà lại có thể dễ dàng khiến con người đánh mất chân tánh, niềm vui, và cả những bình yên trong tâm hồn đến vậy?
Câu chuyện này khiến tác giả nhớ đến câu ngạn ngữ xưa: “Cho cá không bằng dạy cách câu cá.” Nhiều người hiểu câu này có ngụ ý rằng: Nếu cho người khác một con cá, bạn sẽ chỉ nuôi sống người đó một ngày; Còn nếu dạy anh ta cách câu cá, bạn sẽ nuôi sống anh ta cả đời. Chữ “cá” ở đây được hiểu là một món quà vật chất, trong khi “câu cá” được hiểu là một kỹ năng có thể duy trì sự sống hoặc một trạng thái nhất định. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa vật chất và kỹ năng, ở một mức độ nào đó, có gì khác nhau đâu? Kỹ năng rốt cuộc cũng là dùng để có được của cải vật chất, cả hai thứ ấy đều không thể thực sự khiến con người cảm thấy thỏa mãn. Ngược lại, khi những yếu tố ngoại lai vượt quá nhu cầu cuộc sống, sẽ lấy đi sự tự do tự tại bên trong tâm hồn. Điều ấy giống như cuộc sống vật chất của đa số mọi người ngày nay, bề ngoài đã tốt hơn quá khứ, nhưng sự mộc mạc, thuần phác, vui vẻ của quá khứ bên trong con người họ cũng dần dần trôi đi và biến mất.
Chỉ khi tĩnh tâm lại, chúng ta mới có thể nhận ra ý nghĩa sâu xa trong câu ngạn ngữ của người xưa. Chữ “Ngư” (đọc là yú) đồng âm với chữ “Dục” (đọc là yù), nên “ngư” ở đây có thể nói là chỉ dục vọng. Còn “đánh cá” là một phương pháp, tức là cần phải dùng lưới võng đánh cá, ý chỉ “Pháp võng” (Lưới trời). Lưới trời ấy vốn là để trừng trị cái ác, gột rửa những dục vọng thái quá của con người.
Như vậy, có thể hiểu rằng, khi lòng người bị thứ xấu xa bên ngoài dẫn dụ, những dục vọng vô tận sẽ sinh ra, làm nhiễu loạn, khuấy đảo sự bình yên trong “biển cả tâm hồn” của chúng ta. Cuối cùng khiến con thuyền nhỏ bé của cuộc đời đắm chìm hoặc rình rập nguy cơ. Như thế làm sao có thể vui vẻ được đây?
Có thể thấy, hạnh phúc thật sự nằm ở cảnh giới nội tâm chứ không phải ở số lượng của cải vật chất. Vì vậy, dạy con người phương pháp thoát khỏi ham muốn vật chất, mới có thể khiến nội tâm luôn thuần tịnh thanh thản và cảm thấy tiêu dao tự tại. Nếu chỉ dựa vào khả năng của con người thì khó mà thoát khỏi xiềng xích của dục vọng, kể cả khi trong lòng rõ mồn một, nhưng lại không thể tự mình làm được.
Bài viết đăng lại từ Zhengjian.com
Lý Mai biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