Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P14)
Xem lại: P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11, P12, P13
Đối với vấn đề sa thải những nhân viên lớn tuổi, tiếp theo câu chuyện về Matsushita Konosuke, tôi sẽ kể tiếp một sách lược của thời Xuân Thu Chiến Quốc, có thể nói là một biện pháp thường được sử dụng để ứng cứu khẩn cấp, nhanh chóng giúp dân giàu nước mạnh.
Nhưng điều mà tôi hy vọng bạn tôi hiểu được không phải là bản thân sách lược hay phương pháp, mà cần nhận ra đạo lý căn bản đằng sau sách lược đó. Như thế mới có thể học và vận dụng được, có thể căn cứ vào tình huống thực tế của công ty để linh hoạt đưa ra phương án phù hợp.
Gợi ý từ giai đoạn lịch sử Xuân Thu Chiến Quốc
Khi con người ở trong hoàn cảnh khó khăn thì thường sẽ vội vàng đi tìm giải pháp khẩn cấp giúp mình nhanh chóng vượt qua khó khăn. Vì thế, các biện pháp trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, các sách lược mà các nước chư hầu dùng để đối phó với vận mệnh tồn vong của quốc gia trong thời kỳ này vô cùng phù hợp với sự cạnh tranh trên thương trường ngày nay.
Vậy nên tôi đã nói với anh ấy như sau: “Thực ra khi xem lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc, mọi người đều biết rằng thời Xuân Thu Chiến Quốc gồm thời Xuân Thu Ngũ Bá và thời Chiến Quốc Thất Hùng, trong thời kỳ này chiến tranh lúc nào cũng có thể xảy ra, các nước yếu đều lần lượt bị thôn tính, mọi quốc gia đều muốn trở nên hùng mạnh để tránh khỏi bị tiêu diệt cho nên đã sử dụng rất nhiều sách lược. Trong đó sách lược được sử dụng phổ biến nhất là chiêu nạp người hiền tài.
Bạn có biết trong tình huống như vậy, vua của các quốc gia này phải lắng nghe, quan tâm biết bao nhiêu việc không? Khi thì vì bản thân ở thế yếu nhược, khi thì vì để cứu mạng của mình, họ phải rất lắng nghe, cũng rất khiêm nhường đối đãi với các nhân sỹ hiền tài. Thậm chí có vị vì để nhanh chóng chiêu mộ được người hiền tài trong thiên hạ mà có thể sử dụng đối sách hạ mình để chiêu hiền đãi sỹ, cũng chính là muốn nhanh chóng truyền bá cho người trong thiên hạ biết về tấm lòng quý trọng người hiền tài, cầu hiền tài như khát nước của mình. Theo ngôn ngữ hiện nay thì việc này chính là để trong một thời gian ngắn có thể tuyên truyền, quảng cáo hiệu quả, họ thậm chí còn nghĩ đến việc đối xử với một người già xem ra rất đỗi bình thường như khách quý, còn cung kính cho họ đãi ngộ rất lớn. Như vậy, tin tức này sẽ truyền khắp thiên hạ, người tài sẽ lũ lượt đến, biết rằng vị quốc vương này có thể thu nhận họ, giúp họ có cơ hội thi triển tài năng của mình. Cũng tức là, mọi người khi thấy ông lão kia rõ là không có tài năng gì mà còn được đối đãi, họ thấy được sự kính trọng người hiền tài của vị vua kia, thì những người tài cán không gặp thời trong thiên hạ tất nhiên sẽ cảm động, trong tâm họ nghĩ khả năng của tôi tốt hơn ông lão kia rất nhiều, như thế họ sẽ chủ động tìm tới. Điều này nói lên rằng, để chiêu mộ người tài thì nhà vua đã đặt một ông lão lên vị trí rất cao, rồi đem tuyên truyền ra, để được tiếng là hạ mình chiêu hiền đãi sỹ, cách làm này chính là sách lược giúp nhanh chóng tìm người hiền tài”.
Kể xong câu chuyện này, tôi nhắc nhở bạn tôi rằng, tôi không có ý bảo anh phải đối đãi với người nhân viên lâu năm ở công ty theo cách như vậy, cũng cho ông ấy chức vị và đãi ngộ rất cao. Điều tôi muốn nói là, qua sách lược khẩn cấp này chúng ta nên nhận ra nguyên nhân căn bản khiến sách lược này thực sự có hiệu quả nằm ở đâu.
