Đài Loan: Một số tổ chức biểu tình phản đối hiệp định thương mại dịch vụ với Trung Quốc cộng sản
Mới đây, Hiệp định Thương mại Dịch vụ Xuyên Eo biển đã trở thành một chủ đề nổi cộm trong thời gian chạy nước rút chuẩn bị bầu cử quốc gia đầu năm 2024 của Đài Loan, khi các ứng cử viên từ các đảng khác nhau được khuyến khích bày tỏ lập trường của mình trước công chúng.
Các nhóm chuyên gia đã phản đối thỏa thuận nói trên với Trung Quốc, vốn đã và đang chờ đợi Lập pháp Viện Đài Loan phê chuẩn trong gần một thập niên.
Hôm 07/07 và 11/07, ngành làm đẹp và làm tóc của Đài Loan, các bác sĩ Trung y truyền thống, các công ty dược phẩm Trung-Tây y đã tập hợp trước Lập pháp Viện để kêu gọi các nhà lập pháp không thông qua hiệp định này, vốn đã được cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu ký kết với chế độ cộng sản Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng nếu hiệp định thương mại dịch vụ này có hiệu lực, thì vốn và nhân sự Trung Quốc sẽ có thể tiến vào Đài Loan, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của hòn đảo.
Ngày 21/06/2013, tại Thượng Hải, hiệp định thương mại dịch vụ này đã được ký kết nhằm mở cửa thương mại giữa Trung Quốc cộng sản và Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) trong các ngành dịch vụ như ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, du lịch, phim ảnh, viễn thông, và xuất bản.
Hiệp định này là một trong hai hiệp định tiếp theo được lập kế hoạch sau hiệp ước thương mại tự do Hiệp định Khung Hợp tác Kinh tế năm 2010; hiệp định còn lại là Hiệp định Thương mại Hàng hóa Xuyên Eo biển đã không được đàm phán vì vấp phải sự phản đối của công chúng.
Thỏa thuận dịch vụ này chưa được phê chuẩn vì công chúng ở Đài Loan không chấp nhận; việc ông Mã ký hiệp ước này với Trung Quốc trong âm thầm được xem là hành động phi dân chủ.
Khi hiệp ước này được gửi đến Lập pháp Viện của Đài Loan để xem xét và phê chuẩn vào ngày 17/03/2014, ông Trương Khánh Trung (Chang Ching-chung), một nhà lập pháp thân Trung Quốc của Quốc Dân Đảng, đã cố gắng làm cho hiệp ước này tự động có hiệu lực bằng cách thông báo rằng thông qua một chi tiết chuyên môn trong luật pháp Đài Loan, việc xem xét thỏa thuận thương mại dịch vụ đã vượt quá 90 ngày, như thế được xem là bước thẩm định đã hoàn tất và thỏa thuận này phải được gửi đến Lập pháp Viện để lưu trữ hồ sơ.
Điều đó đã làm dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ, được gọi là “Phong trào Hoa Hướng Dương.” Sau đó, hiệp định thương mại dịch vụ và hiệp định thương mại hàng hóa có liên quan đều đã được ký kết.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Đài Loan hiện đang diễn ra, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Nhân Dân Đài Loan Kha Văn Triết (Ko Wen-je) và ứng cử viên tổng thống thuộc Quốc Dân Đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) đã nói rằng quá trình phê chuẩn hiệp định thương mại dịch vụ nên được bắt đầu lại.
Hôm 07/07, những người hành nghề và đại diện của ngành làm đẹp và làm tóc của Đài Loan đã phản đối thỏa thuận này bên ngoài Lập pháp Viện.
“Thỏa thuận này đã bị ngành phản đối hơn 10 năm trước,” ông Trần Đức Sinh (Chen Desheng), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Làm đẹp cho Phụ nữ tại Đài Bắc cho biết. “Nếu họ thực sự thông qua hiệp định thương mại dịch vụ này, thì tất cả các doanh nghiệp làm đẹp và làm tóc ở Đài Loan sẽ cùng nhau xuống đường biểu tình.”
