Đảng Cộng Hòa thông qua nghị quyết lên án chủ nghĩa xã hội bất chấp sự phản đối của Đảng Dân Chủ
Hôm thứ Năm (02/02) Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua H. Con. Res.9, một dự luật “lên án sự khủng khiếp của chủ nghĩa xã hội,” bất chấp sự phản đối của Đảng Dân Chủ.
Dự luật được Dân biểu Maria Salazar (Cộng Hòa-Florida) giới thiệu. Dự luật này được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 327 phiếu thuận – 86 phiếu chống. Tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa và 109 thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này. 13 thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu trắng.
Hiện tại, bà Salazar đã giải thích lý do của mình về việc công bố dự luật này trong các bình luận cho đài NTD.
“Bởi vì 44% người Mỹ tin rằng Tuyên ngôn Cộng sản tốt hơn Tuyên ngôn Độc lập,” bà Salazar nhanh chóng trả lời.
Bà Salazar đại diện cho Miami, thủ phủ thế giới của những người tị nạn cộng sản đào thoát khỏi các chế độ xã hội chủ nghĩa của Cuba, Venezuela, và những nước khác ở Nam bán cầu. Bà lớn lên ở Cuba dưới thời ông Fidel Castro, nơi bà trải qua cảnh thiếu thốn thực phẩm căn bản vốn là một phần không thể thiếu trong lịch sử của các quốc gia xã hội chủ nghĩa.
Đảng Cộng Hòa đã chỉ ra những hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền trong lịch sử thường xảy ra tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, chế độ Cộng sản Trung Quốc, và Bắc Hàn.
Dựa trên triết lý chính trị của Karl Marx, một người Đức cả đời thất nghiệp chỉ dành cho chủ nghĩa xã hội và nhánh chủ nghĩa cộng sản của nó, thúc đẩy quyền sở hữu nhà nước đối với phương tiện sản xuất, tức là các tư liệu sản xuất như nhà máy, máy móc, và các thiết bị sản xuất khác.
Theo công thức của Marx, một quốc gia cộng sản ở hình thái cuối cùng không cần đến một nhà nước nào cả; tuy nhiên, như một cơ chế quá độ, Marx ủng hộ cái gọi là “chế độ độc tài của giai cấp vô sản,” một hình thức tồn tại trong thời gian ngắn trên danh nghĩa nhằm chuyển đổi một xã hội từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản.
Tuy nhiên, cho đến nay, không có nhà nước cộng sản nào vượt qua giai đoạn vốn chỉ mang tính khái niệm đầu tiên này.
Trong khi đó, được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng của Marx, những người theo chủ nghĩa xã hội phải chịu trách nhiệm cho hơn 100,000,000 (100 triệu) sinh mạng trong thế kỷ 20.
‘Những tội ác lớn nhất trong lịch sử’
Bà Salazar viết trong dự luật rằng: “Hệ tư tưởng [xã hội chủ nghĩa] đòi hỏi sự tập trung quyền lực vốn đã bị sụp đổ hết lần này đến lần khác vào các chế độ Cộng sản, chế độ độc tài toàn trị, và các chế độ độc tài tàn bạo.”
Chủ nghĩa xã hội, bà tiếp tục, “đã nhiều lần dẫn đến nạn đói và những vụ thảm sát hàng loạt, sát hại hơn 100,000,000 người trên toàn thế giới.”
“Nhiều tội ác lớn nhất trong lịch sử là do những người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa gây ra,” bà Salazar lập luận, chỉ ra những nhân vật như Vladimir Lenin, Joseph Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro, Pol Pot, Kim Jong Il, Kim Jong Un, và những người khác.
Tiếp đến, bà Salazar đã liệt kê một loạt ví dụ về vi phạm nhân quyền dưới các chế độ xã hội chủ nghĩa: nỗi kinh hoàng của chế độ độc tài Stalin ở Liên Xô, một chế độ đã thảm sát hàng chục triệu người và khiến hàng triệu người khác tử vong mục ruỗng trong các trại lao động khổ sai (gulag) đáng sợ; “Đại Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông mang đến sự hủy diệt cho người dân Trung Quốc, đã sát hại hơn 55 triệu người ở Trung Quốc. Bà chỉ vào cái gọi là “cánh đồng thảm sát” của Pol Pot ở Campuchia, nơi đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người; bà chỉ ra nạn đói hàng loạt vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay ở Bắc Hàn của Kim Jong Un.
Chủ nghĩa xã hội, bà Salazar lập luận trong dự luật, trái với các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ.
Bà Salazar nên rõ: “Tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, Tổng thống Thomas Jefferson, đã viết, ‘Lấy đi của một người, bởi vì cho rằng sự chăm chỉ của chính người đó và của cha ông người đó đã thu được quá nhiều, nhằm để chia sẻ cho những người khác, những người, hoặc cha ông của họ không thực hiện kỹ năng và sự chăm chỉ bình đẳng, là vi phạm tùy tiện nguyên tắc đầu tiên của quyền lập hội, sự bảo đảm cho mọi người được tự do thực hiện công việc của mình và thành quả thu được từ công việc đó.’”
Tương tự như vậy, bà Salazar đã trích dẫn một câu nói của cựu Tổng thống James Madison, người được biết đến trong lịch sử Hoa Kỳ là “Cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ.”
Tổng thống Madison đã viết rằng đó “không phải là một chính phủ công bằng, cũng như tài sản không được bảo đảm dưới chính phủ đó, nơi tài sản mà một người có được vì sự an toàn cá nhân và quyền tự do cá nhân của người đó, bị vi phạm bởi sự tịch thu tùy tiện của một tầng lớp công dân để phục vụ cho những người còn lại.”
“Trong khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập dựa trên niềm tin vào sự thiêng liêng của cá nhân, điều mà chế độ tập thể của xã hội chủ nghĩa dưới mọi hình thức phản đối về căn bản và tất yếu: Do đó, bây giờ, hãy để Hạ viện giải quyết (Thượng viện đồng thuận), rằng Quốc hội lên án chủ nghĩa xã hội dưới mọi hình thức, và phản đối việc thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Phản ứng của Đảng Dân Chủ
Trong các phản ứng gay gắt đối với nghị quyết này, các thành viên Đảng Dân Chủ lập luận rằng Đảng Cộng Hòa đang đưa ra những tương đồng sai lầm giữa các chính sách do Đảng Dân Chủ thúc đẩy và các chính sách do những người theo chủ nghĩa cộng sản ủng hộ.
Dân biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California), một trong những người cấp tiến cánh tả nổi bật nhất ở Hạ viện, cho biết, “Không có thành viên nào của Đảng Dân Chủ tin rằng nên có các trạm xăng của chính phủ hoặc các công ty xe hơi của chính phủ.”
“Vậy Đảng Dân Chủ tin vào điều gì? Chúng tôi tin rằng mọi người ở Mỹ nên có dịch vụ chăm sóc trẻ em; câu trả lời của Đảng Cộng Hòa là: ‘Hãy nhìn xem Stalin đã sát hại bao nhiêu người.’”
Ông Khanna tiếp tục: “Chúng tôi nói ‘Hãy chăm sóc sức khỏe cho mọi người.’ Đảng Cộng Hòa nói, ‘Chúng tôi không thể làm điều đó, hãy nhìn xem Pol Pot đã sát hại bao nhiêu người!’”
“Thôi dừng lại đi,” ông Khanna nói. “Người dân Mỹ đang bắt đầu nhận ra.”
Dân biểu Brad Sherman (Dân Chủ-California) đã lặp lại những quan điểm này.
Ông Sherman nói: “Nghị quyết này… xem Medicare là Đại Nhảy Vọt.”
Tiếp theo, ông Sherman chỉ ra cái gọi là “Các nhà tư bản Độc tài,” dưới danh hiệu mà ông đã gán những nhân vật lịch sử như ông Vladimir Putin của Nga, ông Francisco Franco của Tây Ban Nha, và ông Augusto Pinochet của Chile.
Đáng chú ý, ngày nay nền kinh tế Nga tồn tại giống một chế độ chính trị đầu sỏ, được kiểm soát bởi những người hưởng lợi nhiều nhất từ sự sụp đổ của Liên Xô, hơn là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Tương tự như vậy ở Tây Ban Nha, ông Franco là một tín đồ của hệ tư tưởng phát xít, mà cốt lõi là đối lập với chủ nghĩa tư bản. Người ủng hộ nổi tiếng nhất của hệ tư tưởng phát xít này là Adolf Hitler, thường nói rõ rằng ông ta coi chủ nghĩa tư bản là kẻ thù ngang với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Với việc Hạ viện thông qua nghị quyết, giờ đây dự luật này có thể được đưa lên Thượng viện.
Bản tin có sự đóng góp của cô Melina Wisecup tại NTD
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times