Dân biểu Mike Johnson đắc cử chức chủ tịch, chấm dứt chuỗi 22 ngày bế tắc tại Hạ viện Hoa Kỳ
Tân Chủ tịch Hạ viện đặt mục tiêu hoàn thành quá trình phân bổ ngân sách trong vòng 23 ngày tới, quá trình này sẽ thách thức khả năng của ông trong việc duy trì sự đồng thuận mong manh giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã được bầu làm chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho Hạ viện mở cửa trở lại sau 22 ngày bế tắc.
Ông đã được hội nghị Đảng Cộng Hòa bầu chọn bằng một cuộc bỏ phiếu trong đó mọi thành viên đều đồng thuận — một khoảnh khắc tuyệt vời kết thúc nhiều tuần mâu thuẫn nội bộ đầy biến động chứng kiến sự thăng trầm của ba ứng cử viên chủ tịch Hạ viện khác.
Ông Johnson đã đắc cử ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên hôm 25/10, một diễn biến đáng hoan nghênh sau khi một ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trước đó không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử và hai người khác không nhận được sự ủng hộ để tranh cử vào Hạ viện.
Trong một loạt diễn biến xảy ra rất nhanh vào ngày hôm trước, ban đầu ông Johnson đã thất bại trong một hội nghị đề cử của Đảng Cộng Hòa, nhưng đã được bầu lại chưa đầy 10 giờ sau đó sau khi Phó Lãnh đạo Đa số Hạ viện Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota) rút khỏi cuộc tranh cử.
Vị luật sư 51 tuổi từng là người chủ trì chương trình phát thanh này hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tập hợp lại một khối đa số đang bị chia rẽ của Đảng Cộng Hòa khi họ phải đối mặt với một loạt các quyết định gần như ngay lập tức.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cuối cùng cũng đạt được đồng thuận
Ông Johnson đã nhận được một tràng vỗ tay kéo dài từ phía các thành viên Đảng Cộng Hòa khi được Chủ tịch Hội nghị Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) đề cử, một dấu hiệu đáng khích lệ sau sự đón nhận trái chiều dành cho các ứng cử viên trước đó.
“Hôm nay là ngày mà các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ khiêm nhường hướng vào nội tâm của mình và bầu chọn ông Mike Johnson làm Chủ tịch Hạ viện,” bà Stefanik nói, thể hiện mong muốn của nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa là gạt bỏ sự chia rẽ giữa họ trong ba tuần qua.
Bà mô tả ông Johnson là một người có đức tin và có nguyên tắc sâu sắc, mạnh mẽ, công bằng, tốt bụng, và có khả năng lãnh đạo Hạ viện đối mặt với những vấn đề quan trọng của đất nước. “Người dân đang trông chờ Hạ viện vĩ đại này cứu lấy Hoa Kỳ, và cứu lấy Hoa Kỳ chính là việc mà chúng ta sẽ làm,” bà Stefanik nói. “Hôm nay là ngày mà chúng ta sẽ hoàn thành việc này.”
Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California) đã bày tỏ sự tôn trọng với Chủ tịch Hạ viện tạm thời Patrick McHenry (Cộng Hòa-New Carolina) trước khi đề cử Lãnh đạo Thiểu số Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York).
“Hôm nay tôi nhận thấy ông tươi tỉnh hơn một chút so với trước đây,” ông Aguilar nói, đồng thời ghi nhận sự phục vụ của ông McHenry trong một vai trò tạm thời đầy thử thách khi công việc này sắp đi đến kết thúc. Nhận xét này đã khiến ông McHenry nở một nụ cười ngại ngùng và vị Chủ tịch Hạ viện tạm thời này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ phía lưỡng đảng.
Ông Aguilar sau đó đã cho rằng cuộc bầu cử chủ tịch Hạ viện là một cuộc chiến đảng phái do cựu Tổng thống Trump gây ra. “Việc bầu chọn chủ tịch luôn là xoay quanh một vấn đề, và vấn đề đó là ai có thể thuận theo ông Donald Trump.”
Cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu ngay trước 1 giờ chiều với 429 thành viên có mặt, trong đó có 220 thành viên Đảng Cộng Hòa. Số phiếu cần thiết cho việc đắc cử là 215.
Ông Johnson đã đắc cử với tỷ lệ 220 phiếu thuận-209 phiếu chống, được tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa có mặt tại đó ủng hộ.
Con đường phía trước
Ông Johnson cho biết hành động đầu tiên của Hạ viện sẽ là thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc nhằm ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Nghị quyết này, một biện pháp mang tính biểu tượng, có 425 dân biểu đồng bảo trợ và sẽ là một chiến thắng nhanh chóng cho tân chủ tịch Hạ viện.
Sau đó, nghị trình lập pháp sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn thành quy trình phân bổ ngân sách trước khi nguồn tài trợ của chính phủ hết hạn vào ngày 17/11.
Ông Johnson đặt mục tiêu nhanh chóng thông qua 8 dự luật phân bổ ngân sách còn lại, điều sẽ cho phép Hạ viện đàm phán với Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát từ “một vị thế có trọng lượng.” Ông không loại trừ việc thông qua dự luật chi tiêu tạm thời thứ hai nếu cần thiết.
Tân chủ tịch Hạ viện đã đề nghị sử dụng các phương pháp sáng tạo để nhanh chóng thúc đẩy các dự luật chi tiêu, trong đó có thể kể đến việc bắt buộc đẩy nhanh một số dự luật ra khỏi ủy ban phân bổ ngân sách và thành lập một nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề trong Dự luật Nông nghiệp đã không được thông qua hồi tháng Chín.
Không rõ các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ đón nhận các chiến thuật này như thế nào, vì mối lo ngại về “thủ tục hợp pháp” trong quy trình lập pháp là một trong những khiếu nại chính chống lại cựu Chủ tịch Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California). Việc thông qua biện pháp chi tiêu tạm thời trong vòng 45 ngày đã trở thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly dẫn đến việc ông bị bãi nhiệm.
Nghị trình của ông Johnson bao gồm việc hoàn thành các dự luật chi tiêu năm 2025 vào cuối tháng Bảy để tránh lặp lại tình trạng hối hả cuối năm về chi tiêu chính phủ, điều mà những người theo đường lối cứng rắn về tài khóa luôn mong muốn đạt được. Chủ tịch Hạ viện cũng cho biết ông sẽ không để Hạ viện có được kỳ nghỉ vào tháng Tám trừ phi cả 12 dự luật phân bổ ngân sách đều đã được thông qua.
Ngoài các khoản phân bổ thường xuyên, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu viện trợ khẩn cấp khoảng 105 tỷ USD cho Ukraine, Israel, các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và trợ giúp cho an ninh biên giới. Đảng Cộng Hòa mong muốn viện trợ cho Israel và tăng cường an ninh biên giới, nhưng nhiều người lại cảnh giác với viện trợ cho Ukraine và cho rằng những yêu cầu đó nên được xem xét riêng lẻ thay vì gộp cả lại vào gói chung.
Hạ viện cũng nên xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với việc bán dầu của Iran để nỗ lực làm suy yếu khả năng tài trợ cho các hoạt động khủng bố của họ.
Ông Johnson phải hoàn thành được điều này đồng thời làm quen với vai trò chủ tịch Hạ viện. Mặc dù ông là cựu chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa, nhóm lớn nhất trong số năm nhóm kín lớn của Đảng Cộng Hòa, nhưng ông vẫn chưa từng giữ chức chủ tịch ủy ban.
Lãnh đạo mới, hội nghị cũ
Cuộc bỏ phiếu đồng thuận ủng hộ ông Johnson của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, dù chỉ là tạm thời, đã che khuất đi sự chia rẽ sâu sắc tồn tại trong hội nghị của họ. Trong những ngày trước đó, Đảng Cộng Hòa sẵn sàng thừa nhận sự mâu thuẫn đó một cách công khai hơn.
“Tôi nghĩ người dân Mỹ thấy rõ rằng có một sự chia rẽ không thể cứu vãn trong hội nghị Đảng Cộng Hòa,” Dân biểu Steve Womack (Cộng Hòa-Arkansas) nói với các phóng viên hôm 24/10.
Những chia rẽ này thể hiện rõ trong các sự kiện diễn ra ba tuần trước đó, khi một số ít thành viên Đảng Cộng Hòa — không phải lúc nào cũng cùng là một nhóm người — đã tìm cách buộc hội nghị từ bỏ ý chí của đa số.
“Đầu tiên, ông McCarthy là người gặp vấn đề, sau đó là ông Steve Scalise, sau đó là ông Jim Jordan, rồi đến ông Tom Emmer,” Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota) than thở. “Có thể các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã quen với việc nói không trừ phi họ đạt được mọi thứ họ muốn.”
Lãnh đạo một hội nghị đa dạng và thường hay tranh cãi gay gắt sẽ là một thách thức, nhưng một số thành viên bày tỏ sự tin tưởng rằng Chủ tịch Hạ viện Johnson có đủ kỹ năng cho công việc này.
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman, Joseph Lord, Ryusuke Abe, và Melina Wisecup của NTD
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times