Dân biểu Gallagher cảnh báo về các tiền đồn công an Trung Quốc ở Hoa Kỳ: ‘Chúng ta đã mù quáng’
NEW YORK — Các thành viên của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc đang cam kết tăng cường nỗ lực của họ để chống lại các mối đe dọa đang diễn ra của Bắc Kinh đối với các mục tiêu của họ trên đất Mỹ.
Đứng trước một đồn công an của Trung Quốc ở hải ngoại hiện đã bị đóng cửa tại trung tâm thành phố Manhattan hôm 25/02, và xung quanh là hàng chục nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc, đã so sánh những mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với những mối đe dọa của một băng đảng xã hội đen (mafia).
“Họ mua chuộc các chính trị gia, các tổ chức đa quốc gia, các công ty, và trong một số trường hợp là các cơ quan chấp pháp. Họ sử dụng sức mạnh và các mối đe dọa, thay vì thuyết phục. Và giống như băng đảng mafia, họ không ngại gì để khiến người ta biến mất,” ông nói với những khán thính giả tại sự kiện báo chí này. Sau khi nói chuyện với hàng chục nhà bất đồng chính kiến gốc Hoa, ông nói, “hiếm có ai chưa từng trải qua một số hình thức sách nhiễu kỹ thuật số cấp thấp từ ĐCSTQ” — một công dân Mỹ gốc Hoa đã bị giam giữ trái với ý muốn của bà ở Trung Quốc tám tháng trong khi bà đang mang thai.
“Chúng ta đã mù quáng trong khi ĐCSTQ thì rất xảo quyệt,” ông Gallagher, cùng với Dân biểu Ritchie Torres (Dân Chủ-New York) và Dân biểu Neal Dunn (Cộng Hòa-Florida), đều là thành viên của ủy ban về vấn đề Trung Quốc, cho biết. “Giờ đây, họ muốn xuất cảng sự đàn áp đó ra khắp thế giới, và thứ duy nhất cản đường họ là ý chí bảo vệ các giá trị của chúng ta.”
Ông lưu ý rằng khinh khí cầu do thám được phát hiện đi ngang qua Hoa Kỳ hóa ra là một phần của chương trình giám sát toàn cầu của Trung Quốc do nhà nước điều hành. Ông nói, cả hai hoạt động này, mặc dù không rõ liệu có được phối hợp với nhau hay không, đều là một sự xúc phạm đến chủ quyền của Hoa Kỳ.
“Điều đó đã gửi đi thông điệp rằng ‘hãy xem những gì chúng tôi có thể làm và có thể thoát tội và quý vị sẽ không phản kháng,’” ông Gallagher nói với The Epoch Times về vụ khinh khí cầu này. “Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta cần phản kháng và bảo đảm rằng chúng ta không cho phép những thứ như thế này xảy ra được.”
Theo dữ liệu phân tích của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders, văn phòng công an Trung Quốc ở New York, vốn đã đóng cửa sau một cuộc đột kích của FBI, là một trong hơn 100 văn phòng mà chính quyền Trung Quốc đã thành lập ở 53 quốc gia trên thế giới. Có ít nhất hai cơ sở khác như vậy tồn tại ở Mỹ – gồm ở New York và Los Angeles.
Các cơ sở này được liên kết với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chính quyền này, một phần cánh tay ở hải ngoại của Bắc Kinh để tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc, thu thập thông tin tình báo, khuếch đại các luận điệu của Đảng, và đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Đồn công an Trung Quốc ở Manhattan được đặt bên trong trụ sở của Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ (American ChangLe Association, ACA), một tổ chức bất vụ lợi có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và cũng là một trong những cộng đồng có ảnh hưởng nhất đối với những di dân đến từ tỉnh Phúc Kiến phía đông nam Trung Quốc. Trang web của họ có một bằng khen từ lãnh sự quán New York vì đã trợ giúp cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2015.
Ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), một cựu lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cảm ơn các nhà lập pháp đã cho các nạn nhân của cuộc đàn áp ở hải ngoại của Bắc Kinh có một nền tảng.
“Đồn công an ở đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm trong sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với nước Mỹ,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý đến ảnh hưởng sâu rộng của chính quyền này ở Wall Street, giới học thuật, và các tổ chức nghiên cứu.
“Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã lầm tưởng rằng thương mại và công nghệ sẽ thay đổi Trung Quốc, nhưng trên thực tế, đó là một cách khác: Trung Quốc đang thay đổi nước Mỹ.”
Tại cuộc tập hợp, những người bất đồng chính kiến Trung Quốc từ nhiều giai tầng khác nhau đã chia sẻ những câu chuyện về những sự ngược đãi mà họ và bằng hữu của mình phải chịu đựng mặc dù đã đào thoát khỏi Trung Quốc.
Ông Henry Yue, một học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại nặng nề ở Trung Quốc từ năm 1999, là một tình nguyện viên tại quầy thông tin ở khu Flushing của New York đang cố gắng phơi bày chiến dịch bức hại môn tu luyện kéo dài 23 năm này.
Hồi tuần trước, ông David Phương (David Fang), bằng hữu của ông Yue, vừa bị một người đàn ông ủng hộ ĐCSTQ tấn công khi ở cùng một gian hàng làm ông bị nhiều vết trầy xước quanh cổ, tay, và đầu gối, một biến cố đánh dấu vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công nhắm vào các gian hàng này trong hai thập niên qua. Người đàn ông này, nói tiếng địa phương từ Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, đã cố cắn ông Phương và đánh ông bằng gậy chống. Ông này còn lăng mạ các học viên Pháp Luân Công khác trong nhiều năm qua khi họ cố gắng nói về những vụ ngược đãi vốn vẫn còn đang diễn ra ở xứ Trung Quốc cộng sản.
Ông Vương Vĩnh Hồng (Wang Yonghong), một cựu kế toán cao cấp của một công ty nhà nước Trung Quốc, người đã trải qua hơn một năm tù giam ở Trung Quốc vì công việc vận động nhân quyền của mình, đã bị những người ủng hộ chính quyền kia đánh gần nhà ga Trung tâm New York (Grand Central Terminal) tại một cuộc diễn hành chào đón chuyến thăm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng 07/2019.
Các đặc vụ Bắc Kinh khả nghi đã tấn công họ bằng cột cờ và loa, khiến 5 người phải nhập viện. Ông Vương, một người trong số họ, bị thương nhẹ ở đầu, cánh tay, và chân.
“ĐCSTQ hoàn toàn mất kiểm soát,” ông nói với The Epoch Times. “Không chỉ biến người dân Trung Quốc thành nô lệ, móng vuốt xấu xa của nó đang vươn tới chúng tôi sau khi chúng tôi đào thoát sang Mỹ.”
Phơi bày những vụ việc như thế này là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với ủy ban về vấn đề Trung Quốc, ông Gallagher nói với các phóng viên khi được hỏi về vụ tấn công ở Flushing và hành vi phá hoại hộp báo thuộc ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times — một trong những nguồn tin Hoa ngữ duy nhất còn lại không phụ thuộc vào ĐCSTQ.
“Đó là cuộc thảo luận mà chúng ta bắt đầu hôm nay. Đó là phần đầu của cuộc thảo luận này, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn những tội ác như thế này xảy ra trong tương lai.”
Một ngày trước đó, ông Gallagher đã gửi một bức thư cho giám đốc FBI Christopher Wray liên quan đến các đồn công an này, cho biết ông muốn bắt đầu đối thoại với cơ quan này để giải quyết các vụ sách nhiễu và tấn công có chủ đích như vậy. Ông nói với The Epoch Times, một giải pháp khả thi là tăng hình phạt đối với những hành vi như vậy nếu họ là đại diện cho một đối thủ ngoại quốc.
Các nhà lập pháp tại cuộc tập hợp bày tỏ hy vọng công việc này sẽ là một sự hợp tác lưỡng đảng.
“Chúng tôi ở đây bởi vì chúng tôi là những người Mỹ tin vào pháp quyền, nhân quyền và tự do cho từng người một, kể cả những người bất đồng chính kiến gốc Hoa tại Hoa Kỳ,” ông Torres nói. “Làm sao chúng ta, Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, có thể tuyên bố là người bảo vệ tự do nếu chúng ta không bảo vệ những người đấu tranh cho tự do trong biên giới của chúng ta hoặc trên đất Mỹ?”
Ông Gallagher lặp lại quan điểm của mình.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times