Đại công ty địa ốc Evergrande của Trung Quốc cùng người sáng lập bị phạt vì bê bối thổi phồng doanh thu
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ tác động đến những tranh đấu nội bộ trong hàng ngũ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đại tập đoàn địa ốc Evergrande của Trung Quốc, cùng người sáng lập của tập đoàn này, đã bị phạt sau những cáo buộc về việc thổi phồng doanh thu của mình một cách giả tạo thêm 78 tỷ USD trong hai năm trước khi tập đoàn này bị vỡ nợ.
Hình phạt được đưa ra 172 ngày sau khi ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), người sáng lập và là chủ tịch tập đoàn Evergrande, bị bắt giữ.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, tương lai của ông Hứa sẽ phụ thuộc vào việc liệu ông có thể tiết lộ những quan chức tham nhũng cấp cao đứng sau mình và tiết lộ thêm nhiều bê bối trong quá trình điều tra đang diễn ra hay không.
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán (SRC) của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đối với cả ông Hứa và ông Hạ Hải Quân (Xia Haijun), cựu chủ tịch của Evergrande, đồng thời phạt nặng mỗi ông lần lượt là 47 triệu nhân dân tệ (khoảng 6.5 triệu USD) và 15 triệu nhân dân tệ (khoảng 2.07 triệu USD). SRC cũng cấm hai người này tham gia thị trường chứng khoán Trung Quốc suốt đời.
Đồng thời, tập đoàn Evergrande đã bị phạt 4.175 tỷ nhân dân tệ (khoảng 577 triệu USD) vì gian lận phát hành trái phiếu, với số tiền gian lận chiếm 20% tổng nguồn tài chính. Các giám đốc điều hành khác bị phạt số tiền từ 200,000 nhân dân tệ (khoảng 27,600 USD) đến 9 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.24 triệu USD).
Đây là lần đầu tiên các nhà chức trách công khai cáo buộc gian lận tài chính đối với Evergrande kể từ khi ông Hứa bị bắt.
Thông báo của SRC cho biết Evergrande và các giám đốc điều hành của tập đoàn đoàn này, bao gồm ông Hứa Gia Ấn, bị nghi ngờ thực hiện ba hành vi phạm pháp chính: Thứ nhất, khai báo gian lận trong báo cáo tài chính thường niên năm 2019 và 2020 của Evergrande; thứ hai, việc Evergrande phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bị nghi ngờ là có gian lận; và thứ ba, Evergrande không công bố kịp thời các thông tin liên quan theo quy định.
Theo thông báo của SRC, trong năm 2019 và 2020, Evergrande đã thổi phồng doanh thu thêm 564 tỷ nhân dân tệ (khoảng 78 tỷ USD) nữa, bao gồm lượng doanh thu bị thổi phồng 350 tỷ nhân dân tệ (khoảng 48.4 tỷ USD) trong năm 2020, chiếm 78.5% thu nhập kinh doanh trong năm đó. Đồng thời, chi phí cũng bị thổi phồng lên 299 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41.3 tỷ USD), với lợi nhuận bị thổi phồng lên tới 51.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.1 tỷ USD), chiếm 86.9% tổng lợi nhuận trong năm. Vì vậy, gần 80% doanh thu Evergrande công bố trong năm 2020 là bịa đặt.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Hơn 560 tỷ nhân dân tệ doanh thu bị thổi phồng và bịa đặt tương đương với việc Evergrande tạo ra một mức doanh thu ảo còn lớn hơn cả Vạn Khoa.”
Theo báo cáo tài chính, doanh thu của nhà phát triển địa ốc Vạn Khoa là 503.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 69.6 tỷ USD) trong năm 2022.
SRC cũng phát hiện ra rằng Evergrande đã phát hành gian lận tổng cộng 20.8 tỷ nhân dân tệ trái phiếu dựa trên các báo cáo thường niên giả mạo trong năm 2019 và 2020.
Đằng sau Evergrande là các gia tộc thuộc giới tinh hoa của ĐCSTQ
Luật sư địa ốc Trung Quốc Từ Bân (Xu Bin, bí danh) nói với The Epoch Times hôm 23/03 rằng mức phạt áp dụng đối với ông Hứa là một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với rắc rối kinh tế nghiêm trọng.
Ông nói, “Chính quyền các cấp đã cạn sạch tiền. Chính quyền ông Tập Cận Bình quyết tâm giành quyền kiểm soát tài sản từ các doanh nghiệp tư nhân, chuyển gánh nặng nợ nần lên xã hội. Do đó, việc ông Hứa Gia Ấn bị cầm tù dường như là điều không thể tránh khỏi.”
Nhà bình luận thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming) tin rằng những hình phạt và mức phạt do SRC đưa ra chỉ là bước khởi đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lý cho biết, “Ông Hứa Gia Ấn và Evergrande có thể sẽ theo chân ông Trần Phong (Chen Feng) của HNA. Liệu ông Hứa Gia Ấn có thể bảo toàn mạng sống hay không và án tù của ông sẽ kéo dài bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào việc ông ấy có thể giao ra bao nhiêu ‘tiền đen’ và liệu ông ấy có thể tiết lộ vô số quan chức tham nhũng cấp quốc gia và các gia tộc quyền quý phía sau mình hay không.”
Ông còn nêu thêm rằng ông Hứa không phải là một doanh nhân tư nhân bình thường. Với mối quan hệ chặt chẽ với gia đình ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) và ông Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), ông Hứa cũng từng là “găng tay trắng” cho một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong các quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ở Trung Quốc, “găng tay trắng” là thuật ngữ chỉ những người trung gian tiến hành hoạt động kinh doanh với sự hậu thuẫn của giới quan chức cấp cao bên trong ĐCSTQ. Những người găng tay trắng này “làm công việc bẩn thỉu”, cho phép các quan chức ĐCSTQ giữ tay họ sạch sẽ.
Ông Lý nói, “Các quan chức đằng sau hậu trường của ĐCSTQ đã thao túng hệ thống ngân hàng và hành chính để kiếm được khối tài sản kếch xù trên thị trường địa ốc. Cuộc khủng hoảng Evergrande không chỉ phản ánh cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc Trung Quốc mà còn phản ánh các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ và sự xáo trộn các mạng lưới lợi ích ‘đen’ trong giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ.”
“Vì vậy, hướng đi của cuộc khủng hoảng Evergrande cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy những xung đột nội bộ trong hàng ngũ cấp cao của ĐCSTQ.”
Khoản nợ to lớn
Có trụ sở chính tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, tập đoàn Evergrande được ông Hứa thành lập vào năm 1996. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này là phát triển địa ốc, và Evergrande là một trong những nhà phát triển địa ốc lớn nhất tại Trung Quốc, với các dự án tại hơn 200 thành phố ở Trung Quốc. Năm 2021, China Evergrande Group đã xếp thứ 122 trong danh sách Fortune 500.
Dựa vào doanh thu tăng cao để vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, Evergrande đã sử dụng số tiền đi vay để mở rộng hoạt động kinh doanh với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, hoạt động có đòn bẩy vay nợ cao như vậy là không bền vững. Năm 2021, khoản nợ hết sức to lớn của Evergrande đã bùng nổ, khiến thị trường toàn cầu lo ngại.
Truyền thông Trung Quốc ước tính Evergrande đã để lại 1.62 triệu tòa nhà dang dở liên quan đến 6 triệu người mua. Ở Trung Quốc, người mua nhà mới phải trả tiền đặt cọc trước và chịu gánh nặng về các khoản thanh toán vay nợ mua nhà ngay cả trước khi họ được sở hữu nhà mới.
Báo cáo tài chính của Evergrande cho thấy tính đến ngày 30/06/2023, tổng nợ phải trả của tập đoàn này là 2.39 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 330.6 triệu USD), tổng tài sản là 1.74 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 240.6 triệu USD), và tài sản ròng là âm 644.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 89.1 tỷ USD).
Trên thực tế, hơn một thập niên trước, nhà bán khống Andrew Left, người sáng lập Citron Research, đã công bố một báo cáo hồi tháng 06/2012 nói rằng Evergrande đã sử dụng “kế toán gian lận, bơm thổi” và trên thực tế đã không còn khả năng thanh toán nữa rồi.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Citron, bên kiểm toán độc lập của Evergrande, PwC, vẫn cung cấp báo cáo kiểm toán sạch cho những thông tin tài chính của Evergrande.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times