Danh nhân Đại Việt tuổi Tân Sửu (Phần 4): Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan
Sửu là địa chi thứ hai trong 12 con giáp, chỉ đứng sau Tý với biểu tượng là con Trâu, một con vật vô cùng quan trọng tro ng nền văn minh lúa nước phương Nam. Vì thế mà năm Sửu cũng là một năm rất đặc biệt và những người sinh năm Sửu cũng là những nhân vật vô cùng phi thường trong lịch sử nước ta.
Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648)
Ông là vị chúa thứ ba của vương quốc Đàng Trong, thời đại đầy biến động với các cuộc đảo chính và xâm lăng. Thượng Vương đã vững vàng chèo lái cơ đồ họ Nguyễn vượt qua sóng gió. Dẫu có lúc ngài cũng mê mờ ham đắm nữ sắc, nhưng những việc lớn nhìn chung đều thành công, quả là người có đại phúc vậy.
Diệt trừ nội loạn, dời đô về Kim Long
Năm Ất Hợi 1635 chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua đời. Sãi vương là vị vua nhân đức sùng Phật đã làm cho Đàng Trong trở nên giàu mạnh, khi ngài mất quốc dân vô cùng thương tiếc có bài thơ như sau:
Mây sầu gió thảm tỏa đầy trời
Ánh ỏi ve kêu gió nghẹn lời
Phượng biếc cao bay ngoài chín cõi
Rồng thần quẫy động giữa đêm ngời
Đình thần đau tiếc vua hiền sáng
Dân chúng gào la chúa cứu đời
Khai thác cơ đồ nên thịnh vượng
Lưu thơm muôn thuở khắp muôn nơi
(Nam triều công nghiệp diễn chí- Nguyễn Khoa Chiêm)
Nguyễn Phúc Lan là con thứ hai lên nối ngôi, tục gọi là chúa Thượng. Người em thứ ba là Dương Nghĩa hầu Nguyễn Phúc Anh đang trấn thủ Quảng Nam vì lòng đố kỵ nên rắp tâm cấu kết với chúa Trịnh để làm phản.
“Đầu là Hy Tông sai Anh làm trấn thủ Quảng Nam. Anh đến trấn, ngầm mang chí khác, muốn cướp ngôi thế tử, nuôi riêng dũng sĩ vài trăm người, bí mật ghi họ tên vào sổ “đồng tâm hướng thuận”. Từng viết mật thư đầu hàng họ Trịnh, nhưng công việc không thành. Đến đây nghe tin chúa lên ngôi, Anh tức thì phát binh làm phản, cùng Ký lục là Phạm mưu đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống lại quân chúa. Phạm lẻn về đem tình trạng làm phản ấy trình chúa.” (Đại Nam thực lục tiền biên-Quyển 1)
Chúa sai các tướng chia quân 2 đường tiến đánh, bắt sống được Nguyễn Phúc Anh về xử tội. Anh kêu van xin tha, Chúa không nỡ giết. Nhưng các tướng đều đồng tâm nói không thể tha. Chúa bèn theo lời xử quyết và chiếu theo quyển sổ “đồng tâm” bắt được trong phủ của Anh mà giết hết những kẻ phản loạn còn lại.
Tháng 12, chúa Thượng quyết định dời vương phủ về Kim Long, đẹp hơn và rộng rãi hơn dinh cũ. Đây cũng là quyết định lịch sử khiến Huế từ đó về sau là kinh đô Việt Nam cho đến hết thời nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên đóng bên bờ tả ngạn sông Hương. Bên hữu ngạn có đồi Long Thọ với thế núi “thiên quan địa trục” – nghĩa là trổ cửa lên trời và là trục xoay của các vùng đất (Đại Nam nhất thống chí). Với thế phong thủy tốt như vậy, đất Kim Long sẽ trợ giúp cho dòng họ trị vì làm nên nghiệp đế vương.
Mê đắm nữ sắc, nhưng biết nghe lời can gián
Năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị (vợ goá của Phúc Anh) dâng cho chúa chuỗi ngọc bách hoa rất đẹp. Chúa thấy vòng ngọc tinh xảo thơm ngát chợt động lòng. Lại thêm Tống Thị sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, thần thái lại xinh đẹp. Thế là chúa ra lệnh đem nàng vào cung làm thiếp.
Từ đó chúa rất mực sủng ái Tống Thị và xao nhãng triều chính. Nàng trình bẩm việc gì chúa cũng nghe theo. Tống Thị lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Các quan đại thần căm ghét Tống Thị, tìm cách can gián nhưng chúa không nghe. Nhưng dù sao thì phúc trạch nhà Chúa vẫn còn mạnh, một vị đại thần là Vân Hiên hầu đã kịp thời dâng lời can gián thức tỉnh chúa.
“Bấy giờ chúa thấy biên cương không có việc đáng lo, thường chăm yến tiệc vui chơi, xây dựng cung thất công dịch không ngớt. Nội tán Phạm (bấy giờ gọi là Vân Hiên hầu) can rằng: “Thần nghe bực vương giả dùng người hiền làm cột, lấy đức tốt làm thành, ung dung rủ áo chắp tay. Truyền thuyết cho rằng những vua đời thượng cổ, ở cảnh thái bình, chỉ khoác áo chắp tay ra chầu, chứ không có việc gì phiền phức mà yên vững như núi Thái. Xưa kia Nghiêu Thuấn dùng nhà cỏ tranh không xén, xà mộc không đẽo, mà chư hầu cảm nhận, bốn rợ mến đức, hà tất phải nhà cao cửa rộng mới yêu thích đâu? Nay họ Trịnh trên thì ép vua Lê, dưới thì hiếp công khanh, vốn có ý nhòm ngó ta. Chúa nên lo lắng siêng năng, xem xét thời cơ, mở mang bờ cõi, nếu không nghĩ điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần chưa biết như thế có nên không”. Chúa nghe, đổi sắc mà nói: “Đấy đều là do người ta xu nịnh bày ra, thực không tự ý ta”. Tức thì ra lệnh đình bãi các việc.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Hơn thế nữa, tâm tính thiện lương vẫn còn trong lòng chúa Thượng và sử còn chép 1 lần ngài sửa mình lúc cần để cho dân được nhờ ân đức.
“Tân tỵ, năm thứ 6 [1641], mùa hạ tháng 5, trời hạn, lúa khô héo, mỗi đấu gạo trị giá 60 đồng tiền, dân chết đói nhiều. Chúa trai giới khấn thầm, rồi được mưa, mùa lại được. Trăm họ đều yên nghiệp làm ăn.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Chấn chỉnh quân đội, thi tuyển nhân tài
Sau nhiều năm cai trị vững vàng, chúa Thượng bắt đầu chấn chỉnh quân đội, có ý Bắc phạt tấn công họ Trịnh. Để có thể thành công, chúa Thượng rất quan trọng việc huấn luyện binh lính tinh nhuệ.
“Nhâm ngọ, năm thứ 7 [1642], mùa hạ, tháng 5, chúa thấy nước nhà phong phú, có chí đánh miền Bắc, từng kén chọn bộ binh, thao diễn trận pháp. Một hôm chúa ngự thuyền rồng đi chơi cửa Eo, thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phước (tức xã Hồng Phước, thuộc huyện Phú Vang bây giờ), đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa. Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Ngoài ra, nhược điểm lớn nhất của vùng đất mới khai phá như Đàng Trong là cực kỳ thiếu nhân tài về các phương diện cai trị và quản lý hành chính. Vì thế, Thượng vương cũng bắt đầu cho mở các khoa thi để kén người tài bổ dụng điều hành quốc gia.
“Định phép thi 9 năm một kỳ. Ra lệnh cho các học trò về khoa chính đồ và khoa Hoa văn đều đến công phủ để ứng thí.
Chính đồ thi 3 ngày, ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, ngày thứ ba thi văn sách. Lấy văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, cai bạ, ký lục, nha úy làm giám khảo, nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí. Người thi trúng thì làm danh sách để tiến lên, định làm 3 hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là giám sinh, bổ tri phủ tri huyện; hạng ất làm sinh đồ, bổ huấn đạo; hạng bính cũng làm sinh đồ, bổ lễ sinh hoặc cho làm nhiêu học mãn đại.
Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng, bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại và cho làm nhiêu học.Đó gọi là thu vi hội thí [thi hội mùa thu].
Đinh hợi, năm thứ 12 [1647], mùa thu, tháng 8, bắt đầu mở khoa thi, lấy được 7 người trúng cách về chính đồ, 24 người trúng cách về hoa văn, đều bổ dụng cả.”
Đánh bại quân Trịnh và quân Hà Lan
Năm 1643 quân Trịnh kéo đại quân do chúa Trịnh thống lĩnh đem theo vua Lê tiến đánh Đàng Trong. Tuy một viên tướng trấn thủ bị chết nhưng quân Chúa Nguyễn có chuẩn bị từ trước nên quân Trịnh đành thất bại, rút về.
“Tháng 3, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, đến đóng quân ở xã An Bài (thuộc châu Bắc Bố Chính). Mùa hạ, tháng 4, Trịnh Tráng sai Trịnh Đào đánh lũy Trung Hòa. Quân ta phòng thủ rất vững, Đào đánh không được. Bấy giờ trời nắng lắm, quân Trịnh nhiều người ốm chết.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Hơn thế nữa, trong cùng năm đó thế tử con chúa Thượng là Nguyễn Phúc Tần cùng các tướng sĩ đã lập chiến công vang dội, đánh bại 3 tàu chiến hiện đại của Hà Lan.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội nước ta đụng độ với quân đội của phương Tây.
“Thế tử Dũng Lễ hầu đánh phá giặc Ô Lan ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về. Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Bèn trọng thưởng cho, rồi khiến xa giá về cung.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Cái họa tiêu tường và vinh quang cuối cùng
Rốt cục thì họa trong chăn gối mà Chúa nuôi dưỡng nhiều năm cũng tới lúc phải phát ra. Vì Tống thị là một người tham lam và đầy mưu kế. Bà ta dùng thủ đoạn vơ vét rất nhiều của cải, sợ các đại thần của Chúa tố giác nên rắp tâm làm phản. Và đó là lý do của cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh lần thứ tư. Đây cũng là cuộc chiến lớn nhất và vinh quang nhất cũng như cuộc chiến cuối cùng trong đời chúa Thượng.
“Trước là Tống thị đã được vào chầu cung phủ, đưa đón thỉnh thác, của cải chất đầy như núi. Chưởng cơ Tôn Thất Trung mưu giết đi. Tống thị sợ, nhân cha là Phước Thông được Trịnh Tráng tin dùng, bèn viết mật thư và xâu một chuỗi ngọc bánh hoa bằng trân châu, sai người đem đưa cho Phước Thông để biếu họ Trịnh, lại xin Tráng cất quân, nguyện đem gia tài để giúp lương quân. Tráng nhận được thư mới bàn việc xâm lấn miền Nam. Đến đây sai đô đốc Trịnh Đào thống lãnh các đạo quân thủy bộ kéo vào xâm lấn.” (Đại Nam thực lục tiền biên)
Quân Trịnh lần này vào xâm lấn so với lần trước đông hơn rất nhiều, cả thủy lẫn bộ cùng tấn công. Quân Nam đánh thua phải tạm lui, quân Trịnh tiến quân vây bức Quảng Bình. Nhưng rất may, chúa Thượng có người con trai có tài nguyên soái và các đại tướng tài giỏi cầm quân như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Trương Phúc Phấn mà có thể lật ngược thế cờ, đánh bại quân Trịnh. Đây là chiến công lớn nhất của quân dân Nam Hà kể từ khi chia hai miền.
“Thế tử đến dinh Quảng Bình. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều xin giữ lũy Trường Dục để làm kế cố thủ. Ký lục Thịnh Hội nói rằng: “Quân nó đi sâu vào đất ta, kiêu ngạo không phòng bị, ta góp sức mà đánh hẳn được toàn thắng”. Thế tử mừng bảo các tướng rằng: “Quân Trịnh tuy nhiều nhưng ít người đánh giỏi, quân đi không có hàng ngũ, đồn đóng không chọn địa thế. Nếu quân ta nhân đêm, đem voi xông đánh, chúng tất sợ bỏ chạy. Rồi sau đại binh đến đánh thì một trận có thể bắt được”. Tức thì khiến Triều Phương thay Triều Văn đem thủy quân phục ở bên tả sông Cẩm La. Đến đêm sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem hơn 100 con voi đực, đầu canh năm thẳng vào dinh địch đánh úp. Thế tử đốc các quân theo sau. Bấy giờ quân Trịnh không ngờ quân ta chợt đến, đều sợ chạy cả. Đại quân kế tiến, đánh phá tan. Bọn nào chạy về Bắc thì gặp thủy quân chặn đánh, đều chết đuối cả. Bắt sống được Gia, Lý, Mỹ (đều không rõ họ) và ba vạn tàn quân. Trịnh Đào ở đồn Nam Bố Chính nghe tin, bỏ quân chạy. Thế tử đốc đại binh đuổi đến sông Gianh thì trở về. Bèn để Hữu Tiến lãnh 3.000 quân đóng ở Võ Xá, gọi là đạo Lưa Đôn (bấy giờ gọi là Dinh Mười) để phòng bị. Từ khi Nam Bắc chia cõi đến nay, quân hai miền lần lượt khi được khi thua, chưa có trận nào thắng to bằng trận này. Thực là võ công bực nhất.”
(Đại Nam thực lục tiền biên)
Nhưng Chúa Thượng không còn cơ hội để nhìn thấy thêm chiến thắng vinh quang nào nữa của con trai yêu và các đại tướng dưới quyền. Trên đường rút quân về kinh, Chúa Thượng băng hà trên thuyền ngự, thọ 48 tuổi.
Lời bàn:
Tân Sửu là một con Giáp rất đặc biệt. Những bậc vĩ nhân sinh năm nay mang trong mình trọng trách canh tân trừ ác, bảo vệ quốc gia. Vì thế mà đa số họ đều có tính cách rất sắc bén quyết liệt, có vẻ ít trọng tình cảm. Nhưng trong các vị danh nhân sinh năm Tân Sửu đó, Thượng Vương Phúc Lan là một người đặc biệt hơn cả. Ông là người ít có tính cách sát phạt nhất, tâm địa hiền hòa mà lại còn trọng tình nghĩa, đôi khi còn đa tình nữa. Những tính cách ấy của ông lắm lúc suýt làm giang sơn điêu đứng. Nhưng may thay, khi ông Trời lựa chọn ông, cho ông ra đời vào năm Tân Sửu thì cũng phú cho ông sự cứng rắn cần thiết của hành Kim và sự trầm tĩnh trí huệ của Thổ, để ông tự sửa chữa lỗi lầm mà giữ được cơ nghiệp, bảo vệ nhân dân.
Thật là phúc cho xã tắc vậy.
Minh Bảo
Xem thêm: