Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P18)
Hai phần trước trong chương “Chính thể”, chúng ta mới thấy bàn về bổn phận đại sự của quân thần, nhưng chưa thấy bàn luận về việc Đường Thái Tông lắng nghe quần thần ra sao, do vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng xem xét cách làm cụ thể của Thái Tông. Bàn luận xong phần này, về cơ bản chúng ta có thể vận dụng vào việc tề gia.
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9,P10,P11,P12,P13,P14,P15,P16, P17
Thái Tông khiêm tốn, lễ nghĩa, lắng nghe lời trung ngôn của các bên
Thực ra, yếu lĩnh này nằm ngay ở đoạn đầu tiên của chương “Chính thể”. Chúng tôi đã đề cập rằng đây là cuốn sách lịch sử, sách lịch sử thì yêu cầu phải ghi chép chân thực, về cơ bản cuốn sách này cũng ghi chép theo trình tự trước sau của sự việc. Do sự kiện này xảy ra trong những năm đầu của thời Trinh Quán, lại là những điều răn dạy quan trọng nhất của đế vương trong việc làm thế nào để quân thần có thể làm tròn bổn phận của mình và dùng nhân đức để cai trị đất nước, vì thế mới đặt ở đoạn đầu tiên, chúng ta hãy xem nguyên văn đoạn này:
Những năm đầu thời Trinh Quán, Thái Tông nói với đại thần nghị chính thân cận Tiêu Ngu: “Trẫm từ thủa thiếu thời đã thích luyện võ, thích cung tiễn, tự cho là đã biết hết sự huyền diệu của nó, hiểu được chỗ tinh diệu của cung tiễn. Nhưng gần đây trẫm có được 10 cây cung thượng hạng, liền đưa chúng cho thợ làm cung tiễn xem, thợ làm cung tiễn xem xong rồi nói: “Tất cả đều là cung không tốt”. Trẫm hỏi nguyên nhân vì sao, người thợ làm cung nói: “Lõi gỗ không thẳng khiến thớ gỗ bị lệch. Cây cung loại đó tuy rằng khi bắn có lực mạnh nhưng tên bay không trúng đích, cho nên không phải là loại cung thượng hạng”. Qua việc này, Trẫm mới bắt đầu lĩnh ngộ ra chỗ thâm sâu ở trong đó. Trẫm dùng võ bình định bốn phương, có được thiên hạ, đã sử dụng qua vô số cung tên, nhưng dù đã có kinh nghiệm như vậy mà Trẫm vẫn không hiểu được chỗ huyền diệu của cung tên; càng không nói đến việc, Trẫm có được thiên hạ chưa lâu nên chắc chắn đối với đạo lý cai trị đất nước sẽ không nắm chắc bằng hiểu biết về cung tên. Tuy nhiên, dù là Trẫm quen thuộc với cung tên như thế nào thì vẫn có chỗ chưa nắm rõ, vậy thì đạo lý cai trị quốc gia sẽ thế nào đây?” Từ đó về sau, Đường Thái Tông định kỳ đều triệu kiến các quan lại từ ngũ phẩm trở lên trong kinh thành luân phiên ở trong Trung thư tỉnh, mỗi lần triệu kiến thì Thái Tông đều ban cho họ ngồi và cùng nói chuyện, đàm luận với họ rồi hỏi rõ chi tiết những việc ở bên ngoài, để hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân và sự được mất của việc giáo hóa.
Đoạn văn trên nói về việc Thái Tông làm thế nào thực thi cụ thể những yếu lĩnh trong việc trị quốc. Tác giả nêu rõ lý do căn bản Thái Tông định kỳ triệu kiến các quan ngũ phẩm trở lên trong kinh thành, thái độ tiếp đãi họ ra sao cũng như mục đích triệu kiến họ. Việc ghi chép này không giới hạn ở việc thông báo cho mọi người rằng Thái Tông vào năm nào đó đã ban bố chiếu lệnh nào đó bắt đầu triệu kiến các quan, bàn bạc việc quốc sự, mà chi chép rất rõ ràng lý do, mục đích và thái độ của Thái Tông.
Điều này giúp cho người đời sau biết rõ rằng, việc ban một loại chiếu lệnh nào đó không phải là điều quan trọng nhất, mà muốn cho mọi người biết vì sao ban chiếu lệnh đó. Nguyên nhân này mới là mấu chốt, nó nói lên rằng, là một Hoàng đế nên có thái độ khiêm tốn đối đãi với mọi người.
Thái Tông bản thân vốn võ công trác tuyệt, có thể nói là tinh thông cung tiễn, nhưng lại dám thừa nhận là kỹ thuật không bằng người, quả là vô cùng khiêm tốn, đồng thời cũng thể hiện ông không có thói quen xấu tự cho mình là nhất, ông rất biết lắng nghe và chắt lọc đạo lý của người khác, chỉ cần có lý ông sẽ tiếp thu và học theo, không những thế, ông còn có thể lĩnh ngộ được đạo trị quốc từ trong những ý kiến đó. Ông cho rằng bản thân mình không hiểu việc trị quốc, cần có sự chỉ dẫn, nhắc nhở của quan viên ở các nơi, như vậy có thể hạn chế xảy ra sai sót. Mức độ khiêm tốn, kính trọng người khác, phẩm đức không ghen ghét, đố kỵ hiền tài của Thái Tông mới là mấu chốt để triển khai việc cai trị bằng nhân đức. Muốn nghe được ý kiến các bên thì tất phải có phẩm hạnh như thế.
Tiếp đến, ông có thể dùng lễ để đối đãi với các quan viên của mình, bình dị gần gũi, bỏ qua thân phận bản thân, để thần tử được ngồi nói chuyện với mình, để họ yên tâm nói thẳng nói thật với mình như những người bạn. Điều này khiến mọi người rất cảm động. Vậy nên, ai mà không dốc lòng nói thẳng, không trung thành đáp lễ lại quân chủ của mình chứ? Lòng người sẽ thay đổi lòng người, có vị minh chủ nhân nghĩa, trân trọng mình, tự nhiên sẽ thu phục được lòng trung trinh của trung thần. Chính là nói đến đạo chiêu hiền đãi sỹ của bậc bề trên.
Cuối cùng nói đến mục đích của chiếu lệnh, để hiểu được tình hình bên dưới, nắm được một cách chính xác cái được mất của việc giáo dục, cần xem xem ở đâu xuất hiện vấn đề trong việc thực thi chính sách và giáo dục để kịp thời sửa chữa, giúp cho người dân trăm họ an cư lạc nghiệp.
Xem xét đạo vua tôi, vợ chồng và cha con
Nói đến đây, về cơ bản, lòng nhân ái, biết lắng nghe người khác cần thực hiện cụ thể thế nào đều đã được đề cập đến trong chương “Đạo làm vua” rồi, trên thực tế chính là thông qua nội dung trị quốc của quân thần, cũng chính là thông qua giác độ người làm vua, người làm thần tử nên làm sao để thực thi đạo nghĩa, thể hiện ra để người đời sau học tập. Vì vua là bậc bề trên, nên điều thể hiện ra là phẩm hạnh và mức độ tu dưỡng cụ thể của bậc bề trên, Nho gia định nghĩa nhân nghĩa như sau: nhân ái với người dân trăm họ, đối với dân như con, nhất mực quan tâm. Lấy nhân nghĩa làm gốc, dùng đạo hiếu làm gương, cũng giống như người cha trong gia đình.
Vua Thuấn đã dùng đạo đại hiếu để trị vì thiên hạ, đó chính là yếu lĩnh của đạo nhân nghĩa. Kể từ sau khi ông vạch ra đạo đức giáo hóa về đạo nghĩa nhân luân ngũ điển là phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu (cha nhân nghĩa, mẹ hiền từ, anh thuận hòa, em cung kính, con hiếu thảo), thì nó vẫn luôn trở thành bài học kinh điển về trị quốc của đế vương. Cho nên, đế vương nói đạo nhân nghĩa và đạo hiếu. Người cung kính, khiêm tốn, có lễ nghĩa, dùng đức trị quốc, thiên hạ đều tín phục. Vì thế thể hiện về mặt vua đối đãi tôi chính là câu mà Khổng Tử nói trong Luận Ngữ: “Quân sử thần dĩ lễ (Dịch nghĩa: Vua đối xử với thần tử bằng lễ)”.
