Đài Loan chỉ trích ông Elon Musk vì nói họ là ‘một phần của Trung Quốc’
ĐCSTQ đã tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thực thi quyền lực đối với hòn đảo này.
Ông Elon Musk đã bị Bộ Ngoại giao Đài Loan chỉ trích gay gắt vì đã khẳng định rằng Đài Loan là “một phần không thể thiếu của Trung Quốc” và ví hòn đảo tự trị này như Hawaii của Trung Quốc.
Chính sách của Bắc Kinh “là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc,” ông nói trong một bài diễn thuyết được phát trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh Toàn diện ở Los Angeles đầu tuần này, đồng thời nói thêm rằng với tư cách là một người bên ngoài Trung Quốc, ông “hiểu rõ về Trung Quốc,” và đã gặp “ban lãnh đạo cao cấp ở nhiều cấp của Trung Quốc trong nhiều năm.”
“Theo quan điểm của họ, có lẽ hòn đảo này tương tự như Hawaii hoặc nơi nào đó tương tự như vậy, giống như một phần không thể thiếu của Trung Quốc mà lại không dễ tùy tiện trở thành một phần của Trung Quốc, chủ yếu là do Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã ngăn chặn bất kỳ nỗ lực thống nhất nào bằng vũ lực.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thực thi quyền lực đối với hòn đảo này. Hawaii, một lãnh thổ của Hoa Kỳ từ năm 1898, đã trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ vào năm 1959.
Bình luận về một đoạn clip bài diễn thuyết của ông Musk trên nền tảng mạng xã hội X của vị tỷ phú này, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cho biết ông hy vọng ông Musk “cũng có thể yêu cầu ĐCSTQ không cấm người dân của mình tiếp cận nền tảng X.”
“Nghe này, Đài Loan không phải là một phần của CHND Trung Hoa [và] chắc chắn không phải để đem ra mua bán!” ông Ngô cho biết, sử dụng từ viết tắt tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Jeff Li, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, cũng tỏ ra thẳng thừng một cách bất thường trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (14/09), nói rằng ông Musk đã và đang “xu nịnh Trung Quốc” trong khi phớt lờ tình trạng thiếu quyền tự do ngôn luận ở nước này.
Ông nói: “Chúng tôi không thể biết liệu ý chí tự do của ông Musk có được đem ra để mua bán hay không, nhưng Đài Loan không phải là để đem ra mua bán, đó là điều chắc chắn.”
Doanh nhân Musk là chủ sở hữu của công ty Tesla với một nhà máy lớn ở Thượng Hải. Ông đã đưa ra những nhận xét nói trên khi trả lời một câu hỏi về những thách thức đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên ông chọc giận Đài Loan. Tháng Mười năm ngoái, khi tuyên bố rằng xung đột ở Đài Loan là không thể tránh khỏi, ông Musk gợi ý rằng Đài Loan có thể giải quyết những căng thẳng xuyên eo biển bằng cách trao một số quyền kiểm soát cho đại lục và biến mình thành “một đặc khu hành chính.”
Bình luận này, dù nhận được sự khen ngợi từ chính quyền Trung Quốc, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ tương tự từ phía Đài Bắc. Hội đồng Hoạch định Chính sách Trung Quốc của Đài Loan, Hội đồng Các vấn đề Đại lục, nói rằng đề nghị của ông Musk xuất phát các lợi ích kinh doanh và tuyên bố rằng ông có thể đến thăm Đài Loan để “tìm hiểu về dân chủ, tự do, đổi mới, và phát triển” ở đây nơi mà, nước này cho biết, đã chứng tỏ sự trái ngược hoàn toàn với “hệ thống thị trường độc tài cùng sự cưỡng ép và đàn áp tàn nhẫn của Đảng Cộng sản.”
Trong mắt một số nhà quan sát, thì cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây rắc rối cho Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở Eo biển Đài Loan.
“Khi Trung Quốc đối mặt với các vấn đề kinh tế và dân số nghiêm trọng, thì ông Tập Cận Bình có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn, và có thể khó dự đoán hơn và có thể làm điều gì đó rất ngu ngốc,” Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch ủy ban đặc biệt của Hạ viện về cạnh tranh với Trung Quốc, nói tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York đầu tuần này.
Hôm thứ Hai (11/09), Bộ trưởng Không lực Frank Kendall nói tại Hội nghị chuyên đề về Chiến binh của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ rằng Trung Quốc đang xây dựng quân đội để sẵn sàng cho một cuộc chiến tiềm tàng với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh đã và đang tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo này trong ba năm qua. Hôm thứ Năm, Đài Loan thông báo có tổng cộng 68 chiến đấu cơ Trung Quốc và 10 tàu Trung Quốc ở gần lãnh thổ của mình. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, 40 phi cơ Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không phía tây nam hoặc đông nam của Đài Loan, vùng đệm bên ngoài không phận của Đài Loan.
Những cuộc xâm nhập quân sự trên diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc điều động đội hình hải quân do hàng không mẫu hạm Sơn Đông, hàng không mẫu hạm sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc, dẫn đầu đến khu vực cách Đài Loan khoảng 60 hải lý về phía đông nam khi trên đường tới các cuộc tập trận quân sự ở phía tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã và đang cố gắng kéo Đài Loan đi sâu hơn vào quỹ đạo kinh tế của mình.
Ngày 14/09, chính quyền này đã công bố các biện pháp nhằm biến Phúc Kiến, một tỉnh ven biển của Trung Quốc nằm đối diện với Đài Loan, thành một khu phát triển tổng hợp nơi mà các doanh nghiệp Đài Loan có thể dễ dàng tiếp cận hơn – một bước đi mà Đài Loan coi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm “lôi kéo” tiền của và tinh thần của người Đài Loan.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times