Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P20)
Dưới thời trị vì của Đường Thái Tông, Trung Quốc được công nhận là lễ nghĩa chi bang, được toàn thế giới ngưỡng mộ. Vì vô cùng ngưỡng mộ Trung Quốc, Nhật Bản đã hơn 10 lần phái sứ giả đến nhà Đường với mục đích học tập kiến trúc của Trường An, văn hóa và chế độ lễ nghĩa của triều Đường để mang về Nhật Bản, kết hợp với phong tục tập quán của dân tộc Nhật Bản, từ đó phát triển trở thành điều mà chúng ta hiện nay vẫn gọi là văn hóa, lễ nghi Nhật Bản.
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9,P10,P11,P12,P13,P14,P15,P16,P17,P18, P19
Có thể thấy, thời đó người nhà Đường ai ai cũng coi trọng lễ nghĩa, trong tâm có đạo, người người đều trọng đức và thiện, cử chỉ rộng lượng, nhờ thế mới có được sự tôn quý và vinh diệu là cả thế giới ngưỡng mộ và noi theo. Vinh diệu của Đại Đường, kỳ thực bắt nguồn từ việc Thái Tông dùng lễ để giáo hóa (lễ giáo) toàn dân với tôn chỉ là chính trị nhân đức.
Lễ giáo thực chất là việc các vị vua thời cổ đại lấy bản thân làm gương để giáo hóa các hành vi cụ thể nhằm tu dưỡng đạo đức của người dân. Chiếu lệnh về phương diện chế độ lễ nghi mà Thái Tông ban bố đã thay đổi một số phong tục, trừ bỏ những tập tục xấu không hợp lý, quy chính đạo làm người, thiện hóa nhân tâm, tất cả đều dựa trên những kinh điển sách vở được những đế vương thánh minh thời xưa truyền lại, đều là hợp tình hợp lý, đồng thời có thể lấy bản thân làm gương cho dân chúng, bắt đầu từ chính Thái Tông và con cái ông, làm gương cho muôn dân trong thiên hạ. Điều này hoàn toàn khác hẳn với cái gọi là cổ hủ và áp bức như văn hóa đảng của Trung Cộng đã miêu tả lễ giáo, đó là ác ý bẻ cong và bóp méo lễ giáo. Ngược lại, lễ giáo bản thân nó chính là niềm hãnh diện của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi sẽ bàn luận đến chương thứ bảy của “Trinh Quán Chính yếu”, thông qua chương “Luận về lễ nhạc” này xem xét việc quân thần (vua tôi) Thái Tông nhận thức đối với “lễ” ra sao, quy định ra chế độ và quy phạm lễ nghĩa cụ thể thế nào.
Đọc “Luận về lễ nhạc” hiểu được sự tốt đẹp của lễ giáo
Ngày nay, nếu chúng ta đề cập đến lễ giáo thì quả thực là sợ như sợ cọp vậy. Trải qua mấy chục năm phê phán, bóp méo, người Trung Quốc đã không biết được lễ giáo chân chính là thế nào nữa, dường như trong ấn tượng của mỗi người chỉ còn cách nghĩ là: các đế vương, tướng lĩnh, quan lại và các tài tử giai nhân, ai ai cũng đều là những kẻ mưu quyền, thâm hiểm, trong hoàng cung là đấu đá, trong gia tộc là tranh giành. Với một mô thức quen thuộc, các diễn viên khoác lên mình những bộ trang phục cổ trang, sống trong những ngôi nhà cổ, diễn những vai kịch tính, khiến người ta ngộ nhận rằng đó chính là diện mạo chân thực của người xưa. Thực ra đó là đem một bộ/hệ âm mưu về mối quan hệ giữa người với người, các thủ đoạn “chỉnh” người, điệu bộ ích kỷ, cực đoan do Trung cộng tạo dựng ra và gán lên cho người xưa.
Kết quả của sự định hướng này chính là mọi người ai ai cũng không đáng tin, người người tranh danh đoạt lợi, dối trá hủ bại, ngang ngược bạo tàn, từ xưa đã chẳng có gì tốt đẹp cả. Mọi người thử nghĩ xem, nếu dân tộc Trung Quốc từ xưa quả thật là một dân tộc như vậy, vậy thì còn được ai kính ngưỡng đây? Chưa nói đến các quốc gia và dân tộc khác sẽ xem thường, mà còn sợ đến nỗi muốn tránh xa, ngay cả bản thân người Trung Quốc cũng sẽ không cảm thấy vinh dự gì, trong tâm họ chắc chắn sẽ thấy chán ghét. Như hiện nay, rất nhiều người tranh nhau chạy ra nước ngoài, thậm chí ở lại luôn không muốn về nước. Ngày nay, cảm nhận của nhiều người Trung Quốc khi ra nước ngoài là ngưỡng mộ sự tu dưỡng văn hóa của nước khác, chẳng phải là một minh chứng tốt nhất cho điều này hay sao! Nếu lễ giáo là không tốt, vậy thì văn hóa truyền thống Trung Quốc sao có thể được thế giới ngưỡng mộ được?
Vì thế Trung Quốc cần phải khôi phục lại lễ giáo triều Đường, lễ giáo tốt đẹp nhất trong các vương triều, trở thành niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc. Chỉ có như vậy, họ mới có thể hiểu được rằng “lễ giáo” thời cổ đại duy hộ chính lý làm người, tuân theo lương tâm đạo nghĩa. Mục đích của nó là quy chính đạo lý làm người, giáo hóa nhân dân, nâng cao đạo đức toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các đế vương thời cổ đại khi cai trị đất nước. Cũng tức là, ngoài việc chăm lo đời sống vật chất của bách tính, đế vương còn phải dùng chính lý để giáo hóa bách tính. Vì thế, Thái Tông đã lấy bản thân làm gương, gánh vác trách nhiệm tu dưỡng đạo đức để quy chính con người. Đây mới là dụng ý thực sự và lý do xuất hiện của lễ giáo vào thời cổ đại.
Trong chương “Luận về lễ nhạc” của “Trinh Quán Chính yếu”, chúng ta thấy rõ rằng quân thần Thái Tông thảo luận lại nhiều lần về lễ, nhận thức rất lý tính; thấy rằng những chiếu lệnh họ ban ra, chế độ hiếu hỉ được định ra, quy định về tước vị và lễ tiết trong gia đình đều dựa trên việc tham khảo những sách vở kinh điển thời xưa. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc nhận thức rõ sự thực về lễ giáo, thay đổi cái nhìn thù địch đối với lễ giáo do bị văn hóa đảng tẩy não trong thời gian dài, nhận thức rõ bản chất thật sự của văn hóa truyền thống, trả lại thanh danh cho tổ tiên dân tộc Trung Hoa, trả lại sự tôn quý cho người Trung Quốc.
Công chúa Đại Đường về nhà chồng, làm lễ phụng dưỡng cha mẹ chồng
Trước tiên chúng ta hãy xem Thái Tông lấy bản thân làm gương như thế nào, bắt đầu từ gia đình ra sao. Đoạn thứ sáu của chương “Luận về lễ nhạc”, có đoạn nói về việc công chúa gả cho nhà quan, giống như những bách tính bình thường khác, cũng cần tuân theo nền nếp nhà chồng, ở nhà cũng cần phụng dưỡng và đối xử trọng hậu với cha mẹ chồng. Điều đó đã trở thành quy định lễ tiết đối đãi với cha mẹ chồng của các công chúa Đại Đường.
Nguyên văn: “Con trai thượng thư Bộ Lễ Vương Khuê tên là Kính Trực, lấy con gái của Thái Tông là công chúa Nam Bình. Vương Khuê nói: Sách “Lễ ký” có lễ nghi con dâu bái kiến cha mẹ chồng, từ thời cận đại đến nay phong tục bại hoại, khi công chúa xuất giá, tiết lễ bái kiến cha mẹ chồng đều phế bỏ. Nay Hoàng đế anh minh, mọi hành vi đều tuân theo pháp chế, ta tiếp nhận sự bái kiến của công chúa, lẽ nào lấy đó làm vinh dự cho bản thân, chỉ lấy đó để tác thành cho mỹ đức của nước nhà mà thôi. Thế là ông cùng vợ ngồi lên ghế cha mẹ chồng, lệnh cho công chúa đích thân cầm khăn, hành lễ rửa tay ăn uống [1]. Làm lễ xong mới được lui ra. Thái Tông nghe nói khen hay. Từ đó về sau, công chúa được gả đến gia đình cha mẹ chồng đều phải giữ lễ tiết như vậy”.
Đoạn văn này nói: Kính Trực con trai của thượng thư Bộ Lễ Vương Khuê lấy con gái của Đường Thái Tông là công chúa Nam Bình. Vương Khuê nói: Sách “Lễ ký” có tiết lễ con dâu bái kiến cữu cô (là cách xưng hô thời xưa của con dâu với cha mẹ chồng). Nhưng gần đây, loại phong tục luân lý này bị suy bại và dần dần bị thay đổi, công chúa khi xuất giá đều bỏ qua những lễ tiết này. Bệ hạ thánh minh, mọi việc đều tuân theo chế độ pháp lệnh. Vì thế ta tiếp nhận lễ bái kiến của công chúa đâu chỉ là vì vinh hiển cho bản thân ta, làm như vậy thực ra là tác thành cho mỹ danh lễ nghĩa chi bang của Đại Đường”. Thế là vợ chồng Vương Khuê ngồi lên ghế trên của cha mẹ chồng để cho công chúa đích thân cầm khăn, hành lễ rửa tay ăn uống, làm lễ xong thì cho công chúa thoái lui. Đường Thái Tông nghe được việc này rất đồng tình. Về sau, hễ có công chúa đi lấy chồng thì đều phải tuân theo lễ tiết này để phụng dưỡng cha mẹ chồng.
