Đảng Dân Chủ đề nghị quân đội Hoa Kỳ ngừng bảo vệ các quốc gia vùng Vịnh sau khi OPEC+ giảm sản lượng
Các nhà phê bình cảnh báo đó chỉ là những gì Trung Quốc, Iran, và Nga muốn ở Trung Đông
Một số thành viên Đảng Dân Chủ đang nuôi dưỡng ý định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) do quyết định cắt giảm đáng kể sản lượng dầu gần đây của Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ và Nga (OPEC+).
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 01/2021, chi phí xăng dầu và các nguồn năng lượng khác cho người tiêu dùng đã tăng đáng kể.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã đổ lỗi việc tăng chi phí cho các chính sách năng lượng nội địa “chống Mỹ” của ông Biden.
Khi được tại vị, ông Biden đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với các chính sách năng lượng của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã đưa nước Mỹ trở nên độc lập về năng lượng lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Ông Biden, người từng hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ “chuyển đổi khỏi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch,” đã nhanh chóng cho dừng xây dựng đường ống Keystone XL và ra lệnh cấm cho các công ty dầu khí và khí đốt tự nhiên thuê đất của liên bang.
Chi tiết giảm trách nhiệm cho các tác động của các chính sách về khí hậu và năng lượng của ông Biden là sự thông đồng của OPEC+ và sự xâm lược của Nga vào Ukraine, cả hai đều đã dẫn đến chi phí tăng thêm.
Sáng hôm 05/10, OPEC+ thông báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày — việc cắt giảm sản lượng sẽ gây ra những hậu quả rõ ràng cho người tiêu dùng Mỹ.
Trong tuyên bố thông báo về việc cắt giảm sản lượng của mình, OPEC+ đã viện dẫn “sự không chắc chắn xung quanh triển vọng của nền kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu.” Thông báo này đánh dấu mức cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất của OPEC+ kể từ đầu đại dịch COVID-19.
Hiện tại, thị trường thế giới sản xuất khoảng 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, có nghĩa là quyết định của OPEC thể hiện mức cắt giảm khoảng 2% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động đối với người tiêu dùng sẽ là nhiều hơn 2%.
Ông Dan Kish, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng, một tổ chức bất vụ lợi nghiêng về cánh hữu, nói với Epoch Times như vậy.
“Chà, đó là 2% tổng nguồn cung thế giới, hiện đang ở mức khoảng 100 triệu thùng/ngày,” ông Kish nói. “Vì vậy, đó là rất nhiều — quý vị sẽ không có 2% sức ảnh hưởng [đến giá tiêu dùng]. Nó sẽ có tác động cao hơn nhiều bởi vì việc bỏ 2 triệu thùng mỗi ngày ra khỏi thị trường là một tác động đáng kể.”
Chính phủ ông Biden ngay lập tức đã đưa ra một tuyên bố về thông báo này, bày tỏ sự thất vọng và gọi sự thay đổi này là “thiển cận” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu và cuộc khủng hoảng ngoại giao do Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Sau thông báo trên, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) — một trong những thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch nhất trong Quốc hội — đã kêu gọi Tòa Bạch Ốc đảo ngược chính sách năng lượng và tăng cường sản xuất năng lượng trong nước.
‘Một bước ngoặt’
Giờ đây, một số thành viên Đảng Dân Chủ đang đề nghị một cách tiếp cận khác — rút hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ khỏi Ả Rập Xê Út và UAE.
Dự luật do các Dân biểu Sean Casten (Dân Chủ-Illinois), Tom Malinowski (Dân Chủ-New Jersey), và Susan Wild (Dân Chủ-Pennsylvania) đưa ra sẽ thực hiện điều này, chuyển quân đội Hoa Kỳ và vật tư tiếp tế đến các căn cứ khác trong khu vực.
Trong một tuyên bố, cả ba người đã gọi quyết định hôm 05/10 của OPEC+ là “một bước ngoặt trong mối quan hệ của chúng ta” với các quốc gia đồng minh trong vùng Vịnh, đồng thời cáo buộc các đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ đang cố gắng làm lợi cho Nga.
“Quyết định này là một bước ngoặt trong mối quan hệ của chúng ta với các đối tác vùng Vịnh,” ba nhà lập pháp cho biết. “Nếu Ả Rập Xê Út và UAE hy vọng duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ mà vốn đã quá có lợi cho họ, thì họ phải thể hiện thiện chí lớn hơn để làm việc với chúng ta — không chống lại chúng ta — để thúc đẩy điều mà giờ đây đã trở thành mục tiêu an ninh quốc gia cấp bách nhất của chúng ta: đánh bại sự xâm lược của Nga ở Ukraine.”
Họ cũng nói thêm, lặp lại những lo ngại của Đảng Cộng Hòa khi phản đối việc đóng cửa của đường ống Keystone XL: “Thay vào đó, bằng cách thúc đẩy đáng kể giá dầu toàn cầu, quyết định của OPEC dường như được thiết lập để tăng doanh thu xuất cảng dầu của Nga, tạo điều kiện cho ông Putin tiếp tục tội ác chiến tranh ở Ukraine, và phá hoại các lệnh trừng phạt của phương Tây.”
Trong một bài đăng vào hôm 05/10 để công bố dự luật trên, ông Malinowski viết, “Đây là một hành động thù địch của Ả Rập Xê Út và UAE, được làm ra để gây tổn hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta và để giúp đỡ Nga, bất chấp những tuyên bố của Tổng thống Biden.”
Một số thành viên Đảng Dân Chủ, và một số thành viên Đảng Cộng Hòa, đã đồng quan điểm với ba nhà lập pháp này.
“Hãy nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta thu hồi các hỏa tiễn Patriot của chúng ta ở Ả Rập Xê Út,” Dân biểu Ruben Gallago (Dân Chủ-Arizona) viết trong một bài đăng trên Twitter. “Nếu họ thích người Nga đến vậy, thì họ có thể sử dụng công nghệ quân sự rất ‘đáng tin cậy’ của Nga.”
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) cũng đã bày tỏ cảm xúc tương tự trong một chuỗi bài đăng trên Twitter.
“Sự cắt giảm không cần thiết, tự hủy hoại này sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá lại sâu rộng về mối quan hệ của chúng ta với Ả Rập Xê Út,” ông Blumenthal viết. “Đặc biệt là khi họ cố gắng ‘rửa sạch’ hình ảnh quốc tế của mình sau vụ sát hại ông Jamal Khashoggi và thảm họa nhân đạo do cuộc chiến của họ ở Yemen gây ra.”
Ông cũng nói thêm: “Hoa Kỳ phải xem xét lại và sửa đổi các nguồn cung cấp và bán hàng quân sự, và các khoản viện trợ an ninh khác cho Ả Rập Xê Út và tái cân bằng mối quan hệ một chiều này. Ả Rập Xê Út không thể chuyển sang các nhà cung cấp quốc phòng khác trừ khi họ muốn hợp tác với Nga, Iran, hoặc Trung Quốc cho các hệ thống kém hơn nhiều.”
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont), người cấp tiến nổi bật nhất của Thượng viện, đã tiến thêm một bước trong một bài đăng hôm 05/10.
“Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC là một nỗ lực trắng trợn nhằm tăng giá xăng tại trạm, điều không thể có chỗ đứng,” ông Sanders, người từ lâu đã lên tiếng phản đối ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, viết. “Chúng ta phải chấm dứt hoạt động ép giá phi pháp của OPEC, loại bỏ hỗ trợ quân sự cho Ả Rập Xê Út, và tích cực chuyển sang năng lượng tái tạo.”
Cựu Dân biểu Hoa Kỳ Joe Walsh, một thành viên Đảng Cộng Hòa của Illinois, cũng thể hiện quan điểm tương tự trong một bài đăng.
“Mọi Tổng thống Mỹ trong thời tôi, từ cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, đều ngoan ngoãn cúi đầu và cố giành được sự ưu ái của Ả Rập Xê Út,” ông Walsh viết. “Điều này đã phải dừng lại. Hôm nay người Ả Rập Xê Út đã đứng về phía Nga. Mối quan hệ của chúng ta với họ phải thay đổi ngay lập tức. Chúng ta phải coi họ như một kẻ địch.”
Đảng Dân Chủ lo lắng về bầu cử giữa kỳ
Các yêu cầu hành động của Đảng Dân Chủ không đáng ngạc nhiên vì các cuộc bầu cử giữa kỳ đang gần kề.
Trong lúc Đảng Dân Chủ chuẩn bị cho một cuộc chiến giữa kỳ đầy khó khăn, khi các nhà quan sát dự đoán Đảng Dân Chủ sẽ mất ít nhất một viện của Quốc hội, thì thông báo của OPEC+ là một tin xấu.
Trong vài tháng qua, giá xăng — một trong những tiêu chí lớn nhất về việc bỏ phiếu của những người thuộc phái ôn hòa — đã bắt đầu giảm từ mức đỉnh vào đầu năm nay.
Nhưng sản lượng dầu của OPEC+ ít hơn, vào thời điểm mà Hoa Kỳ cũng đang khai thác ít hơn đáng kể lượng dự trữ của mình so với trước đây, gần như chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc giá tại trạm xăng cao hơn. Đổi lại, giá cao hơn có thể đồng nghĩa với kết quả tệ hơn cho Đảng Dân Chủ.
Đảng Cộng Hòa đang tận dụng thời điểm này để quy trách nhiệm về tình hình này cho các chính sách năng lượng của ông Biden và kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường sản xuất năng lượng của riêng mình.
Trong một bài đăng, Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana) đã làm chính xác như thế.
“Thay vì tăng sản lượng khai thác của Hoa Kỳ, ông Joe Biden và các quan chức chính phủ đã cầu xin Ả Rập Xê Út, Venezuela, và Nga sản xuất thêm dầu,” ông Kennedy viết, khi trích dẫn về những nỗ lực của ông Biden nhằm kêu gọi ngoại quốc tăng sản lượng dầu của họ trong khi về căn bản là đang làm tắc nghẽn sản lượng của Hoa Kỳ. “Những nhà độc tài này đã phớt lờ những lời cầu xin của ông Biden, cắt giảm nguồn cung, và khiến giá năng lượng tăng vọt đối với người dân Louisiana.”
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) đã phản ứng trước cả khi OPEC+ ra thông báo.
Trong một bài đăng hôm 03/10, bà Blackburn viết, “OPEC được cho là đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày, điều này có thể khiến giá xăng tăng vọt trở lại.”
“Tại sao Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc vào các quốc gia như Ả Rập Xê Út và Mexico về dầu mỏ?”
“Hãy làm cho nước Mỹ độc lập về năng lượng trở lại,” bà Blackburn kết thúc bài đăng của mình bằng những lời này.
‘Coi người Mỹ như những kẻ ngốc’
Ông Jim Carafano, phó chủ tịch đặc trách an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Quỹ Di Sản, đã kịch liệt chỉ trích các kết quả chính sách ngoại giao mà một chính sách như vậy sẽ mang lại. Ông Carafano cáo buộc các thành viên Đảng Dân Chủ đã đưa ra đề nghị này là “coi người Mỹ như những kẻ ngốc” và né tránh vấn đề thực sự — các chính sách năng lượng của ông Biden.
Thay vì trừng phạt Ả Rập Xê Út và UAE, ông Carafano nói với The Epoch Times rằng việc rút quân được đề nghị sẽ chỉ làm tăng thêm số lượng đối thủ cho Mỹ.
“Nếu Hoa Kỳ rút quân của mình ở Trung Đông, thì những người hưởng lợi số một của việc đó sẽ là Nga, Iran, và Trung Quốc,” ông Carafano nói. “Vậy nên tất cả các địch thủ của Mỹ — những quốc gia đi ngủ vào ban đêm và mơ ước được thức dậy vào buổi sáng trong một thế giới không có Mỹ — họ sẽ là những người hưởng lợi chính từ việc này.”
“Vì vậy nhìn từ bên ngoài, đó là một chính sách phi lý mà thực sự sẽ làm tổn hại hoàn toàn đến các lợi ích sống còn của Mỹ,” ông cho biết thêm.
Thay vì đổ lỗi cho Ả Rập Xê Út và UAE, ông Carafano nói, người Mỹ nên nhìn vào Oval Office để tìm ra thủ phạm khiến giá cả tăng cao.
“Hãy nhìn xem, nếu quý vị không hài lòng với [giá năng lượng], thì người mà quý vị nên muốn đổ lỗi đang ở trong Tòa Bạch Ốc,” ông Carafano nói. “Đổ lỗi cho Ả Rập Xê Út về điều này và mong chờ họ về căn bản là bơm dầu và làm giảm lợi nhuận của họ xuống để ông Joe Biden có thể làm tốt hơn vào cuộc bầu cử giữa kỳ — đó là điều mà ông Biden thực sự quan tâm, chứ ông ấy thực sự chẳng quan tâm đến giá xăng. Ông ấy quan tâm đến việc giảm giá xăng trước cuộc bầu cử giữa kỳ để ông ấy có thể giúp các thành viên Đảng Dân Chủ đắc cử.”
“Cả thế giới đều biết nếu Hoa Kỳ muốn tác động đến giá dầu và giá xăng, thì tất cả những gì họ phải làm là tăng sản lượng dầu và xăng lên.”
‘Đâm sau lưng’ Ả Rập Xê Út
Đồng thời, ông Carafano cho rằng, chính phủ ông Biden đang “đâm sau lưng” Ả Rập Xê Út bằng các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Iran, mà ông Carafano nói là sẽ “không chỉ không hạn chế dự án hạt nhân của họ, mà còn thực sự làm giàu và trao quyền cho chế độ đó và cung cấp cho họ nhiều tiền hơn để truy đuổi tất cả mọi người, bao gồm cả người Ả Rập Xê Út.”
Ông Carafano cũng cho biết thêm: “Tôi nghĩ có một việc khác mà người Ả Rập Xê Út đang làm đúng, đó là khiến vị tổng thống này xấu mặt khi nói, ‘Nhìn đây, tất cả chúng ta đều biết lý do tại sao giá dầu và giá xăng trên thế giới lại cao, ấy là vì Hoa Kỳ sẽ không sản xuất nhiều dầu và xăng hơn.’”
“Vì vậy, đây thực sự là một cuộc ăn miếng trả miếng về mặt chính trị. Và, bởi vì chính phủ muốn điều đó theo cả hai cách — họ muốn giả vờ như họ đang làm việc để loại bỏ giới dầu khí, nhưng họ cũng không muốn chịu đau đớn trong cuộc bầu cử — nỗi đau chính trị khi phải trả giá cho điều đó tại hòm phiếu, vì giá đang cao.”
“Vì vậy [Đảng Dân Chủ] muốn [các quốc gia] khác về căn bản là che chở cho họ. Và các quốc gia khác sẽ nói, ‘Tại sao chúng tôi phải làm như vậy? Gần đây các ông đã làm gì cho chúng tôi?’”
Ông Carafano nói, dự luật này không phải là về lợi ích của người Mỹ mà là về lợi ích chính trị của Đảng Dân Chủ.
“Nhìn qua thì đề nghị này của Đảng Dân Chủ thật phi lý,” ông Carafano cho biết. “Điều đó gây phương hại cho lợi ích của Hoa Kỳ và nó thực sự không phải là để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ hoặc người đóng thuế Mỹ. Đó là về việc cố gắng giành được nhiều ghế xanh dương hơn trong Quốc hội. Điều này thật đáng trách.”
“Đây là hành động gửi thông điệp chính trị bằng luật trước cuộc bầu cử để giả vờ rằng họ đang làm điều gì đó cho người tiêu dùng và người đóng thuế, nhưng khả năng điều này thực sự được tiến hành là bằng không.”
Ông nói thêm, “Ý nghĩa thực sự của hành động đó là, nó là một sự xúc phạm không thể tưởng tượng nổi đối với người dân Mỹ và các cử tri và về căn bản là đang coi người Mỹ như những kẻ ngốc. Đó là bản chất của hành động đó.”
Nhà phê bình: Ông Biden đang cầu xin để có được dầu bẩn hơn
Trong bình luận của mình với The Epoch Times, ông Kish cũng quy trách nhiệm về tình hình cho các chính sách năng lượng của ông Biden và chỉ trích việc ông Biden phụ thuộc vào dầu bẩn hơn từ ngoại quốc để giữ thể diện cho các nhà bảo vệ môi trường ở quê nhà.
“Điều đáng kinh ngạc về điều này là ông [Biden] chạy khắp nơi để cầu xin những người khác cho thêm dầu,” ông Kish nói.
Sau đó, ông đã trích dẫn kế hoạch của ông Biden nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia xã hội chủ nghĩa Venezuela, một quốc gia giàu dầu mỏ nhưng lại có một số loại dầu bẩn nhất thế giới. Gần đây, ông Biden đã cố gắng tán tụng Venezuela như một phần trong nỗ lực kiểm soát giá năng lượng trong nước.
Đồng thời, ông Kish lưu ý, ông Biden đã đưa ra một loạt quyết định làm tổn hại đến sản xuất của Hoa Kỳ và kết thúc bằng việc khiến Hoa Kỳ lấy dầu từ các nguồn bẩn hơn.
“Chà, câu chuyện hôm nay là Venezuela, quý vị biết đấy, ông ấy sẽ dỡ bỏ một số trở ngại đối với việc dầu của Venezuela đến Hoa Kỳ,” ông Kish cho biết. “Và ông ấy làm điều này sau khi ngăn Anwar — đường ống Alaska — chạy với một phần tư công suất của nó, 500,000 thùng/ngày so với 2 triệu thùng/ngày.”
“Điều đầu tiên ông ấy làm khi tại vị là đóng cửa Anwar. Ông ấy đã dừng Đường ống Keystone XL.”
“Canada là nhà cung cấp [dầu] lớn nhất của chúng ta,” ông Kish tiếp tục. “Và ông ấy [đóng cửa đường ống Anwar và giảm thương mại năng lượng với Canada] vì ông ấy nói rằng nó không vì lợi ích quốc gia do khí carbon dioxide (CO2) sẽ sinh ra từ dầu. Tuy nhiên, loại dầu mà ông ấy muốn mang về từ Venezuela lại là loại dầu bẩn nhất trên thế giới. Nó có nhiều carbon hơn cả cát dầu từ Canada.”
Ông Kish nói, tác động của các chính sách năng lượng của ông Biden “về căn bản là đơn phương giải giáp Hoa Kỳ.”
Cụ thể, ông Kish đã trích dẫn quyết định gây tranh cãi hồi tháng 11/2021 của ông Biden về việc xuất hàng triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, một nguồn dự trữ dầu dành riêng cho việc sử dụng trong thời kỳ chiến tranh hoặc thiên tai toàn cầu. Ông Biden hiện đang xuất kho khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày để giữ giá của Hoa Kỳ trong tầm kiểm soát.
“Ông ấy đã lấy nguồn cung khẩn cấp của chúng ta và bán bớt chúng đi để có thể trụ vững đến ngày bầu cử,” ông Kish nói. “Và ý tôi là, thành thật mà nói, nếu quý vị muốn tạo ra một mớ hỗn độn lớn hơn, thì tôi không biết quý vị sẽ làm điều đó như thế nào [ngoại trừ hành động như thế].”
Ông Kish còn cho biết, các chính sách do ông Biden và Đảng Dân Chủ thúc đẩy được lập ra để thu hút các nhà bảo vệ môi trường cấp tiến hơn là hỗ trợ công dân Mỹ.
“[Đảng Dân Chủ] đã không làm gì có ý nghĩa đối với năng lượng ngoại trừ trên cơ sở dành riêng cho một mục đích cụ thể — tất cả đều là chính trị,” ông Kish nói. “Đó là tất cả những gì quý vị biết được, họ muốn thu hút lực lượng xanh cấp tiến của họ.”
Nói về lời kêu gọi rút khỏi các quốc gia vùng Vịnh của Đảng Dân Chủ, ông Kish đã chỉ trích đề nghị này.
“Chúng ta không chỉ đưa quân đến các quốc gia khác để giúp họ — lý do chúng ta làm là để giúp chính mình,” ông Kish nói. “Vì vậy, quý vị biết đấy, tôi không phải là chuyên gia về chính sách ngoại giao của mọi thứ, nhưng tôi đủ hiểu biết để biết những gì mà những người đó đang đề nghị là hoàn toàn ngu ngốc.”
‘Ngừng chơi trò chính trị’
Thay vào đó, ông Kish kêu gọi Hoa Kỳ lật ngược các chính sách năng lượng hiện tại của mình thay vì chơi “trò chính trị ăn miếng trả miếng” với Ả Rập Xê Út, UAE, và Venezuela.
“Điều hợp lý cần làm là ngừng làm tất cả những điều tồi tệ mà ông [Biden] đã làm đối với ngành sản xuất dầu trong nước,” ông Kish nói. “Thay vì đến Venezuela — nhân tiện, là quốc gia mắc nợ số một đối với Trung Quốc — và cho phép họ thanh toán các khoản vay của họ với Trung Quốc bằng tiền mặt thu được từ việc bán dầu ở Hoa Kỳ, loại dầu bẩn nhất hành tinh — thì ông Biden thay vào đó nên quay lại với người Canada và nói, ‘Quý vị biết đấy, tôi đã mắc một sai lầm lớn. Chúng ta cần xây dựng đường ống dẫn đó. Nó tốt cho Hoa Kỳ. Nó tốt cho Canada. Quý vị là đồng minh và là đối tác thương mại số một của chúng tôi. Chúng ta nói cùng một ngôn ngữ, mọi thứ đều tốt cả.’”
Ông Kish tiếp tục, “Chúng ta có thể vận chuyển dầu bằng đường ống, đó là cách việc đó nên được tiến hành vì nó an toàn nhất và tốt nhất cho môi trường. Nhưng thay vào đó, họ đang chơi trò chơi này bằng cách cắt giảm nguồn cung với hy vọng rằng mọi người sẽ bị buộc phải mua một chiếc xe điện. Xe điện có giá quá cao đối với hầu hết người Mỹ.”
Tóm tắt giải pháp của mình cho vấn đề chi phí năng lượng tăng, ông Kish nói một cách đơn giản, “Này anh bạn, hãy cứ khoan, cứ xây đi nhé.”
Ông nói thêm, “Hãy làm điều đó ở Bắc Mỹ — nó làm cho đất nước của chúng ta mạnh hơn, làm cho nguồn cung cấp năng lượng của chúng ta an toàn hơn, làm cho giá năng lượng rẻ hơn đối với những người Mỹ sẽ phải chịu đựng trong mùa đông này — và ngừng giả vờ như thể họ đang bằng cách nào đó kiểm soát được tình hình thời tiết và sử dụng điều đó như một cái cớ chỉ để tưởng thưởng cho thân bằng hảo hữu của họ trong ngành kinh doanh năng lượng xanh, vốn chính xác là những gì họ đang làm.”
Về vấn đề môi trường, ông Kish lưu ý rằng dầu của Hoa Kỳ là “sạch nhất trên thế giới.”
“Không có nước nào đạt được gần tới mức độ đó,” ông Kish nói. “Tại đây, chúng ta sản xuất dầu tốt hơn với môi trường bị suy thoái ít hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.”
Khó có khả năng đi xa
Cuối cùng, dự luật rút quân đội Hoa Kỳ khỏi các quốc gia vùng Vịnh khó có thể đi xa.
Tại Hạ viện, chỉ một số ít thành viên Đảng Dân Chủ đồng ý với dự luật này. Về phần mình, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã nhấn mạnh việc tăng cường sản xuất của Hoa Kỳ hơn là trừng phạt các nước từng là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ.
Ngay cả khi dự luật này được nhiều người ủng hộ trong Hạ viện, điều có vẻ khó xảy ra, thì nó gần như chắc chắn sẽ thất bại tại Thượng viện. Tại Thượng viện, vốn là nơi thường có nhiều người ôn hòa hơn Hạ viện, dự luật này rất khó có khả năng giành được đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng để vượt qua ngưỡng 60 phiếu bầu.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times