Đánh giá của chính phủ TT Biden đổ lỗi cho ông Trump về cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan
Theo một báo cáo của Tòa Bạch Ốc công bố hôm 06/04, việc các quan chức của chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump không phối hợp với chính phủ sắp kế nhiệm của ông Biden trong việc chia sẻ các hiểu biết về hiệp định hòa bình Thỏa thuận Doha tháng 02/2020 đã dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan vào ngày 15/08/2021, khiến 13 quân nhân thiệt mạng, thiệt hại hàng tỷ dollar, và một chính phủ được duy trì bằng máu và tiền của Hoa Kỳ bị Taliban tàn phá.
Đó là chủ đề lặp đi lặp lại trong một bản đánh giá dài 12 trang được mong đợi từ lâu về việc rút quân do Tòa Bạch Ốc công bố hôm 06/04, trong đó khẳng định rằng TT Joe Biden có rất ít lựa chọn tốt và thậm chí còn có ít chi tiết hơn về thỏa thuận của Tổng thống đương thời Donald Trump với Taliban vốn kêu gọi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 05/2021 — sớm hơn ba tháng so với thời điểm chính phủ mới rút quân.
“Các lựa chọn của TT Biden về cách thực hiện một cuộc rút quân khỏi Afghanistan đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi các điều kiện do người tiền nhiệm của ông ấy tạo ra,” báo cáo này cho biết.
Báo cáo cũng cho biết thêm ông Trump thường úp mở khi truyền đạt một chính sách về Afghanistan, có thời điểm kêu gọi một đợt rút toàn bộ quân đội ngay lập tức trước khi đồng ý tăng cường thêm 3,000 thành viên cho lực lượng 10,000 thành viên hồi giữa năm 2018. Sau đó, ông lại ra lệnh rút quân vào mùa thu năm 2020 để giảm sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ xuống 2,500 người theo một hiệp ước được vạch ra trong “các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban” vốn do ông Trump đã khởi xướng “mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác của chúng ta hoặc cho phép chính phủ Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán.”
“Hồi tháng 09/2019, Tổng thống Trump đã khuyến khích Taliban bằng cách công khai cân nhắc mời họ đến Trại David vào ngày đánh dấu sự kiện 11/09,” báo cáo viết. “Hồi tháng 02/2020, Hoa Kỳ và Taliban đã đạt được một thỏa thuận, được gọi là Thỏa thuận Doha, theo đó Hoa Kỳ đồng ý rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Afghanistan trước tháng 05/2021.”
Sự hỗn loạn gây nhiều thương vong ở Kabul, Afghanistan, khi Hoa Kỳ rút quân là một ảnh hưởng kéo dài của chính sách Afghanistan hỗn loạn của ông Trump như được minh họa trong Thỏa thuận Doha, vốn được chính phủ TT Biden tuyên bố trong báo cáo này là một thỏa thuận thảm hại mà Ngũ Giác Đài không bao giờ hiểu cách thức để thực hiện.
“Như một phần của thỏa thuận này, Tổng thống Trump cũng gây áp lực buộc chính phủ Afghanistan thả 5,000 chiến binh Taliban khỏi nhà tù, trong đó có cả các chỉ huy chiến tranh cao cấp, mà không đạt được việc thả con tin người Mỹ duy nhất được biết là bị Taliban giam giữ,” báo cáo này cho hay.
Theo báo cáo này, mối bất hòa giữa chính phủ và Bộ Quốc phòng đã trở nên trầm trọng đến mức Ngũ Giác Đài đã vô cùng ngạc nhiên khi ông Trump đăng trên Twitter hồi tháng 11/2020 rằng những binh sĩ Hoa Kỳ còn lại ở Afghanistan sẽ “hồi hương trước Giáng Sinh!” và ban hành một chỉ thị rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan trước ngày 15/01/2021.
“Một tuần sau, mệnh lệnh đó đã bị hủy bỏ và được thay thế bằng lệnh rút xuống còn 2,500 quân vào cùng ngày,” báo cáo viết khi ghi lại một loạt các mệnh lệnh và tuyên bố trái ngược nhau liên quan đến Afghanistan của ông Trump và chính phủ của ông.
“Trong quá trình chuyển giao từ chính phủ ông Trump sang chính phủ ông Biden, chính phủ sắp mãn nhiệm không đưa ra kế hoạch nào về cách tiến hành đợt rút quân cuối cùng hoặc di tản người Mỹ và các đồng minh Afghanistan. Thật vậy, không có kế hoạch nào như vậy được thực hiện khi Tổng thống Biden nhậm chức, ngay cả khi việc rút quân hoàn toàn theo thỏa thuận đã được ấn định là sẽ diễn ra chỉ hơn ba tháng nữa.”
‘Họ không chia sẻ’
Trong một cuộc họp báo hôm 06/04, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết các thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Biden đã liên lạc với các quan chức chính phủ ông Trump từ tháng 11/2020 đến tháng 01/2021 để thảo luận các chi tiết về Thỏa thuận Doha và các kế hoạch rút quân vào tháng 05/2021 của họ.
“Đã có nhiều nỗ lực để cố gắng hiểu rõ hơn về những gì nhóm trước đó đã làm; nhưng không hề có kế hoạch nào được đưa ra,” ông nói. “Không phải vì thiếu cố gắng. Mà vì họ không chia sẻ.”
Do đó, ông Kirby cho biết, chính phủ TT Biden “gần như bắt đầu lại từ đầu” trong việc xây dựng một kế hoạch để đáp ứng các điều kiện mà chính phủ ông Trump đã đàm phán trong Thỏa thuận Doha.
“Khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/01/2021, Taliban đang ở vị thế quân sự mạnh nhất mà lực lượng này có được kể từ năm 2001, kiểm soát hoặc tranh giành gần một nửa đất nước,” báo cáo viết. Đồng thời, chính phủ mới “đang phải đối mặt với thời hạn gần kề của Tổng thống Trump là rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Afghanistan trước tháng 05/2021, nếu không Taliban sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Hoa Kỳ và đồng minh.”
Báo cáo thuật lại rằng khi ông Biden thảo luận với Ngũ Giác Đài, ông đã phải “đối mặt với những thực tế khó khăn mà chính phủ ông Trump đã để lại cho mình” và xem xét các lựa chọn không mang lại bất kỳ kết quả khả quan nào: rút theo Thỏa thuận Doha hoặc gửi thêm quân đến Afghanistan.
Ông Biden đã vận động để chấm dứt “cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” và đưa quân đội Hoa Kỳ về nước, nhưng, báo cáo nêu rõ, ông sẽ không đàm phán trực tiếp với Taliban và, về căn bản, đã rút quân “trong những điều kiện này” vốn để lại cho lực lượng Hoa Kỳ ít khả năng kiểm soát tình hình ở Kabul dẫn đến tình trạng hỗn loạn của chuyến khởi hành cuối cùng.
Bản đánh giá dài 12 trang cung cấp các thông tin tổng quan bao quát về các hành động của chính phủ này và của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và các cơ quan liên bang khác.
“Như quý vị đã biết, trong nhiều tháng qua, các bộ và cơ quan chính phủ vốn là chủ chốt trong việc rút quân đã tiến hành các đánh giá nội bộ kỹ lưỡng sau khi hành động, mỗi cơ quan đều kiểm tra các quy trình ra quyết định của mình cũng như cách các quyết định đó được thực thi,” ông Kirby nói. “Hôm nay, họ đang cung cấp những đánh giá đó cho các ủy ban liên quan tại Thượng viện và Hạ viện, như đã được các Bộ trưởng [Ngoại giao và Quốc phòng] [Antony] Blinken và [Lloyd] Austin xem trước trong phiên điều trần hồi tháng trước.”
‘Một lời nói dối hoàn toàn’
Cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng của chính phủ ông Trump Kash Patel gọi tuyên bố của báo cáo rằng họ không liên lạc với các quan chức sắp kế nhiệm của ông Biden về việc rút quân khỏi Afghanistan là “một lời dối trá hoàn toàn.”
Ông Patel cho biết trong quá trình chuyển giao từ tháng 11/2020 sang tháng 01/2021, ông và Bộ trưởng Quốc phòng đương thời Mark Esper “và rất nhiều người khác” đã liên lạc với các quan chức chính phủ kế nhiệm để thảo luận về kế hoạch Thỏa thuận Doha “trực tiếp, qua thư điện tử, một cách liên tục.”
“Một nửa thời gian họ không nhận các cuộc gọi của chúng tôi,” ông nói.
Nói chuyện với NTD, một hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, ông cho biết báo cáo mới được công bố này là “sự thanh minh … để che đậy cho những thất bại thảm khốc khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.”
Ông Patel cho biết các quan chức của ông Trump đã khuyến nghị đóng cửa Phi trường Bagram và “không để các tù nhân ra khỏi các phòng giam ở Bagram.”
“Chúng tôi đã nói với họ rằng đừng để các lực lượng đặc nhiệm của chúng ta ra khỏi đất nước, và chúng tôi nói họ giữ vị trí tình báo của mình cho đến khi tất cả người Mỹ được rút đi và một quá trình chuyển giao an toàn đã được tiến hành,” ông nói. “Tuy nhiên, họ phớt lờ mọi chiến thuật và thông tin tình báo mà chúng tôi đã cung cấp cho họ.”
Ông Patel kêu gọi một cuộc điều tra về “lời nói dối về quá khứ này,” mà ông nói “nên bị Bộ Tư pháp truy tố vì tội nói dối với thế giới và bôi nhọ tên tuổi của 13 cá nhân đã thiệt mạng vì [chính phủ ông Biden] quyết định rút lui một cách đột ngột” thay vì tuân theo kế hoạch của Thỏa thuận Doha.
Bài bình luận ngắn gọn trên phương tiện truyền thông của ông Kirby là “một lời nói dối khác,” ông Patel cho hay, đồng thời gọi ông Kirby là “phát ngôn viên dối trá của tổng tư lệnh về vấn đề này” và tuyên bố rằng Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã phản đối việc rút quân và tham gia vào “các hoạt động chính trị … để duy trì công việc của mình hơn là thực hiện công việc của mình.”
“Mục đích duy nhất của [đánh giá này] là đổ lỗi một cách giả dối cho chính phủ ông Trump, những người đã sử dụng thành công mệnh lệnh của Tổng thống Trump trên các kênh ngoại giao và chiến dịch để rút quân thành công,” ông nói với NTD.
“Và hãy nhìn vào những gì đã xảy ra khi chúng tôi rút quân khỏi Afghanistan … không một quân nhân Mỹ nào thiệt mạng trong quá trình rút quân của chúng tôi vì chúng tôi hành động dựa trên thông tin tình báo.”
Ông Patel cho biết cuộc đánh giá này cũng giúp Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc phòng che đậy “hành vi gian lận của chính họ”, vốn cũng cần được điều tra.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times