Thực ra dù cách làm cụ thể thế nào thì tâm lý con người đều giống nhau, người ta đều có xu hướng kính trọng, yêu quý bản thân, khi được người khác yêu thương, được người khác trân trọng, được người khác tôn trọng và đối xử lễ nghĩa thì mọi người đều cảm động. Điều thực sự khiến người khác cảm động chính là lòng kính trọng, lễ độ của bạn dành cho họ. Nhưng trong giai đoạn lịch sử đó, thiện tâm vốn được coi là thái độ đúng mực này lại bị vận dụng như một mưu lược. Nếu chỉ coi cách làm này là một sách lược khẩn cấp, vậy thì sau này sẽ dẫn đến hậu quả là rất nhiều vị vua khi đã vượt qua được khó khăn, hoặc khi đã trở thành bá chủ chư hầu rồi sẽ bắt đầu ngạo mạn an dật, dương dương tự đắc cho mình là đúng, tham lam hưởng lạc, thậm chí sẽ vắt chanh bỏ vỏ, qua cầu rút ván.
Khi không có kẻ địch uy hiếp bản thân thì cũng sẽ không chăm lo việc nước, tự nhiên sẽ trở nên lạnh nhạt thậm chí là giết hại công thần, cũng sẽ dẫn đến hiện tượng có thủy không có chung, như thế sẽ lại nhanh chóng suy bại. Chính vì nguyên nhân này mà rất nhiều vị vua lúc đầu không thực tâm kính trọng người hiền tài, nhưng đã coi đây là sách lược để sử dụng.
Chúng ta khi đọc sử sách, học những sách lược cụ thể này, tất nhiên không sai, chí ít khi gặp vấn đề trong cuộc sống có thể lấy ra tham khảo, nhưng chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những biện pháp cụ thể đó, mà còn phải thông qua những sách lược cụ thể này để lĩnh ngộ được bản chất của nó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hiểu rõ làm sao để vận dụng vào thực tiễn.
Khi xử lý việc công ty, làm thể nào để khéo léo vận dụng các sách lược trong lịch sử
Ở công ty, bạn tôi phải tự mình ra quyết định, công ty có đang mở rộng kinh doanh, tuyển dụng người tài, hay chỉ là xử lý một vấn đề rất nhỏ về nhân viên, đều phải giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ công ty. Tôi không tiện hỏi hay nghe ngóng cụ thể, chỉ nói với anh ấy rằng, hy vọng anh ấy có thể thành tâm đối đãi với nhân viên của mình, đừng cố chấp vào sách lược nào đó. Nếu người nhân viên lâu năm vẫn có thể sử dụng được, đạo đức người ấy cũng không có vấn đề gì lớn, nếu như công ty của anh ấy thực sự hướng tới mục tiêu kinh doanh vì giá trị nhân sinh cao đẹp, cống hiến cho xã hội và nhân dân, mà không phải chỉ cầu danh lợi nhất thời, vậy thì mỗi việc đều có thể trở thành hảo sự.
Nếu công ty có thể điều chỉnh vị trí cho người nhân viên lớn tuổi đó, đối xử với người nhân viên đó bằng sự chân thành, cởi mở và công bằng, nói rõ cho ông ấy lý do và cái khó của lãnh đạo khi đứng trên phương diện toàn thể công ty để xử lý việc này, đồng thời cũng nghĩ đến cuộc sống của ông ấy, hiểu khó khăn của ông ấy khi phải nuôi sống gia đình, hy vọng ông ấy có thể phối hợp với lãnh đạo, dùng ngữ điệu khiêm nhường, kính trọng cảm tạ ông ấy vì đã cống hiến cho công ty những năm qua, chắc hẳn rằng người nhân viên lớn tuổi đó sẽ hiểu được và cũng sẽ cảm động.
Về phần những người trẻ tuổi tài năng đang có hiềm khích với người nhân viên lớn tuổi đó, cũng có thể nói rõ chí hướng và nguyên tắc của ban lãnh đạo công ty, đó là hy vọng họ coi nhân viên trong công ty như người nhà, quan tâm lẫn nhau, nếu cứ thấy người ta già rồi, không còn hữu dụng thì không cần họ nữa, cũng không quan tâm đến việc họ phải nuôi sống gia đình, như vậy sẽ thành người kinh doanh thấy lợi mà quên mất nghĩa. Người ta đến lúc già có thực sự mong rằng sẽ bị người trẻ đối xử như thế không?
Khi nói rõ nguyên tắc đạo nghĩa vì sao không sa thải người nhân viên lớn tuổi đó ra thì mọi người cũng có thể suy nghĩ một cách lý trí, đồng thời qua cách xử lý tình huống cụ thể này các nhân viên sẽ thấy được sự quan tâm của lãnh đạo công ty với mọi người, tự bản thân họ sẽ đưa ra quyết định. Những người có thể ở lại chính là những nhân tài trung nghĩa, cùng chung chí hướng. Họ sẽ cảm động bởi thái độ đối xử với người nhân viên lớn tuổi của công ty, từ đó hiểu rõ tại sao mình cần ở lại công ty, có cần tuân theo nguyên tắc, đạo nghĩa của công ty hay không. Tôi tin rằng rất nhiều người sẽ lựa chọn ở lại công ty, vì dù sao thì có ai mà không hy vọng tìm được một công ty đối xử chân thành với mình?
Cho nên dù là mâu thuẫn hay khó khăn, xử lý tốt thì chính là một cơ hội để vượt qua khảo nghiệm cuộc đời, một cơ hội để thực hành triết lý kinh doanh của mình, tất nhiên cái được chính là lòng người quy thuận, nước chảy thành sông, thuận lý thành chương, lợi ích lâu dài.
Xây dựng sứ mệnh của công ty, danh có chính thì ngôn mới thuận
Nói đến đây, có một vấn đề đột nhiên xuất hiện, đó chính là nguyên tắc hay là tôn chỉ danh chính ngôn thuận. Danh không chính thì ngôn không thuận, đây là lời dạy của Khổng Phu tử. Nếu không lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc thì khi xử lý sự việc rất khó công chính, rất khó thẳng thắn và thuận lợi; còn nếu lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc làm người thì dù vấp phải vấn đề nan giải, phức tạp đến đâu cũng sẽ tự nhiên có cách giải quyết, cách giải quyết này lại có thể hóa giải được mâu thuẫn. Chính vì dựa trên công bằng, công chính nên mọi lời nói đều có thể dựa trên lý lẽ, tất nhiên sẽ khiến người ta tâm phục khẩu phục, cho dù có người vì thế mà rời khỏi công ty thì cũng không oán hận, mà vì họ hiểu bản thân không cùng chí hướng với công ty.
Vì thế, suy cho cùng, cuộc đời con người dù làm kinh doanh hay bất cứ sự nghiệp gì, ngay từ đầu đã cần phải đi cho chính, cho đúng đắn, dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn nào thì cũng cần kiên định, giữ vững nguyên tắc. Có như vậy mới giữ được chữ tín và danh dự dựa trên cơ sở đạo nghĩa, chữ tín và danh dự này mới là tài sản chân chính. Hơn nữa trong tương lai dù công ty có gặp phải vấn đề nào cũng sẽ không bị lúng túng. Vì thế, nếu có thể, tôi khuyên anh bạn nghĩ cách để công ty có một nguyên tắc rõ ràng. Anh ấy rất vui, nói rằng mình đã đột nhiên tỉnh ngộ, đã hiểu rõ nên làm thế nào.
Lúc chia tay, tôi lại dặn dò anh dù tham khảo bất cứ cách làm của thời đại nào cũng phải nhìn rõ bản chất. Mỗi cách làm cụ thể, dù là cách làm của bách gia chư tử, đều có giá trị tham khảo, nhưng phải dùng sao cho có đạo lý, sách lược giống như con dao phẫu thuật vậy, cần phải dùng để làm việc tốt, không được dùng làm việc xấu. Đồng thời không thể xem nhẹ thực tiễn. Mỗi thời đại đều cần căn cứ vào thực tiễn của thời đại đó để đưa ra quyết sách, vì thế chúng ta cũng cần căn cứ vào hiện trạng của bản thân để xem xét, không thể áp dụng rập khuôn.
Giải quyết xong vấn đề của người bạn, tôi càng ý thức được tầm quan trọng của việc đọc và học sử sách. Lịch sử chính là tập hợp những bài học nhân sinh thực tiễn của con người ở các thời đại đúc kết lại, những kinh nghiệm và trí tuệ, những bài học chính diện và phản diện đều chứa đựng trong đó. Chúng ta không thể không biết. Chỉ đáng tiếc là giáo dục ngày nay đã không còn hiểu việc học lịch sử như thế nào nữa, thậm chí không hiểu được vì sao cần phải học lịch sử, vì vậy rất nhiều người đi làm ở công ty, bị những mâu thuẫn giữa người với người làm hao tổn tinh thần, không có chủ kiến và năng lực phán đoán, gây nên các tổn thương về tinh thần, cũng vì thế mà sinh ra nghề bác sỹ tâm lý.
Vậy thì phần sau quay về với Trinh Quán Chính yếu, mọi người sẽ thấy rằng, khi nói về đạo làm vua phải nhân đức và biết lắng nghe những ý kiến khác nhau, Ngụy Trưng muốn nhắc nhở Đường Thái Tông rằng đạo làm vua cần phải có thủy có chung, trước sau như một. Như vậy sẽ không coi biện pháp dùng nhân đức, lễ nghĩa chiêu hiền đãi sỹ là sách lược khẩn cấp, mà phải biến nó thành tôn chỉ và đạo lý mà bậc quân vương thực tâm tuân theo.
(còn tiếp)
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P15)
Do Lưu Như thực hiện
Theo Chanhkien.org
Xem thêm: