Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P7)
Trong phần này, chúng ta lấy câu chuyện về một doanh nghiệp Nhật Bản hiện đại làm ví dụ để thảo luận kỹ về nguyên tắc căn bản và cách thức làm thế nào khiến người khác tâm phục mà tự giác tuân theo mệnh lệnh, từ đó hiểu được cách làm thế nào ứng dụng đế vương học vào quản lý doanh nghiệp thời hiện đại.
Giám đốc mới nhậm chức, cấp dưới cự tuyệt không tuân lệnh
Komiya Kazuyoshi là một nhà tư vấn doanh nghiệp Nhật Bản hiện đại, trong suốt thời gian dài tư vấn cho các lãnh đạo doanh nghiệp, ông đã tập hợp những vấn đề xuất hiện để viết nên cuốn sách có tên Nhà lãnh đạo thành công, cuốn sách hướng dẫn mọi người làm thế nào để trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công qua các ví dụ sinh động.
Cuốn sách viết theo phong cách tiểu thuyết này miêu tả quá trình một vị giám đốc liên tục gặp phải những vấn đề nan giải, liên tục rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cũng liên tục thoát khỏi những khó khăn này và trưởng thành. Cuốn sách được viết dựa trên câu chuyện có thực, do vậy nó đã phản ánh rất chân thực tư tưởng kinh doanh cốt lõi của những nhà doanh nghiệp Nhật Bản đương đại.
Chúng ta học đế vương học để ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, chỉ đạo cho cuộc sống của chúng ta, vì thế ở đây tôi xin nói qua về câu chuyện vị giám đốc trong cuốn sách đã giải quyết vấn đề đầu tiên như thế nào. Vấn đề đầu tiên anh ấy phải đối mặt chính là làm sao để cấp dưới nghe lời mình, tự giác phối hợp với mình tiến hành điều chỉnh và cải tổ bộ phận. Đây có lẽ là vấn đề mà những người đang ở vị trí cao hy vọng được giải đáp nhất. Cho nên, cuốn sách đã bắt đầu từ vấn đề này.
Một doanh nghiệp vừa và nhỏ sắp phải đóng cửa được một công ty lớn trong ngành sản xuất của Nhật Bản mua lại, đồng nghĩa với việc cứu 50 nhân viên của công ty nhỏ này. Nhân vật chính là Yamamura được công ty mẹ phái đến công ty con vừa mới mua này làm giám đốc hành chính. Anh nhận trọng trách trong vòng ba năm phải đưa công ty thoát khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ trở thành kinh doanh có lãi.
Năm đầu tiên công ty phải đạt được mục tiêu giảm lỗ một nửa, nếu không sẽ không thể xoay chuyển tình thế, sẽ không thể thực sự cứu sống công ty này. Vì thế Yamamura đã được thăng chức từ lãnh đạo cấp thấp chỉ lãnh đạo vài nhân viên lên thành giám đốc hành chính lãnh đạo 50 nhân viên. Áp lực đặt lên anh rất nặng nề.
Khi rời công ty mẹ chuyển tới công ty con này, ngày đầu tiên đi làm anh đã cảm nhận rõ văn hóa làm việc của công ty vô cùng tệ hại, khiến anh cảm thấy chán ghét, từ đối nhân xử thế cho đến tinh thần, sức lực của các nhân viên đều không bằng công ty mẹ.
Nhưng những điều này vẫn không khiến anh bận tâm, nhiệm vụ quan trọng nhất của anh chính là làm sao trong vòng một năm giúp công ty giảm lỗ một nửa, vì thế đầu tiên phải tiến hành cải cách các bộ phận, cơ cấu lại nhân sự giống như công ty mẹ, tinh giản từ năm bộ phận thành ba bộ phận. Để công ty con có thể tiếp nhận trợ giúp và chi viện của công ty mẹ thì các bộ phận nghiệp vụ cũng phải thống nhất với nhau, nếu không sẽ không thể cải thiện được tình trạng thua lỗ hiện tại. Đây là nhiệm vụ cấp bách, là kế hoạch đã được định ra ban đầu khi công ty mẹ mua lại công ty này, không thể còn đường nào khác.
Vốn tưởng rằng mọi việc sẽ thuận lợi, nhưng không ngờ khi anh tổ chức cuộc họp với năm trưởng bộ phận và nói rõ phải tinh giản cơ cấu nhân sự của năm bộ phận thành ba bộ phận thì không có trưởng bộ phận nào đồng ý, tất cả đều viện những lý do tiêu cực để chống lại, không có ai nghe theo và phối hợp với anh. Điều này khiến anh rất bất ngờ, vốn đã không có ấn tượng tốt với văn hóa làm việc của công ty, lại thêm cảm giác oán trách rằng công ty mẹ dù sao đã giúp đỡ họ, sao họ lại không biết cảm ơn, còn chống đối lại như vậy. Trong lòng anh rất không vui, cảm thấy những người này tố chất quá kém, mấy lần anh đã nghĩ hay mình cứ ra mệnh lệnh, không cần hỏi ý kiến họ nữa.
Tác giả chỉ ra rằng biện pháp cưỡng chế lên những trưởng bộ phận lâu năm này tất nhiên sẽ khiến toàn thể nhân viên công ty nảy sinh thái độ đối kháng, sẽ càng gây cản trở cho công việc sau này, gây gián cách với mọi người. Yamamura vẫn chưa ý thức được vấn đề này, anh vừa nôn nóng lại vừa tức giận, được cử từ công ty mẹ đến đây, tất cả mọi thứ anh đều cảm thấy xa lạ, bản thân giống như người ngoài, không được hoan nghênh, không có ai muốn nghe lời anh, anh cảm thấy ngoài việc dùng mệnh lệnh cưỡng chế ra thì không còn cách nào khác. Anh chưa từng nghĩ rằng vấn đề chính là anh cần tu dưỡng bản thân mình.
Người không có đức – có ra lệnh người khác cũng không tuân theo
Yamamura gặp cấp trên của công ty mẹ để chia sẻ nỗi khổ tâm. Không ngờ điều đầu tiên cấp trên trách cứ anh không phải là nhân viên công ty con không phối hợp, mà là đánh giá trang phục của Yamamura, ông nói rằng cách ăn mặc sang trọng như thế này không phù hợp với phong cách mộc mạc của công ty con, như thế bằng như nói với họ: tôi đến từ công ty mẹ danh giá, là cấp trên của các vị, đến để chỉ đạo các vị, một thái độ kiêu ngạo, trịch thượng như vậy làm sao có thể hòa hợp với mọi người được.
Bản thân mình vốn đến từ công ty mẹ có danh tiếng, còn công ty họ vốn sắp đóng cửa nên họ có cảm giác tự ti và lo sợ, lo rằng sẽ bị mất việc làm, lo rằng liệu lãnh đạo mới đến có mượn cớ sắp xếp lại công ty để cắt bớt nhân sự, giảm nhẹ gánh nặng tài chính không. Họ đã mất đi sự che chở của giám đốc trước, giám đốc mới đến sẽ đối xử với họ thế nào đây, trong lòng họ vốn bất an, kết quả thấy anh vừa đến đã trịch thượng, ăn mặc sang trọng, thể hiện sự danh giá hơn họ, thì làm sao có thể khai mở được tâm của họ được, mọi người chắc chắn sẽ kính sợ mà xa lánh anh. (Thái độ kiêu ngạo thực ra là bất nhân bất chính).
Lời giáo huấn của cấp trên khiến cho Yamamura bỗng nhiên bừng tỉnh, anh đã không đứng trên lập trường của công ty con để suy xét vấn đề, không thấy được sự bất an của họ. Họ sợ bị sa thải, những trưởng bộ phận lâu năm này tuổi tác đã cao, còn có người nhà phải chăm lo, nếu mình không thể mở nút thắt trong lòng họ thì sao họ có thể tích cực phối hợp và nghe lời được? Thế là Yamamura tìm được vấn đề căn bản là bản thân mình không đủ chín chắn, không biết làm lãnh đạo, không hiểu được cảm nghĩ của họ.
Rõ ràng tác giả muốn thông qua vấn đề của Yamamura để nói với các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp rằng khi gặp phải vấn đề cấp dưới không nghe lời, thì cần phải xem lại bản thân mình có thực sự hiểu được lòng nhân ái là thế nào không: chăm sóc tốt cho nhân viên của mình, giải tỏa nỗi bất an cho họ, đó mới là trách nhiệm của bản thân người cấp trên, còn cần phải có thái độ khiêm nhường, cung kính, lễ phép, không được đặt mình ở vị trí cao. Một người lãnh đạo động chút là dùng quyền lực áp chế thực hiện, đây là người không có đạo đức, không có năng lực, sẽ chỉ gây thù chuốc oán, gây nhiều hậu quả xấu.
Nếu bản thân ngay chính thì dù không ra lệnh mọi người vẫn nghe theo
Rất nhanh chóng Yamamura đổi sang những bộ quần áo giản dị hơn, giống với mọi người, xóa bỏ thái độ ưu việt ngạo mạn cao cao tại thượng, sau đó, suy nghĩ cho cấp dưới, để cho mỗi một trưởng bộ phận đều có thể thoải mái phát biểu ý kiến, hiểu được khúc mắc về hoàn cảnh thực tế và sự lo lắng của họ, nói chuyện riêng với từng người, cùng họ đến những quán ăn ngoài công ty thong thả nói chuyện, kiên nhẫn hỏi thăm. Hỏi về những chuyện gia đình, chuyện con cái, thể hiện sự quan tâm, bắt đầu từ trưởng bộ phận lớn tuổi nhất.
Rất nhanh chóng, các trưởng bộ phận cũng phát hiện Yamamura sống rất có tình người, biết quan tâm đến cuộc sống của họ và những khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, vợ con của họ, tự nhiên họ liền thay đổi thái độ, xóa bỏ tâm lý đề phòng, họ đã cởi mở nói ra nỗi lo mất việc của mình, và cũng vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ của công ty mẹ. Cả hai bên bắt đầu chân thành đối đãi với nhau, mở rộng lòng với nhau.
Yamamura cũng giải thích tỉ mỉ lý do tại sao anh muốn điều chỉnh các bộ phận: để có được sự trợ giúp của công ty mẹ, nâng cao hiệu suất, giảm tình trạng lỗ vốn, điều chỉnh bộ phận là một bước cần thiết phải tiến hành, cũng chỉ có làm như vậy mới có thể thực sự tránh được hậu quả sa thải nhân viên. Anh nói rõ việc sắp xếp lại các bộ phận không phải vì để cắt giảm nhân viên, chỉ là muốn việc kinh doanh của công ty ngày càng tốt hơn, anh sẽ không cắt giảm nhân viên.
Ngược lại, nếu không nhanh chóng tiến hành điều chỉnh, công ty mẹ sẽ không thể trợ giúp được, rất nhiều công việc kinh doanh sẽ không thể giao cho công ty con, cuối cùng thực sự sẽ không thể khiến cho việc kinh doanh tốt lên, lúc đó dù không muốn cắt giảm nhân viên cũng đành phải nghĩ đến biện pháp cắt giảm nhân viên. Vì thế, anh hy vọng họ quay về thuyết phục các nhân viên cấp dưới để mọi người tích cực phối hợp, cùng đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn này.
Các trưởng bộ phận đều nhanh chóng thay đổi suy nghĩ chống đối, chủ động phối hợp, thuyết phục cấp dưới, không cần mệnh lệnh cưỡng chế, vấn đề khó khăn này cuối cùng được giải quyết hoàn toàn, thành công ở bước đi đầu tiên. Qua sự việc này Yamamura cũng bắt đầu thực sự được công ty con thừa nhận, giờ đây anh mới thực sự trở thành cấp trên của họ.
Có thể thấy câu “vi chính dĩ đức (cầm quyền phải coi trọng đức)” mà Khổng Tử giảng có thể ứng dụng trong bất cứ thời đại nào, cốt lõi của đế vương học chính là bốn chữ này, cốt lõi của giáo dục cũng là một chữ “đức” này. Mấy nghìn năm qua, giáo dục chính thống của chúng ta là giáo dục cách làm người, trong gia đình cha mẹ phải có lời nói và việc làm mẫu mực, nuôi mà không dạy con cái là lỗi của cha mẹ.
Lời nói cử chỉ của cha mẹ chính là hình mẫu cho con cái, bản thân cha mẹ mà ngay chính thì gia đình yên ấm, con cái hiếu thảo; đế vương là quốc phụ, thần dân là con, đế vương đối đãi với thần dân phải yêu dân như con, lấy mình làm gương, cũng cần phải giữ lời nói và việc làm đều mẫu mực, nhân ái, từ bi mà nghiêm khắc. Như thế tự nhiên trên nói dưới sẽ nghe theo.
Khổng Tử nói: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng” (Thân mình chính đáng, không ra lệnh cũng làm; thân mình không chính đáng, tuy ra lệnh cũng không theo) (Luận ngữ – Chương Tử lộ) chính là ý nghĩa đó. Lãnh đạo công ty muốn nhân viên tình nguyện phục tùng, tất phải nhân ái, bản thân phải ngay chính, hiểu được chức trách của mình là chăm lo tốt cho cuộc sống của họ, dùng đức để cảm hóa họ, dùng lý lẽ đúng đắn, hành động thiện để hướng dẫn, dạy dỗ họ, trở thành tấm gương của công ty, như vậy nhân viên tự nhiên sẽ vui vẻ nghe và làm theo.
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org
(Còn tiếp)
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P8)
Xem thêm: