Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P10)
Ở Nhật Bản, nói đến quản trị doanh nghiệp hay kinh tế học có khái niệm mục đích và mục tiêu. Người Nhật cho rằng mục đích liên quan đến giá trị quan về “đức”, còn mục tiêu chỉ những điểm mốc mà mỗi giai đoạn cần đạt đến để thực hiện được mục đích. Mục tiêu là phương pháp, chứ không phải là mục đích cuối cùng. Lý giải khái niệm này như thế nào? Nó có quan hệ gì với người bình thường chúng ta và có quan hệ gì với tôn chỉ trong Trinh Quán Chính Yếu?
Xem lại: P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9
Nhìn từ mục đích và mục tiêu học tập của trẻ em
Chúng ta hãy lấy ví dụ về giáo dục trẻ em, ví như trẻ nhỏ đi học, có đứa trẻ rất may là vì từ nhỏ khi học trung học đã thấy bố mình làm bác sỹ, làm công việc chữa bệnh cứu người, nên dần dần ý thức được rằng công việc này rất ý nghĩa, có thể cứu giúp cho rất nhiều người. Nên từ trung học nó đã định ra chí hướng tương lai mình phải trở thành một bác sỹ, mục đích là thông qua công việc bác sỹ đạt được ý nghĩa đời mình, theo cách nói của những nho sinh thời xưa là bằng con đường làm bác sỹ để hoàn thành chí hướng cứu giúp người dân, thực hiện ý nghĩa đời người của mình, đó là mục đích. Vậy là đứa trẻ đã này có mục đích, vậy thì cần phải bắt đầu vạch ra mục tiêu kế hoạch cho mỗi giai đoạn, mục tiêu lớn nhất tất nhiên là trở thành bác sỹ, nếu không sẽ không có tư cách hành nghề y cứu người. Như vậy để có thể hành nghề y thì phải thi vào trường đại học y hoặc trường đại học có khoa y, do vậy thi vào đại học y trở thành mục tiêu học tập ở trường trung học phổ thông, vì thế bước đầu tiên khi kết thúc trung học cơ sở chính là phải thi vào một trường trung học phổ thông để sau này có thể thi được vào trường đại học y.
Thế là trung học phổ thông, đại học y, bác sỹ đã trở thành những điểm mốc phải đi qua để đạt được mục đích chữa bệnh cứu người. Nếu ngay cả chữa bệnh cứu người cũng là mục tiêu, thì như vậy mục đích cuối cùng chính là thông qua việc chữa bệnh cứu người để thực hiện được ý nghĩa nhân sinh của đời này, trở thành ý nghĩa sống của đời này. Con đường đi từ trung học phổ thông, đại học, thậm chí đến công việc bác sỹ, đều xoay quanh mục đích này, đều là phương thức và biện pháp cụ thể để thực hiện ý nghĩa cuộc đời.
Nếu xa rời mục đích này mà nói về mục tiêu và biện pháp thì sẽ rất rối loạn, cuộc đời con người tất nhiên sẽ không có phương hướng và chỗ dựa, đứa trẻ sẽ không còn nhiệt tình học tập, đây cũng chính là lý do căn bản vì sao rất nhiều người sau khi lên đại học, hoặc đã đi làm, thậm chí đã có được một chút thành tựu, sự nghiệp thành đạt rồi, lại quay sang chìm đắm trong hưởng thụ tiền bạc, nhưng tâm hồn vẫn cảm thấy trống rỗng. Đây cũng chính là lý do vì sao từ nhỏ cần phải xác lập một giá trị quan sống lấy đức làm căn bản.
Việc này cũng giống như viết một bài văn, không xác định mục đích chính cần biểu đạt đã bắt đầu viết, thì cũng thành như quyển số ghi chép, liệt kê rất nhiều luận điểm, vô cùng rối loạn. Còn khi đã xác lập được mục đích chính cần biểu đạt, sau đó thu thập tài liệu, xác định lối viết, thậm chí nhắm vào năng lực tiếp thu và nhu cầu của đối tượng người đọc mà cân nhắc, rồi mới sắp xếp bài văn thì bài văn viết ra sẽ rất mạch lạc.
Cũng tức là nói, chúng ta không phải vì thi đại học mà thi đại học, cũng không phải là vì viết văn mà viết văn, nếu không có chút giá trị nào với nhân loại, nếu không thể thông qua thi đại học hay viết văn để xử lý những vấn đề nhất định của con người, thì việc thi đại học hay viết văn đó sẽ không có giá trị, điều này cần phải suy nghĩ kỹ trước khi thi đại học hay cầm bút viết.
Doanh nghiệp kinh doanh kiếm lợi nhuận không phải là mục đích
Cũng với lý thuyết đó, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cũng là biện pháp để đạt được mục đích của doanh nghiệp. Rất nhiều người vào công ty, lúc đầu chỉ vì cuộc sống, điều này cũng không có gì đáng trách, nuôi sống gia đình cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm đầu tiên mỗi người cần phải làm. Nếu chỉ vỏn vẹn lấy đó làm ý nghĩa cuộc sống của mình, vậy cũng được, mỗi người mỗi chí hướng, không có phân đúng sai tuyệt đối. Tuy nhiên trong thực tế dường như đại đa số mọi người sẽ không chỉ dừng ở đây, ít nhiều đều đã từng nghĩ về mục đích sống của đời mình.
Không ít người sau khi có được chút thành tựu nhỏ hoặc trở thành quản lý cấp cao, cũng tức là sau khi dùng kỹ năng chuyên môn và tri thức của bản thân để hoàn thành những mục tiêu do công ty đặt ra, ví dụ như làm ăn dần có lãi, sau vài năm lãi được bao nhiêu, đạt được vị trí lãnh đạo, rất nhiều người đột nhiên từ trạng thái căng thẳng được thả lỏng, lại bỗng chốc mất đi mục tiêu, cảm thấy vô cùng trống trải, mất đi động lực. Điều đó nói lên rằng, họ không biết bản thân mình vì sao lại quản lý kinh doanh.
Khi nghiên cứu vấn đề này, giới học thuật Nhật Bản đã thảo luận về vấn đề tồn tại phổ biến này. Họ nhận thấy những người có triết lý doanh nghiệp, biết dùng hình thức doanh nghiệp để hoàn thành ý nghĩa cuộc đời mình, cống hiến cho xã hội, thì sẽ quan tâm tới vấn đề và nhu cầu của người khác, có tầm nhìn khoáng đạt, suy nghĩ đến lợi ích chung của mọi người, nghĩ cho người khác thay vì bản thân mình. Doanh nghiệp như vậy vĩnh viễn sẽ không bị xã hội đào thải. Vì thế điều mà một số doanh nghiệp sau nhất phải nghĩ đến không phải là kiếm được bao nhiều tiền, mà là vì sao phải kiếm tiến, kiếm được tiền rồi thì làm sao để quay trở lại phục vụ và cống hiến cho xã hội.
Đây không phải là một khẩu hiệu cao đẹp mà là ý nghĩa và mục đích tồn tại lâu dài; cũng là đảm bảo căn bản để người làm kinh doanh không mất đi mục tiêu và động lực của mình. Đây là bài học và kinh nghiệm mà rất nhiều nhà kinh doanh và nhà tư bản công nghiệp Nhật Bản thời gian dài đúc kết được. Nếu chỉ vì hưởng thụ cá nhân hoặc vì công danh, một khi có được chút thành tựu nhỏ thì sẽ mất đi mục tiêu, bắt đầu vênh vang, phóng túng, công ty chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài.
Đạo làm vua mà Đường Thái Tông coi trọng nhất
Vậy thì nói đến vấn đề hiện nay, quay trở lại xem Trinh Quán Chính Yếu, chúng ta sẽ hiểu ra chương đầu tiên của cuốn sách giảng về nguyên nhân của đạo làm vua. Hơn nữa bốn chữ “vi quân chi đạo” (đạo làm vua) này, giống như cách viết “vi chính dĩ đức” trong Luận ngữ, khai bút chính là lời của Đường Thái Tông. Chúng ta cùng xem đoạn đầu tiên trong chương thứ nhất “Đạo làm vua”:
Đầu những năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông bảo các đại thần thị tòng:
– Đạo làm vua là phải bảo tồn dân trước nhất, nếu hại dân để nuôi mình thì giống như cắt thịt đùi mình lèn bụng, bụng tuy no đầy nhưng người sẽ chết. Nếu muốn yên thiên hạ thì trước nhất bản thân phải có hành vi đúng đắn. Chẳng bao giờ có chuyện thân ngay mà bóng cong, trên trị vì tốt mà dưới hỗn loạn. Ta thường nghĩ, cái làm tổn thương bản thân ta không xuất phát từ vật ngoài thân, mà phần lớn là tai họa do các sở thích và ham muốn gây nên. Nếu quá yêu thích của ngon vật lạ, chìm đắm trong tửu sắc thì ham muốn nhiều ắt cũng tổn thương lớn. Điều này vừa có hại đến việc trị nước, vừa phiền nhiễu dân. Huống chi lại nói ra những điều trái đạo lý thì sẽ khiến lòng dân ly tán, oán hận sản sinh, việc phản nghịch cũng xuất hiện. Cứ nghĩ đến những điều này ta lại không dám buông thả ham muốn để theo đòi hưởng lạc.
Quan Gián nghị đại phu Ngụy Trưng đáp lời:
– Bậc minh quân thời xưa phần lớn biết tu dưỡng bản thân nên có thể trông xa thấy rộng. Xưa nước Sở tuyển dụng Chiêm Hà, hỏi ông đạo trị nước. Chiêm Hà dùng phương pháp chú trọng tu dưỡng phẩm đức bản thân để trả lời. Vua Sở lại hỏi hiệu quả trị nước ra sao? Chiêm Hà đáp: “Chưa từng nghe nói phẩm hạnh bản thân đứng đắn mà nước nhà vẫn rối ren”. Điều bệ hạ hiểu quả thực phù hợp với đạo lý cổ xưa.
Qua đoạn văn này, có thể thấy đây là đoạn đối thoại giữa Đường Thái Tông và Ngụy Trưng, Thái Tông bắt đầu từ đạo làm vua, có thể thấy điều ông nghĩ đến đầu tiên là tôn chỉ làm vua, đó chính là trước tiên nghĩ đến dân, sau mới nghĩ đến mình. Đây là thể hiện cụ thể của việc lấy đức trị quốc. Nếu không sẽ hại người hại mình, đi đến diệt vong. Cho nên để ổn định thiên hạ, điều quan trọng trong trị quốc chính là trước tiên tu chính bản thân, cảnh giác với những nguy hại do hưởng thụ và an dật đem lại.
Bản thân mình tu tốt rồi, hiểu được nhân ái, quan tâm che chở người dân rồi, việc tuyển chọn người hiền tài cùng các chính sách, mục tiêu cụ thể của đất nước đều sẽ xoay quanh cuộc sống mưu sinh của người dân, quốc gia tự nhiên sẽ thịnh trị, người dân yên ổn, thiên hạ thái bình. Tôn chỉ trị quốc của Thái Tông ngay từ đầu đã rất rõ ràng và đúng đắn, nhờ con đường thông suốt nên đã tạo nên thời kỳ thịnh thế xưa nay chưa từng có.
Tư tưởng thể hiện ở đây, dù là Thái Tông hay là Ngụy Trưng, đều là tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ” của Tăng Tử. Mà tư tưởng này, vốn là sở học thân truyền từ đạo hiếu mở rộng đến đạo trị quốc mà Khổng Tử giảng cho Tăng Tử. Lấy nhân đức làm cốt lõi (mọi người có thể tham chiếu chương đầu tiên – “Học nhi thiên” của Luận ngữ. Tôn chỉ căn bản của nho học chính là ở phần đầu của mấy đoạn này.)
Cho nên trong quản trị kinh doanh, cốt lõi cao nhất chính là đức, điều trước tiên và sau nhất mà doanh nghiệp phải suy nghĩ đến chính là lợi ích đối với xã hội, chứ không phải lợi ích của con người. Coi đó là mục đích kinh doanh mới có thể đắc nhân tâm, mới có thể bền vững lâu dài, mới không bị mất đi phương hướng, chỉ nhìn cái lợi trước mắt. Cuộc đời mỗi con người cũng như thế.
Xem thêm:
Đàm luận về ‘Trinh Quán Chính Yếu’ – Sách giáo khoa dành cho đế vương (P11)
Làm việc nghĩa là đạo của người quân tử
Tác giả: Lưu Như
Theo Chanhkien.org