Như vậy người làm thần tử, đương nhiên cần dốc lòng trung thành phò trợ, mấu chốt của trung thành là làm hết chức trách, nhiệm vụ, mấu chốt của làm hết chức trách, nhiệm vụ chính là không ngừng trợ giúp quân vương sửa lại những chỗ không hợp lý đã bị lệch khỏi quỹ đạo của việc cai trị nhân đức. Cho nên, phát hiện vấn đề cần dám bỏ qua an nguy cá nhân, nói lời chân thật nói lời trung thành, đó mới là trung thần chân chính, mới là trung quân ái quốc thực sự. Chứ không phải là nhẫn nhục chịu đựng một cách bất phân thiện ác thị phi, nịnh hót lấy lòng. Vì thế đằng sau câu “Vua đối xử với thần tử bằng lễ” của Khổng Tử chính là câu “Thần sự quân dĩ trung (Dịch nghĩa: Thần tử phụng sự vua bằng trung)”.
Lễ, tức là lý, nghĩa là hợp tình hợp lý, dù là quan tâm đến tình cảm, tâm lý của con người, quan tâm yêu thương con người, thì vẫn cần phải phù hợp với đạo lý, đó mới thuộc về Lễ thật sự. Lễ chính là biểu hiện bên ngoài của nhân nghĩa. Nhưng nó không chỉ nói về hình thức bên ngoài, mà là sự trân quý và kính trọng phát ra từ nội tâm, tức là đã có tình, lại có nghĩa, hành vi đúng mực, quang minh chính đại.
Vậy về đạo vợ chồng thì sao? Chuyện này càng đơn giản hơn, chồng yêu thương bảo vệ vợ, không rời bỏ vợ, đó là thể hiện chủ yếu của đạo nhân nghĩa trong gia đình. Người vợ thì hết lòng vào việc quản lý gia đình, gánh vác trách nhiệm cùng với người chồng nuôi dạy con cái, đó là thể hiện chủ yếu của lòng trung thành trong gia đình. Tương tự như thần tử của vua, người vợ cũng cần thẳng thắn trung trinh khuyên can những chỗ thiếu sót của chồng.
Vậy còn về cha con thì sao? Quan hệ cha con lại càng phải như thế, cha yêu con, con hiếu thuận với cha, đó mới là hiếu kính thật sự, cũng tương tự như trung thần vậy, vừa cung kính vừa chân thành khuyên ngăn, sách “Đệ tử quy” có viết: “Thân hữu quá, gián sử canh” “gián bất nhập, duyệt phục gián”, có nghĩa là nói cha mẹ nếu có sai, cần khuyên nhủ để cha mẹ sửa lại, nếu cha mẹ không nghe thì lần sau lại khuyên tiếp, lúc thấy tâm trạng tốt, lại khuyên nhủ tiếp. Chỉ là lúc khuyên thì cần “Di ngô sắc, nhu ngô thanh”, cần phải với nét mặt ôn hòa, âm điệu mềm dịu, chú ý phải có lễ tiết của người trên.
Có thể thấy, phim cổ trang của Trung Quốc ngày nay, diễn những màn đấu đá trong cung vua và trong gia tộc đều là bóp méo sự thật, mục đích khiến người Trung Quốc hiểu sai, chán ghét từ đó vứt bỏ lịch sử văn hóa của dân tộc, biến tranh đấu và thù hận thành chủ đề của những tác phẩm văn hóa sai lầm. Nhìn vào bất cứ dân tộc nào trên thế giới, những điều họ ca ngợi đều là những mặt đáng tự hào của dân tộc mình, riêng chỉ có các tác phẩm văn nghệ của Trung Quốc mới đưa những mặt trái đen tối trở thành chủ đề sáng tác, thực sự đi ngược lại với lễ nghĩa, tình người, nếu không phải là do tiếp nhận sự giáo dục một cách có hệ thống về sự thù hận đối với văn hoá Trung Quốc, thì ai có ác tâm làm như vậy?
(còn tiếp)
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P19)
Lưu Như
Quý vị tham khảo bảo gốc từ Chanhkien.org
Xem thêm: