Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P4)
Nhật Bản xưa nay vẫn luôn coi Đường Thái Tông là bậc minh quân trong thời kỳ giữ gìn cơ nghiệp, họ luôn không ngừng nghiên cứu tư tưởng và sách lược trị quốc của ông để ứng dụng vào xã hội hiện nay.
Điều này có liên quan đến một đoạn đối thoại của vua tôi Đường Thái Tông trong Trinh Quán Chính Yếu, đoạn đối thoại này được nêu rõ trong chương đầu tiên “Đạo làm vua”. Từ đoạn đối thoại này, chúng ta thấy được ba tu dưỡng lớn của Đường Thái Tông: Nhân, Minh, Vũ.
Gây dựng và giữ gìn cơ nghiệp, việc nào khó hơn?
Trong “Đạo làm vua” đã ghi lại một đoạn đối thoại giữa Thái Tông với Phòng Huyền Linh và Ngụy Chinh như sau:
“Năm Trinh Quán thứ mười, Đường Thái Tông hỏi thị thần:
− Sự nghiệp của đế vương, gây dựng và giữ gìn, việc nào khó hơn?
Thượng thư tả bộc xạ Phòng Huyền Linh đáp:
− Khi thiên hạ đại loạn, anh hùng các lộ tranh nhau dấy binh, ai bị công phá mới chịu hàng phục, ai bị đánh bại mới chịu tuân thủ, cho nên dựng nghiệp khó.
Ngụy Trưng đáp:
− Đế vương khởi binh ắt nắm được lúc thế đạo suy bại rối ren, tiêu diệt những kẻ cuồng loạn, bá tánh sẽ yêu mến, người trong thiên hạ đều quy thuận; trên có trời trao mệnh, dưới có dân đi theo, cho nên dựng nghiệp không coi là khó. Nhưng khi đã lấy được thiên hạ, lại chí thú vào việc xa xỉ dâm dật. Dân chúng mong muốn được nghỉ ngơi, nhưng các loại phục dịch không dứt; bá tánh đã cùng khốn mệt mỏi, mà việc xa xỉ lại không nguôi một khắc; sự suy bại thường nảy sinh từ đây. Từ đó mà luận thì giữ gìn cơ nghiệp đã gây dựng được còn khó khăn hơn.
Thái Tông nói:
− Huyền Linh trước kia theo trẫm bình định thiên hạ, nếm đủ mọi gian nan khốn khổ, vào sinh ra tử, nên thấy được cái gian nan của quá trình dựng nghiệp. Ngụy Trưng và trẫm cùng an định thiên hạ, lo lắng việc nảy sinh mầm mống kiêu xa dâm dật, ắt sẽ trở lại cảnh nguy vong, cho nên thấy được nỗi gian nan của việc giữ gìn cơ nghiệp. Nay cái gian nan trong dựng nghiệp đã qua đi, còn việc khó khăn là giữ gìn cơ nghiệp, trẫm phải cùng các khanh suy nghĩ cẩn thận”.
Trong Đế Vương học diễn nghĩa, nhà hán học người Nhật Bản Moriya Hiroshi đã phân tích về đoạn đối thoại này như sau: “Khi Thái Tông lên ngôi, triều đại nhà Đường đã thoát khỏi nguy cơ trong thời kỳ gây dựng cơ nghiệp, cần bước vào thời kỳ gìn giữ cơ nghiệp, lời nói của Thái Tông chính là lúc đối mặt với hoàn cảnh này, nó thể hiện rõ chí hướng và sự quyết đoán trong trị quốc của ông”.
Moriya Hiroshi cho rằng, từ đoạn đối thoại của Thái Tông có thể thấy, câu hỏi gây dựng và gìn giữ cơ nghiệp việc nào khó hơn, quả thực là một vấn đề nan giải, cả hai đều có mức độ khó riêng của nó. Nhưng gây dựng cơ nghiệp giống như khai phá những con đường riêng lên đỉnh núi, không con đường nào giống con đường nào, dù muốn học cũng rất khó học theo. Còn gìn giữ cơ nghiệp lại khác, qua phân tích quá trình diệt vong của các vương triều trong lịch sử, về cơ bản có thể tìm được điểm chung ở một mức độ nào đó, qua đó tìm ra một phương pháp nhất định, tránh cho đất nước thoát khỏi diệt vong.
Ngay cả người có tố chất bình thường cũng có thể tìm ra một quy luật nhất định, học được phương pháp và kinh nghiệm hữu ích sau khi đọc cuốn sách này. Ông cho rằng, cuốn sách Trinh Quán Chính Yếu là những điều tâm đắc của vị quân vương trong thời kỳ giữ gìn cơ nghiệp, ông đã tiếp thu những bài học lịch sử để ứng dụng vào xử lý việc quốc gia, đó là lý do chính khiến cho hầu hết các Thiên hoàng và tướng quân Mạc phủ của Nhật coi Trinh Quán Chính Yếu là cuốn sách giáo khoa của bậc đế vương.
Trọng trách của người lãnh đạo cấp cao là hoạch định phương hướng
Cho dù người Nhật Bản nhìn nhận như thế nào về những điều tâm đắc của Thái Tông trong việc giữ gìn cơ nghiệp, chúng ta có thể lĩnh hội được một điểm, đó là người lãnh đạo cấp cao phải hiểu rất rõ trọng trách của mình. Trước tiên họ phải xác định phương hướng cho tương lai, cũng có nghĩa là biết cách dẫn dắt mọi người, lèo lái con thuyền quốc gia vững vàng hướng tới mục tiêu đúng đắn. Họ cần phải định ra phương hướng và nỗ lực tiến tới. Giống như tổng giám đốc doanh nghiệp hiện nay, họ cần biết phân tích tình hình của doanh nghiệp mình, hiểu rõ hoàn cảnh của mình, tìm ra ưu thế và vị trí của mình, từ đó định ra phương hướng phát triển trong tương lai.
Qua đoạn đối thoại giữa vua và quần thần về vấn đề gây dựng và gìn giữ cơ nghiệp, có thể thấy với vị trí là vua của một nước, Thái Tông tất sẽ phải nỗ lực đặt ra mục tiêu của quốc gia, một khi phán đoán sai lầm sẽ có nguy cơ đưa quốc gia vào hoàn cảnh diệt vong. Thái Tông hiểu rõ rằng mình không còn ở thời đại của vua cha mà ông đã thực sự có một vương triều mới.
Nhiệm vụ quan trọng trước mắt không phải là đi chinh chiến, chinh phục cường hào khắp nơi, mà cơ bản là ổn định để phát triển, ông cũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Vì thế ông không thể không suy tính sao cho cơ nghiệp mà cha ông đã vất vả gây dựng và trao truyền lại cho ông được vững vàng, yên ổn để truyền tiếp cho đời sau.
Thái Tông lúc đó đang ở trong thời kỳ quá độ giữa gây dựng và gìn giữ cơ nghiệp, ông cũng từng trải qua quá trình giúp đỡ cha ông gây dựng cơ nghiệp, do đó, ông hiểu rất rõ hoàn cảnh của mình. Ông không chỉ hiểu những khó khăn trong gây dựng cơ nghiệp, mà còn biết rõ điều mình sẽ phải đối mặt, đó là vấn đề tương lai phải gìn giữ cơ nghiệp như thế nào, chinh chiến không thể dùng để trị nước, vì thế ông đã suy nghĩ rất sâu sắc. Có thể thấy rằng, ông là vị quân vương rất lý trí và sáng suốt. Ông hiểu rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của mình, đó chính là nhất định phải căn cứ vào hoàn cảnh và vị trí thực tế để đưa ra đường hướng trị quốc phù hợp. Đây là người thức thời, không xa rời thực tế.
Thái độ khiêm nhường, quyết đoán sáng suốt
Là người lãnh đạo đất nước, Thái Tông đương nhiên phải tự mình ra quyết sách cuối cùng, để hiểu rõ hướng đi tương lai của mình, ông không dám khăng khăng cố chấp, mà sẵn sàng khiêm tốn lắng nghe để tìm ra đạo lý, dù sao thì kiến thức và thông tin của một người là hữu hạn, quyết sách của người lãnh đạo liên quan đến vận mệnh của cả quốc gia, nên phải cẩn trọng. Vì vậy mỗi lần gặp phải việc lo lắng, hoài nghi, ông liền bàn bạc với quần thần, giãi bày cách làm của bản thân, thể hiện rõ tư tưởng của mình để mọi người cùng nhau nghiên cứu.
Vị quân vương hiểu rõ nhiệm vụ của mình phải suy xét mọi việc quốc gia đại sự, các đại thần tất nhiên sẽ dựa trên phương hướng tư duy của quân vương mà hăng hái bàn luận, hiến mưu tính kế, cho nên mới có cuộc tranh luận này. Phòng Huyền Linh, người đi theo Thái Tông gây dựng cơ nghiệp, hiểu rõ mức độ gian nan của gây dựng cơ nghiệp, còn Ngụy Chinh, người chuyên tâm vào việc giữ gìn cơ nghiệp, nên chú trọng vào cái khó của việc giữ gìn cơ nghiệp.
Hai vị đại thần ai cũng có kiến giải của riêng mình, chúng ta thấy rằng Thái Tông không những không bị quan điểm cá nhân của các đại thần dẫn dắt, mà ông lại nhìn nhận rằng cả hai vị đại thần đều lo lắng cho quốc gia, đều có kiến giải của riêng họ, ông rất nhanh chóng đưa ra phán quyết hợp tình hợp lý. Hai người đều đúng, nhưng lời Ngụy Chinh nói phù hợp với tình hình hiện nay hơn. Ông không chỉ đưa ra phán quyết cuối cùng, mà còn phân tích tỉ mỉ vì sao mình lại quyết định như vậy, để mọi người đều đặt tâm vào việc giữ gìn cơ nghiệp, ngăn chặn những sai lầm dễ phạm phải nhất trong thời kỳ gìn giữ cơ nghiệp, phải đối đãi thận trọng, không được xa hoa phóng túng.
Với cách xử lý việc nước như vậy, ông không chỉ thông cảm cho vị lão thần đã từng cùng ông vào sinh ra tử trong thời kỳ gây dựng cơ nghiệp, ông cũng ghi nhận và cảm kích công sức gian khổ mà lão thần bỏ ra. Đồng thời, ông phân tích rõ thực trạng để các quần thần có ý kiến bất đồng đều có thể tâm phục khẩu phục, hóa ra quân vương của mình suy nghĩ vấn đề như vậy, quả là thông tuệ sáng suốt. Ông còn căn dặn rõ ràng, công khai không hề che giấu trước quần thần, khiến cho vị lão thần khai quốc không bị nguội lạnh tinh thần, mà còn hiểu được phán quyết anh minh của quân chủ; mối quan hệ giữa các đại thần chắc chắn cũng sẽ không vì ý kiến bất đồng mà sinh ra mâu thuẫn và chia rẽ bè phái.
Điều này thể hiện phong thái đường đường chính chính, cẩn trọng khiêm nhường và đối xử với bề tôi chân thành của Đường Thái Tông. Ông vừa khiêm nhường, thấu hiểu các quần thần, lại vừa có trí tuệ anh minh, không bị dao động bởi những suy nghĩ có phần hơi chấp vào ý kiến cá nhân của các đại thần mà tự mình dũng cảm đưa ra phán quyết.
Ba điều tu dưỡng lớn của bậc đế vương: Nhân, Minh, Vũ
Nhân, Minh, Vũ – đây là ba điều tu dưỡng nổi bật nhất của Thái Tông khi làm đế vương. Nhân chính là lòng thương cảm đối với thần dân, cái Nhân lớn nhất của bậc quân vương chính là nhận thức rõ trọng trách của mình với đất nước, luôn luôn phải lèo lái chính xác, khéo sử dụng nhân tài, trị vì tốt đất nước. Vì thế cần phải khiêm nhường lắng nghe ý kiến người khác, tạo điều kiện cho mọi người bày tỏ ý kiến, như vậy mới nắm vững được những việc trong thiên hạ và đại cục, mới không đưa ra quyết định sai lầm dẫn đến tình cảnh diệt vong.
Người có Nhân, tất phải biết cảm thông với dân chúng, hiểu rõ mức độ nặng nhẹ, nhanh chậm của sự việc, như vậy mới có thể phân biệt được những kiến giải khác nhau của các đại thần, việc nào cấp bách, việc nào là định hướng lâu dài, việc nào không phù hợp với hiện tại. Đó là Minh. Khi đã có kiến thức sáng suốt, thì có thể đưa ra quyết đoán tức thời, đó là Vũ.
Xem thêm:
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P5)
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho bậc đế vương (P1)
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org