Dân biểu Gallagher: Trung Quốc hoàn thiện chế độ độc tài kỹ trị để xuất cảng ra khắp thế giới
HOA THỊNH ĐỐN — Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hoàn thiện một chế độ độc tài kỹ trị để xuất cảng sang những khu vực khác trên thế giới.
Cuộc đàn áp tín ngưỡng ngày càng trầm trọng của chế độ này đã trở thành tâm điểm chú ý tại một phiên điều trần bàn tròn mà nhà lập pháp này tổ chức hôm 12/07. Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ của Hạ viện cho biết, một điểm then chốt được rút ra là những hành động đàn áp như vậy không chỉ dừng lại ở biên giới Trung Quốc.
Ông Gallagher nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, “Nhìn chung, chúng ta đã chứng kiến Đảng Cộng sản Trung Quốc tận dụng khả năng tiếp cận thị trường và sức mạnh kinh tế của họ để ép buộc các công ty Mỹ, các công ty quốc tế.”
Bình luận của nhà lập pháp này đề cập đến một vụ kiện nhắm vào công ty Cisco vốn cáo buộc đại công ty công nghệ có trụ sở tại California này đã giúp đỡ cho cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công — một môn tu luyện khuyến khích mọi người sống theo nguyên lý phổ quát chân, thiện, và nhẫn. Cisco bị cáo buộc đã cung cấp cho chế độ này công nghệ và các bộ phận máy móc để chế độ này xây dựng một mạng lưới giám sát rộng lớn. Hơn một chục học viên, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, cho biết hệ thống thu được đã theo dõi trực tuyến các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công của họ, dẫn đến việc họ bị bắt giữ và tra tấn ở Trung Quốc.
Nhà lập pháp này cho biết ông đã không ngạc nhiên trước thỏa thuận kinh doanh bị cáo buộc và tác động của thỏa thuận này đối với quyền giám sát của ĐCSTQ.
“Đó là biểu hiện của sự đàn áp xuyên quốc gia, và tôi nghĩ rằng rốt cuộc điều đó đã chứng minh cho quan điểm rằng chế độ độc tài kỹ trị mà ĐCSTQ đang hoàn thiện ở Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đó. Đó là một mô hình mà họ ngày càng muốn xuất cảng ra khắp thế giới,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông “đang xem xét nhiều điều luật khác nhau để đối phó với điều đó.”
Tại hội nghị bàn tròn nói trên, những người đại diện cho các tín đồ Cơ Đốc Giáo Trung Quốc, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ cũng cho biết dưới bàn tay kiểm soát của các quan chức đảng cộng sản Trung Quốc, tình trạng khốn khổ của họ vẫn tiếp diễn ngay cả khi họ đào thoát khỏi Trung Quốc, như trường hợp của mục sư nhà thờ tại gia Phan Vĩnh Quang (Pan Yongguang).
Hồi tháng 10/2019, ông Phan và các thành viên của Nhà thờ Ngũ Nguyệt Hoa ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã rời Trung Quốc. Sau khi đến Nam Hàn, nhiều người trong nhóm đã nhận được các cuộc điện thoại đe dọa từ các quan chức ĐCSTQ yêu cầu họ quay về Trung Quốc. Ông Phan cho biết tại phiên điều trần rằng các thành viên cũng bị những người nghi là đặc vụ của ĐCSTQ theo dõi ở Thái Lan, trong khi đó, thân nhân của họ ở Trung Quốc phải đối mặt với sự sách nhiễu và thẩm vấn. Ông cho biết, hồi tháng Hai năm nay, các nhân viên công an Trung Quốc đã đến nhà cha mẹ vợ ông ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc để gây áp lực buộc vợ ông phải thúc giục ông Phan trở về. Áp lực từ vụ dọa dẫm và lo lắng cho an nguy của cha mẹ già của mình đã khiến bà Phan lên cơn đau tim nhẹ.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thống trị thế giới. Nếu họ đạt được mục tiêu của mình, thì những gì quý vị thấy đang xảy ra ở Trung Quốc sẽ xảy ra trên khắp thế giới,” Dân biểu Carlos Gimenez (Cộng Hòa-Florida), một thành viên của Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện, nói với The Epoch Times.
Ông nêu lên trường hợp của Hồng Kông, nơi chính quyền đã bắt giữ và sau đó phạt tiền Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 91 tuổi, vì ông đã mở một quỹ dành cho cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Ông Gimenez nói, những vụ việc như thế này nói lên tầm quan trọng của việc lên tiếng về những vụ đàn áp của chế độ này, bởi vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay có thể sẽ “xảy ra với quý vị” vào một ngày nào đó.
“Quý vị phải quỳ phục Đảng Cộng sản Trung Quốc” và nếu “quý vị gây ra mối đe dọa như thế nào đó cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì quý vị sẽ bị bức hại, quý vị sẽ vào tù, và đôi khi quý vị còn có thể mất mạng.”
Nhiều quan chức đặc trách tự do tôn giáo đương nhiệm và tiền nhiệm của Hoa Kỳ đã kêu gọi mọi người hãy chú ý đến các nỗ lực vận động hành lang thay mặt cho Trung Quốc vốn đã tác động đến Hoa Thịnh Đốn, chẳng hạn như báo cáo về các hãng lớn như Nike và Coca-Cola đang cố gắng làm suy yếu luật cấm nhập cảng từ Tân Cương do các mối lo ngại về lao động cưỡng bức.
Ông Frederick Davie, phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, cho biết chính phủ Hoa Kỳ cần chú ý sát sao hơn đến các hoạt động vận động hành lang như vậy và ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục giúp đỡ cuộc đàn áp của chế độ này.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư Weldon Gilcrease tại Đại học Utah từng nói với The Epoch Times rằng những người đứng đầu hệ thống chăm sóc sức khỏe ở khoa của ông đã cố tình không lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức vì sợ bị Bắc Kinh trả đũa về kinh tế.
Đối với ông Davie, người trước đó tại ủy ban này đã bày tỏ lo ngại về việc ĐCSTQ lợi dụng quan hệ đối tác học thuật song phương để khiến các tổ chức của Hoa Kỳ “thờ ơ với các tội ác,” thì vụ việc trên là một trường hợp điển hình.
Ông nói với The Epoch Times: “Vụ việc đó đúng là chứng minh mức độ ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với thế giới và ở Hoa Kỳ.”
Ông Tony Perkins, cựu chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo lưỡng đảng và chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, lưu ý rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng góp phần vào tình trạng này.
Ông Perkins nói tại hội thảo: “Ngày nay, Trung Quốc thực sự đàn áp nhiều hơn so với hai thập niên trước, và lý do là họ có đủ điều kiện khi người tiêu dùng Mỹ tài trợ cho cuộc đàn áp của họ.”
Theo suy nghĩ của ông, Hoa Kỳ không nên tiếp tục “giao dịch kinh tế” với Trung Quốc cho đến khi tình hình nhân quyền thay đổi.
Ông nói với The Epoch Times: “Người Mỹ đã trở nên ham mê hàng hóa giá rẻ — một xã hội rất chú trọng vật chất — nhưng họ cần hiểu rằng lợi nhuận từ đó đang quay trở lại ảnh hưởng đến chính sách, cả trong và ngoài nước.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times