Hôm 11/07, những người đại diện của các bác sĩ Trung y cổ truyền và các công ty dược phẩm Trung-Tây y của Trung Quốc đã đến Lập pháp Viện để bày tỏ sự lo lắng của họ. Ông Trần Bác Uyên (Chen Po-yuan), tổng thư ký Liên đoàn Quốc gia các Hiệp hội Bác sĩ Trung y Truyền thống của Trung Hoa Dân Quốc, cho biết nếu thỏa thuận thương mại dịch vụ được thông qua, thì nó sẽ gây ra sự hỗn loạn trong ngành Trung y cổ truyền của Đài Loan, phá hủy hệ thống y tế ổn định và có nền tảng lâu đời, cũng như giảm chất lượng chăm sóc y tế của Đài Loan.
Ông Tiêu Hoành Chí (Hsiao Hung-chih), một đại diện ngành y dược truyền thống, cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép các nguồn lực của Trung Quốc tràn vào, gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành Trung y và Tây y của Đài Loan.
Con ngựa thành Troy của ĐCSTQ
Luật sư Trần Di Thân (Chen Yishen), một nhà bình luận chính trị, nói với The Epoch Times rằng khi ông Mã ký thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông đã hy vọng có thể giúp nền kinh tế của Đài Loan hội nhập chặt chẽ hơn với nền kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng trên thực tế, hành động này đã rơi vào bẫy chiến lược của ĐCSTQ, đó là tìm cách “dùng kinh tế để cưỡng ép hợp nhất,” tức là thông qua hiệp định thương mại dịch vụ này để kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế của Đài Loan, khi đó người Đài Loan sẽ buộc phải chấp nhận “sự hợp nhất trong hòa bình” của ĐCSTQ.
Ông Trần cho biết lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình muốn thôn tính Đài Loan, nhưng ông biết rằng “hợp nhất” bằng vũ lực sẽ bất thành, vì vậy ông ấy đã nhắc lại “sự hợp nhất trong hòa bình” tại đại hội Đảng toàn quốc hồi năm ngoái (2022).
Ông Trần cho biết nếu thỏa thuận thương mại dịch vụ này được thông qua, thì đó có thể là “con ngựa thành Troy của ĐCSTQ” vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đài Loan.
Ông nói: “Bởi vì việc mở cửa cho vốn và nhân sự Trung Quốc vào Đài Loan sẽ giúp cho các đặc vụ của ĐCSTQ cũng dễ dàng lẻn vào hơn. Về sau, họ có thể nộp đơn xin trở thành công dân của Trung Hoa Dân Quốc [Đài Loan], điều này sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử của Đài Loan. Hiệp định thương mại dịch vụ này cũng mở đường cho vốn và nhân tài của Đài Loan chảy sang Trung Quốc, làm suy yếu nền kinh tế Đài Loan và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”
Anh Phó Thang (Fu Tang), một công dân Hồng Kông sống lưu vong ở Đài Loan, cho biết Đài Loan nên cẩn thận với thỏa thuận thương mại dịch vụ giống như “con ngựa thành Troy” của ĐCSTQ. Anh nói với The Epoch Times rằng Đài Loan đã bị ĐCSTQ thâm nhập rất sâu và những gì đã xảy ra với Hồng Kông nên là một câu chuyện cảnh báo cho người dân Đài Loan.
“Vào thời điểm diễn ra phong trào luật dẫn độ chống ĐCSTQ ở Hồng Kông vào năm 2019, người Hồng Kông nhận thấy ĐCSTQ đã kiểm soát đến gần 70% nền kinh tế, giới doanh nghiệp, và chuỗi thực phẩm của Hồng Kông,” ông nói. “Nếu người Hồng Kông phản kháng, thì [ĐCSTQ] sẽ cắt nguồn cung cấp các nguồn lực đó cho Hồng Kông, khiến người dân phải quỳ gối xuống mà cầu xin họ.”
Trong một bài diễn thuyết về kinh tế và chính trị do Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan tổ chức, ông Hồng Tài Long (Hong Tsai-lung), một thành viên của Ủy ban Thương mại Công bằng Đài Loan, cho biết rằng khi so sánh hoạt động của phi cơ quân sự và chiến hạm của ĐCSTQ quanh Đài Loan với việc phê chuẩn hiệp định thương mại dịch vụ, thì ông nghĩ rằng việc phê chuẩn hiệp định nguy hiểm hơn bởi vì làm như vậy không khác nào Đài Loan đang mở rộng cửa cho một số lượng lớn nhân viên từ Trung Quốc cộng sản tiến vào, và hòn đảo này sẽ chịu ảnh hưởng to lớn hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Chung Nguyên
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times