Dạy công chúa lấy bản thân làm gương để giáo hóa bách tính
Đoạn văn này đã thể hiện rõ rằng, khi con trai Vương Khuê thành thân với công chúa, trước mặt mọi người trong gia đình, Vương Khuê đã công khai nói với công chúa và tất cả mọi người hiểu rõ dụng ý việc làm này của ông: Việc đó không phải là không tuân theo lễ tiết của quân thần mà cố ý thất lễ với công chúa, mà nếu đã gả vào một gia đình thường dân thì chính là thành viên của một gia đình bình thường, mà đã ở trong gia đình thường dân thì không thể dùng lễ nghĩa của quốc gia để đối đãi với công chúa, công chúa lúc này đã là con dâu trong gia đình, nên cần phải tuân theo đạo đức nhân luân của gia đình phổ thông, tôn trọng trưởng bối, làm theo đạo hiếu của con dâu, kính dưỡng cha mẹ chồng bằng lễ tiết tương xứng. Đây mới là đạo lý làm người của bề dưới.
Mỗi triều đại có quy định cụ thể về hành vi, nghi thức về lễ khác nhau, nhưng mục đích và căn cứ đều là để bảo vệ, gìn giữ luân lý đạo đức của con người. Con dâu là bề dưới cần tôn kính người già và bậc trưởng bối trong gia đình, điều này thể hiện sự duy hộ truyền thống kính già yêu trẻ của Trung Hoa.
Việc thần tử dám ngồi lên ghế trên của cha mẹ chồng để cho công chúa đích thân cầm khăn, hành lễ rửa tay ăn uống, đã chứng tỏ một cách sâu sắc rằng Thái Tông là một vị quân chủ nhân đức hiểu rõ đạo lý. Ông cũng hiểu rõ quy tắc về lễ của Đại Đường, hoàn toàn thuận theo đạo lý được chế định từ các kinh sách thời cổ đại. Cho nên Thượng Thư Bộ Lễ, trước nhất phải nói với Thái Tông rằng: thần làm thế là tuân theo chính lý của kinh sách mà làm, là thay cho quân chủ thi hành lễ nghĩa chân chính. Công chúa tự bản thân làm tốt thì cả đất nước sẽ trên làm dưới theo, tác dụng của việc làm của công chúa Đại Đường là có thể giáo hóa dân chúng, tiếng tốt này tất nhiên sẽ truyền rộng ra muôn phương, sẽ được mọi người khen ngợi và được người đời sau kính ngưỡng. Cho nên mới nói Đại Đường uy danh, hoàng gia và triều đình đều có thể lấy mình làm gương, tuân theo lễ tiết xưa, giữ vững luân lý đạo đức của con người. Nhờ thế mới có được đất nước phồn vinh.
Khi Thái Tông nghe được tin vợ chồng Vương Khuê ngồi lên ghế trên của cha mẹ chồng để cho công chúa đích thân cầm khăn, hành lễ rửa tay ăn uống, ông không chỉ không cho rằng việc đó là thần tử mạo phạm công chúa, mà đã rất vui vẻ tán đồng, vì thế, Thái Tông đã biến điều này thành quy định quốc gia để thống nhất làm theo. Mỗi công chúa khi xuất giá đều cần noi theo lễ tiết đó, tuân theo đạo làm con dâu, phụng dưỡng tốt cha mẹ chồng. Mục đích là nêu gương cho những người con gái trong thiên hạ, khởi tác dụng giáo hóa cho dân chúng hiểu việc tôn kính người già. Cho nên nói rằng, lễ tiết công chúa xuất giá phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, chính là thông qua câu chuyện này, dùng lý để thu phục lòng người, nhờ đó được Thái Tông tiếp thu, quy định thành lễ chế.
Cuốn “Trinh Quán Chính yếu” đáng quý ở chỗ đã nói cho mọi người rằng, mỗi chính lệnh được ban bố ra đều được nói rõ ngọn nguồn lý do, đều dùng lý để thu phục lòng người, đều dùng để giáo hóa bách tính, khiến mọi người hướng thiện. Các công chúa thời cổ đại hầu hết đều hiểu đại cục, hiểu rằng hành vi, ngôn từ của mình có liên quan đến danh dự quốc gia, liên quan đến việc giáo hóa đạo đức nhân dân, đó là do họ được giáo dục rất nghiêm khắc. Họ đều hiểu được trách nhiệm của bản thân.
Người thời cổ đại đọc sách hiểu được đạo lý, việc cha mẹ chồng tiếp nhận lễ nghĩa và sự đối đãi trọng hậu của con dâu hoàn toàn không phải là áp bức con dâu. Tư tưởng của việc này cũng giống như tư tưởng của Thượng Thư Bộ Lễ, là bậc cha mẹ, trưởng bối trong gia đình cần tuân theo những lời dạy thời xưa, phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái, để cho con cháu hiểu được tầm quan trọng của việc kính lão, làm gương cho các đời sau. Dùng trung hiếu để quản lý gia đình, đây đều là những điều vô cùng lý tính.
Qua lời nói của thần tử, chúng ta gián tiếp biết được việc Thái Tông tuân theo những kinh sách cổ, để công chúa tuân thủ lễ nghi, trở thành tấm gương cho thiên hạ. Vậy bản thân Thái Tông trực tiếp nhận thức về lễ như thế nào? Trong phần sau chúng ta sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này.
Lưu Như
Xem thêm: